HÀ ANH
Không nặng nề đặt ra mục tiêu giá trị nghệ thuật, chỉ cần cái mình viết ra và được xuất hiện trên một vài ấn phẩm rồi đem tặng bạn bè, lại được khen, được khích lệ động viên, không quan tâm đến nhuận bút, không ảnh hưởng lớn đến ai… thế đã là tự thỏa mãn bản thân và thôi thúc tiếp tục cầm bút. Phải chăng đây là một kiểu văn chương tự sướng?
Muôn hình vạn trạng công bố sách
Trước nay, chúng ta vẫn mặc định một tác phẩm văn chương khi được sử dụng đăng tải trên báo chí là sản phẩm tinh thần, và được trả nhuận bút. Tùy từng thời điểm, tùy từng cơ quan mà số nhuận bút ấy khác nhau, ít nhiều. Thế nhưng, giờ đây, bên cạnh cách thực hiện “truyền thống” còn xuất hiện những cách làm khá lạ, khiến không ít người “rón rén đón nhận”, hoặc “chưa quen”, thậm chí khó chấp nhận.
Có trường hợp bài viết sử dụng đăng tải nhưng tác giả được thỏa thuận trả nhuận bút được quy ra bằng chính ấn phẩm đó. Có thể dao động từ 10, 20, 30 ấn phẩm tùy từng giá trị của bài được quy ra. Tuy nhiên, cách trả này phụ thuộc vào thỏa thuận, nên chỉ một số tác giả đồng ý mới thực hiện. Một số người có óc hài hước cho rằng đây là cách bán ấn phẩm khá khôn ngoan.
Còn có kiểu làm nữa là ấn phẩm này dùng một số bài “đinh” của những người tên tuổi và có trả nhuận bút. Nhưng số bài đinh này chỉ chiếm một phần, khoảng 1/5, còn lại sẽ mở rộng đăng tải cho những tác phẩm tầm tầm, vừa vừa và chính bộ phận này sẽ “cõng” chi phí của ấn phẩm, có khi còn đem lại lợi nhuận cho người tổ chức bài vở. Tất nhiên, tác phẩm của những tác giả “vừa vừa” này điều kiện đầu tiên để không bị loại là không đi ngược đường lối chính sách chủ trương của nhà nước, không vi phạm, ảnh hưởng thuần phong mĩ tục… Sau khi được lựa chọn thì điều kiện gần như là bắt buộc và cuối cùng là phải bỏ tiền túi ra mua tối thiểu một số lượng nhất định ấn phẩm đó, còn tối đa thì không giới hạn. Như thế là người có danh tiếng được đăng vẫn có nhuận bút, còn người ít danh tiếng, hoặc chưa có danh tiếng thì không cần màng đến nhuận bút lại vui vẻ đồng ý vì mình được ngồi cùng chiếu sang, tên tuổi, trích ngang, ảnh chân dung đầy đủ của mình hiện diện cả. Theo một tiết lộ của người từng làm ấn phẩm đang kể trên thì với cách làm này không lỗ, có khi còn lãi!. Bởi vì rất nhiều người yêu văn chương thích, họ không những mua số lượng tối thiểu bắt buộc mà còn mua nhiều hơn để đem tặng bạn bè, người thân.
Có lẽ từ vài mô hình hoạt động của những ấn phẩm văn chương thời gian qua khá thuyết phục mà mới đây một tờ báo không chuyên về văn chương cũng mạnh dạn áp dụng cách làm này. Theo đó, nếu tác phẩm được đăng tải không có một dòng nào nói rằng tác giả được nhuận bút mà còn kêu gọi tác giả ủng hộ quý báo đăng ký mua tối thiểu 50 tờ, tương đương với 250 nghìn. Chỉ cần làm phép tính nhanh khi so sánh với các báo chuyên về văn chương thì thấy “chi phí ủng hộ” còn cao hơn cả nhuận bút nếu phải trả. Thế là bỗng dưng văn chương được giao trọng trách vĩ đại khi “cõng” cả các mảng khác để tiêu thụ báo.
Không ít người từng dở khóc dở cười khi một ngày đẹp trời bỗng dung điện thoại kêu reng reng từ số máy lạ. Từ đầu dây bên kia là giọng nói khá ngọt ngào, trẻ trung và trôi chảy mời gọi mua sách về dòng họ - trùng với họ người được gọi, để thấy được dòng họ của mình có gốc tích và vẻ vang như thế nào, thậm chí có khi còn có tên mình trong đấy. Rồi sau đó là cuộc thương lượng về một khoản tiền không nhỏ được thanh toán. Chỉ đến khi nhận được sách mới thấy chả có gì thiết thực và rất phí tiền.
Như vậy, cùng với việc dự thi văn chương muốn được giải phải nộp tiền thì giờ đây tác phẩm được đăng tải thì tác giả cũng phải mua sách, báo ủng hộ. Tuy nhiên, cái sự “ngược” này không phải đến bây giờ mới xuất hiện, không phải chỉ hạn hẹp ở giới cầm bút nghiệp dư mà ở ngay cả với các nhà thơ chuyên nghiệp. Để in một tập thơ, nếu trước đây thì các nhà xuất bản sẽ trả nhuận bút cho tác giả nhưng hiện nay thì việc này rất hiếm, chỉ những tác giả đặc biệt. Còn thì phần lớn tác giả tự bỏ tiền túi ra in, và sau đó mang tặng, số bán được rất ít và không phải ai cũng có khả năng bán.
Cùng với văn học giấy, văn học mạng xuất hiện những năm gần đây cũng đánh dấu một phương thức công bố tác phẩm kiểu mới. Theo đó, tác phẩm được đưa lên mạng, độc giả vào đọc và không phải trả một xu nào.
Thử lý giải cách làm trên
“Nhà văn không thể sống được bằng ngòi bút” (số người sống được bằng ngòi bút thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay) dường như là câu cửa miệng của giới cầm bút để thấy, một là sự sáng tạo có hạn, không phải thứ mì ăn liền, ngày nào, giờ nào cũng viết ra tác phẩm, hai là việc chi trả nhuận bút ở ta còn quá thấp, chưa tương xứng với sự sáng tạo của người cầm bút. Hiện nay có không ít các đơn vị xuất bản rơi vào tình cảnh khó khăn, thậm chí nếu không có sự hỗ trợ thì nguy cơ phá sản rất cao. Vậy thì liệu việc tổ chức bài vở trái ngược với cách làm truyền thống lâu nay có phải là đôi đũa thần để cứu nguy tình trạng khó khăn không?. Ở một khía cạnh nào đó thì đây cũng là một giải pháp có tính khả thi vì đối tượng có nhu cầu đăng tải không màng đến nhuận bút như thế này rất đông đảo.
Kiểu đăng tải như thế này thường các nhà văn, nhà thơ rất dị ứng và không mặn mà. Nếu được lựa chọn đăng làm bài đinh chủ yếu là do mối quan hệ. Còn lại phần lớn là những cây bút nghiệp dư, ít tên tuổi, muốn có chút danh tiếng, ngộ nhận khả năng văn chương của mình hoặc muốn có tí chút văn chương làm sang cho ngành nghề khô khan, không dính dáng đến văn chương. Với những đối tượng như thế này thì nhu cầu được đăng tải, được xuất hiện là có thật. Chính vì vậy sự ảo tưởng, háo danh là khó tránh khỏi. Đứng chung chiếu với người nổi tiếng, xuất hiện một cách quá dễ dàng trên các diễn đàn văn chương càng làm cho sự ảo tưởng, háo danh đó tăng lên.
Bên cạnh nhu cầu mua - bán văn chương thì nhu cầu biếu tặng văn chương cũng rất lớn. Bất cứ một sản phẩm nào không tham gia thị trường, không thực hiện việc mua - bán thì rất khó thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm ấy. Tâm lý một độc giả khi bỏ tiền ra mua cũng hoàn toàn khác với tâm lý của độc giả được biếu, tặng ấn phẩm văn chương. Bỏ tiền ra mua thì chắc chắn đến 90% ấn phẩm này sẽ được đọc, còn nếu được biếu tặng thì tùy thuộc vào sở thích, thời gian và trăm ngàn lý do khác để người ta lơ là, bỏ quên, không muốn đọc… Nhưng cho dù không đọc thì tâm lý biếu tặng lại rất dễ “trông người lại ngẫm đến ta”, chẳng nhẽ họ có tác phẩm được đăng, mang đi tặng người nọ người kia mà mình thì không. Thế là một cuộc chạy đua cứ thế được nhân rộng để chứng tỏ ta cũng chẳng kém ai.
Song song với những dị ứng, không thiết tha mặn mà với kiểu đăng tải tác phẩm như trên thì cũng nên bình tĩnh và sòng phẳng thấy rằng, sự ra đời của “sân chơi” này là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Cái hại lớn nhất của những người cầm bút kể trên là ngộ nhận, háo danh. Nhưng ngộ nhận và háo danh đâu chỉ có diễn ra ở văn chương, ngành nghề nào, lĩnh vực nào cũng có. Hơn nữa thừa nhận hay không, thừa nhận ở mức độ nào là hoàn toàn quyền của độc giả, của thời gian. Việc thỏa mãn cá nhân, đáp ứng được nhu cầu bản thân, không ảnh hưởng lớn đến người k hác âu cũng là một cách… tự sướng diễn ra nhan nhản hàng ngày. Sân chơi” này ai thích thì chơi, không thích thì thôi, đi chỗ khác. Và một khi đã là nhu cầu có thật và rất lớn thì không sớm hay muộn, cách này hay cách khác kiểu văn chương tự sướng như thế này cũng sẽ xuất hiện. Bởi nó đánh đúng tâm lý của những người cầm bút nghiệp dư, khả năng tài chính lại thừa thãi.
Phải thừa nhận cách làm này của một số tổ chức, cá nhân là nắm bắt khá nhanh nhạy, kịp thời, đáp ứng được nhu cầu của giới cầm bút nghiệp dư. Nếu như tổ chức bài bản, chuyên nghiệp… thì người làm hoàn toàn có khả năng nghĩ đến chuyện lãi, có khi làm giàu bằng văn chương. So sánh thì có vẻ khập khiễng nhưng chính cuộc sống thường ngày của chúng ta đã và đang chứng kiến biết bao cách làm khác với truyền thống mà sau đó kết quả thu về lại cũng vô cùng bất ngờ. Google, facebook… cho chúng ta sử dụng miễn phí hàng ngày và thu về bằng cách khác. Biết đâu đấy, văn chương của những người nghiệp dư, muốn đăng phải mất tiền chính là mảnh đất màu mỡ của lợi nhuận. Văn chương cũng như một mặt hàng cần được quảng cáo. Mà quảng cáo thì cái gì cũng có thể xuất hiện.
Băn khoăn lớn nhất là làm thế nào để những ấn phẩm văn chương, những trang báo dành cho văn chương tạo được thương hiệu tên tuổi mà nhắc đến ai cũng biết, ai cũng coi đó là địa chỉ văn học có thể tin cậy được… còn người viết, khi gửi bài đến thấy tác phẩm được đăng còn vinh dự và cần thiết hơn cả nhuận bút thì liệu có làm được không?
Trong đời sống văn chương hôm nay, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải làm quen và chấp nhận cái gọi là kiểu văn chương tự sướng.
Nguồn: Văn Học Quê Nhà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét