Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

LÀNG PHỐ

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Ngay cái tên đã nhập nhằng rồi. Làng phố. Làng là làng. Mà phố là phố. Làng ở thôn quê. Còn phố nơi phồn hoa đô thị. Đấy là hai vùng địa giới, hai miền văn hóa hoàn toàn riêng biệt. Bây giờ, trong công cuộc đổi mới, đời sống cũng bắt đầu xuất hiện nhiều vẻ đẹp mới. Lại còn có cả những vẻ đẹp của sự nhập nhằng. 

Ấy là cái làng quê của tôi.

Cách đây chỉ chừng trên chục năm thôi, làng tôi dù không cách sông cách đò, nhưng vẫn có cảm giác như nó rất hẻo lánh, cô lẻ như một ốc đảo, dù không xa Hà Nội bao nhiêu, nếu tính theo đường chim bay. Ngày mưa, đường quê lụt lội. Làng có đám cưới, người ta phải dùng trâu để đón cô dâu. Bây giờ, cái làng heo hút ấy đã hoá thành đô thị rồi. Đường làng đổ bê-tông. Đêm đêm, những bờ tre, khóm chuối bỗng mỡ màng, óng nuột trong ánh sáng của những ngọn đèn đường. Làng đã có karaoke. Rồi cơm bụi. Rồi dịch vụ cưới xin. Rồi khách sạn, nhà nghỉ cao tầng lấp ló sau những gốc sung, bụi duối. Trống, nhạc xập xình. Những gì thành phố có thì ở cái xó làng này cũng có. Các cô thợ cấy, các bà chăn lợn giờ cũng phấn son, váy áo loè xoè. Ông bạn tôi, một cựu chiến binh lắc đầu ngán ngẩm: “Mình chẳng phải thằng ham hố gì đâu, nhưng nhiều lúc cũng chỉ muốn thành một lão có chức sắc thật to, để làm gì cậu hiểu không? Để ký một sắc lệnh: Cấm tất cả các em chân cẳng khùng khoèo, đen nhẻm …không được mặc váy ngắn!”. 

Nhà quê và về quê

Nhà quê và về quê
Phạm Quang Long

Là trai nông thôn, học xong làm việc ở thành thị, lấy vợ là người Hà Nội, công việc, con cái ổn cả, nhà cửa chẳng sang trọng gì nhưng cũng đủ để sống một cuộc sống yên ổn mà sao những suy nghĩ về quê cứ luôn thấp thỏm trong tôi?

Trước đây, thỉnh thoảng vợ và con vẫn đùa: "bố nhà quê lắm". Tôi hiểu, đó như một lời chê. Thì tôi vốn là người nhà quê, không quê sao được?.Dù xa quê đã lâu và thực sự, tôi đã là một tay nhà quê mất gốc nhưng cái chất quê, kiểu quê nó lặn vào máu tự bao giờ. Ẩn kín đến đâu rồi cũng có lúc cũng bật ra, gây khó chịu cho người khác bởi cái sự thiếu văn minh của mình.

Ngày làm ở sở Văn hoá ở Hà Nội, tôi cứ nói đùa với các bạn là tôi đang " lấy nông thôn bao vây thành thị", đang " nhà quê hoá" đất kinh kỳ. Chả biết mình đã làm hỏng và phá đất thần kinh những gì do ngu dốt, kém cỏi...nhưng phải nói rằng chính những ngày này tôi mới có dịp nhận ra nhiều cái " nhà quê" vẫn đang tiềm ẩn nơi thị thành, đang làm cho nơi đây giầu có thêm lên. Đi sâu vào các khu phố cổ, lật những lớp bao phủ bên ngoài, nhìn sâu hơn vào phía sau tôi nhận thấy rất nhiều chất " nhà quê" của dân tứ chiếng đã góp phần tạo nên mảnh đất kinh kỳ này. Và, ẩn sau những lớp bụi thời gian, bụi " kinh thành", cứ lấp lánh nét đẹp của những người nhà quê thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã cùng góp sức lực, trí tuệ tâm huyết ( cả tài sản và sinh mạng của mình nữa) cho vùng đất mới mà họ đã chọn làm nơi lập nghiệp của mình.

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Nỗi buồn hạt gạo

(Theo Nguyễn Thông Blogger)

   
Cuối năm, có vài cái tin đáng phấn khởi liên quan đến nông nghiệp. Trước hết là, theo công bố mới nhất từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến cuối tháng 11 đạt 6,24 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường hàng đầu hút gạo Việt là Trung Quốc, Philippines, Indonesia.

    Tin thứ 2, mới nghe dễ bỏ qua nhưng thực ra rất đáng quan tâm: Nông trường Sông Hậu ở Cần Thơ đã ký hợp đồng với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu… rơm, mỗi năm hàng trăm ngàn tấn. Như vậy, không chỉ gạo - phần kết quả tinh túy nhất của nông nghiệp, mà ngay cả phụ phẩm, thứ phẩm của nhà nông đất Việt ta, xưa nay ta coi là rơm rác, cũng lên đường đem ngoại tệ về cho đất nước. Thế chẳng đáng mừng sao.

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

NRASARA nhận diện Văn Chương Tan Rã

(Theo lethieunhon.com)

Thế kỉ mới mở ra cơ hội lớn đồng thời đặt nhà văn trước thách thức không nhỏ, trong đó sự ra đời và phát triển phương tiện sản xuất mới (internet) luôn ở thế như muốn đẩy Hội Nhà văn Việt Nam về phía lạc hậu. Lâu nay lực lượng sản xuất thơ văn thuộc biên chế Hội Nhà văn và những ứng viên đã buộc lòng chấp nhận chờ đến phiên mình để được đăng bài vở như một cách phân phối tem phiếu thời bao cấp, từ khi văn chương mạng ra đời, cả bộ phận lớn hội viên tách đàn mà không một lần ngoảnh lại báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, tạp chí Nhà văn nữa. Xong bài nào họ post lên mạng bài nấy. Rồi thì nhà văn lập website, blog riêng, sau nữa là Facebook. Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam mất thế giá nghiêm trọng dưới mắt hội viên lẫn độc giả. Đến khi những người trách nhiệm nhìn ra vấn đề thì mọi chuyện đã quá muộn. Website của Hội đã làm lỗi thời lúc nào không hay.

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Con người và xã hội Việt Nam qua truyện TẤM CÁM

 (Theo LÊ THIẾU NHƠN. com)

Góc nhìn của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Người Việt có câu: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Xưa nay mọi người vẫn cho rằng câu ca dao này nói đến nhu cầu đùm bọc lẫn nhau giữa những người nghèo khó. Thế nhưng đọc nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, thấy ông gợi ra ý khác. Ông Trường cho câu này là lời kêu than của kẻ bị trị với người thống trị. Sống trong một giàn đấy, tức cùng trên một địa bàn cư trú, trong một xã hội, nhưng là khác giống, khác cấp độ, khác hẳn nhau về vị thế. Nên mới kêu rằng hãy thương lấy chúng tôi với. Chứ giữa những người nghèo khó, làm gì có sự khác giống mà phải kêu gọi vậy? Tôi cũng học theo cách đó, thử nhìn khác đi một chút về truyện Tấm Cám”.


CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM QUA TRUYỆN TẤM CÁM

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Chín sự việc con người sau khi chết có thể gặp

 
chet
Nhiều người muốn biết rằng chết rồi thì họ sẽ ra sao
Thoạt nghe qua thì chúng ta cảm thấy thật đáng kinh ngạc và khó có thể tin được. Có người không tin và đưa ra lý do rằng: người chưa qua đời thì làm sao có thể biết được những sự việc này sau khi chết? Có rất nhiều trường hợp về trải nghiệm cận tử đã xảy ra trong thế giới chúng ta, những người này hầu như đã chết, nhưng họ lại rất may mắn sống trở lại. Từ những lời thuật lại thì chúng ta có thể biết được rằng họ đã thực sự đến thế giới bên kia sau khi chết. Hơn nữa đa số họ đều có thể nói rõ rất nhiều điều tương đồng xảy ra.
1. Một con đường sáng chói
chet 1
Như chúng ta đã biết rằng, giống như phần lớn những người từng trải qua kinh nghiệm cận tử, họ đều nói rằng đã thấy ” một đường hầm với ánh sáng rực rỡ phía cuối.”
2. Bạn có thể thấy nhìn thấy thân thể xác thịt của chính mình.

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Tản Mạn Về Những Yếu Tố Tình Dục Trong Văn Học Việt Nam




Trần Minh Thương
Nghĩ đến tình dục, hay quan hệ tình dục (tiếng Anh: sexual intercourse), còn gọi là giao hợp hay giao cấu, ta thường nghĩ ngay đến việc đưa bộ phận sinh thực khí người nam vào bộ phận sinh dục người nữ.

Gần với khái niệm tình dục, còn có khái niệm “dâm”. Theo tự dạng chữ Hán thì chữ Dâm 淫 viết với bộ thủy, theo nghĩa chiết tự thì chữ nào có bộ thủy là mang ý nghĩa đầm đìa, ướt át, tràn trề, thâm thúy, mê ly, quá sức, quá chừng. Theo Hán - Việt Từ điển của Đào Duy Anh thì chữ Dâm có ba nghĩa là: quá chừng, không chính đáng và mê hoặc.

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Tìm hiểu sự hoạt động của các yếu tố chỉ sinh thực khí trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao và câu đố của người Việt


(Theo TỄU BLOG)

Đỗ Anh Vũ
(Viện Ngôn ngữ học) 

Lời dẫn của Tễu Blog:  Bài viết dưới đây của nhà nghiên cứu trẻ Đỗ Anh Vũ là nội dung trình bày trong buổi thuyết trình “Tìm hiểu sự hoạt động của các yếu tố chỉ sinh thực khí trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao và câu đố của người Việt” đã diễn ra vào chiều thứ bảy 05/09//2015, tại Cà phê Thứ Bảy, 3A, Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

"Những từ chỉ sinh thực khí của tiếng Việt xuất hiện khá nhiều trong lời ăn tiếng nói dân gian, điển hình qua vùng ngữ liệu của thành ngữ tục ngữ và ca dao. Từ trước đến nay trong giới Việt ngữ học, chúng được xếp vào bộ phận những từ ngữ mang sắc thái tục, ít được chú ý nghiên cứu và cũng thường bị người ta ngần ngại khi phải đề cập tới.

Bài thuyết trình, đi vào tìm hiểu sự hoạt động của những yếu tố chỉ sinh thực khí trong nguồn ngữ liệu dân gian là thành ngữ, tục ngữ, ca dao và câu đố của người Việt. Qua gần 10 năm khảo sát, diễn giả đã thống kê được con số 158 đơn vị thành ngữ tục ngữ ca dao và 17 đơn vị câu đố có sự xuất hiện của những yếu tố chỉ sinh thực khí từ các cuốn từ điển, các tài liệu văn hoá và tư liệu điền dã cá nhân. Tác giả cũng chỉ ra các hình thức định danh, những cách sử dụng mang tính biểu trưng, ẩn dụ; và đặc sắc hơn cả là những ẩn tầng văn hoá ẩn chứa qua từng con chữ. Qua khối ngữ liệu này, ta không chỉ bắt gặp những tín ngưỡng / mê tín dân gian, kiến thức dân gian mà còn thấy những tương đồng và khác biệt thú vị khi so sánh với đời sống văn hoá và ngôn ngữ của người phương Tây".

Diễn giả Đỗ Anh Vũ, Email: doanhvuvn2000@ yahoo.com 
Bút danh: Trầm Ngư, Lĩnh Tung Ma, Tạ Lũng Minh.
Sinh năm 1980. Công tác tại Viện Ngôn ngữ học từ 2002 đến nay.

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Ngày ông Kiệt viết thư lên Bộ Chính trị


Ông Võ Văn Kiệt là thủ tướng được đánh giá cao trong giai đoạn hậu Đổi Mới từ năm 1986
Ngày 9 tháng Tám năm 2015 đánh dấu tròn 20 năm Thủ Tướng Võ Văn Kiệt gửi thư đến Bộ Chính trị.
Bức thư này hiện đang được chia sẻ lại trên mạng xã hội và một số nhà bình luận cho rằng bức thư vẫn "còn nguyên giá trị" cho ngày hôm nay.
Dưới đây BBC giới thiệu toàn văn bức thư.
Hà Nội, ngày 9 tháng 8 năm 1995
Kính gửi BỘ CHÍNH TRỊ
Sau đợt thảo luận tháng 6 vừa qua trong Bộ Chính trị xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội VIII, đồng chí Tổng bí thư đã kết luận còn một số vấn đề và quan điểm lớn cần tổ chức nghiên cứu và thảo luận sâu hơn nữa. Tôi tán thành kết luận này và xin trình bày một số ý kiến về 4 vấn đề :
1. Đánh giá tình hình cục diện thế giới ngày nay 2. Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng ? 3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước 4. Xây dựng Đảng

1. Đánh giá tình hình, cục diện thế giới ngày nay

Nhận thức của chúng ta về tình hình, cục diện thế giới này nay quyết định đánh giá của chúng ta về thời cơ và thách thức.
Đặc điểm cần nhấn mạnh là : Trong thế giới ngày nay, không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính chất đa dạng đa cực trở thành nhân tố nổi trội nhất chi phối những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia trên thế giới.
Và cũng khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực, những lợi ích toàn cầu khác (ví dụ hoà bình, vấn đề môi trường, vấn đề phát triển, tính chất toàn cầu hoá ngày càng sâu sắc của sự phát triển lực lượng sản xuất...) đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc phát triển những mâu thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới ngày nay trên thế giới. Nhiều mâu thuẫn khác đã từng tồn tại trong thời kỳ thế giới còn chia thành hai phe – kể cả mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội – có thể tiếp tục còn tồn tại, song chịu sự chi phối ngày càng lớn hơn bởi những mâu thuẫn khác và do đó không còn có thể giữ vai trò như cũ.
Không thấy hết đặc điểm quan trọng nói trên, không thể cắt nghĩa được việc Việt Nam trở thành thành viên ASEAN, ký kết hiệp định khung với EU (Liên hiệp châu Âu, chú thích của DĐ), tạo lập ra được quan hệ quốc tế ngày càng rộng rãi và giành lấy vị trí quốc tế ngày càng thuận lợi hơn trước giữa lúc hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại được nữa.
Cần nhấn mạnh đây là chiến công có ý nghĩa chiến lược và xoay chuyển hẳn tình thế của đường lối đối ngoại Đại hội VII – xuất phát từ những nhận thức mới và chính xác về cục diện thế giới ngày nay. Bây giờ, lợi ích của Việt Nam là phát huy hơn nữa đường lối ấy. Đồng thời cũng phải tỉnh táo đánh giá những thách thức và sức ép mới do ta gia nhập ASEAN, hợp tác với EU, bình thường hoá quan hệ với Mỹ...

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Nghề ăn cắp của người Việt ở Đức

Có lần tôi đi một phiên tòa xử nhanh hai thanh niên Việt Nam ăn trộm trong cửa hàng. Một chàng diện Nike Air Max chói chang Một chàng quần bò Dolce Gabbana rất xước. Cả hai đều mới sang Đức hai tuần trước, đơn xin tị nạn còn chưa nộp. Họ ăn trộm phụ kiện, nước hoa và mỹ phẩm trị giá gần 1000 Euro, trong một cửa hàng mà họ hiển nhiên là những vật thể lạ. Xã hội tư bản tân tiến một thế kỷ rưỡi sau Marx đã xóa đi nhiều ranh giới giữa các giai cấp đối kháng, song lại mở rộng khoảng cách giữa các đẳng cấp. Hai thanh niên Nghệ An này chỉ cần đặt một nửa bàn chân vào cửa hàng đó là toàn hộ hệ thống báo động của nó đã đỏ rực. Hình phạt cho mỗi chàng là một cuối tuần quản thúc, tức chiều tối thứ Sáu khăn gói đến Nhà Quản thúc Thanh thiếu niên ở, chiều tối Chủ nhật được về. Đại diện tư pháp cho thanh thiếu niên cằn nhằn rằng thế hơi nặng, phạt lao động công ích là đủ rồi. Công tố viên nhún vai. Thẩm phán thở dài, biết rằng sớm muộn cũng gặp lại họ, nhiều phần sớm hơn phần muộn.
Người Việt ở Đức hoàn toàn vắng mặt trong những tội phạm cỡ lớn như khủng bố, đe dọa an ninh quốc gia; rất khiêm tốn trong những tội phạm tài chính và công nghệ cao; khá thứ yếu trong những lĩnh vực như ma túy, mại dâm...; quả thật không thể sánh vai các bạn thuộc khối Đông Âu cũ do Nga dẫn đầu; nhưng lừng danh trước hết với mafia thuốc lá lậu và ngay sau đó có thứ hạng đáng kể là những người ăn trộm, có lẽ chỉ đứng sau Rumani. Trong ba năm gần đây, mỗi năm cộng đồng 84.000 người Việt ở Đức phạm khoảng 5000 vụ hình sự, trong đó trên dưới 1000 vụ là tội ăn cắp. Để so sánh: cộng đồng Trung Quốc 110.000 người, mỗi năm trên dưới 200 vụ ăn cắp. Trừ tranh tượng nghệ thuật và bí mật công nghệ, nói chung không có thứ gì mà người Việt ở đây không thể và không nỡ ăn cắp, từ mèo nhà hàng xóm, xe nôi, xe đạp, hộ chiếu, thẻ tín dụng, điện, nước, biển số, đến nhân thân, vịt trời...; làm nấm ăn cắp nấm, làm xúc xích ăn cắp xúc xích, làm quán ăn cắp tất cả những gì không còn nguyên niêm phong; song phổ biến nhất là ăn cắp trong cửa hàng. Có thời, đồ ăn cắp được bày ngang nhiên ở nhiều góc Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, khu chợ Việt Nam nổi tiếng tại quận Lichtenberg. Đồng bào xúm xít mua đồ tốt giá rẻ, từ hộp thuốc đánh răng, kem dưỡng da, rượu, cà-phê đến túi xách, áo da, quần bò hàng hiệu. Sự nghiệp bán thuốc lá lậu đã góp phần xây dựng cộng đồng người Việt ở miền Đông nước Đức trong 25 năm qua, song thời hoàng kim của nó đã là dĩ vãng, trong khi ăn cắp thì tương lai còn khá vững bền.
Người Việt bán thuốc lá lậu tại Đức - NGUỒN: SPIEGEL TV
Ta hãy nhớ lại: Ngày 10/5/1996, cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường thuốc lá lậu ở Berlin giữa các băng đảng Việt Nam - mở màn ngày 6/12/1992 với một xác người Việt ở một bãi đậu xe tại quận Marzahn, Đông Berlin - đạt tới đỉnh cao ghê rợn: sáu người Việt bị hành hình trong một căn hộ chung cư cũng ở quận Marzahn, tất cả tay đều bị trói, mỗi người lĩnh chính xác hai viên đạn của băng Ngọc Thiện bắn vào đầu. Bốn ngày sau, để "tháng Năm đẫm máu" đi vào lịch sử tội phạm của thành phố này, băng Quảng Bình "bị hại" đáp lễ bằng ba xác người Việt vứt ở đường tàu quận Lichtenberg

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

HÙNG CA DIÊN HỒNG

Nguyễn Khắc Phục (Theo Trần Nhương.com)


            1
Con dân nước Việt
Biết mình đang ở đâu trong thế giới
Sông ngắn hơn Amazôn
Núi thấp hơn Êvơrét
Việt Nam
Tay làm hàm nhai
Thạo cày cuốc, chăn tằm và chài lưới
Sức không đủ bao trùm mấy cõi
Chí không xa mong dẫn dắt loài người
Chỉ cốt ấm ba tháng hè, no ba ngày tết
Tuần chay nào cũng có nước mắt
Bán anh em xa mua láng giềng gần
Thương người như thể thương thân
Việt Nam


Chín bỏ làm mười
Cười như thở cả buồn vui hờn giận...

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

GÁNH NẶNG QUÊ NGHÈO

HOÀNH ANH - THIỆN NHÂN (Báo Nông nghiệp VN)

Loạt bài này, không chỉ sẻ chia với những khó khăn người nông dân đang phải đối mặt mà còn nhằm mục đích làm rõ tính pháp lý của các khoản thu, phần nào trả lời cho câu hỏi: Sao phải thu nhiều đến thế? Thu để làm gì? Vì sao nông dân không sống nổi với ruộng đồng?... Rất nhiều xã ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) chọn thời điểm sau thu hoạch mỗi mùa vụ để mở ra chiến dịch thu nộp ngân sách (thường gọi là thu sản). Nông dân, trăm thứ trông vào đồng ruộng, nhưng thóc lúa chỉ về kịp đến sân, tuốt sạch, phơi phóng xong thì vừa hết, chẳng mấy hạt được vào bồ… Bán sạch lúa không đủ tiền nộp sản Giữa mùa hạ ở Thường Nga, một xã nghèo miền thượng Can Lộc, trời xanh ngằn ngặt, nắng như thiêu như đốt. Nắng chết cỏ chết cây, đất đai, ruộng đồng đanh lại, cảm giác như bị cả một lò lửa khổng lồ nung đốt. Vạn vật cỏ cây, con người im lìm chịu trận. Duy chỉ có tiếng loa truyền thanh từ trụ sở UBND xã vẫn cứ đều đặn hoạt động hết công suất. Giọng cán bộ truyền thanh giục giã, vang vọng, đanh thép len lỏi khắp trong làng, ngoài xóm, ra đến tận ngoài đồng vẫn còn nghe rõ: UBND xã yêu cầu nhân dân hoàn thành nghĩa vụ đóng nộp trong ba ngày chiến dịch. Đã thành lệ, từ mấy chục năm nay, cứ sau kỳ thu hoạch vụ mùa, xã Thường Nga lại huy động toàn thể nhân dân đóng nộp ngân sách. Việc thu nộp sản phẩm thành cả một chiến dịch. Năm nay chiến dịch “nổ” ra vào ngày 22/6. Ngày 20/6, Chủ tịch UBND xã Thường Nga Đường Trọng Hữu ký duyệt phương án thu nộp, ngày 21/6 các phương án về đến thôn, không kịp họp dân thông qua, ngay ngày hôm sau chiến dịch đã bắt đầu. Hạn chỉ trong vòng 3 ngày nhân dân phải đóng nộp đầy đủ, nhà nào thiếu, dù chỉ một cân thôi cũng phải chịu nộp phạt thêm 5%. Thực hiện chiến dịch thu nộp, mỗi hộ dân Thường Nga phải gánh hai phần đóng góp. Phần thu của xóm và phần thu của xã. Ở xóm bao gồm các khoản thu nội đồng, thu bê tông, thu hội quán…

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

GÓC CHIẾU QUÊ

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi chọn và bình 5 bài thơ hay của các tác giả Thái Bình, mình đem về đây lưu lại dể tham khảo


(Tôi đang làm một tập bình thơ, bình các bài thơ hay cổ/cận và hiện đại. Trong tập tôi dành một phần nhỏ, cuối tập chọn/bình 5 thi phẩm của 5 tác giả đương đại quê Thái Bình. Xin trân trọng gt cùng bạn đọc).
THƯỜNG DÂN
Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão dông
Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả khi không là gì
Thấp cao đâu có hề chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi
Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vãn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn
Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dàng dụm thảo thơm ngọt lành
Hoà vào tời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
NGUYỄN LONG
Lời bình:
Bài thơ có 4 khổ, chia theo thể lục bát được 8 cặp. Chỉ với từng ấy câu chữ, như Thường dân mang trong nó một dung lượng không nhỏ.
Đông thì chật, ít thì thưa/ Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân… Cặp lục bát số 1 này xuất hiện có tính chất xác định vị trí, thì đến cặp số 8 kết bài: Hoà vào trời đất mà xanh/ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân, thì vị trí của lớp người thường dân đã trở nên một vị thế cao đẹp, đáng tôn vinh. Và điểm mở của tư tưởng thơ hé lộ ngay ở câu bát đầu bài, qua hai chữ “dư thừa”. Có một nguyên tắc căn bản trong đời sống, là tính nhị nguyên, đa thành phần. Khi đã xác định về cái gì đó là đẹp tất có cái đối chứng, so sánh với nó là cái xấu.vv… Ở trường hợp thơ này, khi tác giả đã viết “chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân” hẳn có nghĩa lớp thường dân “chẳng dư thừa” ở đây đã được cân nhắc so sánh với một lớp người nào đó đang “bị dư thừa”. Phải chăng guồng máy cán bộ công chức nhà nước nhiều phen phải “giảm biên” đã cho tác giả so sánh này? Thường dân – vốn là một tầng lớp được ví với cỏ: Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi, tưởng đã rộng khắp đến cơ man, thừa thãi mà tình cảm, tư tưởng thơ lại đưa ra nhận xét là “không – dư – thừa”, quả đây là một minh định, một phát giác mang tính nhân bản sâu sắc. Và nữa, dùng cụm từ “không dư thừa” làm điểm quy chiếu, soi chiếu tới câu thơ thứ 12 sẽ cho nhận diện rõ hơn bản chất một lớp người, loại người khác phẩm chất: Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn. Và đặc biệt ở câu thứ 3, với ba chữ “tác tao sau”: Tác tao sau những vũ vần bão giông. Sau bão giông là mưa đền cây. Luật tư nhiên, tình cảm thiên nhiên là thế, vậy mà với “quy luật xã hội con người” trong cảnh thơ này thì khác. Đã có một sai biệt lớn xẩy ra!
Thường dân – là một ấn pháp thể hiện sáng rõ một phương thức sống về một lớp người quanh năm chân đất đầu trần băng qua thiên sai vạn biệt của thời thế, họ sẵn sàng bằng tất cả tinh thần, phẩm hạnh của mình cho cuộc hoá thân làm “cây mác cây chông”, làm “biển cả” để tạo lập cuộc đời. Khi xã hội yên bình thì hơn ai hết, chính lớp người này lại trở về: Hoà vào trời đất mà xanh, bình dị với thiên nhiên hoa cỏ, lặng in với lẽ “không là gì”. Mang sức ôm trùm ấy, thi phẩm Thường dân hiện hữu như một khúc thương ca, bằng vẻ đẹp giai điệu ngôn từ vừa tượng hình rõ một tầm vóc, vừa đầy vẻ bí nhiệm của tâm thức thiên nhiên cho phép cất lên tiếng gọi cuộc hoá thân nhập phận. “Huyền đồng vật ngã” – Đây chính là một giấc mơ lớn chảy từ thời Trang – Lão và nó vẫn tồn tại như một giá trị bản thể, nhân bản luôn có tác dụng giáo dưỡng con người mọi thời.
Bài Thường dân được cấu thành bởi 8 cặp lục bát, với 16 câu thơ. Trong 16 câu thơ đó, chỉ duy có 1 câu thể hiện hình ảnh về một loại người khác loại thường dân, đó là câu: “Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn”. Cách cấu tạo các câu, cặp thơ, lấy 15 câu thể hiện lớp người “thường dân” và tinh thần, tình cảm 15 câu thơ này tự tin, mạnh mẽ, tốt lành bao nhiêu thì 1 câu kia lại hiện ra vẻ mờ tối, hiểm trở bấy nhiêu. Nếu xem đây là một thủ pháp nghệ thuật, thì rõ ràng thủ pháp nghệ thuật này được sử dụng một cách đắc địa. Nó tỏ rõ được sức mạnh chân lý, và khảng định về chân giá trị trong cõi nhân gian này.
Trong cõi nhân gian bé tẹo mà vô cùng đông đúc ngày nay, có cảm giác chỉ thêm một hiện diện cũng dễ dẫn đến tràn đầy. Một giọt người nào đó được rót thêm vào có thể sẽ làm tràn ly nhân loại! Tuyệt đẹp thay cho lớp người thường dân, đông dù “chật” nhưng chẳng hề “thừa”. Thi phẩm Thường dân của Nhà thơ Nguyễn Long đã xác định sáng ngời chân giá trị này.
ĐI ĂN CƯỚI VỢ CŨ
Vợ cũ đi lấy chồng
Mời mình về ăn cưới
Mình bàn với vợ mới
Có đi không mình ơi!
Vợ mới cười rất tươi
“Chị mời thì nên đến
Hai đứa mình cùng đi
Để tỏ tình thân mến!”
Vợ cũ mặc rất đẹp
Nhìn thấy chạy đến chào
Chồng mới của vợ cũ
Ra tận nơi đón vào…
Ôi cuộc tình rổ rá
Mà cưới vui bất ngờ
Mọi người tranh nhau hát
Mình cũng lên đọc thơ
Trong làn khói lơ mơ
Mình ghé tai hỏi vợ
“Nếu cuộc tình này vỡ
Mình có mời anh không?”
(theo BLOG Dân trí)
BÙI HOÀNG TÁM
Lời bình:
Trong đời sống thuần phong mỹ tục của gia đình người Việt Nam thì lễ cưới là một trong những nghi thức được tổ chức long trọng bậc nhất. Tên nghi thức được đặt "Lễ rước dâu". Chữ "rước" ở đây là cách xác định tính chất tôn nghiêm, ngang bậc với các nghi thức tôn nghiêm tôn giáo khác, như lễ rước kiệu thần thánh nơi đình chùa. Một đằng chỉ việc thờ phụng thánh thần, một đằng việc duy trì, thờ phụng dòng giống tổ tiên.
Thơ văn xưa nay miêu tả về việc này thảy đều là các tác phẩm chữ nghĩa chuẩn mực, chân thực và trang trọng. Bài thơ "Đi ăn cưới vợ cũ" của nhà thơ Bùi Hoàng Tám là một tiếng nói mới mẻ, riêng biệt và nó có tính cách phản phong. Với một giọng thơ tưng tửng đùa chơi, giễu nhại, các nhân vật vợ/chồng mới/cũ đến với lễ cưới vui vẻ, cứ như trong lòng họ chưa hề chịu nỗi xót xa nào. Họ vốn là vợ chồng, nghĩa là cũng từng yêu thương, đầu gối tay ấp, rồi tan vỡ và hẳn không thể nói lúc đối diện cảnh tan vỡ, phân ly cõi lòng không đau đớn. Cho dù ở những trường hợp gia đình "ly hôn" được xem là sự giải phóng, giải thoát cho nhau đi chăng nữa thì tình ân ái mặn nồng, sự đau đớn, bất hạnh trong mình và thậm chí cả cho những đứa con, vẫn là các trạng thái sống từng trải qua.
Ly hôn, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì đấy vẫn là một bất hạnh!
Vậy, vết tích của tình yêu và nỗi xót thương lòng xưa đâu mà giờ đây chỉ thấy, với người vợ: "Vợ cũ mặc rất đẹp/ Trông thấy chạy đến chào…", người chồng cũ: "Mọi người tranh nhau hát/ Mình cũng lên đọc thơ". Và đặc biệt, khổ kết bài sự tếu táo, giễu chơi đã được đẩy tới đỉnh, như lời dự báo: "Trong làn khói lơ mơ/ Mình ghé tai hỏi vợ/ Nếu cuộc tình này vỡ/ Mình có mời anh không?". Đúng là vẫn còn đấy nhiều chông chênh, bất định.
Vì vậy có thể đặt câu hỏi, dù không gian, không khí buổi lễ cưới này là có thật hay không, với tác giả, thì nó vẫn hiện diện sinh động như thật và nó là một dạng thức có trong tâm lý, tư tưởng người đương thời, bởi thế nó đã tìm được sự tương thích của đông đảo bạn đọc? (Kết quả theo Google, tính đến thời điểm 11/2013 là 8.430.000 lượt truy cập). Câu trả lời, qua thái độ tiếp nhận hoàn cảnh mới một cách nhẹ nhàng, tự nhiên vô tư của các nhân vật vợ/chồng cũ/mới kia đã ít nhiều chạm trúng vào niềm mong muốn được cởi bỏ những ràng buộc lễ giáo truyền thống cho một phong cách sống mới, với những chuẩn mực giá trị đã nhiều khác biệt của con người trẻ tuổi thời @, hiện đại này.
Nếu hoạ hình ảnh biểu trưng cho một bộ phận không nhỏ con người và các gia đình Việt Nam ngày nay, có thể hình dung đó là một gương mặt đầy bất an, thiếu hình mẫu lý tưởng, thiếu cơ sở nền tảng cần cho sự bền vững nhưng dường như nó lại đang khá hồ hởi được đánh chìm mình trong cơn khát thoả mãn các nhu cầu sống cá thể và tính cá thể đã được đẩy tới mức khiến nó trở nên trơ lỳ, vô cảm trước các giá trị truyền thống, nó luôn trong tư thế hân hoan tận hưởng và tất nhiên, để trạng thái sống đó thành một bản năng, hay một dạng ý thức mạnh mẽ thì đồng thời nó đòi hỏi đối tác phải biết xoá dấu quá khứ. Mỗi bước chân là một lãng quên! Đấy chính là thái độ, tính cách phản phong, phản kháng lại giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục hằng được xác lập đã bao thời. Ở hoàn cảnh thơ này, nó chính là hệ quả không muốn có, mặt trái của công cuộc Đổi mới xã hội.
MIỀN QUÊ THÁNG SÁU
Tháng sáu
Chân đen dận thuốc
Đội phên chạy cơn mưa rào
Chuồn chuồn bay thấp
Mưa ngập cầu ao
Chuồn chuồn bay cao
Con cá rô róc
Có người say thuốc làng Bao
Theo anh về tận ngõ cầu rửa chân
Con tằm vàng trong nong
Con ngài hoá bướm
Bay đi kéo tơ qua làng
Đường cát sao em vội vàng
Đợi anh gửi mớ khoai lang biếu thày
Nhớ ngày rạm nổi
Em về chẩy hội đình Tây
Đầu thôn Hổ Đội
Gặp người đội nón không quai
Cuối thôn Trình Trại
Gặp em le te gánh đôi vỉ quài
Đất mình hành tía
Củ bằng bình vôi
Dọc xanh trẻ nhỏ thổi còi gọi nhau.
Anh bắt đỉa đầm sâu
Xoa bàn tay vôi trắng
Em cấy ruộng đầu ngòi
Chân bùn đen sà cạp
Lúa xanh lên em đẹp
Hội làng dào dạt trống cơm
Chàng Cuội đùa với thằng Bờm
Hằng Nga gọi mãi giận hờn nằm riêng
Những truyện thần tiên
Toàn những truyện thần tiên
Làng xưa vẫn đấy, nay tên khác rồi
Người đi chợ ăn đứng
Người đi cấy ăn ngồi
Con cò áo trắng, con người áo nâu
Lại con trâu
Vẫn con trâu
Đời mày kéo cả đời tao trên đồng
Da em trắng
Má em hồng
Mẹ già lại vẫn lưng còng đội mưa
Tháng sáu ngày xưa
Tháng sáu bây giờ
Đợi nhau bóng nắng tròn vo chân ngày
Em nhìn vào hai bàn tay
Cơn mưa thuở ấy còn đầy lòng nhau
Anh nâng cánh áo bạc màu
Vải diềm bâu nhuộm nước nâu quê mình.
TRỌNG KHÁNH
Lời bình:
Đúng như tiêu đề, Miền quê tháng sáu là thơ viết về phong cảnh quê, tình cảm người quê lúc thời gian mùa vụ. Tháng sáu – mùa thu hoạch lúa và mùa riêng của người quê trồng thuốc lào: “Tháng sáu, chân đen dận thuốc”. Tác giả hẳn là một người dân quê đó. Không gian thơ mở bằng hình ảnh thái thuốc lào. Người thợ thái thuốc, khi ra sợi xong thì vun thuốc lại thành đống và dận chân lên vò cho tới lúc từng sợi thuốc tiết ra chất nhựa, thuốc ngả hẳn sang màu vàng sậm, rồi đem phơi nắng cho nỏ kiệt. Bằng không, lỡ gặp mưa thì mẻ thuốc đó dễ bị hôi, ngái, mất đị mùi vị thơm ngon. Do đó, tiếp ngay sau câu chân đen dận thuốc là hình ảnh dự báo thời tiết: “Đội phên chạy cơn mưa rào/ Chuồn chuồn bay thấp/ Mưa ngập cầu ao...”
Chốn nhà quê, cuộc sống bao đời của người dân quê vốn chịu nhiều vất vả, khó nghèo, thua thiệt. Cái không gian quê truyền thống đó không thể không ám ảnh, chi phối tâm tư con người thời nay, nhất là tâm tư của nhà thơ. Hơn nữa, làng trong hiện thời cũng còn lam lũ, vất vả. Bởi vậy, không gian sinh hoạt làng quê trong thơ có lúc đang hiện ra tươi tắn, vui vẻ, mà thoáng cái đã thấy chùng xuống với những mặn mòi, day trở, u trầm. Cảnh quê hoạ đan xen giữa nét gợi xưa và nay, qua hai cung bậc tình cảm, hoàn cảnh, khi thì trẻ trung, thanh thoát, lúc lại trăn trở, day dứt, và đây chính là nét cảm xúc chủ đạo quán xuyến tinh thần, tình cảm của không gian nghệ thuật thơ, nó đã tạo ra nhịp điệu hình ảnh, với những ngắt, nhẩy cách quãng:
Lại con trâu
Vẫn con trâu
Đời mày kéo cả đời tao trên đồng
Da em trắng
Má em hồng
Mẹ già lại vẫn lưng còng đội mưa...
Dạng “lưỡng cảm”, xáo động cảm xúc khiến câu chữ như có lúc mất cân đối, song chính trạng thái cảm xúc này lại đảm bảo cho sức hồn nhiên của tình cảnh - thực cảnh và của một quy trình vận động nghệ thuật trong một không gian được định vị cụ thể, nhờ vậy sự “tự cân đối” vẫn được đảm bảo cho quá trình tự điều chỉnh cảm xúc của nội tại tác phẩm, dẫn đến hoàn thiện tác phẩm. Qua đây cho thấy, dạng cảm xúc, tạo dẫn hình ảnh này trong một bài thơ, thậm chí một khổ thơ như trên, quả ít gặp.
Nhân vật, cảnh vật xuất hiện trong Miền quê tháng sáu là nhận vật, cảnh vật của chốn quê mùa truyền thống. Nhưng bút pháp, cách lập ý, dựng cảnh thì là nghệ thuật của thơ hiện đại. Bài thơ khá toàn bích. Nếu có một câu thơ lép, gượng, thì đó là câu: “Hằng Nga gọi mãi giận hờn nằm riêng”.
Miền quê tháng sáu, là một bài thơ tình, với cặp nhân vật “anh, em” tình tứ, duyên dáng sóng đôi đi đầy suốt không gian thơ, song không chỉ vậy. Bởi vấn đề thơ có chỗ gợi ra, tuy với mật độ câu chữ không nhiều, nhưng lại khá sâu nặng nỗi niềm cộng đồng, thế sự, và đây còn là một bài thơ phong cảnh. “Nhớ ngày rạm nổi/ Em về chẩy hội đình Tây/ Đầu thôn Hổ Đội/ Gặp người đội nón không quai/ Cuối thôn Trình Trại/ Gặp em le te gánh đôi vỉ quài/ Đất mình hành tía/ Củ bằng bình vôi/ Dọc xanh trẻ nhỏ thổi còi gọi nhau...” Thơ vẽ nên bức tranh làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với những nét miêu tả đặc trưng về cảnh sắc và tình cảm, tập tục, phương thức lao động, có màu sắc riêng. Vì vậy, có thể nói, mức độ thành công của Miền quê tháng sáu còn về phương diện văn hoá, phong hoá một vùng đất.

TÌNH THU
Bơ vơ trong cõi hoang gầy
Em về trinh nữ trắng dày lối thu
Hồn như lạc chốn thiền tu
Con chim lẻ bạn
Cúc cu
Gọi chiều.
XUÂN ĐAM
Lời bình:
Soi vào gương chữ như thấy rõ hình hài cảm xúc và một cốt cách sống. Nó phát ra sắc diện một người đắm đuối đa tình và tỏ lộ một tính cách mơ hồ, hư thực. Trinh nữ - trắng dày lối thu... Cái trạng thái phiêu linh rợn ngợp. Đem sự tơ non trinh trắng của con người đặt vào không gian thiên nhiên hoang hoại và mong chuyển đổi cả cảm quan sắc màu – thu vàng, sang – trắng dày nguyên sơ ư? Đấy là cái rùng mình khi ngoảnh lại tuổi người. Là tiếng chuông vô vi còn vương víu âm sắc ái ân của một giọng chim vô trú. Một trạng thái tinh thần vừa muốn xuất thế, lánh đời vừa còn nhiều tiếc nuối với thời gian cuộc đời nhân thế - nhập thế. “Tiếng chim lẻ bạn” cất lên khi ánh “chiều” đã buông, đêm sắp về kia đã tỏ rõ trạng thái lưỡng cảm đó. Ấy là bản thi mệnh của Xuân Đam, cũng là nét hồn cốt chung của không ít phận người.
Từ ngàn xưa tới nay hầu như thi nhân nào cũng có thi phẩm về mùa thu. Bản Tình thu của Xuân Đam đem lại một nét cảm quan thu qua góc nhìn như được phóng chiếu từ tâm thức nội giới hơn là ở ngoại cảnh thiên nhiên. Dạng cảm – thức này luôn cho người thi sỹ cái nhìn đậm màu sắc hư ảo, hay thực ảo. Để rồi từ đó cho phép thi sỹ tạo dựng khoảng không gian nghệ thuật đủ rộng, đủ sức giúp ngôn ngữ vượt thoát những giới hạn từ, mở mang tầm vóc hình tượng, chiều cao biểu tượng, chiều rộng ý tưởng cần thiết cho việc khám phá những chiều sâu bản thể con người, bản chất thế giới mà trong đó thi nhân luôn là người chịu mang cảm nhận bơ vơ lưu lạc.
Tình thu – Một thi phẩm hay, có cách tiếp cận riêng, thực sự là một đóng góp của Xuân Đam cho bộ sưu tập thơ về mùa thu với tính đặc thù một dạng cảm thức thi ca, nhận thức bản thể.
MUỐI DƯA
Tươi cái mất, héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa
Tưởng vừa chớm đến độ chua
Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu.
Một thời mặn nhạt cho nhau
Xót xa nào nghĩ nát màu lá xanh
Gỡ xong ngày tháng... vô tình
Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua.
Hoa vàng nở giữa chiều mưa
Gió đưa cây cải ngày xưa về trời
Thương thầm từng cọng rau tươi
Rưng rưng cái mất, chơi vơi cái còn.
PHẠM HỒNG OANH
Lời bình:
Trong tâm trạng tình cảm chia ly câu chữ dễ dẫn vào niềm ta thán. Điểm quý của bài thơ này, niềm ta thán đã đem cảm xúc thơ đi lên trong những suy ngẫm về cuộc đời, con người.
Muối dưa - hiểu theo nghĩa đen là một công thức làm chua rau thành một món ăn. Từ liên hệ thực tế, tác giả đã liên tưởng, gắn kết hình ảnh, hình tượng "nén nỗi buồn thành dưa” – Thành ra thứ dưa chua xót, cay đắng của tình người. Sự liên tưởng gắn kết hình ảnh này xuất phát từ một nhận thức tâm lý: ở đời, lẽ thường thấy cái mất thì tươi non, cái còn thì héo úa. Tất nhiên đó mới là biểu hiện cảm tính, song biểu hiện cảm tính này đã phát triển thành tư duy lý tính thông qua quá trình diễn cảm của tình yêu và sự đúc kết có tính quy luật cuộc sống. Chính nhờ vậy, hoàn cảnh tâm lý của thơ mới phát triển trong mối tương giao đầy xao động trong tình ta thán. Nói “xao động trong tình ta thán”, là bởi kết cấu câu: Các câu thơ được kết cấu theo phương thức, câu yêu thương, chân thành đan cài với câu thất vọng, giễu cợt:
- Một thời mặn nhạt cho nhau: gợi nhớ, yêu thương
- Xót xa nào nghĩ nát màu lá xanh: thất vọng
- Gỡ xong ngày tháng vô tình: xây dựng
- Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua: giễu cợt, chua chát.
Bốn câu thơ kết bài thì được kết cấu theo lối đối xứng, tương quan. Đây là bốn câu thơ hay:
Hoa vàng nở giữa chiều mưa
Gío đưa cây cải ngày xưa về trời
Thương thầm từng cọng rau tươi
Rưng rưng cái mất, chơi vơi cái còn.
Hình ảnh câu chữ láy lại đoạn mở đầu bài. Khác là ở đoạn mở bài, tình thơ thể hiện về cái mất thì tươi, cái còn thì héo; đến kết bài lại thấy, cái mất được biểu cảm rưng rưng, cái còn thì chơi vơi, là thơ đi từ hình ảnh thị giác sang cảm quan trực giác. Sự thay đổi mức độ cảm xúc với cách nhìn nhận, đánh giá khác đi về giá trị hình ảnh – tình cảm như vậy là một sự chuyển đổi nội dung lớn. Tình thơ, tình đời nhờ vậy trở nên nhân tính hơn. Và đây chính là yếu tố tinh thần, cảm xúc làm nên thành công của bài thơ.

(ĐỖ TRỌNG KHƠI CHỌN/BÌNH)

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

XEM LẠI BÀI BÁO ĐÃ ĐEM LẠI TAI HỌA CHO HOÀNG NGỌC HIẾN

(Theo TỄU BL0G)

.
Về bài của Hoàng Ngọc Hiến

Lại Nguyên Ân

Đây là bài báo nổi tiếng nhất trong đời văn của Hoàng Ngọc Hiến, cũng là bài báo đem lại cho ông một tai họa vào loại nặng nề nhất.

Cần lưu ý rằng, bài báo của ông xuất hiện vào thời mà xã hội bao cấp đã phân hóa ở mức đáng kể; ngay xã hội viên chức cũng tự phân đôi: hầu hết viên chức đều ứng xử theo cách: nói năng “theo nghị quyết” ở nơi họp hành chính quy, nói năng “theo hiểu biết riêng” ở các xúc tiếp riêng tư, tin cậy. Vì thế, một mặt, bài báo của Hoàng Ngọc Hiến khiến ông bị đối xử tàn tệ trong cơ chế quan chức, trong xã hội viên chức; song, mặt khác, bài báo lại khiến ông càng được kính trọng hơn trong các giao tiếp mang tính cá nhân, dân sự, đời thường, không chỉ ở giới chuyên môn hẹp của những người nghiên cứu xã hội nhân văn, giới sáng tác văn nghệ, mà cả giới trí thức nói chung.

Đây là một tiểu luận mỹ học xuất sắc.

Tác giả đã đem thực trạng các sáng tác văn nghệ xã hội chủ nghĩa ra soi rọi dưới ánh sáng của các nguyên lý mỹ học cổ điển, chỉ ra cho người ta thấy ở văn nghệ này “sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại”, và do vậy, “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở ta trong giai đoạn vừa qua mang khá đậm dấu ấn của cái cao cả (le sublime)”.

Theo lập luận của nhà mỹ học Hoàng Ngọc Hiến, “loại hình quan hệ lấn át của một loạt cặp phạm trù hết sức cơ bản mô tả những mâu thuẫn cốt yếu nhất thúc đẩy sự phát triển nội tại của nghệ thuật vừa được nêu lên là đặc trưng khái quát nhất của cái cao cả. Đến lúc quan hệ lấn át chuyển hóa thành quan hệ cân bằng, hài hòa thì sự vận động của nghệ thuật tiếp cận với cái đẹp như là lý tưởng”.

Một sự luận chứng đầy chất hàn lâm, cũng đầy sự trọng thị (đối với đối tượng luận bàn là văn nghệ xã hội chủ nghĩa) như vậy, vì sao lại gây nên những phản ứng mạnh mẽ của nhiều người trong giới nhà văn, nhất là nhiều người trong giới những cán bộ quản lý tư tưởng-văn hóa-văn nghệ?

Những lý do sẽ phần nào được thấy, khi ta đọc lại những bài viết của Tô Hoài, Hà Xuân Trường, Trần Độ, Phan Cự Đệ, Chế Lan Viên, Chính Hữu.

Nhưng, có thể, giọt nước làm tràn ly không hẳn nằm ở hệ thống lập luận kể trên, mà lại nằm ở đoạn diễn dịch này:

“Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống “cho phải đạo”, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại thì mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Thực ra, ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ, nói năng, ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn sản sinh ra chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. (trích bài Hoàng Ngọc Hiến)

“Phải đạo” không phải một tổ hợp gồm 2 từ mà chỉ là một từ; ngay “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895-96) đã ghi nhận “phải đạo” như một từ mà hàm nghĩa là “phải phép, phải lẽ, phải việc, bổn phận”; hàm nghĩa của từ này, ở các giới xã hội người Việt, sau đó sẽ còn tiến triển.

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

TỔNG THUẬT THÓI HƯ TẬT XẤU CỦA NGƯỜI VIỆT

TRẦN VĂN CHÁNH (Theo trannhuong.com)

MỞ ĐẦU

Thời gian gần đây, nhiều người được biết đến câu chuyện một nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật do nghi ngờ xách lậu hàng ăn cắp về Việt Nam. Văn phòng của Vietnam Airlines tại Tokyo bị lục soát, tổ bay bị điều tra, cảnh sát Nhật nói họ nghi ngờ có khoảng 20 nhân viên của hãng hàng không này liên quan đến vụ xách lậu (xem báo Tuổi Trẻ, 27.3.2014). Chuyện tưởng nhỏ nhưng liền sau đó trở nên lùm xùm, nhưng không phải đối với người Nhật, mà lại đối với người Việt Nam. Báo chí trong nước lên tiếng. Người ta cho đây là hành động gây tiếng xấu chung cho uy tín người Việt.

Thật ra, chuyện người Việt khá thường ăn cắp đồ tại các siêu thị ở Nhật hay ở một số nước khác không mới lạ. Ông Tai Odata, một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ (31.3.2014), cho biết người Việt (gồm cả người lao động xuất khẩu và người định cư) hay ăn cắp một số đồ vật như xe máy, máy ảnh, máy quay phim, mỹ phẩm…, và khi bị cảnh sát bắt thường chối tội không chịu khai thật (khác với người Nhật quen khai thật). Người ta hỏi ông Odaka nghĩ gì khi ngày càng nhiều người nói đến cụm từ “người Việt xấu xí” thì ông tế nhị không trả lời thẳng, mà nói quanh co bằng cách so sánh một vài tính cách khác biệt giữa người Việt Nam với người Nhật (như người Nhật có thói quen giữ vệ sinh trong ăn uống hơn, tôn trọng giờ giấc hơn, trong giao tiếp nói nhiều câu “cám ơn” hơn…).

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

XÃ HIỆP HÒA (HUYỆN VŨ THƯ - THÁI BÌNH) ĐÓN NHẬN DANH HIỆU ĐƠN VỊ ANH HÙNG LLVT THỜI KỲ CHỐNG PHÁP

Xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư (Thái Bình) quê mình hôm nay đón nhận “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp”. Dân làng và cán bộ địa phương náo nức chờ ngày Hội. Từ hôm hai đồng chí Bí thư Đảng ủy và chủ tịch xã xuống thành phố ghé vào nhà mình đưa giấy mời về dự Lễ. Là một người con của quê hương, hiểu lịch sử làng xã, mình thấy vui buồn lẫn lộn. Hiệp Hòa là một xã Khoa bảng. Từ đời Lý tới đời Nguyễn đã có bốn vị Đai khoa được khắc tên trên bia đá ở Văn Miếu quốc tử giám tại Thăng Long và Huế. Hiện nay Hiệp Hòa đã có bốn quân nhân được phong tướng. Nhưng những người làm lên thành tích anh hùng của làng xã ngày ấy là thế hệ ông bà, bố mẹ mình. Ông ngoại mình tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1930, bị bắt tù Côn Đảo từ năm 1931 – 1936. Năm 1945 khi CM Tháng 8 thành công được cử là chủ tịch UBCM lâm thời của làng. Cụ mất từ năm 1954, do bị bọn cường hào đâm chết, nhưng chế độ lão thành cách mạng của cụ hôm nay Thường vụ tỉnh ủy vẫn chưa duyệt xong. Mẹ mình là chủ tịch Hội phụ nữ đầu tiên của xã nay đã 86 tuổi ròi, còn bố mình là một trong 7 Đảng viên được kết nạp đợt đầu tiên ở xã cũng đã mấy cách đây 2 năm. Mình không hiểu vì sao sau hơn 60 năm kháng chiến chống Pháp và 40 năm thống nhất đất nước, địa phương mới được công nhận là anh hùng. Cái danh hiệu ấy không phải là của những người 60, 70 tuổi trở xuống mà là của lớp người đã mất. Cả xã có gần 20 vị lão thành các mạng thì nay chỉ còn lại hai cụ, đi lại không còn vững. Và gần 30 bà mẹ VNAH nay chỉ còn một mẹ đã tròn 100 tuổi. Nhưng muộn còn hơn không. Dù sao thì cũng là một vinh dự của địa phương và một sự yên ủi đối với những người đã làm nên sự tích anh hùng.

          Mình đưa một số hình ảnh làng xã đón anh hùng lên để những người con củả Hiệp Hòa ở xa nhìn thấy quê hương mình.
Đồng chí chủ tịch Huyện Vũ Thư phát biểu trong buổi lễ

Đồng chí Bí thư huyện ủy huyện Vũ Thư thay mặt Nhà nước trao cờ và bằng chứng nhận danh hiệu AHLLVT cho xã

Các đòng chí lãnh đạo xã đón nhận cờ và Bằng chứng nhận Đơn vị anh hùng


Đ/c Bí thư Huyện ủy Vũ Thư phát biểu trong Lễ hội

Đại diện các lực lượng của xã

Đại diện Hội CCB xa Hiệp Hòa

Đ/c Đỗ Lương Thiện chủ tịch xã phát biểu trong buổi lễ

Một bà cụ gần 100 tuổi trong xã, đã sống trong thời kỳ anh hùng chống Pháp của xã


Hai bức ảnh dân làng dự lễ

Màn biểu diễn Văn nghệ xã trong ngày Hội

Những người con của quê hương công tác ở thành phố TB về dự lễ Hội

Ông Tân nguyên chủ tịch xã trong thời kỳ làng xã mất ổn định năm 1997