Trang

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

CÂY NGÀN NĂM TUỔI


CÂY NGÀN NĂM TUỔI Ở LÀNG AN ĐỂ (VŨ THƯ, THÁI BÌNH)


Ảnh cây uốp mùa hè
Làng An Để thuộc xã Hiệp Hoà huyện Vũ Thư (Thái Bình) có một cây lạ, dân làng gọi là cây Uốp, tương truyền đã sống hơn 1.000 năm tuổi. Nơi đây là một trong những vùng đất cổ của vùng đồng bằng Bắc bộ. Từ thời xa xưa thuộc châu Hoàng, phủ Kiến Xương, qua nhiều đời đã thay đổi các tên gọi khác nhau như Mần Để, Ba Đậu... nằm trong dải đất Lạng Hương Mần, được nhắc đến trong nhiều sử sách của Thái Bình.
Thần tích do Đông Các học sỹ soạn từ thời Hồng Đức cho biết làng An Để trong thế kỷ thứ VI là quê bà Đỗ Thi Khương vợ của Lý Bí. Đây cũng là nơi được ông chọn làm căn cứ địa xây đồn luỹ để đánh đuổi nhà Lương. Năm 544giặc tan, ông lên ngôi vua tự xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân và phong vợ là Linh Nhân hoàng hậu. Một di tích lịch sử được xếp hạng Quốc gia hiện còn lại trên mảnh đất này là ngôi miếu Vạn Xuân (còn gọi là miếu Hai Thôn) vừa là nơi thờ vua Tiền Lý Nam đế và Linh nhân Hoàng hậu Đỗ Thị Khương, vị hoàng phi đầu tiên của nước Nam, vừa là một ngôi miếu được xây dựng lại từ thời Lê Chính Hoà, được coi là một công trình kiến trúc cổ phong phú rực rỡ vào bậc nhất nhì trong kho tàng văn hoá nghệ thuật nước ta.

Cây uốp nở hoa vào mùa xuân
Theo những nhà học giả nghiên cứu dân gian ở địa phương, trong ghi chép của Cao Biền  từ thế ký thứ X, có nói rõ làng An Để nằm trong dải đất đệ lục mạch là đất phát khôi khoa của nước Nam. Ngày xưa chẳng những ở nước ta mà bên Tầu cũng nhiều người biết mảnh đất này. Thế kỷ thứ 18 khi Lê Quý Đôn đi sứ nhà Thanh, quan đóc học tỉnh Quảng Tây là một trong những người thông kim bác cổ có hỏi ông: Ngài có biết Ba Đậu là đất phát khôi khoa ở vùng nào không? Một người làng An Để là Đặng Nghiễm đỗ Minh Kinh bác học khoa Bính Thìn (thế kỷ 12) thời Lý Cao Tông hiện còn văn bia ở Quóc Tử Giám, Hà Nội. Sách Đại Nam thống nhất chí ghi về ông: Là người mở đầu khoa hoạn cho các đại khoa trong làng khoa cử vùng Sơn Nam. Làm quan tới chức Thi Lang Công bộ. Năm 55 tuổi cáo quan về bản quán dạy học, khai mở mệnh mạch văn chương cho vùng đất này thành dòng chảy mãi về sau. Hiện ông được coi là cụ Tổ họ Đặng của toàn quốc. Ngoài ra làng An Để còn có ba Đại khoa khác được sử sách lưu danh là Đặng Diễn, cháu nội cụ Đặng Nghiễm đỗ Hoàng Giáp năm 1232, Đỗ Nguyên Chương đỗ trạng nguyên năm Giáp Dần (1314) và Đỗ Duy Đê đỗ đầu kỳ thi Đình Nguyên năm Kỷ Dậu (1949).
Hoa uốp
Bởi đây là vùng đất thiêng nên từ xa xưa nhiều người Tầu đã tìm tới đây để đặt mộ tổ tiên mong được phát đạt. Khu vực trung tâm của làng cạnh chợ và ngôi chùa ông Lâu hiện nay còn rất nhiều ngôi mộ cổ không ai biết có tự bao giờ. Riêng về cây Uốp lạ được người làng truyền rằng dưới gốc là một ngôi mộ cổ. Một người Tầu đã trồng cây đọc này cách đây đã hơn một ngàn năm để đánh dấu và yểm mộ. Nhiều người còn truyền rằng thời xa xưa dưới gốc cây được chôn nhiều báu vật kèm theo một xác ướp người con gái trẻ đẹp. Sau đó có một người Tầu tới đào lấy của cải và xác ướp mang đi. Cây Uốp hiện nằm trên mảnh đất bìa làng, do gia đình ông Đỗ Đức Hữu, nguyên là cán bộ lãnh đạo Liên hiệp công trình Giao thông 8, Bộ Giao thông vận tải trông giữ, bảo vệ. Theo ông Hữu, tổ tiên họ Đỗ Đức làng An Để nhà ông đã sống trên này đất này tới ông là 9 đời. Theo các cụ tổ họ Đỗ truyền lại khi về đây lập nghiệp đã có cây lạ này và qua đời nọ tới đời kia, cây hầu như không thay đổi vẫn cổ thụ, xum xuê như thế. Ông Hữu còn nhớ một chi tiết, năm kháng chiến chống Pháp gia đình ông có một đống rạ dưới gốc cây. Khi Pháp càn, đống rạ bị đốt, một nửa cây Uốp bị cháy, trụi hết thân, cành. Đận ấy làng tưởng cây sẽ chết, nhưng một thời gian sau cây lại xanh tốt và liền da như cũ.

Qủa uốp
Cây Uốp có thân gỗ xốp thớ xoắn gần giống gỗ cây gạo nhưng không có gai, lá có hình cánh giống như lá cây ngũ gia bì. Đặc biệt hoa Uốp mỗi năm nở một lần vào mùa xuân và có mùi hôi hôi gây gây, người mới tiếp xúc rất khó chịu. Quả Uốp thuộc loại quả cứng có nhân không ăn được. Ngàn năm vật đổi sao rời, làng quê đã qua bao lần dâu bể, bao nhiêu hồ ao đất đai của đình chùa bị chiếm làm nhà ở, bao nhiêu miếu mạo, nhà thờ bị tàn phá nhưng riêng cây uốp vẫn tồn tại và không bị xâm phạm. Cũng theo ông Đỗ Đức Hữu lý giải, cây uốp ngàn năm tuổi không bị  phá hoại bởi hai lý do. Thứ nhất do ý nghĩa Tâm linh, cây uốp được cho là người Tầu đã yểm bùa và cây lâu niên đã có “tinh” nên nhiều người không dám động tới. Thứ hai do gỗ uốp thuộc loại ĩô xấu không thể dùng vào việc gì. Cũng như hoa, lá, quả uốp không có giá trị sử dụng nên cây không bị chặt phá. Ông kể thời bao cấp có người nghĩ cây cổ thì gỗ tốt nên đã mấy lần cây bị chặt phá cành về đẽo cày, làm đồ hoặc làm củi nhưng không dùng được nên từ đó không ai chặt cây nữa.

Lá uốp
Là một người hiểu biết và quý trọng giá trị của cây cổ, hơn chục năm trở về đây từ ngày về hưu, ông Đỗ Đức Hữu có điều kiện chăm sóc và bảo vệ cây tốt hơn. Ông đã cho xây một ngôi miếu nhỏ để gia đình ông và dân làng thắp hương thờ linh cây. Ông còn xây bờ xung quanh bảo vệ cho gốc cây không sạt nở và không ai lấn chiến đất. Ông rất muốn địa phương hoặc một tổ chức có trách nhiệm nào đó tạo điều kiện mời những người có chuyên môn để xác định rõ tuổi thọ của cây cũng như ý nghĩa về tâm linh, môi trường sinh thái đối với một cây có tuổi thọ lâu như thế. Bởi ông nghĩ những cây trên dưới ngàn năm tuổi trong môi trường tự nhiên, nhất là ở một vùng đất đồng bằng như làng An Để chắc không có nhiều. Và những cây lâu niên như thế đã góp phần làm linh thiêng cho vùng đất quê hương. Nhiều người dân làng xưa nay cũng có ý nghĩ và mong muốn như ông Hữu.






 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét