Trang

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

BÀI BÌNH THƠ VỀ LÀNG CỦA ĐẶNG VĂN TOÀN

VỀ LÀNG
Nguyễn Long
Dẫu đi cuối đất cùng trời
Về làng ta vẫn là người nhà quê
Vẫn màu cỏ mướt ven đê
Từ thời chân đất nón mê đến giờ
Đã qua trăm bến ngàn bờ
Giờ về bến nước tuổi thơ vẫn đầy
Bao mùa mưa giật bão giây
Cánh cò trắng muốt còn bay ngang đầu
Trăm lần triết lý nông sâu 
Để ta về lại với câu thật thà
Mây tìm về phía trời xa
Ta bơi ngược gió nhận ra đường làng./.

..............................................................
Lời bình:
Về làng đã từng đoạt giải A cuộc thi thơ lục bát trên báo Văn nghệ ( 2002 – 2003). Nó giữ nguyên được vẻ chân mộc, hiền lành của giọng thơ Nguyễn Long. Tình thơ tươi, đằm trong vần điệu lục bát êm ái và nhuần nhuyễn.
Hệ thống các hình ảnh "chân đất nón mê" – "bến nước tuổi thơ" hay "cánh cò trắng muốt" rất đậm, rất tiêu biểu, thấp thoáng được cái mạch ca dao thiết tha nồng thắm, nó chứng tỏ lòng người tuy sống xa quê nhưng hồn quê, tình quê không bao giờ phai nhạt. Chỉ một câu "Vẫn màu cỏ mướt ven đê" đủ nói lên thái độ thương yêu, trìu mến của tác giả, đủ làm cho người đọc rưng rưng cảm động trước cái xanh non, tươi nguyên của sự sống, cuộc sống diệu kỳ.
Nhưng trở lên mới chỉ là thiên nhiên, cảnh vật. Còn con người. Con người sống trong cái không gian cổ kính, tươi xanh dân dã ấy?
Tác giả bất ngờ hạ hai câu thật chặt chẽ, gãy góc: "Trăm lần triết lý nông sâu / Để ta về lại với câu thật thà".
Vâng, hai câu luận lý bất ngờ và sáng tạo đã đóng thương hiệu cho bài thơ!
Với con người, nhất là người nhà quê, thì đức tính cơ bản và đầu tiên là thật thà. Triết lý hãy là chuyện cao xa, bàn sau. Hãy thật thà với nhau đã. Người ta sống ở đời, có thể không biết đến triết lý, nhưng không thể không thật thà. Bởi thật thà là đạo đức, là tình người trước tiên. Ai đấy không thật thà thì chẳng còn gì để nói nữa.
Thử xem, thật thà như vợ chồng Lang Liêu, vợ chồng An Tiêm hay như các ông già bà cả trong xóm thì thử hỏi có triết lý nào dám khoe mình cao hơn, sang hơn ?
Thơ kết lại bằng việc xuất hiện một hình ảnh độc đáo, sinh động khác nữa: "Mây tìm về phía trời xa / Ta bơi ngược gió nhận ra đường làng".
Đường làng là lối đi vào làng hay lối đi trong làng, nó có từ bao giờ và gắn bó quá chừng thân thiết với mỗi người, mỗi việc. Hình ảnh bơi ngược gió vừa mới lạ lại khỏe khoắn, thân mật, ấm áp.
Ai đấy không dám thả mình, hòa mình vào thênh thang ngọn gió đầu làng, không dám chủ động bơi ngược thì dẫu có về đấy, ở đấy mà đã chắc gì nhận ra, đã chắc gì ân nghĩa yêu thương?
Từ thái độ vồn vã, cởi mở trong câu thơ đầu bài "Về làng ta vẫn là người nhà quê" đến hành động thực tế "bơi ngược gió" là hệ quả tự nhiên rất logic, rất nhất quán của bản tính con người, của tác giả.
Như người con đi xa nay trở lại nhà mình. Tác giả không phải khách của làng mà chính là người làng, người làng từ gốc gác ruột thịt đến lời ăn tiếng nói, đến thái độ, tấm lòng. Qua đấy mà nâng niu, trân trọng những báu vật, những chân giá trị của cộng đồng làng xã đã được tạo ra, gìn giữ và khẳng định qua trường kỳ lịch sử.
Sức sống của làng tỏa vào bài thơ, làm nên sức sống cho bài thơ.
Tôi tin bài thơ này sẽ còn được lưu giữ mãi cùng thời gian, lưu giữ mãi trong lòng bạn đọc./.
Tháng 4 / 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét