Trang

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

BÓNG THIỀN


                                      Truyện ngắn của NGUYỄN LONG
   Thầy Phụng đứng ở ngã ba làng Yên tần ngần mãi không biết nên về đâu. Sáng nay đi xe ôm ở ban Dân tộc tôn giáo tỉnh về trụ sở uỷ ban xã, thầy định làm việc xong về thẳng chùa chứ không rẽ vào đâu. Nhưng chùa làng Yên từ ngày sư Ngọc mất chưa có người trụ trì, xã phải giao cho hội các cụ ở làng trông nom. Ông hội trưởng giữ chìa khoá đi chơi xa chưa về nên không thể nhận bàn giao. Bộ quần áo nhà chùa làm thầy Phụng trở thành kẻ lạc lõng giữa dòng người nhộn nhịp. Những năm dạy học, làng Yên nhiều người quen biết thầy, xong đám học sinh tan trường và người đi làm đi chợ về không ai nhận ra thầy trong bộ diện tu hành. Lưỡng lự một lúc thầy quyết định đi về phía trường cũ nhưng không vào cổng mà rẽ vào ngã nhà bà Hạ gần đó.

   Thầy đến làng Yên lần đầu cách đây đã gần bốn mươi năm. Ngày ấy đang chiến tranh phá hoại, bom đạn còn ùng oàng khắp mọi nơi. Trường cấp ba huyện vừa tách ra làm hai. Khu trường Bắc mới chuyển về chỉ có vài mái rạ mới dựng. Sân trường vẫn là bãi đất lổn nhổn. Hàng  bàng non mới trồng không cao quá đầu gối chưa kịp đâm búp. Buổi sáng thầy lọc cọc đạp xe đèo chiếc va li cũ từ thành phố Nam Định sang vừa đi vừa hỏi thăm gần trưa mới tìm được tới làng. Thầy hiệu trưởng xem xong giấy tờ, bảo: "Nhà trường mới về đây mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. Các thầy cô giáo vẫn phải ở nhà dân, bếp ăn tập thể còn nhờ nhà cô Hạ. Bây giờ cũng muộn rồi, đồng chí sang đó xem còn cơm nước gì không, chiều sẽ tính đến chuyện ở. Nhà cô Hạ đi lối tắt qua vườn trường kia kìa''. Phụng đi theo lối chỉ. Nhà Hạ trước đây ở bìa làng. Từ ngày trường dựng ở khu ruộng cạnh nhà nên có lối thông sang khu lớp học. Phụng còn đang ngập ngừng trước căn nhà ba gian lợp ngói xi măng, trước cửa có chiếc lán ăn dựng tạm đã vắng người, không biết nên vào hay quay ra thì người đàn bà trẻ từ trong bếp bước ra trông thấy gọi: ''Có phải thầy giáo mới về không? Mời thầy vào trong này". Phụng còn đang lúng túng chưa biết nên xưng hô thế nào thì người ấy đã đon đả: "Thầy giáo về giờ này chắc chưa ăn cơm. Nhà trường mới nhờ em làm cấp dưỡng. Có gần hai chục thầy cô vừa ăn xong cả rồi. Thầy về muộn không kịp báo cơm tập thể, nhưng mẹ con em cũng chưa ăn. Thầy ra giếng rửa chân tay rồi vào nhà nghỉ tạm, em đặt thêm tí cơm đợi cháu Thắng về rồi cùng ăn".

BẾN LƯU GIA


Truyện ngắn của Nguyễn Long

    
         
Cầm lời mời của Trung An Vương từ mấy tháng trước, cuối mùa đông năm Quý Tỵ hiệu Hưng Long vào tháng chạp ngày ông Táo lên trời, đoàn du thuyền của Trần Quang Khải theo dòng Nhị Hà hơớng về bến Lưu Gia. Đang là mùa nước trong, dòng cạn, gió đông bắc cuối năm phần phật thổi thuyền không cần người chèo cứ căng buồm lướt nước mà đi. Lá cờ đỏ tua vàng thêu bốn chữ  Thượng tướng Thái Sư còn hằn nếp gấp lâu ngày phấp phơ tung bay trên sóng. Trần Quang Khải chân đi dày vải, mặc đồ tơ tằm thô dày, khoác áo choàng gai, khăn the quấn kín cổ đứng ở mạn thuyền ngắm sông nước. Cái bóng cao gầy, mái đầu trần tóc bạc trắng của ông hoà vào sương khói dòng sông. Thuyền chạy từ trang ấp Phúc Hưng độ hai giờ đã tới cửa Hải Triều. Nơi ngã ba, lòng sông trải rộng ra như cửa bể. Thái sư bồi hồi nhớ lại chính ở nơi này năm ất Dậu, ông hộ giá hai vua qua đây vào lúc nửa đêm, chẳng may một chiến thuyền bị hoả hoạn. Giữa lúc quân gia hoảng loạn tưởng giặc đánh đến nơi thì chính phi Phụng Dương vẫn bình tĩnh vào đánh thức rồi đưa cho ông áo giáp, kiếm, lá mộc che tên... Mới đó mà đã gần chục năm rồi… Đang mải suy nghĩ nên thứ phi An Thuyên ra đứng cạnh ông lúc nào không hay. Giọng thứ phi nhỏ nhẹ: "Thưa Thái sư, còn một đoạn nữa là tới Lưu Gia độ, mời Thái sư thay áo. Bộ triều phục thiếp đã sắp sẵn trong thuyền". Trần Quang Khải cười thân mật: "Ta về Lưu Gia lần này ăn giỗ nhạc phụ và thăm Trung An Vương chứ có phải việc triều chính đâu mà cần sắc phục. Mà ta đã dặn nàng nhiều lần rồi, ở nhà cứ gọi ta là Minh Vương chứ cần gì lúc nào cũng phép tắc. Ta về nơi Phong ấp đã mấy năm rồi". An Thuyên cúi đầu nhận lỗi "Dạ... Thiếp gọi theo chính phi quen rồi nên khó sửa lại được". Nghe nàng nhắc tới Phụng Dương, ông lại nhớ, bà mất thế mà đã được hơn 3 năm. Cái nếp nhà và cách ăn làm do bà rèn dạy, cắt đặt vẫn còn nguyên đâu vào đấy. Một thoáng buồn hiện nên khuôn mặt ông.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Ai là tác giả bài thơ Muối dưa


AI LÀ TÁC GIẢ BÀI THƠ MUỐI DƯA
NGUYỄN LONG
Bài thơ lục bát Muối dưa của tác giả Phạm Hồng Oanh, một cô giáo và là hội viên hội VHNT Thái Bình đã được giải thưởng của Tác phẩm tuổi xanh (báo Tiền Phong), năm 1993, cách đây đã 18 năm. Rồi bài thơ lại được tuyển chọn in ở nhiều tập thơ lớn như: Tuyển thơ lục bát Việt Nam (đã tái bản hai lần), Lục bát tình, Thơ tình bốn phương... cách đây cũng đã ngoài 10 năm. Mọi sự đã thành hiển nhiên.Nhưng mới đây, tôi đọc trên trang web của nhà thơ Tô Ngọc Thạch (tongocthach.vn) thấy có bài viết Lại chuyện loằng ngoằng bài thơ Muối dưa. Bài viết đưa ra việc có một số người nói bài thơ này không phải của tác giả Phạm Hồng Oanh (Thái Bình), mà là của một cô giáo VTKD nào đó viết tặng bạn từ năm 1986. Tôi rất bất ngờ về chuyện này, vì bây giờ thật giả lẫn lộn không biết đâu là đúng sai nên khó phân giải. Tôi chỉ tự hỏi và suy luận như sau:
    -
Tại sao cô giáo VTKD, người nhận là tác giả bài thơ Muối dưa bị người khác ăn cắp mà gần 20 chục năm nay không đòi lại, bây giờ  mới kêu ca, than thở?   
   - Và, nếu một người viết được bài thơ hay, ý tứ sắc sảo như bài Muối dưa thì chắc chắn sẽ có nhiều bài thơ tương tự như giọng điệu ấy. Tôi không biết cô giáo VTKV người nhận là tác giả bài thơ Tươi cái héo, mất cái còn là ai, nhưng tôi biết thơ của tác giả Phạm Hồng Oanh. Ngoài bài thơ Muối dưa, chị còn có một số bài khá hay giọng điệu cũng sắc sảo tương tự như: bài Mỗi ngày, với những câu : Lời cho không thật ngọt ngào/ nên câu nói dối lúc nào cũng xanh. Hay bài Gửi người một thuở đã đăng trên tạp chí VNQĐ có câu: Ngỡ là  ngon ngọt cỏ hoa/ trái tim gai nhọn đâm tà áo xanh... Những bài thơ trên có cùng típ thơ và giọng thơ như bài Muối dưa. Cho nên bảo Muối dưa của Phạm Hồng Oanh là thuổng của người khác thì thật khó tin.
 
          Dưới đây tôi xin cop lại bài viết trên trang web của tongocthach,vn để mọi người tham khảo.



LẠI LOẰNG NGOẰNG BÀI THƠ "MUỐI DƯA"

        Khi nhận được bài bình “Đọc bài thơ MUỐI DƯA của Huyền Nhung” tôi giật mình vì không phải của tác giả này, song khi ấy có nhiều sinh viên ĐHSP Hà Nội bênh vực tác giả thực thụ đã nói: Bài thơ “Muối dưa” là của cô giáo chúng cháu (Cô làm thơ rất hay, đầy những triết lý trong cuộc sống…) viết tặng cô Oanh năm 1986. Lần mãi rồi cuối cùng tôi cũng tìm được điện thoại của cô giáo kia, cô có đọc lại bài thơ cho tôi nghe và hai lần nhắc lại một câu: Bài thơ này giờ là của Oanh anh nhé. tongocthach.vn đăng hai bài thơ để bạn đọc bình xét?

TƯƠI CÁI MẤT, HÉO CÁI CÒN

V.T.K.D

Tươi cái mất, héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa
Tưởng vừa chớm đến độ chua
Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu
Một thời mặn nhạt cho nhau
Xót xa nào nghĩ nát màu lá xanh
Nổi trôi ngày tháng vô tình
Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua
Hoa vàng nở giữa chiều mưa
Gió đưa cây cải ngày xưa về trời
Thương thầm từng cọng rau tươi
Rưng rưng cái mất, chơi vơi cái còn.




MUỐI DƯA

Phạm Hồng Oanh (Thái Bình)

Tươi cái mất , héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa
Tưởng vừa chớm đến độ chua
Hóa ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu
Một thời mặn nhạt cho nhau
Xót xa nào nghĩ nát nhàu lá xanh
Gỡ xong ngày tháng vô tình
Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua
Hoa vàng nở giữa chiều mưa
Gió đưa cây cải ngày xưa về trời
Thương thầm từng cọng rau tươi
Rưng rưng cái mất, chơi vơi cái còn.

tongocthach.vn
  


Và xin giới thiệu hai bài thơ lục bát khác của Phạm Hồng Oanh, cùng ý kiến của nhà thơ Lương Hữu, một cây thơ lâu năm của Thái Bình, người vừa là thầy giáo của Phạm Hồng Oanh ở trường CĐSP Thái Bình, vừa là bạn viết vong niên của chị từ ngày chị mới tập làm thơ để mọi người tham khảo.


Mỗi ngày

Vừa rực rỡ thế ban mai
Giũa trưa đã có hình hài hoàng hôn
Đêm về bỗng thật mình hơn
Hoa tàn, trăng lặn, mây buồn, mưa dai

Mỗi ngày, lại có ngày mai
Thời gian cứ nhặt tản phai góp vào
Lời cho không thật ngọt ngào
Nên câu nói dối lúc nào cũng xanh.

Ngày nhiều, tháng vẫn mỏng manh
Năm nhiều mà vẫn khó thành đời vui
Chợt gần gũi, đã xa xôi
Trái tim sống được bởi nuôi nỗi buồn.
                                                P.H.O


Gửi người một... thuở

Thôi người hãy hạnh phúc đi
Ta chẳng thể  níu người về nữa đâu
Tình yêu sóng cả sông sâu
Ta nâng niu những nỗi đau thật lòng

Ta mơ một khoảng trời hông
Giờ dông bão, suy cho cùng tại ta
Ngỡ là ngon ngọt cỏ hoa
Trái tim gai nhọn đâm tà áo xanh

Ta ngồi đan lại mỏng manh
Buồn đau rồi cũng sẽ thành tình yêu
Trả người ham hố cao siêu
Ta về nhận lại những điều quanh ta.

Tiếng lành gần, tiếng dữ xa
Sẽ day dứt lắm, nếu ta phụ người
Giờ ta thanh thản nói cười
Và ta nhường để cho người phụ ta.

Tình yêu là giấc mơ xa
Cầu cho người mãi là hoa của đời
Còn ta men phía chân trời
Vẫn tin cỏ thắm, trăng ngời rạng hơn.
                                      P.H.O


LƯƠNG HỮU
Khi được một số anh chị em nói bài thơ Muối dưa có chuyện loằng ngoằng được đưa lên mạng, tôi thực sự bất ngờ. Nhưng có thể tin chuyện ấy là thế, là khác! Bởi những bài thơ hay ở đời thường xảy ra sự cố, đã không ít trường hợp như thế đó sao.
Bài thơ Muối dưa của Phạm Hồng Oanh thực sự là thi phẩm hay, được bạn đọc, bạn viết ở Thái Bình và nhiều nơi trong cả nước ghi nhận. Tôi biết Phạm Hồng Oanh sáng tác bài thơ này vào năm đầu khi vừa bước chân vào trường CĐSP Thái Bình. Tôi là thầy ở trường, lại là bạn viết vong niên, vì khi đó Oanh mới hai mươi tuổi, tôi đã ngoại năm chục rồi. Viết xong bài thơ này, Oanh đưa tôi đọc và nhờ nhuận sắc. Thơ Oanh viết hay, tôi chỉ góp ý một vài từ cần chỉnh. Tuy mới gần hai mươi tuổi, nhưng trước đó Oanh đã sáu bảy năm theo học lớp đào tạo bồi dưỡng học sinh có năng khiếu văn học của Hội VHNT Thái Bình. Nhà thơ Kim Chuông phụ trách lớp viết thường khen: Hồng Oanh nhỏ mà thơ hay, nhiều bài đau, xa xót nữa. Nhiều bài thơ Oanh viết từ năm mười ba mười bốn tuổi gửi cho báo là được in, không phải sửa.
Năm Hồng Oanh 21 tuổi, có bài thơ Muối dưa in trên báo Tiền Phong vào tháng 3/1993. Bài thơ được nhiều người khen hay. Tháng 10/1993 nhà thơ Lê Quốc Hán viết bình trên Tiền Phong, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết bài bình trên báo Gíao dục thời đại, nhà văn Bùi Văn Trọng Cường giới thiệu bài thơ lên mạng và báo Giao thông vận tải. Ở Thái Bình, tờ Nguyệt san và tạp chí Văn nghệ tỉnh cũng chọn bài thơ giới thiệu trên chuyên mục Trang thơ hay. Sau đó Muối dưa được chọn vào Tuyển lục bát Việt Nam in 1994. Nhà nghiên cứu Thái Doãn Hiểu ở phía Nam cũng chọn Muối dưa đưa vào tập Thơ tình bốn phương, 1995 và Thơ tuyển lục bát của Đồng Nai, 1996. Giống như một hiện tượng, sau đó Phạm Hồng Oanh nhận được tất cả 68 bức thư từ khắp miền đất nước gửi về khen ngợi và chia sẻ. Báo Tiền Phong đã dành riêng một mục cho những bài viết về Muối dưa trong đó tôi (LH) cũng có ý kiến bình luận.
Vậy Muối dưa có phải của cô giáo VTKD như một số người đưa tin hay không? Nghi vấn này cần được làm rõ bằng dẫn chứng tư liệu rằng: VTKD đã giới thiệu hoặc in bài thơ ở đâu mà Hồng Oanh mới có điều kiện để đánh cắp. Nếu thơ không in thì sao lại có người dễ dàng mang thơ của mình đi cho người khác được. Rồi nữa, nếu VTKD viết bài thơ từ năm 1986, khi đó Phạm Hồng Oanh mới 14 tuổi đang học trường làng ở một xã hẻo Vũ Đoài (Vũ Thư, Thái Bình). Bố mẹ Oanh là nông dân chỉ quang quẩn ở làng, Oanh làm sao đã biết được bài thơ ấy.
Như vậy, kể từ năm 1993 tới nay đã gần 20 năm bài thơ Muối dưa của Phạm Hồng Oanh đã sống và đi sâu vào đời sống văn học của bạn đọc, bạn viết Thái Bình và nhiều người yêu thơ cả nước. Cũng từ đó tới nay, Oanh đã trở thành một trong những hội viên tiêu biểu và cây bút chững chạc của địa phương bởi có nhiều tác phẩm hay và ấn tượng.
Tôi là một trong những số đông những người biết và chứng kiến về sự ra đời của bài thơ Muối dưa và sự thật về tác giả Phạm Hồng Oanh như thế. Điều gì khác sự thật trên, tôi tin nó là chuyện khác
                                                          Lương Hữu, 5/5/2011