Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

THỜI CỦA VĂN CHƯƠNG

THỜI CỦA VĂN CHƯƠNG
                   NGUYỄN LONG
  (Viết nhân Đại hội Văn học NT Thái Bình lần thứ X 
Trong lịch sử hàng nghìn năm, văn chương luôn được coi là quan trọng nhất, là lĩnh vực đứng đầu thiên hạ. Người xưa thi chọn người tài chủ yếu thi văn chương chữ nghĩa. Người làm vua quan, phần lớn đều văn hay chữ tốt. Những tác phẩm bất hủ trong kho tàng văn học dân tộc như: bài thơ Nam quốc sơn hà nam đế cư tương truyền là của Lý Thường Kiệt thời Lý, Hịch tướng sỹ của Trần Quốc Tuấn thời Trần, Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi thời Lê…đều là những đấng bậc quân vương nắm trong tay vận mệnh đất nước. Tới nhà Nguyễn, thời Tự Đức, cái ông vua “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ xếp tàn y lại để dành hơi…” còn lập lên Hội thơ Thập nhị bát tú tự mình đứng đầu. Thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông Trường Trinh là Tổng bí thư Đảng vừa là nhà thơ Sóng Hồng, ông Lê Đức Thọ trưởng Ban tổ chức Trung ương quyền nghiêng thiên hạ vẫn làm Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thời Chống Mỹ văn chương vẫn còn linh thiêng, được xã hội trọng vọng. Ông Phạm Tiến Duật chỉ là tài thơ, khi vào chiến trường Trường Sơn được tướng Đồng Sỹ Nguyên cho đặc cách hưởng chế độ như một vị tướng. Khi ông ra Bắc được các ủy viên Bộ chính trị thay nhau mời cơm ở nhà riêng. Trên còn có ý xắp xếp cho ông chiếc ghế Bí thư Đoàn toàn quốc, ngang hàm bộ trưởng…   Nhưng từ thời cơ chế thị trường, nhất là đôi chục năm trở về đây số lượng người làm văn làm thơ càng đông lên, các tổ chức hội hè văn bút càng to ra và nở rộ thì văn chương ngày càng xuống cấp, càng bị xã hội thờ ơ, rẻ rúng. Không còn mấy người hào hứng với nghiệp văn chương.

Ngày tôi làm tạp chí Văn nghệ Thái Bình, có nhiều cây bút trẻ trong tỉnh viết văn làm thơ khá hay. Nhưng khi được gợi ý viết đơn xin vào Hội thì xua tay lia lịa. Có người còn dặn tôi: Chú đừng nói với ai là cháu in thơ trên tạp chí nhé, mọi người biết xấu hổ chết. Tôi lại biết một chị làm cán bộ khá to rất yêu thơ và làm thơ rất có nghề. Đã in hai tập thơ, bài thơ nào trong tập cũng có thể in báo, in tạp chí. Nhưng chị áy vẫn dấu không muốn mọi người biết mình dính líu đến văn chương.
Con trai tôi từ nhỏ đã mê đọc sách, khi học tiểu học đã đọc hết những tập truyện lớn nhu: truyện cổ Grim, An đéc xen đến Dân gian Việt, dân gian châu Á, rồi Cuộc đời của Pi, cả bộ Harry Potter, tiểu thuyết Huynh  đệ, Hứa Tam Quan bán máu…quyển nào cũng khen hay. Bố tôi lúc còn sống muốn hướng cho cháu đi con đường văn chương. Tôi bảỏ có học thành tiến sỹ văn học sau này cũng chỉ tổ khổ vợ con. Khi cháu học trường Lương Thế Vinh, cô giáo Lê dạy văn là người quen biết nên vẫn cứ xếp cháu vào Đội tuyển văn. Nhưng tới đầu năm học lớp 9 tôi phải cho cháu bỏ đội tuyển rẽ sang học tiếng Anh để thi vào  trường Chuyên. Hiện nay cháu theo học ngành công nghệ.
Gần hai chục đứa cháu nội ngoại của bố tôi không đứa náo theo nghề chữ nghĩa như nguyện vọng của ông.
          Nhiều lúc tôi cứ băn khoăn: Tại sao văn chương ngày càng mất  thiêng và trở thành tầm thường như vậy? Và tại sao những người còn yêu văn chương, thích sáng tác lại không dám theo nghề? Có phải con người thời nay không cần văn chương nữa? Nhưng tại sao trong xã hội văn minh công nghiệp có nhiều người vẫn rạng danh và giầu có nhờ làm văn chương. Bà J.K Rowling từ một ngươi nghèo khó phải sống bằng trợ cấp xã hội nhờ viết 7 tập Harry Potter mà trở thành người đàn bà giầu có của nước Anh. Hay ở Việt Nam, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, xin ra khỏi hội Nhà văn VN từ thời bao cấp nhưng ông vẫn viết tiểu thuyết và kịch bản phim mà trở thành đại gia, mua được biệt thự giữa Sài Gòn, mở được cả một trường tư thục rộng mấy ha giữa thành phố đẻ kinh doanh. Hay nhà văn trẻ Nguyễn Nhật Ánh năm nào cũng có mấy đầu sách bán chạy hơn tôm tươi được các nhà sách tái bản liên tục, tiền nhuận bút nhiều tiêu không hết… Vậy thì xã hội quay lưng lại với văn chương hay văn chương tụt lùi quá xa với xã hội. Những ý ngĩ và những câu hỏi miên man ấy tôi chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nhưng tôi tin rằng văn chương cũng giống nhiều nghề nghiệp khác, có tài năng thực sự thì thời nào cũng đặt giá, giống như con gái đẹp ở đâu cũng đắt chồng.
          Hôm đại hội Chi hội văn học vừa qua tôi tâm đắc với ý kiến phát biểu của nhà văn Đức Hậu. Ông nhắc tới thời kỳ hoàng kim của Văn nghệ Thái Bình và cho rằng văn học nghệ thuật Thái Bình hiện nay xuống cấp một phần là do khâu quản lý và tổ chức. Đúng là cách đây hơn chục năm trở về trước, văn nghệ Thái Bình là một Hội mạnh, có uy tín trong giới văn nghệ và Hội LHVHNT toàn quốc. Ngày ấy riêng lực lượng cán bộ Văn phòng Hội và làm tạp chí toàn những người có tên tuổi như: Đức Hậu, Kim Chuông, Hà Trí Dũng, Dương Côn, Lê Bính… Những nhà văn ngoài Văn phòng Hội như Bút Ngữ, Trần Văn Thước, Đỗ Trọng Khơi, Võ Bá Cường… ngày ấy đang sung sức. Những năm đầu thế kỷ XXI, tờ Văn nghệ “già” của Hội Nhà văn VN không mấy số vắng truyện thơ của các cây bút Thái Bình. Mấy năm liền các truyện ngắn của Trần Văn Thước, Đức Hậu, Nguyễn Long được chọn trong bộ mười truyện ngắn hay nhất trong năm của Văn nghệ. Và các giải thưởng lớn như giải hàng năm của Hội Nhà văn, của UBTQ các Hội Liên hiệp VHNT, giải thi sáng tác thơ, truyện ký của báo Văn nghệ… không mấy khi vẵng giải của các cây bút Thái Bình. Tờ tạp chí của Hội tia ra mỗi số năm bảy ngàn bản được nhiều người đón đọc. Văn nghệ Thái Bình được nhiều hội địa phương ngưỡng mộ, cấp trên coi trọng. Đấy là do đội ngũ làm lên phong trào chứ không phải phong trào tạo ra đội ngũ. Bây giờ ai nghĩ nếu văn nghệ Thái Bình được quan tâm, đầu tư tiền nhiêu hơn và có người quản lý tổ chức tốt hơn thì văn chương nghệ thuật lại rạng rỡ trở lại là không đúng. Có quản lý, tổ chức tốt hơn thì tụ hợp được anh em, bớt bè phái  đánh đấm nhau tranh tài tranh khôn mà thôi, chứ Văn nghệ Thái Bình xuống cấp là bởi lý do khác. Lớp người làm lên danh tiếng văn nghệ Thái Bình một thuở giờ đã qua thời sung sức. Tôi về tạp chí lúc đó được coi là ít tuổi bây giờ cũng đã ngoài lục thập. Cách đây gần chục năm khi tôi còn tham gia BCH  chi hội Văn học, tuổi đời bình quân của Hội viên chi hội đã là 64. Nay phải lên tới ngoài 70. Gìa đi thì bút cùn, lười nghĩ lười viết là chuyện đương nhiên. Cứ bảo gừng càng già càng cay, nhưng cay thế nào thì cũng tới lúc quoắt queo, khô rữa. Văn nghệ Thái Bình càng ngày càng yếu đi vì già nua, vì không có bổ xung những tài năng trẻ. Thời cuộc, xu thế cuộc sống đã cách ly họ với văn chương nghệ thuật. Nhiều hội chuyên nghành văn chương nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương khác cũng tình trạng chung như vậy, ngày càng thiếu vắng tài năng trẻ. Bây giờ làm công tác Hội phần lớn là những công chức, ít người thạo nghề, giỏi nghề. Giống như những ngôi đền thiêng  không còn bóng dáng của những bậc cao tăng, những vị chân tu, mà chỉ có những người ngoại đạo trông coi canh giữ mà thôi.

                                                                                                                                                         
                                                                                                                                               N.L        

                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét