Phạm
Hoài Ngọc hiện là hiệu trưởng trường THPT Nam Duyên Hà (huyện Duyên Hà, Thái Bình)
vừa là người yêu thơ vừa sáng tác thơ, trên tạp chí Văn nghệ Thái Bình số tháng
10/2012 có giới thiệu một chùm thơ ba bài mới sáng tác của Ngọc. Vừa mới đây
Ngọc gửi cho tôi bài viết về thơ Thường dân kèm theo thư sau:
Kính gửi: Anh Nguyễn Long
Bài thơ Thường dân, nhiều người đã
khen và bình xác đáng và hay. Nhưng em cũng xin kể anh nghe: trong buổi liên
hoan văn nghệ của một khóa học của cán bộ quản lý ngành giáo dục: gồm Hiêụ Trưởng
trường THPT, trưởng khoa, viện trưởng Đại hoc...thì đã có người đọc bài Thường
dân của anh và cả hội trường vỗ tay đấy.
Em cũng gửi tới anh một cảm nhận và
suy nghĩ của em khi đọc bài thơ này. Chào anh, chúc anh mạnh khỏe. Em Ngọc.
ẨN NGHĨA TRONG BÀI THƠ
THƯỜNG DÂN CỦA NGUYỄN LONG?
Bài thơ Thường dân là một bài thơ hiếm gặp. Bởi lẽ, cái khẩu khí
như vậy thì ở đâu đó cũng có nhưng chỉ là một vài câu cảm thán, vài câu đọc
chơi bời lúc trà dư tửu hậu mà thôi. Chứ là một bài thơ thế sự đậm chất trữ
tình và nhất là khi trình làng lại được đón nhận nồng nhiệt và tạo ra một hiệu
ứng sâu rộng thì quả là đặc biệt.
Thường dân hay là dân thường, người không có chức vụ, danh vị
trong xã hội. Họ là lớp người đông đảo, như là cỏ, như là nước, là cây chông,
cây mác nhiều nhưng không thừa, bởi họ là những con người hữu ích, bởi họ có
giá trị tự thân: Khi là cây mác cây chông/Khi thành biển
cả, khi không là gì.
Ở đây cả khi nói: khi không là gì, cũng đã hàm ẩn một
sức mạnh chất chứa, một sức mạnh tiềm ẩn có thể làm nên những vụ vần bão giông
chứ không phải chỉ chịu những tác tao. Câu thơ làm nhớ lại lời cổ nhân: Dân như
nước.
Cả một bài thơ dù không có câu nào so sánh, đối chiếu giữa
thường dân - với người không phải thường dân, nhưng như một cặp phạm trù bao
giờ cũng có hai mặt, luôn luôn làm người đọc thấy có sự liên tưởng, sự so sánh
giữa thường dân cùng những đặc điểm của nước, của cỏ, của mác, của chông,của
những phẩm chất và cả những sự thiệt thòi, thân phận với cái nửa đối trọng
không được nói trực tiếp đến kia và những cái dư thừa, cái không phải, cái
không được của nó.
Từ đó trong một ý nghĩa tích cực và nhân bản liệu có phải có một
ẩn nghĩa về trách nhiệm xã hội, về trách nhiệm cá nhân của những người
không phải thường dân - người có danh vị xã hội không?
Theo tôi, bên cạnh những đồng cảm, những sự thán phục, sự ngợi
ca về đức tính của thường dân,
còn có cả sự xót sa, sự thương cảm và sự đòi hỏi bù đắp, nhìn nhận đúng đắn về
giá trị của người dân thường nữa. Đó mới là những đóng góp lớn của bài thơ, mặc
dầu đã có sự an ủi: Hoà
vào trời đất mà xanh/Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân. Thì tôi hiểu đây cũng chỉ là
sự an ủi về mặt tâm lý trước những thiệt thòi cả về vật chất và tinh thần,
giống như dân gian vẫn động viên nhau: của
đi thay người vậy(!)
Chứ người viết và mục tiêu của bài thơ Thường dân đâu phải nửa vời và buông xuôi là vậy?
Đọc bài thơ thấy Nhà thơ Nguyễn Long quả là người gần gũi với
người dân, hiểu và trân trọng người dân biết nhường nào. Không chỉ vậy, ông còn
là người dấn thân, nặng lòng muốn những điều tốt đẹp nhiều hơn nữa cho quần
chúng cần lao. Có phải nghệ
thuật vị nhân sinh chính là
đây?
Hưng Hà, ngày 28 tháng 11 năm 2012.
Phạm Hoài Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét