Trang

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

BÀI BÌNH THƠ VẪN CHUYỆN THỊ MẦU CỦA ĐẶNG TOÁN


VẪN CHUYỆN THỊ MẦU
(Thơ Nguyễn Long)

Kẻ chê người trách Thị Mầu
Trăm năm vẫn chuyện miếng trầu mặn vôi
Khuất sau miệng lưỡi người đời
Đâu điều oan nghiệt, đâu lời thị phi.

Yêu người yêu đến cuồng si
Nghĩ đâu cửa Phật trơn lì rêu xanh
Muốn trồng cây cải không thành
Cái hôm thất vọng thân đành gió đưa.

Trăm người ăn vụng táo chua
Chỉ riêng em mắc lưới thưa vạ làng
Bao nhiêu thước ngọc khuôn vàng
Vênh vao đo những trái ngang lỡ lầm.

Một thời oan tiểu Kính Tâm
Đã về thành phật Quan âm trên chùa
Sân đình mỗi trận gió khua
Trái oan lăn lóc chát chua Thị Mầu.

Lời bình của Đặng Toán

Nếu nói Nguyễn Long bênh vực Thị Mầu thông qua bài thơ này thì cũng
đúng. Bởi nếu không, ông đã chẳng tốn công tìm trong trăm ngàn điều chê
trách của người đời với Thị Mầu, để mà phân định “ đâu điều oan nghiệt,
đâu lời thị phi” như thế.
Tình yêu từ ngàn đời nay vẫn luôn là một trạng thái tình cảm vô cùng phức

tạp và khó lí giải ở con người. Có kẻ yêu đến cuồng si, đến mù quáng lại có
người đã yêu thì bất chấp tất cả. Và như vậy, khi không được đáp lại thì nỗi
chán chường, thất vọng mới càng trở nên sâu sắc. Ở Thị Mầu, ngoài trạng
thái chung của những người đang yêu đó, còn mắc thêm một sai lầm nữa:
Đặt tình yêu nhầm đối tượng. Vậy nên mới có “ Cái hôm thất vọng thân
đành gió đưa” éo le và trớ trêu như thế.
Tác giả đã gói trọn bao ê chề, đau xót đến buông xuôi của Thị Mầu trong
tám âm tiết đó. Ta như thấy hiện lên trước mắt những bước chân vô hồn của
nàng đang xiêu vẹo trên con đường khát khao bản năng hun hút. Có thể
nhiều người xem trích đoạn “ Thị Mầu lên chùa” cảm thấy thích thú bởi
những đối đáp, những tình huống gây cười, chứ mấy ai phát hiện ra rằng: “
Trăm người ăn vụng táo chua/ Chỉ riêng em mắc lưới thưa vạ làng” như tác
giả?
Vượt ra ngoài câu chuyện bi hài của Thị Mầu, Nguyễn Long đưa vào thơ
thật tự nhiên những ngẫm ngợi mang tính triết lí sâu xa: “ Bao nhiêu thước

ngọc khuôn vàng/ Vênh vao đo những trái ngang lỡ lầm”. Từ láy “ vênh
vao” được xử dụng thật đắt, nó làm cho cái “thước ngọc khuôn vàng” vô
hình mà ghê gớm của xã hội phong kiến xưa bỗng trở nên vô duyên, kệch
cỡm. Hay nói một cách khác, tác giả đã chỉ ra rằng: Chính Thị Mầu cũng là
người bị oan! Đây là cái nhìn mới mẻ so với vở chèo Quan âm Thị Kính và
người đời lâu nay. Cái nhìn nhân đạo, dân chủ, cảm thông với người phụ nữ
trong vấn đề yêu đương, tình dục.
Bài thơ rất có không khí, giọng thơ rất phù hợp với tính cách của đối tượng
( Thị Mầu) nhờ một loạt hình ảnh sống động, đẹp và sắc sảo: Nơi cửa phật
thì “trơn lì rêu xanh”, sân đình thì “ trái oan lăn lóc”, rồi “Bao người ăn vụng
táo chua/ Chỉ riêng em mắc lưới thưa vạ làng”. Cái quan niệm cổ hủ, lạc
hậu, trái với tự nhiên của thời phong kiến thì trở thành “ thước ngọc khuôn
vàng” để “ vênh vao đo những trái ngang lỡ lầm”…
Để có được những hình ảnh sống động, sắc sảo như vậy hẳn tác giả đã
phải nhập thân được vào thời đại, vào nhân vật. Đó là nhờ vốn sống, vốn
đọc, vốn hiểu biết mà sáng tạo nên.
Cuộc đời nếu có luật bù trừ thì điều đó chỉ đúng với riêng Thị Kính: “ Một
thời oan tiểu Kính Tâm/ Đã về thành phật Quan Âm trên chùa”. Còn với Thị
Mầu thì: “ Sân đình mỗi trận gió khua/ Trái oan lăn lóc chát chua Thị Mầu”.
Oan Thị Kính thì người đời ai cũng biết nhưng oan Thị màu thì có lẽ đây là
lần đầu tiên. Và cái “oan” đó nó kết lại, nó vật hóa thành trái cây rất cụ thể,
rất cảm giác. Cái “ trái oan’ ấy nó không chỉ “ lăn lóc” ở sân đình, nó còn
lăn lóc ở giữa đời và sẽ còn lăn lóc mãi.
Tác giả mượn tích chèo Quan âm Thị Kính, bằng lời thơ mộc mạc giầu chất
ca dao đã mang đến cho độc giả thông điệp có tính cảnh báo, phê phán
những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu vẫn tồn tại đâu đó trong cuộc sống, đã và
đang còn làm khổ những phận đời. Bài thơ mang tính nhân văn và có tính
thời sự cao. Đó phải chăng luôn là cái đích mà người sáng tác cần hướng đến
./.

(Bài đăng trên báo Văn nghệ số 34/2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét