Ký của NGUYỄN
LONG
Nếu không có cơ duyên với cửa Phật thì
chắc bây giờ Đại đức Thích Thanh Hoà trụ trì chùa Phúc Minh ( xã Hiệp hoà,
huyện Vũ Thư, Thái Bình) vẫn khoác áo lính và đã là một sỹ quan cấp tá trong
quân đội. Ông cầm tuổi Canh Tý, cái tuổi đàn ông nhiều người thành danh trên
quan trường hoặc thương trường. Thân phụ và thân mẫu ông đều là cán bộ viên
chức nhà nước có đủ điều kiện để hướng và lo cho cậu con trai một tương lai
thuận lợi và có gia đình đầm ấm có cháu con nối dõi tông đường như bao gia đình
nề nếp khác. Nhưng ông là người vừa có duyên vừa có nghiệp tu hành. Dù đi đâu
làm gì rồi cũng quay về nơi cửa Phật. Từ năm 11, 12 tuổi học lớp bốn ông đã
thường theo mẹ đi lễ chùa Ninh Cường ở TP Nam Định quê ông. Được nghe Thượng
toạ Thích Thanh Thính giảng giải kinh Phật và làm lễ thỉnh cầu ông đã rất mê.
Rồi ông được cụ Thính nhận làm con nuôi, ngày ngày ngoài giờ học ông thường ra
chùa để nghe tụng kinh niệm Phật và giúp việc cho thầy. Năm 1978 đủ tuổi nghĩa
vụ ông tham gia quân đội. Là một người đã biết giáo lý nhà Phật lại năng động,
chịu khó nên ông nhanh chóng trưởng thành trong quân ngũ, với đầy đủ phẩm chất
năng lực của một người lính cụ Hồ. Con đường tiến thân binh nghiệp đã rộng mở
trước mắt, ông được kết nạp Đảng và được đơn vị cử đi học sỹ quan chính trị.
Nhưng cái nghiệp binh hình như không có duyên cơ với ông. Đã ba lần làm hồ sơ
gửi đi mà lần nào cũng bị trục trặc về thủ tục và thời gian. Năm 1983 nhân có
dịp xuất ngũ ông xin đơn vị cho ra quân trở về quê. Gặp lại người cha nuôi mà
ông kính trọng và lòng say mê đạo Phật đã khiến ông quyết định ở lại chùa Ninh
Cường chuyên tâm theo thầy tu hành như nghiệp duyên trời định. Ông kể, những
năm đầu ở chùa Ninh Cường mặc dù đã xuống tóc nhưng ông vẫn tham gia đầy đủ các
hoạt động của một đảng viên và sinh hoạt chi bộ rất đều đặn. Nhưng vài năm sau
thấy ông đã nặng nhân duyên với cửa Phật, Huyện uỷ phải gợi ý cho ông làm đơn
thôi sinh hoạt để chuyên tâm với đường tu chứ thâm tâm ông vẫn không muốn rời
bỏ đội ngũ của Đảng. Năm 1990 sư thầy Thích Thanh Hoà được Thượng toạ Thích
Thanh Thính tiến cử về trụ trì chùa Phúc Minh (xã Hiệp Hoà, Vũ Thư). Đây là
ngôi chùa cổ mà ngày xưa chính Thượng toạ Thính đã trụ trì. Nhưng thời bao cấp
chùa bị bỏ trống giao cho các cụ tổ trồng cây của xã trông nom nên cảnh đã
hoang sơ sập sệ. Người làng hầu như đã quên chuyện khói hương niệm Phật và
tiếng chuông mõ thỉnh cầu. Là một người năng nổ và hiểu biết giáo lý cộng với
sự thấm nhuần đường lối chính sách tôn giáo của Đảng, sư Hoà quan niệm, người
tu Phật, trụ trì nơi cửa chùa không chỉ biết tu thân mà còn phải tinh tấn trên
con đường giáo hoá chúng sinh hiểu và đi theo con đường chính quả. Điều thiết
thực là giúp đỡ vận động nhân dân, chính quyền làng xã xây dựng được nề nếp đời
sống sinh hoạt văn hoá cũng như tâm linh của địa phương. Một mình với hai bàn
tay trắng sư Hoà bắt tay vào những công việc cụ thể, vừa tổ chức vận động tập
hợp các con nhang đệ tử, vừa tự tay đóng gạch gom góp tiền công đức cải tạo xây
dựng lại chùa chiền. Do biết kết hợp sự đóng góp công sức của dân làng nên mỗi
một đồng tiền cúng tiến vào chùa được ông sử dụng hiệu quả gấp rưỡi, gấp đôi
nơi khác. Chính vì vậy cảnh chùa Phúc Minh mỗi ngày lại khang trang thêm, người
đến lễ chùa và cúng tiến cho cửa Phật ngày một đông vui tấp nập hơn. Sau gần
mười năm về trụ trì Sư đã tôn tạo lại ngôi chùa cổ và xây lại mới nhà thờ Mẫu
và nhà thờ Tổ. Gần mười năm sau nữa xây dựng được khu nhà sinh hoạt cộng đồng
có bếp ăn, phòng nghỉ, hội trường và việc lớn nhất là cải tạo lại toàn bộ cảnh
quan chùa, xây khu tháp chuông bề thế với những công trình phụ cảnh rất công
phu tráng lệ. Rồi sư tổ chức đúc chuông nặng gần một tấn…Tất cả chi phí chưa
tính được cụ thể nhưng để làm được những việc như thế số tiền phải tính bằng
con số hàng chục tỉ đồng. Với những việc làm thiết thực và gần giũ với làng xã
của vị trụ trì, nhiều năm nay ngôi chùa Phúc Minh đã là nơi sinh hoạt tâm linh
văn hoá của bà con bản địa và cả khách thập phương. Từ một ngôi chùa nhỏ hoang
vắng đã trở thành đứng đầu huyện về cảnh quan cũng như hoạt động phong trào
Phật giáo, liên tục nhiều năm liền là “chùa cảnh 4 gương mẫu” . Vào những ngày
lễ chính trong năm như lễ Đầu năm, ngày hội miếu Hai thôn, lễ Vu Lan… không
những chỉ những con nhang đệ tử và những tín đồ thập phương về hành lễ mà hầu
như cả làng An Để gia đình nào cũng có mặt để tụng kinh niệm Phật. Ông còn tổ
chức được nhiều sinh hoạt tâm linh khác có ý nghĩa lợi dân ích nước như cho lập
bia khắc tên 62 liệt sỹ và bia ảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở địa phương
phụng thờ tại nhà thờ Tổ. Vào ngày 27/ 7 nhà chùa lại tổ chức liên hoan gặp mặt
các gia đình và tổ chức làm lễ cầu siêu cho liệt sỹ và những Bà mẹ Việt Nam anh
hùng của làng. Ngoài ra mọi công việc lớn nhỏ của làng xã từ chuyện sản xuất
đến xây dựng đời sống văn hoá, chấp hành các chủ trương chính sách…ông đều
gương mẫu thực hiện và vận động dân làng tham gia và chấp hành đầy đủ. Những
buổi lễ lớn do ông chủ trì rất khác với các chùa là trước khi làm lễ bao giờ
ông cũng dành ít thời gian để thông báo với dân làng về một số công việc và
tình hình của làng xã rồi hướng cho mọi người thấy điều hay lẽ phải. Thời điểm
năm 1997, 1998 xã Hiệp Hoà là một điểm nóng về mất ổn định của Tỉnh, ngôi chùa
là nơi thường xuyên tụ hội đông người nên chính ông nhiều lần đứng ra khuyên
giải bà con hiểu rõ đúng sai góp một phần không nhỏ làm ổn định tình hình địa
phương .Bởi sự tinh tấn và uy tín trong công tác hành đạo ở địa phương nên từ
năm 1996 Đại đức Thích Thanh Hoà đã được bầu làm uỷ viên Ban đại diện rồi làm
Trưởng Ban Phật giáo huyện Vũ Thư và được bầu vào hội đồng nhân dân xã và huyện
hai khoá liền từ năm 1999 đến nay. Cá nhân ông và ngôi chùa Phúc Minh nhiều năm
liền đã được UBND Tỉnh và UBMTTQ Việt Nam tặng bằng khen. Hiện nay ông là Trưởng
ban trị sự, Chánh thư ký Ban trị sự Hội Phật giáo Thái Bình và trong đại hội
đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2009 - 2014 của UBMTTQ Tỉnh ông được bầu là uỷ
viên Uỷ ban.
Có lẽ do một thời đã từng là người
lính Cụ Hồ, một thời đã từng phấn đấu trở thành Đảng viên và sinh hoạt trong
đội ngũ của Đảng nên Đại đức Thích Thanh Hoà biết kết hợp nhuần nhuyễn việc đạo
với việc đời và phát huy tốt tinh thần truyền thống "Hộ quốc an dân"
của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt với Bác Hồ, ông tìm thấy
nhiều điểm tương đồng giữa tư tưởng của Người với giáo lý nhà Phật. Chẳng hạn
Bác luôn dạy "Lấy dân làm gốc", mọi việc làm đều phải vì dân, cho dân
thì điều đầu tiên trong tứ đại thệ của Phật giáo Đại thừa là "Chúng sinh
vô biên, thệ nguyện độ". Hay Người dạy phải "Cần, kiệm, liêm,
chính" thì Phật giáo cũng khuyên mọi người phải diệt bỏ tham, sân,
si...Giáo lý nhà Phật không câu chấp mà coi mọi việc làm hướng thiện, cứu rỗi
chúng sinh đều là Phật pháp. Những công việc phật hạnh mà đại đức đã và đang
làm cũng là hợp với ý nguyện của Bác Hồ. Cho nên không chỉ riêng mình mà ông còn vận động và hướng cho mọi tín đồ
kính yêu và sống theo những lời dạy bảo của Người. Cách đây ít ngày chúng tôi
có về chùa Phúc Minh thăm Đại đức. Ông dẫn chúng tôi đi thăm cảnh chùa và giới
thiệu công trình Thuỷ đình xây dựng rất công phu mới được hoàn tất.Trong thủy
đình ông đã đúc và dựng một bức tượng Bác Hồ bằng đồng cao như người thật. Ông
còn chỉ khu đất trống bên bờ hồ và bảo tới đây sẽ cho khởi công xây dựng nhà
sàn. Tuy ông chưa nói ra nhưng chúng tôi đoán chắc chiếc nhà sàn giống như nhà
Bác ở và Thuỷ đình là khu Đại đức lập dành để thờ tự Bác Hồ. Để cho mọi con
nhang, đệ tử và các tín đồ thập phương mỗi khi đến chùa lễ Phật đều có điều
kiện dâng hương kính viếng Người. Với những việc làm tốt đời đẹp đạo của Đại
đức Thích Thanh Hoà tin rằng chùa Phúc Minh sẽ là nơi thờ cúng tâm linh rất trang
trọng, chắc chắn dân làng x và khách thập phương xa gần sẽ hội tụ đông vui hơn
có điều kiện thuận lợi làm được nhiều việc phúc đức cho cho đời cho đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét