Trang

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

MẶT TRĂNG VÀ MẶT ĐẤT

(Nghĩ từ liên hoan thơ quốc tế Việt Nam lần thứ nhất)

PHẠM XUÂN NGUYÊN


1. Tôi nhìn thấy mặt trăng đúng rằm nguyên tiêu Nhâm Thìn ngay khi vừa bước chân ra khỏi hội trường lớn của khách sạn Dawooh (Hà Nội), nơi diễn ra lễ bế mạc Liên hoan thơ quốc tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ mười. Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên... Bài thơ của Hồ Chí Minh viết năm 1948 giữa rừng Việt Bắc đã tạo cảm hứng cho Hội Nhà văn Việt Nam mở Ngày thơ Việt Nam trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2003. Năm nay, lần thứ mười Ngày thơ, có thêm hơn tám mươi các nhà thơ từ hơn hai mươi lăm nước đến cùng chung vui, chia sẻ. Đó là thêm một nét đẹp, cái hay của thơ. Các nhà thơ Việt Nam và thế giới đã có một tuần cùng nhau hội thảo, trao đổi, vui chơi trong bầu không khí thi ca hữu nghị giữa trời biển Hạ Long, trên sân Văn Miếu, tại làng gốm Bát Tràng, ở mái chùa Tây Phương. Thơ đã được cất lên bằng nhiều thứ tiếng, trong nhiều cách dịch, qua nhiều giọng đọc, nhưng đều chung một khát vọng sự sống và tình yêu cho con người, cho hành tinh. Mặt trăng tròn là viên mãn của một tình yêu.



2. Nhà thơ nữ Nhật Bản Yuka Tsukagoshi mang đến Liên hoan một tham luận nhan đề “Crossing Border through Poetry” (“Vượt biên qua thơ”). Là thi nhân đến Việt Nam sau thảm họa sóng thần 11/3/2011 xảy đến cho nước mình, Tsukagoshi, với tư cách nhà thơ và dịch giả, hiểu rõ rằng chỉ có thơ ca mới kết nối được trái tim của mọi người ở đây và bây giờ, dù khác nhau châu lục và màu da. Tôi chợt có một liên tưởng: ngày 11/9/2001, bọn khủng bố tấn công tòa tháp đôi ở New York (Mỹ); ngày 11/3/2011, thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản. Hai biến cố có cùng thời điểm ngày 11, ở vào hai tháng có ước số với nhau, và cách nhau mười năm. Ngẫu nhiên chăng? Có thể. Nhưng không ngẫu nhiên là tâm trí, tâm thức và tâm cảm con người đã phải thay đổi sau hai cái ngày 11 ấy. Sau ngày 11/9, thế giới không còn như cũ được nữa. Sau ngày 11/3 Nhật Bản không còn như cũ được nữa. Mượn cách nói của Adorno “Sau Auschwitz, không còn có thể viết những bài thơ nữa”, người ta có thể nghĩ sau 11/9 và 11/3, viết thơ đã phải khác. Mặt đất còn nhiều những ngổn ngang buộc thơ không thể chỉ véo von.

3.
 Một tham luận nhận được nhiều chia sẻ của các nhà thơ Việt Nam là bài viết của nhà thơ Indonesia Rida K. Liamsi “We are poetry” (“Chúng ta là thơ ca”). Đoạn đầu bài viết này gây ấn tượng mạnh: “The pen said, I’m the king of the world. Many works of sword can done by the words, but not all of words work can be done by the sword. Hundreds of swords already unsheathed only with one word the sword can be sheathed” (“Cây bút nói, Tôi là vua của thế giới. Nhiều công việc của thanh kiếm thì ngôn từ có thể làm, nhưng không phải mọi việc làm của ngôn từ thì thanh kiếm có thể thực hiện. Hàng trăm thanh kiếm đã được rút ra nhưng chỉ với một từ thôi thanh kiếm lại có thể được cắm vào bao.”) Và đoạn cuối bài viết, ước vọng của tác giả là chung của mọi thi nhân: “We’re WORD. We’re POETRY. We write poetry as literary work, because we hope someone read can it, every where, every time, and with poetry we exist to remind the world with our low voice, about hope: Togetherness and Solidarity.” (“Chúng ta là NGÔN TỪ. Chúng ta là THƠ CA. Chúng ta viết thơ như một tác phẩm văn học, bởi vì chúng ta hy vọng có ai đó sẽ đọc nó, mọi nơi, mọi lúc, và với thơ chúng ta tồn tại để nhắc nhở thế giới bằng giọng trầm của mình về hy vọng: Hợp Quần và Đoàn Kết.”) Trong một thế giới ngày càng trở nên mong manh và bây trắc như hiện giờ, tiếng thơ yếu ớt nhưng lại là nơi trú ẩn và chỗ bấu víu của con người, sau tất cả những phương tiện nghĩ là có thể cứu vớt được nhân loại khỏi mọi thảm họa.

4. Thực sự, thơ có thể làm được gì cho con người trong thế giới này? Và cụ thể hơn, thơ với Ngày thơ Việt Nam và Liên hoan thơ quốc tế này, có thể làm được gì cho con người Việt Nam và con người sống trên một lãnh thổ mang tên Việt Nam? Câu hỏi không được chính thức đặt ra tại những ngày vui thơ, dù ở Hạ Long hay ở Thăng Long. Nhưng câu hỏi đã được nêu ra trong những bàn luận của người thơ và người yêu thơ ở bên lề Liên hoan, ở các cuộc vui bên ngoài. Nỗi khổ của nhân sinh, thơ có quay mặt? Nỗi đau của dân sinh, thơ có nhắm mắt? Sao trước những sự kiện bức xúc của đời sống, thơ không lên tiếng, thơ lặng câm? Những bài thơ cất lên ở các dạ hội, đêm thơ, ngay cả của các nhà thơ Việt, hình như vẫn ở bên ngoài thời sự của cuộc sống hôm nay của người dân? Có thể không phải là như thế, nhưng hình như là thế. Nhà thơ Mỹ Mary Croy trong bài tham luận của mình đã nhắc đến một bài thơ của một nhà thơ đồng hương đã đến Việt Nam trong những năm chiên tranh. Bài thơ mang tên” Flying to Hanoi” (“Bay đến Hà Nội”), trong đó có câu “I thought I was going to the inventores of peace, but I’am going to the poets. My life is flying to your life” (“Tôi nghĩ mình đang đi đến những người kiến tạo hòa bình, nhưng tôi lại đang đi đến các nhà thơ. Cuộc đời tôi đang bay tới cuộc đời bạn”). Thơ là thế, nhà thơ sống cuộc đời người khác, cuộc đời nhân dân mình, cuộc đời đồng loại. Nhớ câu thơ Xuân Diệu “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi / Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu”. Thơ bay lên vòm trời cảm xúc nhà thơ, nhưng bắt rễ từ mặt đất cần lao của người dân thường.

5. Ngày thơ lần thứ mười đã qua. Liên hoan thơ quốc tế Việt Nam lần thứ nhất đã kết thúc. Những hoạt động này rất cần thiết và bổ ích. Vui nữa, cho cả người làm thơ và người yêu thơ. Nhưng khi trở lại cuộc sống thường nhật, khi thơ không chỉ là đọc để cho vui, thì thơ Việt cần gì từ những hoạt động này. Cần một sự hòa đồng ở tầm cao trí tuệ với nhân loại. Cần một sự thức tỉnh ở ý thức công dân của người thơ. Trong đêm thơ ở Hạ Long, trong khuôn khổ Liên hoan, nhà thơ Nguyễn Duy lên sân khấu đọc bài thơ “Đá ơi...” thì phần dịch tiếng Anh đã không được xướng lên, như với các nhà thơ khác và những bài thơ khác đọc trong đêm đó, mặc dù phần dịch tiếng Anh bài thơ này đã có trong kỷ yếu hội thảo. Tôi nghĩ, các nhà thơ quốc tế nghe một nhà thơ Việt Nam giãi bày suy tưởng của mình như Nguyễn Duy ở bài “Đá ơi...” sẽ rất đồng cảm, và càng hiểu sâu sắc vì sao dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình.

6. Như thế, thơ vừa là mặt trăng vừa là mặt đất. Nói như nhà thơ Anh Joel Arnstein tại Liên hoan, “Poetry can give us the pleasure of other’s joy and, even in expressions of their grief, it can give us the reassurance that we’re all joined together by common feelings” (“Thơ có thể cho ta vui cái vui người khác, đau cái đau người khác, và do đó khiến ta thấy mình được gắn kết với nhau bằng những tình cảm chung”). Hy vọng, còn gì hơn là hy vọng, thơ Việt Nam sẽ đưa cho thế giới những cảm xúc riêng mang tính toàn cầu về muôn mặt đời sống con người, từ những bài thơ mang đậm bản sắc của nhà thơ.

                                                               Hà Nội rằm Giêng Nhâm Thìn 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét