Trang

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

BO DOI THAI BINH


BỘ ĐỘI THÁI BÌNH.

          Tôi cũng như rất nhiều công dân Việt lớp người độ tuổi từ 50 – 70 hầu như ai cũng trải qua quân ngũ cầm súng đánh giặc nên sự trân trọng những người lính nó tự nhiên như trân trọng quá khứ đẹp đẽ của đời người. Nhưng qua vụ cán bộ chiến sỹ bộ đội Hải Phòng vừa qua tham gia cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã làm tôi thất vọng. Mà không chỉ riêng tôi, qua báo chí và ý kiến của nhiều người cho thấy việc làm trên của bộ đội Hải Phòng đã làm méo mó đi hình ảnh của người chiến sỹ quân đội nhân dân xưa nay vẫn được dân tin, dân mến. Tôi chợt nhớ lại những chuyện về bộ đội Thái Bình cách đây hơn chục năm trước, ngày địa phương đang mất ổn định trầm trọng trên địa bàn cả tỉnh.
          Thời điểm những năm 1997 – 1998 khắp làng quê Thái Bình sôi sục bất bình với các cấp chính quyền. Tình trạng khiếu kiện tràn lan và gay gắt xảy ra ở mọi nơi, mọi cấp với đủ các hình thức: khiếu kiện đông người, khiếu kiện liên miên , khiếu kiện vượt cấp... Nhiều nơi đã xảy ra đụng độ, hỗn chiến giữa dân và chính quyền, giữa dân với công an và cả giữa dân với dân. Có nơi dân quá khích còn dùng vũ khí bao vây uỷ ban, thu con dấu sổ sách của chính quyền xã, bắt giữ cán bộ, giam giữ công an. Rồi  chặn đường giao thông không cho người lạ, xe lạ đi vào địa phận làng xã... Trong tình hình náo loạn của cả Tỉnh như vậy tất nhiên bộ đội Thái Bình không đứng ngoài cuộc. Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh ngày ấy đã có những ứng sử vừa kịp thời vừa sáng suốt và đúng mực là đưa bộ đội về làng.
          Hơn 1.200 người lính Thái Bình ngày ấy đã đeo ba lô về các làng xã. Họ không mang theo vũ khí để trấn áp các cuộc nổi loạn, bạo động của dân mà xuống với dân theo theo tiếng giọi của lương tâm thực sự của người lính. Xuống để thấu hiểu thực tế, mong góp phần cùng dân và chính quyền sớm ổn định được tình hình, các mâu thuẫn ở nông thôn nhanh chóng được giải quyết với phương châm “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”.
          Từng tốp bộ đội về làng đã  phân chia nhau về tận các gia đình ăn ngủ với dân, gặp gỡ tiếp cận với các đầu đơn rồi tổ chức giao tiếp, đối thoại trực tiếp và công khai với bà con khiếu kiện. Một mặt vừa đón nhận những chất vấn của dân, vừa ôn hoà giải thích pháp luật, chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước cho dân hiểu. Hướng người dân đấu tranh theo phương pháp ôn hoà để chống tham nhũng và giải quyết những mâu thuẫn bức bách ở cơ sở. Đồng thời theo dõi và phát hiện những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương những biện pháp giải quyết đúng đắn, tránh đụng độ hay hành sử thô bạo, tránh trấn áp những cuộc dân bất bình bạo loạn.
          Đặc biệt với các đối tượng đầu đơn quá khích hay “cứng đầu”, các anh không ngại gặp trực tiếp mà còn mời đến tận uỷ ban xã đấu khẩu, đấu lý và tự do tranh luận với cán bộ địa phương và tổ công tác. Một mặt vừa thân tình khuyên răn vừa lấy luật pháp để ràng buộc uốn nắn, răn đe ngăn chặn những việc làm xấu... Những việc làm của bộ đội Thái Bình ngày ấy đã làm chỗ tựa cho dân. Người dân nhìn người lính thấy vẫn công tâm, vẫn vì dân mà nghe theo bộ đội và tin vào Đảng, tin vào chế độ vẫn còn tốt đẹp. Sự ổn định của Tỉnh vì vậy dần dần được trở lại.  
          Tình hình Thái Bình ngày ấy có thể ví như đám cháy đã âm ỷ khắp cả tỉnh. Trong đó rất nhiều “điểm nóng” đã bùng lên những ngọn lửa. Nếu bộ đội Thái Bình không xác định rõ chức năng là bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân mà lại đem súng ống về tham gia dẹp loạn thì cả tỉnh sẽ thành chảo lửa và máu của dân cũng như của những người thi hành công vụ sẽ đổ và lan rộng không biết đến đâu.
          Trở lại với vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, sự uất ức của một vài gia đình có đầm bãi bị thu hồi nó mới chỉ như một đốm than hồng. Nhưng chính quyền các cấp ở Hải Phòng đã sử sự sai, dùng lực lượng công an có vũ khí để tấn công vào dân, nhất là sự có mặt của bộ đội Hải Phòng là sự đổ thêm dầu vào lửa làm bùng lên đám cháy “Đoàn Văn Vươn” gây rát bỏng khắp cả nước.
Tôi còn được biết sau sự kiện năm 1997, ở Thái Bình còn sảy ra một số vụ bạo loạn của dân ở một số làng xã. Đã có lần có đồng chí lãnh đạo Tỉnh do suy nghĩ chưa thấu đáo vẫn huy động bộ đội Thái Bình đi thi hành công vụ, nhưng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh đội đã không điều quân tham gia. Vì các anh luôn tỉnh táo và hiểu rất rõ nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ nhân dân của mình. Và tôi cứ tự hỏi tại sao bộ đội Hải phòng lại không biết điều đó để gây nên sự kiện Tiên Lãng đáng nhẽ không có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét