Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ LÊ THÁI SƠN

Qua trang web của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được tin anh Sơn từ trần, buồn quá. Mình là đàn em, là người  ngoại đạo văn chương, được biết và quen anh Sơn (nhà thơ Lê Thái Sơn) đã nhiều năm là chủ tịch Hội LHVHNT Nghệ An đã là điều may mắn, tuy không gần gũi nhưng anh Sơn quý mình và lần nào ra Thái Bình cũng tìm đến nhà mình chơi. Mình nhớ nhất năm 2003 khi anh Sơn về Thái Bình dự lớp tập huấn một tuần. Có một tối Hội VHNT và Sở Văn hóa Thái Bình tổ chức đêm nhạc Trần Hoàn ở nhà VH Lao động Thái Bình, ngồi xem biểu diễn ca nhạc chưa nóng chỗ, anh Sơn bảo mình: Về nhà em pha chè uống ngồi nói chuyện hay hơn. Thế là mấy anh em bỏ về. Anh Sơn thích những thứ dân giã, nên ở Thái Bình sáng nào anh cũng hẹn mình đi ăn bún cá và bữa ăn nào cũng chỉ ăn cơn trộn với mắn cáy (là hai thứ đặc sản của TB) chứ không thích món gì. Mình nhớ nhất là năm 2004, đoàn VNS Thái Bình đi thực tế miền Trung, anh Sơn điện bảo mình: Anh đang đi hội thảo ở Huế, Nếu Long có đi cùng đoàn Thái Bình thì anh mới bỏ hội thảo về chơi với em chứ nếu em không đi thì anh không về đón đoàn TB đâu. Thịnh tình của anh Sơn làm mình cảm động và nhớ mãi.  Mình thích nhiều bài thơ của anh Sơn, nhất là bài Thơ vui tặng bạn đạp xích lô, mình đã thuộc làu từ khi chưa biết nhà Sơn Lê Thái Sơn là.. Nay chia tay anh về cõi vĩnh hằng xin in lại  bài thơ trên của anh thay cho nén tâm nhang.

Thơ vui tặng bạn xích lô
Thuộc đường như thuộc bàn tay
Nhắm mắt cũng biết ngõ này, hẻm kia
Phố nào có mấy quán bia
Có bao "ông lớn" thường chìa đít xe 
Ngủ mà như vểnh tai nghe
Tiếng còi những chuyến tàu về ngoài ga 
Lên xe nào cậu, nào bà
Valy trẻ, thúng mủng già như nhau
Áo đủ mốt, mũ đủ màu
Nước hoa, nước mắm, xăng dầu đều quen 
Ra đường thẳng cánh đua chen
Vòng vo, luồn lách mà lên với người
Nặng, nhẹ cũng một dằm ngồi
Nhìn mặt, đặt giá nửa lời là xong 
Khi thì chẳng miếng lót lòng
Bạn bè nhậu nhẹt chúng không thèm mời
Khi thì xả láng cuộc chơi
Giá ai có bán gan trời cũng mua 

Trăm lần sắm lễ lên chùa
Thật tâm mà khấn như đùa cả trăm
Cúi xin đức Phật từ tâm
Kiếp sau lại bắt con cầm càng xe.

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Nghề văn không sang trọng


Trần Đình Sử 

Nhà NCLL Trần Đình Sử
Cách đây không lâu có người cao hứng tung ra  một ý kiến ngộ nhận: “Nghề văn là nghề sang trọng.” Bao nhiêu người nói theo. Thế rồi ảo tưởng, hiếu danh, thế rồi số người viết văn, làm thơ tăng vọt, thế rồi số hội viên hội nhà văn ngày một tăng. Người sắp hàng chờ vào hội cũng rất đông.

Tôi không có ý phản đối ai làm nghề văn, tôi cũng không nghĩ rằng mọi người vào hội đều háo danh. Tôi chỉ muốn nói nghề văn không phải là nghề sang trọng, nhất là vào thời hiện đại.