Trang

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

ĐẠO GIA TÔ

Theo blog Nhuyễn Thông)

Đạo Gia Tô gốc ở Do Thái mà ra. Nguyên dân Do Thái (Juifs) ở về phía tây Tiểu Á Tế Á, xưa nay vẫn sùng phụng một vị thần Jehovah. Dân tin rằng thần Jehovah sáng lập nên trời đất và tạo thành ra muôn vật, sau lại tạo ra người theo như hình dung của thần, đàn ông thì gọi là Adam, đàn bà thì gọi là Eva, cho ở vườn cực lạc để cai quản các giống thú vật và được ăn các thứ quả, chỉ trừ ra không được ăn quả cây táo của thần cấm mà thôi. Đến sau, quỷ thấy người được sung sướng, mới xúi Eve ăn quả cây táo và đem cho chồng ăn nữa. Khi ăn rồi mới biết mình trần truồng là xấu xa. Đến lúc thần lại thăm vườn thì người ấy chạy đi trốn. Thần giận bèn đuổi người xuống phàm trần, để cho chịu những điều cực khổ, nhưng lại hứa rằng sau sẽ sai người xuống chuộc tội cho.

Ấy là những sự tôn tín của dân Do Thái. Dân Do Thái bị dân Ai Cập (Egypte) áp chế bắt đi làm nô lệ, chịu nhiều điều cực khổ. Mãi về sau mới có một ngưòi tên là Moise đem dân về xứ Gia Lộ Tát Lĩnh (Jérusalem) làm đền thờ thần Jehovah mà theo giữ lời thập giới. Có một đảng thầy tu giữ đền và cai quản dân. Trong bọn thầy tu thường có những người tiên tri gọi là Prophète, bảo dân Do Thái rằng: thần Jehovah sắp sai người xuống chuộc tội cho dân và cho dân được vinh hiển hơn dân khác.

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

NƯỚC MỸ
(Thơ Nguyễn Long)

Nước Mỹ ở tận xa xôi
mà gần gụi với quê tôi thế này.

Đô la lên xuống ngày ngày
để quê tôi cũng vơi đày buồn vui.

Chẳng ai khiến, chẳng ai xui
nước Mỹ bầu cử quê tôi ngóng chờ.

Bao người ra ngẩn vào ngơ
lão Trăm sao thắng bà Cờ lin tơn?

Nhất quê mình, chẳng đâu hơn
mà dân tôi vẫn ngày đêm ước thầm
được sang nước Mỹ một lần
để sờ… đầu gối tượng thần Tự do.

Tháng 11/2016
                  


                          

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

ĐỌC LẠI MỘT BÀI KÝ

Phùng Gia Lộc:
Cái đêm hôm ấy... đêm gì? 

(đăng trên báo Văn Nghệ, năm 1987)
.
Tác giả Phùng Gia Lộc, tháng 6-1988 - Ảnh tư liệu
Cuối năm 1983, tôi được ở nhà chờ quyết định về nghỉ chế độ. Chiều chủ nhật, thằng Học con tôi rủ rỉ nói:

- Con bắt được bác Quang ăn bánh cuốn ở hàng anh Minh. Bác đi thồ sắn ở chợ Phúc Địa về. Bác cho mấy bó nhưng con không lấy. Bác dặn con về đừng nói với bố mẹ là đã gặp bác. Nói, hôm nào sang bác đánh chết.

- Hừ! Lại thế nữa...

Tôi buột miệng bảo với con thế, rồi thừ ra. Bạn bè anh em cùng một phòng với nhau mà đi qua không vào. Có điều gì nhỉ?

Sáng thứ hai tôi sang cơ quan ứng mấy cân gạo và định bụng sẽ gặp, trút sấm sét lên đầu anh ấy. Nghe tôi trách, Lê Trung Quang, trưởng phòng tổ chức Ủy ban huyện Thọ Xuân, cười hà hà làm lành thật đôn hậu, dễ yêu:

- Giá có một mình thì tôi vào. Đằng này những bốn binh, khao được, anh cũng liệt. Vả lại, bốn cái xe nặng è, sợ tối.

Là trưởng phòng tổ chức ủy ban huyện, anh cũng để gia đình vợ con đói thiếu. Ra anh còn kém cỏi hơn cả tôi, một kẻ chân chim trần trụi, một tay sắp trở thành "phó thường dân". "Nhà mình cũng bí. Nộp sản đi rồi, lúa đã cạn. Khó mà ăn thấu tết được". Quang lắc đầu bảo thế. 

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Nghệ thuật Hát Ả đào

Hoàng Quốc Hải


Hát Ả đào. Tranh sơn dầu của Phạm Công Thành (2015)




Như mọi người đều biết, “Ả đào” vốn là lối hát thờ, và nó từ cửa đình vào cung đình, lại từ cung đình trở về gia đình, và trở thành một thứ nhạc thính phòng quý phái tồn tại suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta. Đây là lối hát, múa có nhạc do một tốp nữ trình bày. Nhưng từ hậu Lê sang Nguyễn, không hiểu do những nguyên nhân đột biến sáng tạo nào, mà nó được chuyển sang hình thức độc đáo như còn tồn tại tới ngày nay. 

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

LỜI CỦA MỘT NHÂN DÂN

MỘT BÀI THƠ HAY CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN QUANG VINH

LỜI CỦA MỘT NHÂN DÂN

NGUYỄN QUANG VINH
Nhân dân là mạ tôi
Tuổi 83, trước khi đi vào cát
Mạ chỉ biết một chữ tên mạ thôi
Sợ máy bay, ngồi hầm suốt thời kỳ chiến sự
Nhưng sẵn lòng dâng cho Tổ Quốc 4 đứa con ra trận
Tóc bạc trắng, chân yếu, mắt mờ, khát khao ngày giải phóng.
Nhân dân
Cày sâu cuốc bẩm
Rét buốt vẫn cắm tay xuống bùn gây mầm hạt lúa
Mái tóc nhân dân vương mùi rơm rạ
Bàn chân nhân dân giẫm trên phân bò, bùn, rác
Cho đất nước bội thu
Cho đất nước hiện đại
Cho đất nước thái bình
Đôi mắt nhân dân hiền từ như hạt lúa
Tiếng cười nhân dân vô tư như tiếng nước chảy vào bờ ruộng, bờ ao
Tấm lòng nhân dân như sen cửa phật, biết chở che và biết bao dung
Nhân dân không quên mặt ai
Chỉ có những kẻ tiểu nhân, bội ước thường quên mặt nhân dân
Nhân dân xây thành đắp lũy
Nhân dân thế chấp cuộc đời mình cho cháu con một chữ Việt Nam.
*
Tôi, một nhân dân
Bạn,một nhân dân
Em, một nhân dân
Nước mắt nhân dân mặn như giọt mồ hôi
Bàn tay nhân dân chai cứng cầm cày cuốc
Ai biết nhớ mùi phân bò vương trên đường làng
Ai biết nhớ mùi rơm rạ cháy mùa thu hoạch
Ai biết nhớ bà mẹ còng lưng ngóng đợi con ngày thắng trận
Ai nhớ củ khoai nhân dân trao vào ngày đói giữa rừng sâu
Như thế dù là vai trò trưởng thôn hay Chủ tịch
Nhân dân thân thương gần gũi
Nhân dân thân thương che chở
Nhân dân thân thương ủng hộ
*
Những năm qua nước mắt nhân dân rơi nhiều nơi
Rơi trên ruộng lúa nương khoai
Rơi chốn công đường
Rơi trên nền nhà, mồ mả
Nhân dân không oán thán
Nhưng buồn
Nỗi buồn nhân dân có thể làm trời cũng phải khóc
Ai không biết nhân dân buồn
Ai không biết nhân dân khóc
Ai không biết nhân dân nổi giận
Làm người không đáng, đáng gì làm quan
Đừng leo lẻo hứa
Đừng reo réo ngụy biện
Đừng xoen xoét giãi bày
Xấu tốt, cao thấp, đắt rẻ, u minh nhân dân đều biết
Nhân dân là cội rễ
Đừng làm bật gốc
Hãy vun vén cuộc sống cho nhân dân
Hãy quý trọng từng sợi rơm nhánh rạ
Hãy tôn trọng cả những bãi phân bò khô nơi ruộng lúa
Nhân dân là cha mẹ
Bất hiếu với cha mẹ há dám mặt làm người
Hãy vạch lá bắt sâu
Giữ cho cánh đồng nhân dân tươi tốt
*
Một nhân dân gửi tâm sự đáy lòng này
Đến nhiều nhân dân khác
2 giờ sáng Rằm tháng 7/2013- Mùa báo hiếu Nhân Dân.
Nguồn: cuvinhkhoailang

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Toàn văn tham luận của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại Đại hội XII của đảng Cộng sản VN

Lời bình của Nguyễn Quang Lập: Tham luận của ông Bùi Quang Vinh đã được hàng loạt báo Nhà nước đăng tải.Tuy không thật mạnh mẽ và còn có chút né tránh, đây chắc chắn là bản tham luận hay nhất trong 12 đại hội của đảng vì nó chạm tới những vấn đề cốt lõi của một hệ thống chính trị. Tôi tin mọi người cũng nghĩ giống như tôi, trường hợp đặc biệt tái ứng cử là ông Bùi Quang Vinh chứ không ai khác. Ông Bùi Quang Vinh hoàn toàn xứng đáng là tổng bí thư đảng nhiệm kì này.
Sáng nay, 22/1, trước 1.510 đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã có bài tham luận hay nhất trong phiên thảo luận văn kiện. 


Nước ta, từ năm 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo từ trên 50% xuống dưới 5%. Những thành tựu của công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận. Tuy nhiên VN vẫn là nước nghèo. Chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn, nhất là khi nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện.

Có lẽ ít hai biết rằng, đầu TK 19, năm 1820 Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và quy mô kinh tế: Lớn hơn cả Philippines và Mianma cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan; thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, số liệu 2014, thu nhập bình quân đầu người của ta chưa bằng 1/5 mức trung bình của thế giới (2052USD so với mức bình quân gần 12.000USD của thế giới), và chỉ bằng 1/3 Thái Lan.

Mọi so sánh đều khập khiễng, vì chúng ta phải trải qua chiến tranh, giành độc lập, thống nhất. Nhưng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển.