Trong cuốn sách phê bình văn chương: “Chương Dân thi thoại” (1931), Phan Khôi (1887-1959) hai lần dẫn: “Đức Dục Tôn ngự chế điệu một bà phi “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi”; bài Khóc Bằng Phi kính lục ra đây: “Ới thị Bằng ơi đã mất rồi/ Ớ tình ớ nghĩa ớ duyên ôi/ Mùa hè nắng chải oanh ăn nói/ Ngõ sớm trưa sân liễu đứng ngồi/ Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi/ Mối tình muốn dứt càng thêm bận/ Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi” (theo sách 10 thế kỷ bàn luận về văn chương, tập II, Nxb GD, 2007, tr 47-48). Nhà nghiên cứu (từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục) Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) trong sách Hát đối đáp của nam nữ thanh niên, xb tại Pháp, 1934; chép bài thơ cũng coi là của Tự Đức khóc Bằng Phi, tuy có khác đôi từ (in lại trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX,lý luận phê bình nửa đầu thế kỷ, quyển 5, tập III, Nxb Văn học, 2004, tr 910). Nhưng đến đầu những năm 40 thế kỷ XX, lại có ý kiến bác lại thuyết trên.
BÀI THƠ “KHÓC BẰNG PHI” CÓ PHẢI CỦA VUA TỰ ĐỨC?
ĐỖ TIẾN BẢNG
Hai câu thơ:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Hiện nay, nhiều người vẫn cho hai câu thơ lưu truyền trên là của Tự Đức. Đây là hai câu trong một bài thơ có tên đề “Khóc Bằng Phi” được một số nhà nghiên cứu đưa vào sách. Tin tác giả là Tự Đức, có không ít người phân tích bình tán cảm hứng của vị vua hay chữ triều Nguyễn này. Nhưng thực ra vấn đề tác giả không phải đã khẳng định như một số người vẫn đinh ninh, mà còn tồn nghi về “tác quyền” của hai câu thơ, cũng như cả bài thơ này.