Trang

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Thơ lục bát Nguyễn Long

NGUYỄN LONG

Sinh năm 1953
Quê quán làng An Để, xã Hiệp Hòa, Vũ Thư, Thái Bình
Hiện là Nhà báo,
Chức danh, nơi công tác: Thư ký tòa soạn, tạp chí Văn nghệ
Thái Bình

Tác phẩm văn chương:
- Gương mặt ngày thường (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2000)
- Thường dân (Tập thơ lục bát, NXB Hội nhà văn, 2003)
- Tiếng vọng làng (Tập thơ, Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, 2005)
- Bóng thiền (Tập truyện ký, NXB Quân đội nhân dân, 2006)

Giải thưởng:
- Giải A, thi thơ lục bát báo Văn nghệ năm 2003
- Tặng thưởng giải C của UBTQ Các Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2003
- Giải thưởng VHNT Lê Quý Đôn (2002 - 2007)


THƠ LỤC BÁT

1. Thường dân

Đông thì chật, ít thì thưa
chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
quanh năm chân đất đầu trần
tác tao sau những vũ vần bão giông.

Khi làm cây mác cây chông
khi thành biển cả, khi không là gì
thấp cao đâu có làm chi
cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.

Ăn của đất, uống của trời
dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
ồn ào mà vẫn lặng im
mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.

Chỉ mong ấm áo no cơm
chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành.
Hòa vào trời đất mà xanh
vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.


2. Làng tôi ở phía dòng sông

Làng tôi ở phía dòng sông
phù sa thì đỏ, cánh đồng thì xanh
ngàn năm hương lúa ngọt lành
gọi con cò trắng về thành ca dao.

Làng tôi ở phía trời cao
bóng ai cày ruộng thành sao sáng lòa
lung linh trong dải Ngân Hà
cái bừa con vịt vẫn nhòa nhập trôi.

Làng tôi ở phía cuộc đời
mặn mòi nước mắt mồ hôi người làng
có người ở chốn giầu sang
vẫn tìm về nhận họ hàng áo nâu.

Mai dù sông chảy về đâu
đất làng tôi vẫn một màu phù sa.


3. Thím tôi

Suốt đời quần mảnh áo manh
thím tôi lúc chết bỗng thành giầu sang
đám ma rắc bạc rắc vàng
kiệu son cờ gấm đưa ngang trời chiều.

Tấm thân còm cõi liêu xiêu
mà đi qua hết mọi điều khổ đau
còn mong tới được kiếp sau
gặp con người sống với nhau nhân từ.

Một đời nửa thực nửa hư
buồn như mảnh gió, lành như gió đồng
cằn khô phúc lộc nhà chồng
trách mình phận mỏng vun trồng chẳng nên.

Thím tin có Phật, có Tiên
bao nhiêu vận hạn ở hiền cũng qua
quanh năm chỉ biết chợ nhà
bao giờ chết sẽ đi xa như người...

Khổ đau à, khổ đau ơi
cất xong một gánh phận đời nhẹ tênh
cầu vồng bảy sắc chênh vênh
mây giăng chín nhịp gập ghềnh thím qua.


4. Bạn bè lính trận

Bạn bè lính trận ngày xưa
xanh như cây cỏ gió mưa xá gì
ở đâu súng nổ là đi
ngủ trên bom đạn, mấy khi kịp buồn

Giặc tan về lại đời thường
mỗi người riêng một con đường trời cho
kẻ sang giàu, đứa làm to
thằng giờ đang chạy xe bò, xe ôm
đứa nghèo không thể nghèo hơn
có thằng bóc lịch sớm hôm trong tù.

Ngẩng nhìn trời mới mùa thu
mái đầu mấy đứa sương mù đã giăng
gặp nhau hỏi chuyện từng thằng
soi vào nhau thấu đất bằng trời xa.

Thằng về vẫn lính đến già
đứa nằm xuống mãi mãi là cỏ cây.


5. Kiếp làng

Lẫn vào gió, ẩn vào sương
ngàn năm mưa nắng vất vương kiếp làng
buồn như những sợi khói lam
theo làn mây trắng bay ngang cánh đồng.

Kiếp làng trĩu chiếc đòn cong
đời con gánh tiếp lưng còng đời cha
bao đời cây gạo có ma
những khi làng đói đỏ hoa đầy trời.

Kiếp làng có kiếp mẹ tôi
thắt lưng xanh biếc một thời tuổi xuân
cha đi chiến trận mấy lần
mẹ tôi chờ héo cả vầng trăng thu.

Kiếp làng từ thuở mịt mù
những lời nguyền chứa hận thù, oan khiên
đất làng dông bão liên miên
thuế sưu, nhũng nhiễu đảo điên lòng người.

Đưa nhau xuống bể lên trời
trả ngàn năm vẫn chưa vơi kiếp làng.


6. Mai bạn về hưu

Chia tay mai bạn về hưu
con tàu đã cập bến chiều neo buông
qua rồi sóng cả đại dương
hết rồi lồng lộng bốn phương đất trời.

Thế là bạn đã sáu mươi
(dẫu là thánh cũng có thời già nua)
một đời trăm chuyện được thua
ngoảnh nhìn chớp mắt ngỡ vừa nằm mơ.


Mai về bạn chớ ngẩn ngơ
nãy còn ấn kiếm, bây giờ thường dân
chẳng xe đưa đón tận sân
không còn thuộc hạ tụ quần ngoài trong.

Từ mai ngõ sạch cửa thông
những phường cơ hội sẽ không tới nhà
bè “hờ” bạn “rởm” lảng xa
ngày còn nhiều gió trăng qua với mình.


7. Về làng

Dẫu đi cuối đất cùng trời
về làng ta vẫn là người nhà quê
vẫn màu cỏ mướt chân đê
tự thời chân đất nón mê đến giờ.

Đã qua trăm bến ngàn bờ
giờ về bến nước tuổi thơ vẫn đày
bao mùa mưa giật bão dây
cánh cò trắng muốt còn bay ngang đầu.

Trăm lần triết lý nông sâu
cũng không mua nổi một câu thật thà
mây tìm về phía trời xa
ta bơi ngược gió nhận ra đường làng.


8.Cha tôi

Hết làm báo lại làm văn
quang năm gánh chữ nhọc nhằn cha tôi
những con chữ đẫm mồ hôi
nổi chìm theo những phận đời nông sâu

Đêm đêm tóc bạc trên đầu
bóng cha đổ xuống chữ câu chật chờn
văn chương một thuở xanh rờn
quẩn quanh trong chuyện áo cơm mệt nhoài.

Đời nhoà hư thực đúng sai
cha cầm chữ nhẫn mặc ai lọc lừa
khi đau tựa tiếng chuông chùa
lúc buồn nuôi những câu đùa để yêu.

Cha đi hết bóng đường chiều
lặng yên bóng chữ liêu xiêu bóng người
mỏng tang con chữ giữa đời
cha trồng xanh một khoảng trời đường quê.


9. Làng vào vụ gặt

Làng vào vụ gặt mùa này
những lo toan vẫn lắt lay mặt người
mưa thối đất, nắng vỡ trời
ngả nghiêng mặt ruộng chơi vơi mùa màng.

Mảnh mai cây lúa cũ càng
vẫn là cột trụ chống làng ngàn năm
bao giờ thừa mặc thừa ăn
để làng ta bớt nhọc nhằn sớm khuya.

Ở đâu triệu nọ, tỷ kia
làng giờ hạt thóc vẫn chia mấy phần
ở đâu đẹp áo sang quần
người làng bùn két bàn chân bốn mùa.


Khổ quen rồi hoá như đùa
hội làng nhộn nhịp như chưa đói nghèo
chửa xong mùa lại cấy gieo
ngàn năm lúa vẫn xanh theo bóng làng.


10. Bạn thơ
                   Tặng Xuân Đam

Biết giờ bạn vẫn lang thang
đạp xe đi giữa mênh mang đất trời
con đường phía trước xa xôi
đằng sau rơm rạ rối bời nhà quê.

Mặc còn dông bão mọi bề
lo gì gió cuốn đường về chiều mai
đeo câu ngắn, khoác câu dài
chẳng vay sao cứ nợ hoài người ơi.

Mong manh thơ giữa dòng đời
cố làm khô bớt mồ hôi đất này
ngàn năm cây lúa vẫn gầy
mạ non lấm láp tự ngày mới xanh.

Đang nơi sóng cuốn thị thành
hay làm ngọn gió quẩn quanh hồn làng
bạc đầu bạn vẫn lang thang
tìm câu lục bát còn hoang giữa đời.


11. Xuân sang

Vẫn còn lối để xuân sang
dẫu mùa đông đã lợp vàng cỏ cây
dẫu sương muối vẫn giăng dầy
chợ ngày tết vẫn nở đày sắc hoa.

Người làm gần, kẻ đi xa
đêm giao thừa vẫn về nhà thắp hương
về quê chỉ một con đường
từ quê đi được chín phương đất trời.


Nắng xuân biếc lộc xanh chồi
mưa xuân cho dãn mặt người nép nhăn
câu ca làng hát nghìn năm
lại bay lên giữa hội rằm tháng giêng

Thành hoàng chắc vẫn còn thiêng
trống chèo vẫn đổ ngả nghiêng sân đình.


12. Bạn về trụ lại ở làng

Bạn về trụ lại ở làng
vẫn màu áo lính dọc ngang chiến trường
vẫn hằn sẹo mấy vét thương
mỗi khi nắng gió thất thường lại đau

Tự thời nằm giữa rừng sâu
đã mơ ước sẽ làm giầu cho quê
chién công xếp lại ngày về
bạn lao vào những bộn bè làm ăn

Về chơi thăm bạn mấy lần
gặp đang vác đất, xoay trần vườn ao
cây giăng tầm thấp tầng cao
một vùng trang trại xôn xao gió đùa

"Khó hơn đánh trận ngày xưa
mệt hơn cái dạo mùa ưa ở rừng
(bạn cười chuyện nở như bung)
mấy lần thất bại tưởng chừng trắng tay

Đêm ngồi với bạn dưới cây
vườn làng trăng rắc bạc đầy lối đi
cùng nhau ôn thuở hàn vi
nghĩ thương mấy đứa cùng đi không về

Đã thành tỷ phú nhà quê
vẫn hồn bạn lính ở "bê" thuở nào.



13. Bạn

Bạn từ quê cũ ra chơi
vẫn quần áo lính từ thời tay không
chân trần đi giữa phố đông
trẻ con hàng phố tưởng ông ăn mày.



14. Gía như

Gía như anh đã trở về
cỏ xanh không gợn chân đê nấm mồ.

Gía lời hẹn ấy hư vô
đời không thêm một vọng phu kiếp này.

Gía đừng muối mặn gừng cay
chị không thương đến cạn ngày cạn năm.

Gía anh một bận về thăm
biết đâu lòng chị đã đằm lời ru.

Gía... rồi lại giá... giá như
đừng bom đạn giữa thực hư cõi người.


15. May mà


May mà có một nhà quê
để khi lỡ bước ta về là ta
dòng đời vần vũ phong ba
chiều quê gió vẫn ngân nga sáo diều.

May còn có một người yêu
đợi ta tím những buổi chiều ngày xưa
bây giờ cải đã thành dưa
vẫn vương vị nắng thuở chưa nên ngồng.

May mà còn có dòng sông
chảy xuôi đi những cái không là đời
đau qua trăm bến lở bồi
vẫn tìm tới được biển khơi rộng dài.

May mà còn có ngày mai
cho câu thơ thật sống hai kiếp người.


16. Em tôi sang tận trời Tây

Em tôi sang tạn trời Tây
cách sông núi cách gió mây ngìn trùng
nơi không bão bể mưa rừng
mà đo đắn mãi ngập ngừng khi đi

Em tôi chịu khó nhu mì
quanh năm chân đất mấy khi xa nhà
bây giờ theo họ hàng xa
đón sang bên ấy để mà làm ăn.

Làng tôi vất vả quanh năm
củ khoai hạt thóc ướt đầm mồ hôi
ước mơ một cuộc đổi đời
em đi tìm ở đất trời quê xa.

Chắp tay xin lạy ông bà
mai kia trở lại vẫn là em tôi.


17. Cho con gái tôi

Con tôi lớn tự khi nào
đã nhanh bằng mẹ đã cao bằng bà
đã thành mười bảy mười ba
ngỡ như vừa mới hôm qua bế bồng.

Con yêu triệu triệu bông hồng
chẳng tin bài hát ấy không có mình
mẹ con cái thuở học sinh
chỉ mong hè đến sân đình đầy ve.

Phòng con sách báo bộn bề
một năm đôi bận thăm quê ào ào
thuộc lòng lý lịch siêu sao
còn tên bà nội con nào có hay

Bạn bè bố thuộc bàn tay
người con quen ở tận Tây tận Tầu
chuyện trò qua "chat" hiẻu nhau
sợ mai vấp ngã con đau một mình.


18. Gọi làng

Thảng nghe tiếng bạn gọi làng
giật mình lại nhớ miên man thuở nào
cái thời làng tắm ca dao
trẻ con cùng với trăng sao nô đùa.

Vẫn còn tháng nắng ngày mưa
bóng cao bóng thấp làng xưa đâu rồi
ba hồn bảy vía làng ơi
tre xanh giờ đã về trời làm mây.

Tuổi làng xanh với tuổi cây
chửa qua một kiếp hồn thay mấy lần
yêu câu thơ bạn trong ngần
đưa ta về lại bước chân mùa màng.

vẫn nghe có tiếng gọi làng
lẫn trong chiều gió mênh mang sáo diều.

19. Chú tôi

Cả đời áo lính chú tôi
đã quen với những đất trời quê xa
ngày nghỉ hưu mới về nhà
chú thường thơ thẩn vào ra một mình

Cả đời quen nếp chiến binh
kỷ cương điều lệnh nghiêm minh rõ ràng
nay về sống với lệ làng.
chú như kẻ đứng lạc hàng lơ ngơ.

Cả đời chẳng bế con thơ
ở nhà trông cháu bây giờ tập ru
cả đời lặn lội chiến khu
giờ về chép sớ cho sư ngoài chùa...

Vẫn quần áo lính ngày xưa
chú ngồi bàn chuyện nắng mưa cuốc cày.


20. Em đi Đài Loan

Ngày mai em đi Đài Loan
làm ôsin ở nơi ngàn dặm xa
vừa tròn mười tám tuổi hoa
em chưa một bận vắng nhà cách đêm.

Cả nhà dồn lại cho em
thóc dư mấy vụ mẹ đem sắm đồ
lo thủ tục, chạy giấy tờ
sổ hưu thày gửi vay "đô" ngân hàng

Mai dù tới chốn giầu sang
em đừng quên mảnh đất làng nắng nôi
đừng quên cây lúa mặt người
sau bờ tre vẫn mồ hôi ướt đầm

Một mình xứ lạ lập thân
điều xa chưa tính, chuyện gần chưa hay
bao người đi đắng về cay
mong em tôi gặp kẻ ngay người hiền.

Mai rời xóm nhỏ bình yên
chông chênh cơ chế đồng tiền em đi.


21. Gĩô tổ

Nhớ ngày giỗ tổ hàng năm
họ hàng gần gũi xa xăm tìm về
người thành thị, kẻ nhà quê
họ trăm năm vẫn bậc bề dưới trên.

Nén nhang thờ tổ thắp lên
cháu con trầm mặc như quên cõi đời
sang hèn sướng khổ đầy vơi
cũng sinh tự một kiếp người mà ra.

Lẫn sau hương khói nhạt nhoà
tỏ mờ hình bóng ông bà tổ tiên
bao đời đói gạo thiếu tiền
chữ nhân chữ đức vẫn truyền đời sau.

Sinh từ cội khổ nguồn đau
họ hàng giờ đã có giầu có sang
người đi xa rạng tiếng làng
kẻ ở quê vẫn đàng hoàng nhà quê.

Nhân sinh trăm nẻo bộn bề
vẫn dành riêng một lối về ngày xưa.


22. Mùa xuân chợ làng

Dẫu còn xiêu vẹo mái tranh
chợ quê ngày Tết cũng thành chợ xuân
làng như giầu gấp mấy lần
đua chen hoa trái áo quần bán mua.

Cả năm dãi nắng dầm mưa
mà em cứ đẹp như chưa nhọc nhằn
ngày xuân mới áo mới khăn
em đi chợ Tết că trăm người nhìn.

Bao nhiêu dông nổi bão chìm
tình yêu vẫn đợi vẫn tìm xuân sang
mấy đôi dẫn cưới trong làng
để phiên chợ Tết cháy hàng trầu cau.

Còn bao đôi hẹn mùa sau
ngày xuân đến chợ nhìn nhau rồi về.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét