Trang

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Thiền và… những câu hỏi

@ Thiền học khác Phật học như thế nào? Zen là gì? Học thiền mà không theo đạo Phật được không?
Đỗ Hồng Ngọc: Được chứ! Nên nhớ Thiền đã có từ ngàn xưa trước khi có Phật giáo. Nhiều tôn giáo cũng ứng dụng thiền vào việc tu tập như định tâm, cầu nguyện, đọc kinh, “thần chú”... tất cả đều có mục đích thanh lọc thân tâm, từ đó mà tuệ giác (huệ) sẽ bừng sáng. Tuy vậy, thiền Phật giáo có những sắc thái riêng, con đường dẫn tới giải thoát rốt ráo.
Thiền học là một phần của Phật học, nhưng là phần cốt lõi. Phật học có nhiều tông phái như Nguyên thủy, Đại thừa, Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông v.v... nhưng nguồn gốc vẫn là một. 
Thiền ứng dụng vào y học, vào tâm lý học hiện đại còn có những sắc thái khác nữa. Hiện nay có nhiều trung tâm thiền không tôn giáo mọc ra khắp nơi trên thế giới. Nhiều người hướng dẫn thiền tập bằng rất nhiều cách khác nhau, nên rất cần phải “tỉnh táo” để chọn lựa cách nào phù hợp nhất với cá nhân mình, có cơ sở khoa học, để không gây hoang mang, thất vọng hoặc gây những “side-effects” không hay khác.
Zen có gốc từ chữ Dhyana (Sanskrit) hay Jhana (Pali), được dịch âm thành Chan (Hoa) rồi Zen (Nhật) Thiền (Việt) v.v... Tây phương dịch là Meditation. Các từ khác liên quan đến thiền nên biết để tiện tra khảo: Niệm, chánh niệm (Sati) là Mindfulness; Quán niệm hơn thở hay An-ban thủ ý (Anapanasati) là Mindfullness of breathing...

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

ĐÀI TRUYỀN HÌNH VN KHÔNG NÊN ĐỂ CÔ KIỀU TRINH TIẾP TỤC LÊN SÓNG

Vũ Kiều Trinh, kẻ ăn cắp siêu thị



Đây quả là Chuyện buồn nhà Đài! VTV thiếu gì người trẻ, đẹp, giỏi hơn Vũ Kiều Trinh, vì sao cứ phải để cho cô Kiều Trinh xuất hiện trên màn ảnh. Thật tội nghiệp cho cô ấy, và cả gia đình cô ấy!

Mỗi lần xem chương trình "Văn hóa dân tộc", của Đài truyền hình Việt Nam VTV, tôi lại cảm thấy nhức mắt. Bởi vì người phụ trách chương trình ấy luôn xuất hiện với cái vẻ mỹ miều, cặp mắt sắc xảo, và giọng nói rất đanh. Đó chính là Kiều Trinh. Dân mạng không còn lạ gì Kiều Trinh là con gái nguyên Uỷ viên trung ương Đảng, Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam Vũ Văn Hiến. Cô sinh năm 1975, nguyên phóng viên văn hóa Ban thời sự.

Năm 2001, Kiều Trinh được cử sang Thụy Điển 3 tuần. Ngay tuần đầu, ngày 11-2-2001, cô đã bị cảnh sát thành phố Kalmar bắt vì tội ăn cắp hàng trong siêu thị. Lúc đầu cô nàng chối bai bải, nhưng khi mở băng ghi hình thì phải cúi đầu nhận tội. Cô nàng đã ăn cắp ở Orebro, Kaimar số mỹ phẩm trị giá 400 đô la. Số tiền đó không lớn, nhưng ở Thụy Điển người ta trị ăn cắp, tham nhũng rất nghiêm, nên theo luật Kiều Trinh phải ngồi tù.

Vì Kiều Trinh là con của Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam, nên Đại sứ quán Việt Nam ở Thụy Điển phải ra tay. Và sau một tuần bị giam, ngày 16-2-2001, cô nàng được tha, sau khi có giấy của bác sỹ xác nhận nhận Kiều Trinh bị bệnh tâm thần từ Việt Nam gửi sang. Ngày 18-2-2001, Kiều Trinh bị trục xuất về nước. Đón cô ở sân bay, diễn viên điện ảnh Trần Lực đã tặng một cái tát, chấm dứt quan hệ vợ chồng từ đó. 

Ông Vũ Văn Hiến chả hề hấn gì sau sự kiện đó, vẫn đủ tiêu chuẩn vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, và tiếp tục làm Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam. Cô con gái Kiều Trinh vẫn làm phóng viên của VTV.

Năm 2006, Kiều Trinh được sang nước Anh công tác. Bệnh tâm thần lại tái phát và cô nàng đã thó chiếc máy ảnh kỹ thuật số trong shop. Một lần nữa ông Hiến lại phải cứu con gái bằng việc nhờ Đại sứ quán can thiệp và tờ giấy của bác sỹ chứng nhận bệnh tâm thần lại đưa ra sử dụng!

Năm 2009, Kiều Trinh được kết nạp đảng và được đề bạt làm Trưởng phòng Văn hóa dân tộc, Ban thời sự. Thật mỉa mai khi có những nhà báo chống tham nhũng tiêu cực , chỉ vì phạm một vài lỗi kỹ thuật nhỏ, thì phải vào tù, hoặc bị tước thẻ nhà báo, còn kẻ cắp con gái ông Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc đài truyền hình Việt Nam lại được đề bạt. 

Từ bấy đến nay, một nghi án vẫn chưa có lời giải: Kiều Trinh bị tâm thần hay kẻ cắp?

Dư luận cho rằng, có lẽ ông bác sỹ nào đó được ăn, hoặc bị ép mới ký giấy chứng nhận bệnh tâm thần cho Kiều Trinh, vì nhìn hình ảnh chải chuốt óng mượt, và nghe cô nói sắc lẻm trên TV thì không ai nghĩ bị tâm thần cả. Mà nếu bị bệnh tâm thần thì đưa vào bệnh viện, chứ sao lại đưa lên làm MC trên TV?

Vậy chắc chắn là kẻ cắp! 

Nước ta có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau, phong tục tập quán mỗi nơi một vẻ rất phong phú, đa dạng, nhưng tuyệt nhiên không hề có nền văn hóa và phong tục tập quán ăn cắp. Ăn cắp, ăn trộm, ở đâu cũng ghét, cũng khinh. Dù đói ăn vụng, túng làm liều mọi người vẫn chê cười chứ đừng nói tiểu thư con quannhư Kiều Trinh. Vậy mà cô nàng không biết ngượng cứ xuất hiện trên TV nói văn hóa, đạo đức? Phải chăng quý vị muốn truyền bá cho dân thứ văn hóa ăn cắp và nghệ thuật chạy tội?

Nên nhớ, hình ảnh cô Kiều Trinh không thể bôi xóa được trong hồ sơ của cảnh sát Thụy Điển, Anh quốc, và nó đã được phơi ra cho nhân dân nước họ biết rồi. Họ sẽ nghĩ gì, khi ở Việt Nam, kẻ cắp lên mặt dạy đạo đức người lương thiện? Nói như Giáo sư Ngô Bảo Châu, nếu có hình ảnh nào làm nhục Việt Nam tốt nhất thì chính là hình ảnh cô Kiều Trinh trên TV. 
Trần Đức Thắng

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

BA THI HÒA HỌ NGUYỄN CÙNG MANG MỘT DÒNG MÁU

THÁI DOÃN HIỂU

Ba thi hào họ Nguyễn cùng mang một dòng máu Nguyễn Trãi - Nguyễn Du - Nguyễn Đình Chiểu. Đăng Tạp chí sông Hương số 11- 2013
Nguyễn Du 1766-1820
Để khỏi vòng vo Tam quốc mất thì giờ quý vị bạn đọc, và mọi người đỡ sốt ruột, tôi xin thưa ngay: Vị thủy tổ của ba thi hào họ Nguyễn : Nguyễn Trãi - Nguyễn Du - Nguyễn Đình Chiểu là  Thái tể triều Đinh, Định Quốc công Nguyễn Bặc.
Vậy, Nguyễn Bặc là ai ?

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Vào hội nhà văn VN

Đến mùa kết nạp hội viên mới 
Huỳnh Đông Dụ

Chuẩn bị đến mùa kết nạp Hội viên mới và mùa giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Dụ tôi, là một hội viên mới kết nạp được vài năm nay xin hiến các bạn đang có đơn đứng ở cổng Hội Nhà văn kinh nghiệm của bản thân mình. Tôi cho rằng đây là kinh nghiệm xương máu, mà suốt bao nhiêu năm chờ chực, cuối cùng tôi mới học được và thành công.Khi thành công rồi, tôi mới hiểu câu mà một quan chức Hội Nhà văn nói với tôi trước đây: “ Vào Hội Nhà văn khó thì rất khó và dễ thị lại cũng rất dễ”. Tôi đi vào vấn đề luôn.

Điều kiện:
- In hai tập sách ( Nếu là văn vần thì đề là thơ. Nếu là văn xuôi thì không cần đề gì cả.

- Điều tra để biết rõ tên tuổi, địa chỉ của 16 Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn và 9 uỷ viên trong Hội đồng ( Hội đồng mà mình xin vào: thơ, văn xuôi, hoặc lý luận phê bình ).

- Chuẩn bị một số kinh phí.

Sau khi đã nộp đơn, hồ sơ cho Ban Tổ chức Hội viên ( Địa chỉ: Ban Tổ chức Hội viên- Hội Nhà văn Việt Nam- số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội) thì tìm hiểu cách tiến hành.Có hai cách cơ bản:

- Cách thứ nhất:Tìm đến CÒ. Giao kính phí cho CÒ theo yêu cầu của CÒ. CÒ sẽ tính toán cụ thể và lo liệu. Thường thì CÒ lấy ½ số tiền trước. Xong việc, mình phải giao nốt. Làm cách này nhàn thân, nhưng kinh phí cũng tốn kém vì phải chi thù lao cho CÒ. Tuỳ theo tài năng của đối tượng mà CÒ đòi tiền nhiều hay ít. Ví dụ thơ phú mình chả ra gì thì thường phải chi nhiều tiền.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP, NGƯỜI PHẢN ĐỐI CHIẾN TRANH


Tướng Giáp
Tướng Giáp đã bị phe chủ chiến loại khỏi bộ máy chiến tranh chống người Mỹ
Võ Nguyên Giáp thực sự là một con người phi thường. Đáng chú ý nhất, ông là kiến trúc sư trong chiến thắng của Việt Minh trước quân Pháp ở Điện Biên Phủ vào mùa xuân năm 1954.
Chiến thắng này dẫn tới việc ký kết hiệp định Geneva kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương (1946-1954) và chấm dứt chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam, Campuchia và Lào.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

LỜI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG VÕ ĐIỆN BIÊN TẠI LỄ TRUY ĐIỆU ĐẠI TƯỚNG





"Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội,

Kính thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào và Camphuchia,

Kính thưa các bạn bè quốc tế và kiều bào ở nước ngoài,

Trước hết, tôi xin thay mặt gia đình tỏ lòng biết ơn sâu sắc, cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước đã tạo mọi điều kiện để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của ba chúng tôi là trở về với quê hương.

Chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết rằng mọi lời ca ngợi với Đại tướng là lời ca ngợi đối với Bác Hồ, với các thế hệ lãnh đạo của Đảng, với tất cả đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh và đóng góp bằng tâm trí và máu xương trong 2 cuộc kháng chiến vừa qua. Đấy là lời ca ngợi đối với tất cả những người con ưu tú của đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ và gìn giữ mảnh đất này. Để tỏ lòng biết ơn, không có lời nào có thể diễn đạt hết được tấm lòng của gia đình.

Tuổi thọ của Đại tướng đến những năm vừa qua, sức khỏe của Đại tướng và tuổi thọ của Đại tướng đến những ngày qua là nhờ tấm lòng của tất cả mọi người, hàng trăm, hàng triệu người dân Việt Nam, từ các thế hệ đã qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của dân tộc, đến thế hệ thanh niên, thiếu nhi chưa bao giờ biết đến tiếng bom.

Xin phép được tỏ lời cảm ơn riêng đến quân đội bệnh viên quân y 108, tập thể A11 và tất cả những y bác sĩ liên quan đã chăm sóc Đại tướng đến những giây phút cuối cùng.

Trong giây phút này, xin phép được ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, tạ ơn anh linh của tất cả những anh hùng liệt sĩ từ hàng nghìn năm nay đã ngã xuống vì mảnh đất này và luôn luôn đồng hành cùng với Đại tướng trong cuộc trường chinh cho tới giờ phút cuối cùng.

Đại tướng cả đời đã vì nước vì dân và lúc mất đi chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng trăm, hàng chục triệu người dân nước Việt, biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Xin cảm ơn!".

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

CHÂN TƯỚNG NHÀ THƠ THẦN TRẦN QUANG THUẬN

QTXM-  Năm 2009, Ngô Minh đã nghe ông Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình tên là Phán ca tụng một “nhà thơ thần” Hoàng Quang Thuận nào đó,, người đã làm trăm bài thơ về Yên Tử trong một đêm. Trường đại học QB đã tổ chức hội thảo . Ông Phán đã tặng tôi một cuốn bản thảo in vi tính bản THƠ YÊN TỬ ấy. Tôi đọc  vài bài thơ bôn câu, thấy đây không phải là một người làm thơ có  nghề hay có tài, mà chỉ là một người ghép chữ vụng về,đơn giản để thành cái gọi là thơ. Vậy làm sao một người làm thơ vụng về ấy lại thành nhà văn Việt Nam, rồi Hội nhà văn tổ chức Hội thảo rầm rộ, phong thành thánh một người tầm thưởng như vậy ? Xin mời bạn đọc đọc bài viết sau đây của ĐÀ NHÂN để biết chân tướng kẻ bịp bợm, và hiểu thêm sự khốn nạn của  viện quán lý đánh giá văn chương bây giờ.


ĐÀ NHÂN 

    Ngạc nhiên, ồn ào và giận dữ

  Suốt mấy tuần qua giới văn nghệ sĩ, báo chí và những người có lương tri trong và ngoài nước hết sức ngạc nhiên về việc hội nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức một cách rùm beng ồn ào, bốc thơm, đánh mất sĩ diện, đánh mất bản ngã dẫn tới phẫn nộ trong dư luận, đỉnh cao của nó là sự giận dữ và uất ức bởi thói kệch cỡm hợm hĩnh vô liêm sỉ của một cái gọi là “nhà thơ” hoang tưởng, bệnh hoạn; cộng thêm sự vô trách nhiệm đánh mất mình của những người có trách nhiệm ở Hội Nhà Văn Việt Nam.

  Chân dung của HOÀNG QUANG THUẬN

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

BẤT TỬ



Thơ Nguyễn Trọng Tạo kính viếng Đại tướng
Theo blog Nguyễn Trọng Tạo

Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê
Vì Dân Nước Người trở thành Bất Tử
Thành Núi thành Mây thành Ruộng, Đồng, Sông, Bể
Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông

Thành Đền thờ trong mỗi tấm lòng Dân
Thành Ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối
Thành Mặt trời cho trần gian nắng mới
Thành Mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng


Người ba năm không nói không cười vươn vai thành Phù Đổng
Người cuối đời phải dấu ánh sao Khuê trong tấc dạ trung thành
Nhẫn và Vinh đốn ngộ Vinh và Nhẫn
Trái tim hồng thành Xá lị, Kim đan

Người không nghĩ mình sẽ hóa Thánh nhân
Khi nằm xuống cả non sông thương khóc
Cả non sông thành Rồng chầu Hổ phục
Tôn vinh Người vị Thánh của lòng Dân

Bắn lên trời cao những tiếng sấm vang rền
Tiễn Người vào Bất Tử
Nghe trái đất rùng mình thương nhớ
Hướng về Người lấp lánh giữa trời sao…

Hà Nội, 10.10.2013

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

MƯỜI VỊ TƯỚNG TÀI THẾ GIỚI

  • Nhân dịp đại tướng Võ Nguyên Gíap về với tiên tổ nên xin điểm lại mười vị tướng được chọn là tài nhất trong mọi thời đại cua thế giới để hiểu thêm được tầm vóc của Đại tướng trong nhân loại. Cũng may những người ganh ghét với Đai tướng một thời đề đã là người thiên cổ, nghĩa là họ đều chết trước đại tướng vài chục năm nên họ không nghe thấy thế giới  vinh danh người mà họ thù ghét. (N.L)Lịch sử nhân loại từ cổ đến kim có nhiều vị tướng tài giỏi xuất chúng. Với thiên tài quân sự của mình, họ có thể làm thay đổi cả trật tự thế giới. Xin giới thiệu mười danh tướng tiêu biểu nhất mọi thời đại
    • 1. Alexander đại đế (384 – 322)
      Người chinh phục vĩ đại nhất suốt lịch sử của Hi Lạp cổ. Những chiến công của ông được đánh giá cao vì nó làm cho văn hoá Hi Lạp được lưu truyền khắp nơi, đạt đến đỉnh cao nhất trong lịch sử Văn minh nhân loại.
      2Hanibal Barca (247-183)
      Vị tướng huyền thoại này với lực lượng ít và yếu hơn hẳn đế chế Rome nhưng đã tiến hành những cuộc hành quân vô tiền khoáng hậu từ Cathegne (Tây Ban Nha ngày nay) đánh thẳng vào Rome, với những chiến thắng vang dội làm suy yếu tận gốc rễ đế chế La Mã, mặc dù sau này Rome phản công và đã phải dùng đến chính sách lược của Hannibal là cho quân đánh thẳng đến Cathegne khiến cho Hannibal thua trận phải tự sát nhưng từ đấy đế quốc La Mã suy tàn không còn gượng dậy được nữa.
      3. Julius Cesar (100 – 44)
      Tổng tài của đế chế La Mã, người chinh phục gần như toàn bộ Châu Âu thời bấy giờ, chiếm sang cả Ai Cập và Babylon; rất nổi tiếng với bản báo cáo chiến thắng gửi Viện Nguyên lão khi ông được cử chinh phục Babylon : “VENI, VEDI, VICI” (Ta đã đến, đã nhìn thấy, đã thắng)…. bộc lộ sự kiêu căng của một người tài năng chiến thắng.
      Đó là 3 danh tướng tiêu biểu cho thời Cổ.
      4. Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227)
      Nhà chinh phục vĩ đại nhất của nhân loại, mở ra đế quốc Nguyên Mông chưa từng có trong lịch sử, thiên hạ anh hùng cổ kim không ai sánh bằng. Những cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn có sự tàn phá nặng nề với các nền Văn Minh khác, thậm chí là xoá sổ ." Vó ngựa Mông cổ đi đến đâu, nơi đó cây cỏ cũng không mọc được ".

      5. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1228 – 1300)
      Vị danh tướng anh hùng dân tộc Việt Nam đã đánh bại đạo quân thiện chiến vô địch của con cháu Thành Cát Tư Hãn. Sau chiến thắng 1288, đế chế Mông Cổ bắt đầu suy yếu và tan rã trên phạm vi toàn thế giới. Hoàng gia Anh đã tặng đức Thánh Trần danh hiệu Người đánh bại đế chế Mông Cổ.
      Đó là hai danh tướng nổi bật và tiêu biểu cho thời trung cổ.
      6. Oliver Cromwell (1599 – 1658)
      Là danh tướng nước Anh, lừng danh trong lịch sử với đội quân sườn sắt đã đánh bại quân đội của hoàng gia Stewart trong cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII, chém đầu vua Anh Charles I (1649), sau trở thành Bảo Hộ Công, tổng tài của Anh quốc.
      7. Napoleon Bonaparte (1769 – 1821)

      Hoàng đế Pháp vĩ đại chinh phục gấn hết Châu Âu, danh tướng vĩ đại nhất thế giới thế kỷ 19. (Bộ “dân luật” ảnh hưởng đến cả châu Âu – gián tiếp khiến cho các quốc gia Đức và Ý hình thành, ảnh hưởng về tổ chức quân đội, chiến lược tác chiến trên thế giới, gieo rắc tư tưởng tự do. Những cuộc chinh phục cũng như nghệ thuật chiến tranh của ông đã đi vào lịch sử chiến tranh của nhân loại.
      8. Mikhaiin Cutudop (1745 -1813)
      Danh tướng Nga, đã đánh bại Napoleon chặn đứng cuộc xâm lăng của Napoleon vào Nga (1812), sau đó lãnh đạo liên quân các nước Áo – Phổ tiến đánh Paris lật đổ hoàn toàn sự thống trị của Napoleon. Ở Nga ông được xem như anh hùng dân tộc. Cùng với Suvurop, ông được lịch sử vinh danh là bậc thầy của nghệ thuật hành quân vượt núi.
      Đó là 3 danh tướng tiêu biểu cho thời cận đại.
      9. Geogry Zukop (1896 – 1974)

      Trong lịch sử chiến tranh thế giới, hiếm có vị tướng nào chưa bao giờ nếm mùi thất bại, chỉ biết có chiến thắng, hết trận này đến trận khác. Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh trong Thế chiến thứ hai, Nguyên soái G.K. Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng nhiều và quy mô lớn, chiếm bảng vàng về tài năng chỉ đạo chiến dịch,chiến lược. Những chiến tích sáng chói của ông trở thành tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá nhân loại. Nó không những có ảnh hưởng lớn về lý luận quân sự của Liên Xô mà cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của lý luận quân sự thế giới.
      10. Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013)
      Đại tướng tổng tư lệnh quân đội Việt Nam, viện Hàn Lâm hoàng gia Anh vinh danh ông là người đánh đổ hai chế độ thực dân cũ và mới, bậc thầy của chiến tranh du kích.

    Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

    Ta nhất định thắng thơ nhất định thua'



    TP - Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, thuở nhỏ ham chơi, ông bố giận mắng: “Mày sau này chó nó nuôi”. “Một lời là một vận vào”, Bảo Sinh trở thành người nuôi và kinh doanh chó mèo cảnh nổi tiếng. Tự nhận: “Làm thơ nuôi chó chọi gà/ Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ/ Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ/Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà”, Bảo Sinh lại tỉnh táo và thẳng thắn khi bàn về thơ, về “bệnh làm thơ”, phong trào “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” hiện nay.
    .
    Tôi cho rằng đó là cái bệnh của xã hội: Tự do sướng nhất trên đời/Tự lừa còn sướng hơn mười tự do. Bệnh làm thơ càng ngày càng nặng. Vì người ta ngồi trong cảnh thực mà không chịu chấp nhận nên phải hoang tưởng, thì hoang tưởng tốt nhất là làm thơ. Hoang tưởng sướng nhất - nghĩ mình là nhà thơ vĩ đại. Làm gì thì làm, chỉ cần có một câu thơ hay là lưu danh thiên cổ!

    Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

    ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ LỤC BÁT



             
    Lục bát là thể thơ cổ truyền đặc trưng Việt Nam. Vốn sinh ra từ nơi mái rạ, bờ tre, giếng nước, sân đình, lục bát gần gũi với lối sống, nếp nghĩ thật thà chất phác của người nông dân nên là loại thơ nôm na dễ hiểu, dễ nhớ. Nó bám rễ, ăn sâu vào đời sống tinh thần của người Việt tự thuở xa xưa, giống như chèo cổ, quan họ, rối nước, đàn bầu… những văn hóa dân gian có tự ngàn đời, không một loại văn hóa cung đình hay văn hóa ngoại lai nào đồng hóa được.
              Người Việt Nam vốn vị tình nên lục bát cũng là một thể thơ vị tình. Những điệu dân ca Bắc bộ, Quan Họ, những làn hát chèo như giao duyên, cò lả, mời trầu.. đã tựa hẳn lòng vào cái nền thơ sáu tám. Ông cha ta tự ngàn xưa đã hát Xẩm, hát rong bằng lục bát để khóc cười thái thế nhân tình.

    Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

    BÀI VIẾT CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU THÁI DOÃN HIỂU

              
    Khoảng đầu năm 2005 nhà biên tập Thái Doãn Hiểu từ thành phố Hồ chí Minh ra Bắc, ông có về qua Thái Bình gặp và lấy tư liệu để viết về thơ Đỗ Trọng Khơi và thơ Nguyễn Long. Ông bảo đang làm tập Thi nhân Việt Nam hiện đại. Ông dự kiến chọn được gần 200 cây bút thơ từ thời chống Pháp đến nay của cả nước để đưa vào tập. Ở Thái Bình có hàng trăm cây bút thơ nhưng ông chỉ chọn giới thiệu hai người. Cuối năm 2007 ông điện ra nói đã viết xong bài về thơ mình và sắp xuất bản tập Thi nhân VN và gửi cho mình bài viết này. Sau đó nghe nói tập sách của ông đã được xuất bản nhưng mình chưa được nhìn thấy lần nào. Nay mới có thời gian tập hợp và đưa bài viết của ông lên blog.
              Mình làm thơ tay trái, thơ phú lại phọt phẹt mà được một nhà nghiên cứu biên tập có uy tín như ông biết đến lại đưa lên sách nữa thì lấy làm may mắn và biết ơn tác giả nhiều nhiều lắm. (NGUYỄN LONG)


    THÁI DOÃN HIỂU

    THƯỜNG DÂN LO NỖI KIẾP LÀNG

             
    Nhà biên tập THÁI DOÃN HIỂU
    Bước sang thế kỷ XXI, từ quê lúa Thái Bình, Nguyễn Long đã rất ấn tượng khi trình chính giữa làng thơ bằng tất cả vẻ độc đáo không lẫn vào ai của mình. Anh chơi khá hay, độc một điệu lục bát, độc một đề tài làng quê và người quê. Nguyễn Long giống như một cây đàn độc huyền sành điệu.
              Nguyễn Long, Long là rồng. Một con rồng thơ lạ đang vút lên sau lũy tre làng.

              * * *
             
              Nguyễn Long tâm sự với chúng tôi: Anh sinh ra và lớn lên ở làng quê. Tuổi thơ nửa ngày đi học, nửa ngày chăn trâu cắt cỏ, bốc bùn. Học xong cấp 3 (PTTH) trường huyện là vào thẳng ngay quân ngũ. Chiến đấu ở chiến trường Bắc Quảng Trị, Tây Nguyên bốn năm, mặc áo lính đeo quân hàm thiếu úy, sau chuyển ngành về công tác ở bộ Giao thông vận tải 8 năm. Đang học dở đại học Giao thông năm thứ tư thì bỏ sang Đức học nghề và kiếm tiền 10 năm. Năm 1988 về nước làm báo ở tạp chí Văn nghệ Thái Bình cho tới khi nghỉ hưu.
              Về cuộc sống gia đình anh có hai con một trai, một gái. Bố là nhà báo Nguyễn Văn ở Thái Bình đã nghỉ hưu (mất đầu năm 2013). Mẹ là nông dân nhưng mê đọc truyện Kiều và truyện Tầu. Các anh chị em trong gia đình đều là công nhân viên chức nhà nước nhưng say mê văn chương, nhà có năm người là hội viên Hội VHNT Thái Bình. Bản thân Nguyễn Long cũng mê văn chương từ nhỏ, nhưng ngoài 40 tuổi mới chuyên chú tới thơ. Lý do cũng đơn giản: Trước đó chỉ viết báo tay trái bởi nghĩ văn chương là thứ cao siêu không dám động vào. Sau đọc văn chương cả nước, thấy quá nhiều văn thơ dở, tự nhủ mình làm được hơn thế và mới cầm lấy bút.

    Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

    TƯ DUY CỦA NGƯỜI VIỆT

    VƯƠNG TRÍ NHÀN

    Nguyễn Công Hoan trong hồi ký Đời viết văn của tôi(1971) có nhiều đoạn tự thú về sự làm bừa làm bậy đã xẩy ra trong đời mình. Đại khái ông kể là lúc ra học tiểu học ở Hà Nội cần giấy khai sinh, nhưng ngại về làng bên Bắc Ninh làm tận gốc, liền nhờ ông chủ nhà trọ làm hộ. Ông này bảo hai người bạn làm chứng, rồi kiếm cành cau với vài hào bạc đưa lý trưởng Hàng Trống. Vài ngày sau, ông Kép Tư Bền trong văn chương tương lai có ngay tấm giấy khai sinh và nghiễm nhiên thành người sinh ở Hà Nội.

    Câu chuyện được kể chỉ cốt để phô ra một tình trạng gian dối phổ biến trong sinh hoạt đương thời. Như một thứ thỏa thuận ngầm, mọi người chia sẻ một cách sốngthực giả tùy tiện . Không ai buồn quan tâm tới sự chính xác của các con số, không muốn và không có nhu cầu hiểu biết thực thụ về chính mình cũng như hoàn cảnh quanh mình. Một thứ khinh bạc bất cần đời bao trùm cả xã hội.

    Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

    VĨNH BIỆT NHÀ THƠ LÊ THÁI SƠN

    Qua trang web của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được tin anh Sơn từ trần, buồn quá. Mình là đàn em, là người  ngoại đạo văn chương, được biết và quen anh Sơn (nhà thơ Lê Thái Sơn) đã nhiều năm là chủ tịch Hội LHVHNT Nghệ An đã là điều may mắn, tuy không gần gũi nhưng anh Sơn quý mình và lần nào ra Thái Bình cũng tìm đến nhà mình chơi. Mình nhớ nhất năm 2003 khi anh Sơn về Thái Bình dự lớp tập huấn một tuần. Có một tối Hội VHNT và Sở Văn hóa Thái Bình tổ chức đêm nhạc Trần Hoàn ở nhà VH Lao động Thái Bình, ngồi xem biểu diễn ca nhạc chưa nóng chỗ, anh Sơn bảo mình: Về nhà em pha chè uống ngồi nói chuyện hay hơn. Thế là mấy anh em bỏ về. Anh Sơn thích những thứ dân giã, nên ở Thái Bình sáng nào anh cũng hẹn mình đi ăn bún cá và bữa ăn nào cũng chỉ ăn cơn trộn với mắn cáy (là hai thứ đặc sản của TB) chứ không thích món gì. Mình nhớ nhất là năm 2004, đoàn VNS Thái Bình đi thực tế miền Trung, anh Sơn điện bảo mình: Anh đang đi hội thảo ở Huế, Nếu Long có đi cùng đoàn Thái Bình thì anh mới bỏ hội thảo về chơi với em chứ nếu em không đi thì anh không về đón đoàn TB đâu. Thịnh tình của anh Sơn làm mình cảm động và nhớ mãi.  Mình thích nhiều bài thơ của anh Sơn, nhất là bài Thơ vui tặng bạn đạp xích lô, mình đã thuộc làu từ khi chưa biết nhà Sơn Lê Thái Sơn là.. Nay chia tay anh về cõi vĩnh hằng xin in lại  bài thơ trên của anh thay cho nén tâm nhang.

    Thơ vui tặng bạn xích lô
    Thuộc đường như thuộc bàn tay
    Nhắm mắt cũng biết ngõ này, hẻm kia
    Phố nào có mấy quán bia
    Có bao "ông lớn" thường chìa đít xe 
    Ngủ mà như vểnh tai nghe
    Tiếng còi những chuyến tàu về ngoài ga 
    Lên xe nào cậu, nào bà
    Valy trẻ, thúng mủng già như nhau
    Áo đủ mốt, mũ đủ màu
    Nước hoa, nước mắm, xăng dầu đều quen 
    Ra đường thẳng cánh đua chen
    Vòng vo, luồn lách mà lên với người
    Nặng, nhẹ cũng một dằm ngồi
    Nhìn mặt, đặt giá nửa lời là xong 
    Khi thì chẳng miếng lót lòng
    Bạn bè nhậu nhẹt chúng không thèm mời
    Khi thì xả láng cuộc chơi
    Giá ai có bán gan trời cũng mua 

    Trăm lần sắm lễ lên chùa
    Thật tâm mà khấn như đùa cả trăm
    Cúi xin đức Phật từ tâm
    Kiếp sau lại bắt con cầm càng xe.

    Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

    Nghề văn không sang trọng


    Trần Đình Sử 

    Nhà NCLL Trần Đình Sử
    Cách đây không lâu có người cao hứng tung ra  một ý kiến ngộ nhận: “Nghề văn là nghề sang trọng.” Bao nhiêu người nói theo. Thế rồi ảo tưởng, hiếu danh, thế rồi số người viết văn, làm thơ tăng vọt, thế rồi số hội viên hội nhà văn ngày một tăng. Người sắp hàng chờ vào hội cũng rất đông.

    Tôi không có ý phản đối ai làm nghề văn, tôi cũng không nghĩ rằng mọi người vào hội đều háo danh. Tôi chỉ muốn nói nghề văn không phải là nghề sang trọng, nhất là vào thời hiện đại.

    Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

    NGƯỜI ĐẢNG VIÊN XUỐNG TÓC

    Ký của NGUYỄN LONG

                   
    Là một Đảng viên được kết nạp và phát triển trong quân đội nhưng con đường binh nghiệp lại không thuận thàng với chàng thanh niên Hoà vốn yêu đạo Phật từ nhỏ. Xuống tóc rồi phải bỏ sinh hoạt Đảng nhưng cái chất Đảng viên và cái tác phong miệng nói tay làm đã thành cách sống của sư Hoà khi sống ở nơi cửa Phật. Hiện nay Đại đức Thích Thanh Hoà đã là Trưởng ban trị sự, chánh thư ký Ban trị sự hội Phật giáo tỉnh Thái Bình. Ông là đại diện cho những cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các tôn giáo và là một trong những nhân tố mới của Phật giáo Thái Bình trong phong trào Đại đoàn kết toàn dân và học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

    CON CHỮ LÀNG CHÀI

    Bút ký của NGUYỄN LONG

             
    Giống như những làng chài khác quanh năm lênh đênh sông nước, cảnh nghèo khó, lam lũ, bệnh tật, đông con... bám vào người dân chài từ đời này sang đời khác. Song làng chài thôn Cao Bình (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, Thái Bình) còn một nỗi khổ nữa là thất học. Chuyện tưởng như đùa mà có thật, một làng nằm giữa vùng đất học, trong cái nôi văn hoá sông Hồng mà đến đầu thế kỷ XXI phần lớn người làng vẫn mù chữ. Cách đây vài chục năm đã có những lớp học "chân sóng" được mở ra nhưng mỗi con chữ đến được và nhất là trụ lại được với làng chài phải qua bao nhiêu nổi chìm  sóng gió.

             
              Năm nay làng chài Cao Bình dự định kỷ niệm lần 92 năm sống ở đất Hồng Tiến, Kiến Xương. Đấy là nghe truyền khẩu mấy đời chứ thực chất chẳng ai biết ngày tháng năm nào các cụ tổ vạn chài về đây cắm sào đậu lại thành làng. Vì cả làng từ xưa không ai biết chữ nên không một nhà nào có gia phả hay giấy tờ ghi lại sử  làng. Gọi là làng chứ đến nay mới chỉ có vài nóc nhà lèo tèo nằm sát con đê chắn sóng sát sông Hồng gần như biệt lập với xã hội bên ngoài. Đấy cũng là thành quả của mấy cuộc vận động làng chài an cư lạc nghiệp của các cấp chính quyền huyện xã từ mấy chục năm nay. Trước đây mảnh đất hờ của làng chỉ lênh đênh trên cái bến nước thôn Cao Bình mà gần một trăm năm nay người làng chài truyền đời nhau gọi đấy là quê. Cả làng có hơn 100 hộ giáo dân từ ngày xửa ngày xưa chỉ sống bằng nghề thuần sông nước. Cái làng bến nước ấy thực chất chỉ là nơi dân làng đăng ký hộ khẩu và một năm đôi ba lần các nhà tụ lại với nhau vào những kỳ lễ Giáng sinh, Phục sinh, lễ Quan thầy là những ngày đạo trọng, còn những ngày thường bến sông vắng ngơ vắng ngắt. Dân làng chài phiêu dạt tứ xứ làm ăn. Thuyền của làng Cao Bình hầu hết là thuyền nhỏ nên không nhà nào có khả năng đánh bắt xa bờ. suốt đời chỉ mon men ở các cửa sông. Có đi xa lắm  cũng chỉ quang quẩn ở các vùng ven bờ từ Thanh Hoá đổ ra đến Quảng Ninh, Hải Phòng. Bó bện với sông nước bao đời nhưng không mấy hộ của làng thoát khỏi cảnh nghèo khó. Chẳng ai dám nghĩ đến chuyện mua đất làm nhà để có nơi đi về khi trời dông biển động hay nghỉ ngơi lúc tuổi già không còn cầm nổi mái chèo, tay lưới. Cuộc sống lênh đênh sông nước, con thuyền là nhà, cắm sào đậu lại nơi đâu là quê không biết bao nhiêu cơ cực. Anh Hoàng Văn Hải hiện là trưởng thôn cả nhà đã lên bờ được mươi năm nay sinh ra trong một gia đình đã mấy đời chài lưới cho biết: Con thuyền chỉ rộng năm bẩy mét vuông mà nhiều nhà cả ba thế hệ hơn chục người chen chúc nhau sinh sống chưa kể đến có khi còn nuôi cả chó mèo và lợn gà nữa. Với cánh đàn ông cuộc sống trên thuyền dù vất vả, bí bích đến đâu cũng chịu đựng được. Nhưng với đàn bà, trẻ em thì trăm nỗi khổ cực. Bản thân anh cũng như nhiều người làng sinh ra trên biển. Khi mẹ anh sinh anh ở ngoài biển Hải Phòng, cha mới vội đưa vào bờ nơi gần nhất nhờ bà con địa phương giúp đỡ. Ba ngày sau khi thấy mẹ tròn con vuông cả nhà anh lại xuống thuyền ra khơi. Có những trường hợp đau đẻ gặp lúc thuyền đang ở xa không kịp cập bờ thì người trên thuyền phải tự đẻ, tự đỡ. Trẻ con từ khi sinh ra đã bị "nhốt" trên thuyền, nhưng thương tâm hơn là không mấy năm làng chài không có một vài đứa trẻ bị nước cuốn đi. Có gia đình như nhà anh Nguyễn Văn Để bốn năm liền có hai đứa con bị chết đuối. Cuộc sóng lênh đênh sông nước cuốn làng chài vào cái vòng luẩn quẩn nghèo khó, đông con và đặc biệt là thất học từ đời nọ đến đời kia.

    HÀ TRÍ DŨNG, LẶNG LỄ TƯỢNG ĐÀI

    Ký của NGUYỄN LONG

    Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Yên Phụ
              Tôi biết Hà Trí Dũng từ những năm 70 của thế kỷ trước, anh làm hoạ sỹ ở Văn phòng Hội VHNT cùng với cha tôi là nhà báo Nguyễn Văn. Sinh năm Giáp Ngọ ( 1954), cầm tinh con ngựa, anh hài hước rằng: kiếp con ngựa để kéo xe, cho người cưỡi, nhiều khi cũng được thờ nhưng mà chỉ ở cổng đền, chùa mà thôi.
              Từ nhỏ Hà Trí Dũng đã thích vẽ, nặn. Ngày bé con anh từng mê mải ngồi xem ông nội nặn các con giống bằng bột gạo và tượng đất nung quét vôi rồi tô mầu để cho bà mang ra chợ Phủ, chợ Khô bán lấy tiền đong gạo. Quê anh xưa là làng và thuộc phủ Tiên Hưng có mấy người có nghề làm tượng đất nung vào những lúc Tết nhất, những dịp nông nhàn. Bây giờ không còn người làm nên nghề cũng mai một. Theo đuổi niềm say mê nặn tượng cho đến khi theo học trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp anh lại được đào tạo chuyên ngành điêu khắc như cái duyên trời định. Ngày tựu trường ở nơi sơ tán thuộc huyện Đoan Hùng ( Phú Thọ) anh tâm đắc và ghi sâu lời thầy hiệu trưởng, hoạ sỹ Nguyễn Khang: nếu trong quân ngũ người lính phải có chí lập chiến công vươn lên thành tướng, là sinh viên mỹ thuật phải phấn đấu mai sau thành tác giả tên tuổi có tác phẩm để lại cho đời.
              Sau nhiều năm lao động nghệ thuật, Hà Trí Dũng đã trở thành nhà điêu khắc thực thụ được đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật biết đến qua những tác phẩm triển lãm mỹ thuật và công trình tượng đài của anh dựng trên mọi miền Tổ quốc. Tranh tuợng của anh nằm trong bảo tàng Mỹ thuật VN và các sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Năm 2002 Hà Trí Dũng được ghi tên trong bộ từ điển Các nhà nghệ thuật thế giới ở mọi thời đại do nhà xuất bản K.G – SAUR của CHLB Đức ấn hành.
             
    Hà Trí Dũng
    Hồi mới biết Hà Trí Dũng tôi còn là người ngoại đạo văn chương nghệ thuật nhưng đã cảm nhận một cách rất ấn tượng khi xem các tác phẩm anh làm. Hình như anh chỉ chú tâm vào sáng tạo nghệ thuật chứ không bị phân tán bởi những chi phối của cuộc sống thường nhật. Tác phẩm của anh đa dạng từ các chất liệu gỗ, đá, kim loại… đến phương pháp thể hiện đều khiến người xem rung động trước những tìm tòi thể nghiệm một ngôn ngữ điêu khắc mới trong dòng nghệ thuật hiện thực mô tả lúc bấy giờ. Anh đã giành nhiều giải thưởng cao tại các triển lãm mỹ thuật toàn quốc và khu vực.

    Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

    Bức vẽ Bữa ăn chiều cuối cùng .

     Leonardo da Vinci vẽ bức "Bữa ăn chiều cuối cùng" (The last supper) mất bảy năm liền. 
     Đó là bức tranh vẽ Chúa Jesus và mười hai vị tông đồ trong bữa ăn cuối cùng trước khi  Chúa bị Judas phản bội.
      Leonardo tìm người mẫu rất công phu.  Giữa hàng ngàn thanh niên, ông chọn được một chàng trai 19 tuổi có gương mặt thánh thiện, một nhân cách tinh khiết tuyệt đối để làm mẫu vẽ Chúa Jesus.  Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt sáu tháng trước chàng trai, và hình ảnh Chúa  Jesus được hiện trên bức vẽ.

    Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

    LỜI CẢM TẠ TANG LỄ

                                 LỜI CẢM TẠ TANG LỄ
             
    Bố chúng tôi là cụ Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1926, quê quán làng An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình.  Nguyên Thư ký tòa soạn báo Thái Bình, nguyên là phát thanh viên đài Phát thanh Thái Bình, trưởng ban Văn học hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, bút danh  Nguyễn Văn, nghỉ hưu năm 1983.
    Sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, mặc dù đã được con cháu và gia đình tậm tâm phụng dưỡng nhưng vì tuổi cao lực kiệt, cụ Nguyễn Văn Hoa đã từ trần vào hồi 5 giờ 50 phút sàng ngày  27 tháng 5 năm 2013 (tức 18 tháng 4 năm Qúy Tỵ).
    Tang lễ đã được cử hành trọng thể theo nghi lễ của địa phương tại nhà riêng SỐ 04, ngõ 340, tổ 47, phường Quang Trung, TP Thái Bình. An táng tại quê nhà làng An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

              Gia đình  chúng tôi xin gửi lời cảm tạ đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, các đơn vị và các cá nhân đã đến thăm viếng, gửi điện chia buồn, điện hoa và đưa tiễn cụ Nguyễn Văn Hoa về nơi an nghỉ cuối cùng:

    Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

    BÌNH BÀI THƠ THÍM HAI VUI



    ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY

    THÍM HAI VUI

    Những năm chú ra trận
    thím buồn vui một mình
    thím bảo những năm ấy
    là những năm hoà bình

    Có tin đồn chú chết
    thím thầm cắn chặt môi
    nuôi hai con ăn học
    cấy cầy đến quắt người

    Bỗng đột nhiên chú về
    tung huân chương đầy chiếu
    thím cười mà như mếu
    nước mắt chẳng buồn lau

    Rồi chẳng biết vì đâu
    yên lành không chịu được
    vợ con, chú đánh trước
    xóm giềng chú đánh sau

    Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

    VÌ SAO NGUYỄN LONG CHƯA ĐƯỢC KẾT NẠP VÀO HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM.


    Hôm nay nhà thơ Trần Nhuận Minh điện về có nhắc đến chuyện vào Hội nhà văn VN và nhắc lại chuyện anh Minh đứng ra bảo vệ mình thế nào nhưng vẫn không được. Vì có một số chuyện anh Minh chưa biết nên mình gửi lại cho anh Minh đọc bài viết này. Đây là bài đã đăng trên lethieunhon.com, phongdiep.net, lucbat.com và nhiều trang mạng khác cách đây mấy năm, hôm nay mới post về blog của mình.

    VÌ SAO NGUYỄN LONG CHƯA ĐƯỢC KẾT NẠP VÀO HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM.
    Lâu nay dư luận cứ xầm xì chuyện Nguyễn Long không được kết nạp vào Hội nhà văn VN vì đã…đút lót nhà văn Phan Thị Vàng Anh - Ủy viên Ban chấp hành và bị trả lại “tang vật”. Thực hư như thế nào? Tác giả Phan Hà ở Hội văn nghệ Thái Bình thử đi tìm câu trả lời. Vì sao Nguyễn Long chưa được vào Hội nhà văn.
    Tác giả Nguyễn Long ( Thái Bình) được Hội đồng thơ bỏ phiếu đề nghị Ban chấp hành Hội nhà văn xét kết nạp từ năm 2003. Từ đó đến nay mỗi năm một lần Hội đồng thơ đều bảo lưu danh sách đã đề nghị nhưng chưa lần nào Nguyễn Long vượt qua được cái vũ môn của Ban CH nên vẫn chưa được vào Hội.

    Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

    ĐẤT NƯỚC NHỮNG THÁNG NĂM THẬT BUỒN


    Nguyễn Khoa Điềm


    Đất nước những năm thật buồn
    Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
    Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
    Như kẻ khát nước qua sa mạc
    Chung quanh yên ắng cả
    Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
    Người giàu, người nghèo đều ngủ
    Cả bầy ve vừa lột xác
    Sao mình thức?
    Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
    Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
    Có còn bay trong đêm
    Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
    Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
    Mong gặp một con cá hanh khác?
    Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
    Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
    Ấm áp ly cà phê sớm
    Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
    Hớn hở tập thể dục
    Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
    Không phải gạt vội vì xấu hổ
    Ngước mắt, tin yêu mọi người
    Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
    Trong không gian đầy sợ hãi?
    Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
    Đời đời an ủi
    Cho người đã khuất và người sống hôm nay …

    22.4.2013

    Nguồn: Quê Choa.

    Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

    Đừng tưởng




    Đừng tưởng


    Đừng tưởng cứ núi là cao
    Cứ sông là chảy, cứ ao là tù
    Đừng tưởng cứ dưới là ngu
    Cứ trên là sáng cứ tu là hiền
    Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
    Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
    Đừng tưởng không nói là câm
    Không nghe là điếc không trông là mù
    * * *