Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

BÌNH BÀI THƠ THÍM HAI VUI



ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY

THÍM HAI VUI

Những năm chú ra trận
thím buồn vui một mình
thím bảo những năm ấy
là những năm hoà bình

Có tin đồn chú chết
thím thầm cắn chặt môi
nuôi hai con ăn học
cấy cầy đến quắt người

Bỗng đột nhiên chú về
tung huân chương đầy chiếu
thím cười mà như mếu
nước mắt chẳng buồn lau

Rồi chẳng biết vì đâu
yên lành không chịu được
vợ con, chú đánh trước
xóm giềng chú đánh sau


Chớ dại mà can chú
chú nhất cả huyện rồi
giặc nào chú cũng thắng
có thua thua ông trời

Chỉ thương thím Hai Vui
mặt mũi luôn thâm tím
đến bây giờ chiến tranh
mới thật đến với thím

Chú đòi phải ly dị
mỗi con về một nơi
thím hát như kẻ dại
miệng mếu lại thành cười

Nghe đâu thím lên tỉnh
rửa bát cho người ta
thấy ai quen cũng lánh
những mặt phấn quần hoa

                   TRẦN NHUẬN MINH

                   Bồ Hòn, tháng 10/1988

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN LONG


          Bài thơ này tôi đã đọc nhiều lần, không hiểu sao cứ mỗi lần đọc lại thấy lòng rưng rưng, xa xót buồn thương cho số phận của người phụ nữ nhà quê chịu khó chịu thương vừa chung thuỷ với chồng, vừa yêu thương con cái hết mực như thím Hai Vui.
          Một người phụ nữ đi qua cuộc chiến tranh, bao nhiêu năm vò võ nuôi con, vò võ đợi chồng, đến ngày hoà bình trở lại, non sông thống nhất, gia đình được đoàn tụ, người chồng trở về trong chói lói hào quang, lại là lúc cuộc sống mới bắt đầu bất hạnh, địa ngục của đời mới bắt đầu mở ra. Một sự thật tưởng như không bao giờ có và không thể tin được... Sự hấp dẫn của bài thơ là ngay khổ thơ đầu tác giả đã bật ra cái tứ thơ ấy: Những năm chú ra trận/ thím buồn vui một mình/ thím bảo những năm ấy/ là những năm hoà bình. Đọc bài thơ trên, tôi thường nhớ tới cái thời đã hoà bình bao cấp, cả xã hội chìm trong đói kém,. Nhiều gia đình hàng tháng trời không nhìn thấy hạt cơm, có người đói khổ quá phải nấu cháo thuốc sâu để cả nhà ăn chết đi cho hết cảnh khổ lay lắt. Ngày ấy rất nhiều người ước thời chiến tranh trở lại để còn có bát cơm mà ăn. Và tôi chợt nhớ đến những câu thơ trong bài Nghe tiếng cuốc kêu của nhà thơ Hữu Thỉnh: Đợi anh/ chỉ mong anh về/ áo rách cũng thơm/ chiếc chạn nhỏ với vài đôi đũa mộc/ cứ tưởng sau chiến tranh thì toàn là hạnh phúc/ chúng ta đã vò võ đợi nhau... nhưng không phải em ơi/ cuốc kêu không phải thế...
          Và những người lính từ chiến trận trở về mang theo những chiến công  hiểm hách, người anh hùng ấy phải theo lẽ phải được mọi người tôn vinh, kính nể và trân trọng. Nhưng hình như vẫn là tiếng cuốc kêu: Nhưng không phải, trời ơi, không phải thế!... Cũng mỗi lần nghĩ về bài thơ, tôi lại nhớ đến truyện ngắn lịch sử Dạ đàm của nhà văn Hoàng Quốc Hải, đã in trên báo Văn nghệ, truyện đại ý: Bình xong giặc Thát lần thứ ba, Hoàng đế Trần Nhân Tông mới ngoài 30 tuổi đã nhường ngai vàng cho con để vào Yên Tử tu thiền. Trong một cuộc dạ đàm trước ngày vua từ ngôi báu, một quần thần mến mộ của vua hỏi người: Sao giang sơn, xã tắc vừa thanh bình, còn bao nhiêu việc lớn đang cần tới người mà bệ hạ lại bỏ triều đình để tìm đến cửa thiền. Nhà vua bảo: Đất nước tuy hết giặc giã, nhưng trải qua ba lần chiến tranh, con người đã quen với chém giết, đã nhờn với cái ác,  nhìn thấy máu đổ giống như nước lã chảy. Nếu ta không tìm đường tu để giáo hoá tâm thiện cho dân tình thì xã tắc mong gì được yên lành, bền vững...
          Là bậc thánh nhân nên Trần Nhân Tông đã nhìn thấy những mần độc sau các đài hoa chiến thắng, những điều xấu xa nảy nở trong sự kiêu hùng của con người. Có lẽ thời nào, cuộc chiến nào cũng vậy kể cả đối với bên thắng cuộc và được coi là chính nghĩa, bao giờ nó cũng để lại những di chứng đau lòng và người dân là lớp người chịu thiệt thòi, mất mát nhiều nhất. Đó là nỗi buồn đau lớn nhất của chiến tranh. Bài thơ Thím Hai Vui của nhà thơ Trần Nhuận Minh là một bài thơ hay bởi nó là một nỗi buồn chiến tranh lớn. Bao nhiêu lần đọc bài thơ, đọc xong chỉ thấy nỗi buồn đọng lại.

                                                                   NGUYỄN LONG
                                                          (Tạp chí Văn nghệ Thái Bình)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét