Trang

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

CON CHỮ LÀNG CHÀI

Bút ký của NGUYỄN LONG

         
Giống như những làng chài khác quanh năm lênh đênh sông nước, cảnh nghèo khó, lam lũ, bệnh tật, đông con... bám vào người dân chài từ đời này sang đời khác. Song làng chài thôn Cao Bình (xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, Thái Bình) còn một nỗi khổ nữa là thất học. Chuyện tưởng như đùa mà có thật, một làng nằm giữa vùng đất học, trong cái nôi văn hoá sông Hồng mà đến đầu thế kỷ XXI phần lớn người làng vẫn mù chữ. Cách đây vài chục năm đã có những lớp học "chân sóng" được mở ra nhưng mỗi con chữ đến được và nhất là trụ lại được với làng chài phải qua bao nhiêu nổi chìm  sóng gió.

         
          Năm nay làng chài Cao Bình dự định kỷ niệm lần 92 năm sống ở đất Hồng Tiến, Kiến Xương. Đấy là nghe truyền khẩu mấy đời chứ thực chất chẳng ai biết ngày tháng năm nào các cụ tổ vạn chài về đây cắm sào đậu lại thành làng. Vì cả làng từ xưa không ai biết chữ nên không một nhà nào có gia phả hay giấy tờ ghi lại sử  làng. Gọi là làng chứ đến nay mới chỉ có vài nóc nhà lèo tèo nằm sát con đê chắn sóng sát sông Hồng gần như biệt lập với xã hội bên ngoài. Đấy cũng là thành quả của mấy cuộc vận động làng chài an cư lạc nghiệp của các cấp chính quyền huyện xã từ mấy chục năm nay. Trước đây mảnh đất hờ của làng chỉ lênh đênh trên cái bến nước thôn Cao Bình mà gần một trăm năm nay người làng chài truyền đời nhau gọi đấy là quê. Cả làng có hơn 100 hộ giáo dân từ ngày xửa ngày xưa chỉ sống bằng nghề thuần sông nước. Cái làng bến nước ấy thực chất chỉ là nơi dân làng đăng ký hộ khẩu và một năm đôi ba lần các nhà tụ lại với nhau vào những kỳ lễ Giáng sinh, Phục sinh, lễ Quan thầy là những ngày đạo trọng, còn những ngày thường bến sông vắng ngơ vắng ngắt. Dân làng chài phiêu dạt tứ xứ làm ăn. Thuyền của làng Cao Bình hầu hết là thuyền nhỏ nên không nhà nào có khả năng đánh bắt xa bờ. suốt đời chỉ mon men ở các cửa sông. Có đi xa lắm  cũng chỉ quang quẩn ở các vùng ven bờ từ Thanh Hoá đổ ra đến Quảng Ninh, Hải Phòng. Bó bện với sông nước bao đời nhưng không mấy hộ của làng thoát khỏi cảnh nghèo khó. Chẳng ai dám nghĩ đến chuyện mua đất làm nhà để có nơi đi về khi trời dông biển động hay nghỉ ngơi lúc tuổi già không còn cầm nổi mái chèo, tay lưới. Cuộc sống lênh đênh sông nước, con thuyền là nhà, cắm sào đậu lại nơi đâu là quê không biết bao nhiêu cơ cực. Anh Hoàng Văn Hải hiện là trưởng thôn cả nhà đã lên bờ được mươi năm nay sinh ra trong một gia đình đã mấy đời chài lưới cho biết: Con thuyền chỉ rộng năm bẩy mét vuông mà nhiều nhà cả ba thế hệ hơn chục người chen chúc nhau sinh sống chưa kể đến có khi còn nuôi cả chó mèo và lợn gà nữa. Với cánh đàn ông cuộc sống trên thuyền dù vất vả, bí bích đến đâu cũng chịu đựng được. Nhưng với đàn bà, trẻ em thì trăm nỗi khổ cực. Bản thân anh cũng như nhiều người làng sinh ra trên biển. Khi mẹ anh sinh anh ở ngoài biển Hải Phòng, cha mới vội đưa vào bờ nơi gần nhất nhờ bà con địa phương giúp đỡ. Ba ngày sau khi thấy mẹ tròn con vuông cả nhà anh lại xuống thuyền ra khơi. Có những trường hợp đau đẻ gặp lúc thuyền đang ở xa không kịp cập bờ thì người trên thuyền phải tự đẻ, tự đỡ. Trẻ con từ khi sinh ra đã bị "nhốt" trên thuyền, nhưng thương tâm hơn là không mấy năm làng chài không có một vài đứa trẻ bị nước cuốn đi. Có gia đình như nhà anh Nguyễn Văn Để bốn năm liền có hai đứa con bị chết đuối. Cuộc sóng lênh đênh sông nước cuốn làng chài vào cái vòng luẩn quẩn nghèo khó, đông con và đặc biệt là thất học từ đời nọ đến đời kia.

          Trước những năm 70 thế kỷ trước làng Cao Bình được coi là một địa chỉ "điểm trắng" về dân trí. Hầu như cả làng mù chữ và không có người hiểu biết về các chủ trương chế độ chính sách của Đảng và nhà nước. Thời ấy các cấp giáo dục của địa phương cũng đã có chủ trương xoá mù cho làng chài. Một vài lớp học "chân sóng" được tổ chức, một số giáo viên, trong đó tiêu biểu là thày giáo Chương xuống tận các thuyền để dạy chữ cho dân. Nhưng một số người làng chài mới đọc thông viết thạo thì phong trào lại lắng xuống. Những con chữ chưa bám vào được hồn người lại bị sóng cuốn chìm xuống sông xuống biển, làng lại tái mù. Tới đầu thập kỷ những năm 90 nhận thấy nguyên nhân sâu xa thất học, nghèo đói, và sinh con vô tội vạ của làng chài là do dân không có một điểm định cư cố định. Không an cư thì không thể lạc nghiệp. Các cấp chính quyền huyện xã đã có kế hoạch vận động và tổ chức định cư cho làng. Khu đất một số người làng đang ở hiện nay được cắt dành chia cho cho hơn 100 hộ của làng làm nhà ở. Lớp học tình thương, nhà văn hoá làng được dựng lên bằng tiền trợ cấp. Nhưng sau ít ngày nhận đất, chỉ có hơn 30 chục hộ quyết tâm trụ lại trên bờ. Số còn lại hoặc là bán đất đi hoặc là thế chấp đất để vay tiền ngân hàng rồi cả nhà lại kéo nhau xuống thuyền trở lại cuộc sống lênh đênh sông nước. Ngay những hộ đã định cư, nhiều gia đình cũng chỉ để con cái ở lại nhà đi học còn bố mẹ vẫn phải kiếm ăn bằng nghề chài lưới. Bởi cả gia tài mấy đời chỉ có một con thuyền nhỏ, có khi đã cũ nát, được cấp đất cũng là một sự ưu đãi lớn đối với người dân nhưng không có tiền làm nhà, không có ruộng, không có vốn và nhất là không có kinh nghiệm làm ăn, bám vào mảnh đất ven sông thì cả nhà lấy gì mà sống. Số ít trẻ con đựợc may mắn lên bờ nhưng vì nhà nghèo hoặc bố mẹ  quanh năm đi vắng nên việc học tập cũng gặp chăng hay chớ. Lớp học cứ teo tóp dần và nhà văn hoá cũng chẳng mấy khi có người hội họp.
          Trong số bẩy tám chục hộ vẫn lênh đênh sông nước, có khoảng ba chục chiếc thuyền với gần 120 nhân khẩu của làng Cao Bình tụ lại với nhau thành một làng chài nhỏ ở cửa sông Hồng nhìn xa giống như một dấu chấm nằm sát chân Cồn Vành. Những ngày biển động gác mái chèo, những con thuyền nhỏ bé neo buộc lại với nhau lắc lư trong sóng gió bấp bênh như cuộc sống của những con người chài lưới. Sau nhiều năm tiếp xúc và trực tiếp quản lý những hộ thuyền làm ăn ở vùng ven đảo. Thương người dân làng chài mà nhất là các em ở độ tuổi đi học không biết chữ, đầu năm 2007 cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng 72 thuộc Bộ chỉ huy biên phòng Thái Bình chủ động lập đề án xoá mù cho dân. Đề án mang ý nghĩa văn hoá và nhân văn sâu sắc nên vừa đưa ra được cấp trên hết sức khen ngợi. Các cấp chính quyền địa phương và phòng giáo dục huyện Kiến Xương nhiệt tình cùng kết hợp thực hiện. Trường tiểu học xã Hồng Tiến cử thày giáo Trần Thanh Phúc ra trực tiếp ra nằm ở đảo dạy học cho dân. UBND huyện Kiến Xương cử người mang các trang bị đồ dùng và sách vở ra cho lớp học. Riêng đồn biên phòng cử trung uý Đào Đình Luyện, cán bộ vận động quần chúng làm cán bộ quản lý lớp học và đồng chí Vũ Đình Văn, Y sĩ trạm Cồn Vành làm giáo viên trợ giảng. Phương án nghe rất hay và sự chuẩn bị hết sức chu đáo như vậy nhưng khi bắt tay vào việc gặp không ít trở ngại. Khi được nghe phổ biến chủ trương  mở lớp học làng chài, nhiều hộ đã giẫy nảy lên phản đối. Vì đa số những người cần học lại là lao động chính, nếu bỏ đi biển vài ngày thì cả nhà lấy gì mà ăn. Nhiều người còn phản đối thẳng thừng: Tưởng bộ đội tổ chức  làm điều gì mang lại lợi ích vật chất cho dân chứ cho đi học thì chỉ mất thời gian mà chẳng lợi lộc gì. Nhiều nhà ba đời chẳng học hành mà vẫn chài lưới giỏi đó thôi, đã có ai chết vì  mù chữ đâu. Còn đa số đám đàn ông cũng không muốn vợ mình sau giờ chài lưới bỏ việc cơm nước ở nhà để đi học.. Sau một thời gian tuyên truyền vận động, nhiều lần trạm Biên phòng phải kết hợp vừa tổ chức khám bệnh cho dân vừa giải thích lôi kéo dân đến lớp. Nhưng thời gian đầu chỉ lẻ tẻ một ít người tham gia. Không nản lòng, sau một thời gian đi sát dân các chiến sỹ biên phòng vừa kiên trì  thuyết phục vừa nghiên cứu tổ chức lớp học cho phù hợp với công việc của làng nên số người tự nguyện đến lớp ngày một đông thêm. Cuối tháng 11. 2007 đã có 80 người ở đủ mọi lứa tuổi đăng ký học tập. Lịch học của xóm chài cũng chẳng giống nơi nào. Những ngày trời yên biển lặng thuyền bè ra khơi lớp học đóng cửa. Chỉ những khi trời dông bể động học sinh mới lục tục kéo nhau đến lớp. Do học viên nhiều độ tuổi khác nhau nên sau khi khai giảng ít ngày lớp học phải chia thành hai nhóm. Chiếc bảng đen cũng được phân làm hai. Nhóm những người nhận thức nhanh hầu hết là trẻ em và những người còn trẻ học những bài mới ở nửa bảng. Nhóm các bà các mẹ nhớ mặt chữ chậm hơn phải ôn đi ôn lại bài cũ nửa bảng kia. Vì cảnh neo người và đông con nên hầu hết các bà các mẹ phải bế cả con cả cháu nhỏ đi học. Cảnh lớp học giống như những cuộc họp xóm, có chị vừa viết bài vừa cho con bú, có tiếng trẻ con khóc đòi đi đái đi ỉa. Con chữ ở nơi chân sóng cũng dễ tính nhập vào được mọi cảnh sống, mọi lớp người. Với lớp học xoá mù bình thường chỉ cần ba tháng. Nhưng lớp học xóm chài cứ gián đoạn theo thời tiết nên phải kéo tới gần mọt năm mới xong. Đầu năm 2008 kết thúc lớp học, đại diện Sở Giáo dục Thái Bình và phòng Giáo dục Kiến Xương đã xuống tận nơi dự kiểm tra và cấp bằng chứng chỉ cho học viên. Có gia đình như nhà anh Ngọc cả hai vợ chồng và bốn con cùng theo học một khoá. Chị Nguyễn Thị Khuyên ngoài bốn mươi tuổi, nhà lại neo người làm nhưng không bỏ một buổi học nào. Chị bảo ngày xưa không có điều kiện, chứ bây giờ lớp mở ở tận nơi chân sóng nên phải tranh thủ học chứ không biết chữ khổ lắm. Năm trước chị ốm phải lên nằm bệnh viện, bác sỹ đưa cho cái giấy bảo đi xét nghiệm nhưng chữ nghĩa không biết mà nói ra thì ngượng. Phải đợi nửa ngày đứa cháu vào dẫn đi mới biết. Hay như chị Tốt ngoài 50 tuổi bây giờ mới biết được mặt chữ. Hôm đoàn nhà báo chúng tôi xuống thăm, hỏi chị sinh năm nào. Chị ngượng ngùng bảo cả nhà chị từ truớc không biết chữ không làm giấy khai sinh nên không biết, chỉ nghe các cụ nói đã ngoài năm mươi.
          Con chữ đã tới được làng chài. Tuy còn rất khiêm tốn nhưng niềm vui đã ánh lên và cái ánh sáng văn hoá đã le lói ở những con thuyền xưa nay vẫn tăm tối. Có lần tôi hỏi một đồng chí cán bộ ở phòng Giáo dục để xoá mù cho mọt người dân làng chài phải tốn bao nhiêu tiền. Anh bảo không ai tính được cụ thể. Ngoài những kinh phí được cấp trên giấy tờ, còn bao nhiêu công lênh của các cấp và những người tham gia thực hiện nữa. Chỉ biết mỗi con chữ đến được những con thuyền quanh năm lênh đênh trên sông biển cũng phải qua bao nhiêu nổi chìm sóng gió. Song qua bao nhiêu năm nhìn lại việc xoá mù cho dân cũng mới chỉ là giải pháp tình thế. Nếu người dân và nhất là trẻ em không tiếp tục được học lên thì chỉ sau vài năm sống ở nơi mịt mờ sông nước chẳng dùng đến sách vở, tri thức mọi người sẽ lại tái mù. Chỉ khi nào làng chài thực sự định cư, mọi hộ gia đình đều có nhà ở thì  mới có thể nâng cao dân trí, nâng cao đời sống cho dân và trẻ em mới được đi học đến nơi đến chốn.
          Cái mục tiêu xoá mù và nâng cao dân trí cho làng chài Cao Bình vẫn như là món nợ đeo đẳng các cấp chíng quyền và các tổ chức giáo dục địa phương tới đầu thế kỷ 21. Từ bài học các đợt vận động làng chài định cư trước đây, đầu năm 2009 vừa qua huyện Kiến Xương đã lập dự án đưa tất cả những hộ dân Cao Bình còn lênh đênh trên thuyền về sống trên bờ. Đồng chí bí thư huyện uỷ Đàm Văn Vượng, một cán bộ trẻ đã từng làm giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh trực tiếp đứng ra chỉ đạo. Dự án đã được Tỉnh phê duyệt, tổng chi phí hơn một tỷ đòng với chủ đầu tư là sở Nông nghiệp PTNT và đơn vị trực tiếp thi công là Chi cục phát triển Nông nghiệp NT. Với tinh thần có tính chiến lược của dự án như tổ chức làm nhà ở cho dân, xây dựng điện, đường, trường, trạm cho làng... Rồi thành lập một tổ hợp đánh cá chuyên nghiệp cho những người còn sức ra khơi, đào tạo nghề và lập tổ hợp làm nghề thủ công cho những người khác còn độ tuổi lao động... Và điều quan trọng hơn là 100% trẻ em của làng sẽ được sống trên bờ và được đến trường bình thường như mọi trẻ em các làng khác. Mong điều mơ ước và hy vọng của trẻ thơ và của mọi người dân làng chài sớm trở thành sự thực.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét