Trang

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

CỐ NHÀ THƠ NGUYỄN BÙI VỢI BÌNH BÀI THƠ THƯỜNG DÂN


LỜI BÌNH BÀI THƠ THƯỜNG DÂN
CỦA CỐ NHÀ THO NGUYỄN BÙI VỢI:

          Tôi có quen dăm Nhà thơ và vài chục người làm thơ ở Thái Bình nhưng không biết Nguyễn Long là ai mà viết được bài thơ... đáo để thế này. Bài thơ nói về thân phận và cốt cách của người thường dân.
          Hai câu mở đầu rất chính xác, thông minh và hóm: Đông thì chật, ít thì thưa/ chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân. Cán bộ, công nhân viên trong cơ quan nhà nước thì còn có lúc thiếu, lúc thừa. Thiếu thì tuyển thêm, thừa thì giảm biên, định biên, còn cái anh thường dân thì chẳng bao giờ thừa! Đông nhất trong đám thường dân ấy là nông dân: Quanh năm chân đát đầu trần/ tác tao sau những vũ vần bão giông/ khi làm cây mác cây chông/ khi thành biển cả, khi không là gì. Tác tao là một từ dùng ép. Tác giả muốn nói ý tao tác nhưng dùng chữ tao tác thì thanh điệu của câu thơ hỏng hẳn, nhưng bỏ hình thức để giữ lấy một nội dung thật chính xác: Khi làm cây mác, cây chông/ khi thành biển cả, khi không là gì.

          Khi chiến tranh xảy ra,  lực lượng đông đảo nhất xông ra tuyền tuyến là nông dân. Họ tự nguyện làm cây mác cây chông bảo vệ Tổ quốc, thắng giặc rồi họ lại về cày cuốc làm ăn, đổ mồ hôi nơi đồng ruộng, tự quên những chiến công của mình đi để lao vào mặt trận chống đói nghèo - một mặt trận không có tiếng súng nhưng rất nhiều gian lao.
          Nguyễn Long đã nắm rất vững thân phận người nông dân, hiểu sự biến chuyển biện chứng của cuộc đời khi “hạ” câu thơ ngọt như lưỡi lam: Khi thành biển cả, khi không là gì. Rồi tác giả bình luận: Thấp cao đâu có làm chi/ cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi. Xưa nay người ta thường ví đời sống của người dân thường như sức sống của cỏ. Đã là cỏ thì có tính gì thấp cao, mà chỉ biết: Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi. Cặp lục bát này tuy ý mượn nhưng lời hay, biết thân biết phận nhưng có chút oán thoán... chấp nhận được.
          Cỏ và người nông dân ở cặp lục bát tiếp theo đã hoà làm một. Cỏ thì: Ăn của đất, uống của trời. Người nông dân thì: Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin. Đó là một niền tin chân thành, không vụ lợi mà người nông dân đã hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của đất nước..     Câu thơ tiếp theo thật tâm trạng: Ồn ào mà vẫn lặng im/ mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn. Vâng, người nông dân chẳng quan tâm gì đến việc ấy. Họ biết cả, thấy cả. Họ chỉ có một ao ước lành mạnh và đơn giản (mà không đơn giản chút nào): Chỉ mong ấm áo no cơm/ chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành. Câu kết nâng bài thơ lên, khẳng định sức sống bất diệt của thường dân, muốn được làm thường dân cũng phải thoát khỏi bao nhiêu sự cám dỗ, phải vô tư mấy kiếp mới thành cơ đấy!
          Bài thơ đi chênh vênh trên một sợi dây mỏng mảnh, không có bản lĩnh vững vàng, tinh thần vững vàng là... tan xương nát thịt. Bài thơ không có gì tài hoa về câu chữ, nhưng sự từng trải, sự chiêm nghiệm việc đời một cách sòng phẳng đã cho tác giả một bài thơ thú vị, chắc chắn có sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc.
                  
(Báo Nông nghiệp Việt Nam số 138 (1432) ngày 30/7/2002)

1 nhận xét:

  1. Rứa mà lâu nay rộ lên phong trào lấy Nhân dân gắn vào danh hiệu cho nào là nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc v.v... mà chẳng hỏi hay xin phép Nhân dân lấy một tiếng gọi là. Thật tùy tiện đến to gan.

    Trả lờiXóa