Trang

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Người thổi kèn lá dứa



  NGUYỄN QUANG THIỀU
Không hoàng hôn nào tóc chị ngớt bay dọc triền sông Đáy quê tôi. Đây không phải là sự lãng mạn của một nhà văn. Đây là cảm xúc đầy tính hiện thực của một người đàn ông trong suốt ba mươi tám năm nay. Đã nhiều lần tôi có ý định giành ra một thời gian để đi tìm quê chị. Tôi muốn được thắp một nén hương trước mộ chị, được nói một câu mà suốt từng ấy năm tôi đã không nói được. Nhưng tôi vẫn chưa làm được việc đó. Công việc cứ cuốn tôi đi như dòng nước lớn cuốn một cánh lục bình bé nhỏ. Để có những chiều tôi cảm thấy buồn và xấu hổ về ý định chưa thực hiện được của mình.

Chị xuất hiện trước tôi trong một chiều mưa dầm. Đó là ngày chị nhập học năm thứ nhất Khoa lý, Đại học Sư phạm Hà nội. Ngày đó các trường đại học đều sơ tán về các vùng quê bởi Mỹ ném bom miền Bắc. Chị được bố trí trọ học ở nhà tôi. Năm đó chị 17 tuổi. Chị đứng trước hiên nhà tôi người đẫm nước

mưa, tay xách chiếc rương gỗ nhỏ đựng tư trang. Chị mỉm cười nhìn tôi và nói : “ Chào em”. Hình ảnh ấy là hình ảnh duy nhất tôi nhìn thấy từ đó đến nay có khả năng làm cho thời gian trong tôi hồi phục một cách trọn vẹn. Mọi thứ đều thay đổi. Nhưng một cô gái thôn quê giản dị đứng trong mưa mỉm cười với tôi mãi mãi đẹp như một cơn mơ. Năm đó tôi bắt đầu vào học lớp 5 trường làng. Vào lớp 5, học sinh phải làm một bài tập làm văn có ba phần : mở bài, thân bài và kết luận. Tôi không hiểu vì sao tôi lại có thể trở thành nhà văn khi mà ngày ấy tôi không sao phân biệt được đâu là mở bài và đâu là kết luận. Tối tối chị vẫn kiên nhẫn dạy tôi học. Nhưng cứ khi bắt tay vào bài tập làm văn tôi lại không nhớ gì nữa. Tôi hoàn toàn lẫn lộn giữa mở bài và kết luận. 

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Các nhà thơ phá rừng


ĐỪNG PHÁ RỪNG NỮA, HỠI CÁC NHÀ THƠ!

A SÁNG

Văn chương không phải của riêng ai, tất cả những ai khát khao vươn tới Chân - Thiện - Mỹ đều có quyền tìm đến văn chương. Nhưng hãy biết tôn trọng chính mình khi ngồi xuống bàn viết. Vì khi đó, bạn đang “bóc vỏ” mình ra trong một thế giới lớn lao - thế giới tinh thần với hàng triệu con mắt đang dõi vào bạn… Mà kể cả như thế, chưa chắc bạn đã chạm tới văn chương. Thế đấy!... 
Người ta cứ phàn nàn rằng, bây giờ văn hóa đọc bị xuống cấp, đặc biệt là sách văn học. Rồi người ta cũng đưa ra nhiều nguyên nhân, đại loại như: sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại hình giải trí khác; cuộc sống hiện đại quá bận rộn nên ít thì giờ đọc… Và cuối cùng là sự xuất hiện quá nhiều sách - những cuốn sách văn học vô giá trị cứ ầm ầm ào ào xuất hiện làm “nhiễu sóng”, hay “tàn phá” một cách không thương tiếc khu vườn văn chương vốn dĩ được coi là nơi bồi bổ cho tâm hồn con người. 
Từ những nguyên nhân kể trên, tôi thấy cái nguyên nhân cuối cùng là chính xác nhất. Nói cho rõ hơn, những cuốn sách sáng tác văn chương vô bổ, thậm chí phản cảm ấy ra đời quá nhanh và quá nhiều cùng những chiêu PR của giới truyền thông đã làm người đọc bị choáng, bị lừa, bị xúc phạm… Vậy, nguyên nhân cuối cùng vẫn tại những người sinh ra chúng - những người vẫn tự coi mình là nhà văn, nhà thơ, nhà gì gì đó ấy. Bây giờ cơ chế xuất bản rất thông thoáng, bất cứ ai cũng có thể xuất bản sách cho mình. Tất nhiên, không vi phạm pháp luật là được. 

Hịch giáo dục của giáo sư Hoàng Tụy


GS HOÀNG TỤY
Bài phát biểu tại lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2010, tại TP HCM
Thật là vinh dự lớn cho một người làm khoa học bình thường như tôi được nhận giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh cao quý. Vinh dự lớn trước hết vì giải thưởng gắn liền với tên tuổi một nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc, một sĩ phu thuộc lớp cựu học nhưng đã thoát ra khỏi những quan niệm giáo dục phong kiến cổ hủ đương thời, khởi xướng đường lối canh tân văn hoá, giáo dục để cứu nước: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Vinh dự lớn còn là không phải giải thưởng hay huân chương trong hệ thống hành chính Nhà Nước mà là giải thưởng được trao cho bởi một tổ chức xã hội dân sự, với ý nghĩa cao quý thúc đẩy sự nghiệp văn hoá giáo dục của nước nhà theo tinh thần khai sáng của nhà ái quốc vĩ đại.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

10 bài thơ hay của Thái Bình


10 BÀI THƠ HAY CỦA THÁI BÌNH

Thái bình có hàng trăm cây bút thơ. Có rất nhiều người sinh ra hoặc trưởng thành ở đất Thái Bình hiện đã thành nhà thơ được cả nước biết đến như: Trần Anh Thái, Kim Chuông, Đặng Hấn, Đàm Chu Văn, Bùi Hoàng Tám... nhưng hiện nay không sinh sống tại quê hương.
 Nhân hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, tôi thử làm một việc chọn 10 bài thơ hay của các tác giả hiện đang làm việc và sinh sống tại Thái Bình. Người viết thì nhiều và thơ được viết ra trong 40 mươi năm thì vô cùng vô tận. Nhưng bắt tay vào tìm lấy 10 bài thơ mà mình cho là hay thật khó, bởi những bài thơ trội hẳn lên để bạn đọc cả nước phải nhớ đến, nhắc đến rất ít cho nên việc chọn cho đủ 10 bài thơ dưới đây cũng là việc làm “chọn bó đũa lấy cột cờ”, chứ chỉ riêng chuyện thế nào là thơ hay thiên hạ còn cãi nhau hàng ngàn năm nay vẫn chưa ngã ngũ kia mà. N.L.