Trang

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Miền thơ Trần Nhuận Minh


 THƠ TRẦN NHUẬN MINH
Ông là một Nhà Thơ -nguyên Chủ tịch Hội VNNT Quảng Ninh. Người có công xây dựng nền thơ Quảng Ninh thời hiện đại và là một trong những người xây dựng Hội VHNT Quảng Ninh lớn mạnh.
Không chỉ vậy, từ bài thơ khắc trên vách núi Truyền Đăng của Nhà Vua Thi Sĩ Lê Thánh Tông năm 1468, ông còn là người bật ra ý tưởng và góp phần thành công trong việc ra đời NGÀY THƠ QUẢNG NINH 29-3. Theo Nhà thơ Hữu Thỉnh -Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì: NGÀY THƠ QUẢNG NINH 29-3 là một trong những  tiền lệ dẫn đến hình thành và ra đời NGÀY THƠ VIỆT NAM Rằm tháng giêng. Đó là một thực tế của lịch sử Ngày thơ Quảng Ninh, ngày truyền thống của đời sống thi ca Quảng Ninh. Một thời gian dài qua gần 20 năm -20 lần Ngày thơ Quảng Ninh đã được tôn vinh với vầng hào quang thi ca trên vùng đất Đông bắc Tổ Quốc. 



Nhà thơ TRẦN NHUẬN MINH
Nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh
Hiện là ủy viên Hội Đồng Thơ Việt Nam
Tên thật: Trần Nhuận Minh
Sinh năm: 1944
Nơi sinh: Nam Thanh - Hải Dương
Bút danh: Trần Nhuận Minh, Trần Bình Minh
TÁC PHẨM TRẦN NHUẬN MINH

Đã xuất bản
THƠ
1. Đấy là tình yêu, 1971
2 . Âm điệu một vùng đất, 1980
3. Thành phố bên này sông, 1982
4. Nhà thơ áp tải, 1989
5. Hoa cỏ, 1992
6. Nhà thơ và hoa cỏ, 1993
7. Giọt phù sa vạn dặm, 2000
8. Bản Xônat hoang dã, 2003
9. Trần Nhuận Minh - Thơ với tuổi thơ, 2003
10. Gửi lại dọc đường, 2005
11. Trần Nhuận Minh - Tuyển thơ, 2005
12. 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh, 2007
13. Miền dân gian mây trắng, 2008
14. Bốn mùa - Pour seasons
                            song ngữ Việt-Anh, 2008
15. Bốn mùa - Tuyển thơ, 2009
VĂN
1. Trước mùa mưa bão, 1980
2. Hòn đảo phía chân trời, 2000
3. Truyện chọn lọc cho thiếu nhi, 2002
Sẽ xuất bản
1. Hoàn nguyên, tập thơ
2Cõi người, tiểu thuyết
3. Một màu QUÊN lãng đãng..., những mảnh kí ức

Miền thơ Trần Nhuận Minh
Trong Thơ 3 năm chống Mỹ cứu nước 1965 - 68,Trần Nhuận Minh với bút danh Trần Bình Minh có bài về việc làm thuỷ lợi; dần dà dù vẫn làm thơ nhưng có cảm giác tên ông chỉ còn có nghĩa là anh trai của thần đồng Trần Đăng Khoa. Thế rồi, con người thi sỹ đã đòi quyền sống của nó, không để ngòi bút ông do dự giữa viên chức và nhà thơ; lại có thể còn do thiên lương phúc trạch nữa, ông đã rẽ được sang phía thơ - tự sự với khát vọng áp tải sự thật cho thơ. Và rẽ rất sớm, ngay từ đầu những năm 80, Trần Nhuận Minh đã thác lời người soát vé chiếu phim từng đánh trẻ con vì lỗi chúng tốn vé mà than rằng: Đất nước chả giàu lên được/ Dù tôi chắt bóp từng đồng(...)Thương ôi! - Hỡi các bạn trẻ/ Tha cho lỗi lầm thế gian...Như người đào giếng đúng mạch, dòng nước ngọt lành cứ thế phun trào và gây cảm giác vô tận; hàng loạt những bài thơ chân dung của Trần Nhuận Minh như mua trên sách báo; tập Nhà thơ áp tải tái bản nghe đâu tới ngót 20 lần. Thơ về đủ " các thành phần xã hội," từ công an, thầy giáo, thày bói, đến nhà cầm quyền, các đại văn hào, thi hào, anh hùng cho đến những kẻ vô danh như "ông" đi làm tiến sỹ mà hoá thành tướng cướp, từ Mợ Hữu, thím hai Vui, đến ông Hủi, gã đánh giậm, con đĩ...đã lũ lượt đi qua thơ ông mà thành danh, thành bất tử. Như thế, Trần Nhuận Minh đã có cho riêng mình một miền thơ, một đường thơ...
                                                
              Thơ Trần Nhuận Minh   Thơ Trần Nhuận Minh giờ đây như một hồ sơ xã hội. Hồ sơ lưu sự kiện, lưu con người, lưu được cả tâm hồn tính cách xã hội.
                                                                        VŨ QUẦN PHƯƠNG
                 (Lời giới thiệu thơ Trần Nhuận Minh - Nxb Kim Đồng, 2003)
                   Đó là hồ sơ của cả một xã hội, của cả một thời đại.
                                                                                   THÁI DOÃN HIỂU
                                          ( Báo Văn Nghệ số 28 ngày 12 / 7 / 2008)
                                     
TÁC PHẨM THƠ
                Mợ Hữu
Cậu xây xong nhà ba tầng
Người cứ dần dần héo quắt
Thế rồi một sớm tinh mơ
Cậu cứ lặng im mà mất
Cô bác từ quê ra viếng
Thấy mợ dịu dàng mảnh mai
Mà nhà thì to đẹp thế
Biết rồi sẽ về tay ai ?
Em chồng mắt lườm miệng nguýt
Vô tâm mợ có thấy đâu
Thương cậu, mợ không biết khóc
Thỉnh thoảng lại hờ một câu...
Mợ khổ từ hồi tấm bé
Mong chi lầu trắng gác xanh
Cậu chết mợ thành người lạ
Bơ vơ trong chính nhà mình
                                             
Chẳng thiếu kẻ đe người ướm
Nhà xinh mợ lại càng xinh
Như con thuyền nan không bến
Lênh đênh trong chính phòng mình
Khách khứa dập dìu lá gió
Đêm đêm chớp bể mưa nguồn
Mắt mợ dần dần hoang vắng
Họ hàng mợ cứ quên luôn
Mợ đáng thương hay đáng trách
Trời ơi ! Tách bạch mà chi
Dòng sông muôn đời vẫn thế
Đục trong thì cũng trôi đi...
         1990
  
                             Thím Hai Vui
Những năm chú ra trận
Thím buồn vui một mình
Thím bảo những năm ấy
Là những năm hòa bình
Có tin đồn chú mất
Thím thầm cắn chặt môi
Nuôi hai con ăn học
Cấy cày đến quắt người
Bỗng đột nhiên chú về
Tung huân chương đầy chiếu
Thím cười mà như mếu
Nước mắt chả buồn lau
Thế rồi... Biết vì đâu
Yên lành không chịu được
Vợ con, chú đánh trước
Xóm giềng, chú đánh sau
Chớ dại mà can chú
Chú nhất cả huyện rồi
Giặc nào chú cũng thắng
Có thua, thua ông trời !
Chỉ thương thím Hai Vui
Mặt mũi luôn thâm tím
Đến bây giờ chiến tranh
Mới đến thật với thím
                                    Chú đòi phải li dị
Mỗi con về một nơi
Thím hát như kẻ dại
Miệng mếu lại thành cười
Nghe đâu thím lên tỉnh
Rửa bát cho người ta
Thấy ai quen cũng lánh
Những mặt phấn quần hoa...
Bồ Hòn 10-1988
  
                                             Ông Hủi
Đồn rằng
                     Ông Hủi ngày xưa
Qua đây, trong một đêm mưa... Lìa đời
Mối xông thành áo liệm người
Mang mang nước trắng. Bời bời cỏ xanh
Thế rồi năm tháng trôi nhanh
Mộ ông ai xếp mà thành đống cao
Chiến tranh xẻ đống làm hào
Hòa bình san đống lấp vào hố sâu
Thế rồi chẳng hiểu từ đâu
Mộ ông lại mọc bên cầu mới xây
Hỡi ông nằm dưới đất này
Buồn đau muôn kiếp đọa đày một thân
Nỗi gì lay động lòng dân
Vượt bao thế cuộc xoay vần... Chẳng tan
Hỏi ai
        Một nấm gạch hoang
Vài bông hoa dại nở vàng đơn côi
Ước chi nghe được một lời
Nỗi yêu nào đã theo người đến đây
Còn chăng dưới đống gạch này
Tiếng kêu hẫng cả đất dầy trời cao
Một đời đói khổ lao đao
Mịt mù nào biết lối nào mà ra...
Chẳng hay người ở đâu xa
Cháu con biết có còn là những ai
Cái đêm thăm thẳm rộng dài
Khi người lăn xuống bụi gai bên đường
Không tên tuổi. Chẳng quê hương
Một mình quặn một niềm thương một mình...
Bốn bề cây cỏ lặng thinh
Trời xanh một sắc oan tình... đó sao ?
Lòng dân dù ở thời nào
Vẫn như mây nước thấm vào cỏ hoa...
Câu thơ viết buổi thăm nhà
Đọc trong tâm tưởng gọi là viếng Ông.
Điền Trì 8-1988
  
                             Thăm bạn
Chủ nhà thường đi vắng
Cánh cửa khép sơ sài
Vợ con chẳng cần biết
Khách đến là những ai
Em không biết nhà em
Đã buôn bán những gì
Một mình một bị cói
Chỉ thấy đi là đi
Vợ bạn bảo ta thế
Rồi khuất trong bóng chiều
Ta về đường dốc nắng
Nghe lòng buồn hiu hiu
Từng làm bí thư huyện
Từng làm giám đốc ngành
Về già chơi trống bỏi
Tom chát đủ tam khoanh... 
Ta không sao hiểu bạn
"Bung ra" đến độ này
Đem đời mình đánh đổi
Lấy cái ngoài tầm tay
Chả lẽ thế mới bõ
Những thuở nằm hầm sâu
Chí lớn xưa của bạn
Có còn thì ở đâu ?
Lòng băn khoăn không dứt
Bỗng thèm một chén trà
Cuối trời tia nắng quái
Cháy kinh hoàng sau ta...
                         Điền Trì 8-1988
  
                 
                              Bạn chơi từ thuở
quàng khăn đỏ
Nửa đêm gõ cửa tìm nhau
Đèn che nửa bóng, mái đầu chụm đôi
Bác rằng Cơm đã ăn rồi
Có chai rượu thuốc ta ngồi uống chung
Bạn chơi từ thuở khăn hồng
Đứa nhờ có vợ có chồng mà lên
Đứa đi đánh giặc liên miên
Về quê vẫn chú lính quèn, vậy thôi
Đứa thì đêm lạy van người
Ngày ngày vênh váo coi trời bằng vung
Đứa làm đạo diễn văn công
Nỗi đau đời giấu vào trong tiếng cười
Đứa đi buôn ngược bán xuôi
Vào Nam ra Bắc ăn chơi một mình
Đứa thì làm giám đốc ngành
Đi đâu cũng có nhân tình đi theo
Đứa thì áo túm quần đeo
Tinh mơ vác gạo xế chiều bơm xe
Đứa liều vượt biển trốn đi
Nổi chìm nào biết tin gì thực hư
Đứa thì làm trưởng trại tù
Gặp nhau, tay bắt lạnh như đồng tiền... 
Cùng thầy, cùng đội, cùng niên
Lớn lên ai biết làm nên thế nào
Tại trời hay tại ta sao
Nhảy ra thì thịnh. Bước vào lại suy
Sự đời bác đến thế thì
Đã làm ông giáo còn đi buôn nhà
Sớm mai bác phải ra tòa
Khôn ngoan biết lấy chi mà đãi nhau
Kể gì hơn thiệt nông sâu
Lòng lành mà chắc sự đâu đã lành...
Bâng khuâng nỗi bác nỗi mình
Ngoài hiên trăng khuyết nửa vành xa xôi
Ước chi về tuổi chín mười
Vẫy khăn quàng đỏ giữa trời thẳm xanh...
                  Bồ Hòn 1987
                               
                                             ----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét