Ký của NGUYỄN LONG
Tượng đài Trần
Hưng Đạo ở Yên Phụ
|
Tôi biết Hà Trí Dũng từ những năm 70
của thế kỷ trước, anh làm hoạ sỹ ở Văn phòng Hội VHNT cùng với cha tôi là nhà
báo Nguyễn Văn. Sinh năm Giáp Ngọ ( 1954), cầm tinh con ngựa, anh hài hước
rằng: kiếp con ngựa để kéo xe, cho người cưỡi, nhiều khi cũng được thờ nhưng mà
chỉ ở cổng đền, chùa mà thôi.
Từ nhỏ Hà Trí Dũng đã thích vẽ, nặn.
Ngày bé con anh từng mê mải ngồi xem ông nội nặn các con giống bằng bột gạo và
tượng đất nung quét vôi rồi tô mầu để cho bà mang ra chợ Phủ, chợ Khô bán lấy
tiền đong gạo. Quê anh xưa là làng và thuộc phủ Tiên Hưng có mấy người có nghề
làm tượng đất nung vào những lúc Tết nhất, những dịp nông nhàn. Bây giờ không
còn người làm nên nghề cũng mai một. Theo đuổi niềm say mê nặn tượng cho đến
khi theo học trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp anh lại được đào tạo chuyên
ngành điêu khắc như cái duyên trời định. Ngày tựu trường ở nơi sơ tán thuộc
huyện Đoan Hùng ( Phú Thọ) anh tâm đắc và ghi sâu lời thầy hiệu trưởng, hoạ sỹ
Nguyễn Khang: nếu trong quân ngũ người lính phải có chí lập chiến công vươn lên
thành tướng, là sinh viên mỹ thuật phải phấn đấu mai sau thành tác giả tên tuổi
có tác phẩm để lại cho đời.
Sau nhiều năm lao động nghệ thuật, Hà
Trí Dũng đã trở thành nhà điêu khắc thực thụ được đồng nghiệp và công chúng yêu
nghệ thuật biết đến qua những tác phẩm triển lãm mỹ thuật và công trình tượng đài
của anh dựng trên mọi miền Tổ quốc. Tranh tuợng của anh nằm trong bảo tàng Mỹ
thuật VN và các sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Năm 2002 Hà Trí Dũng được
ghi tên trong bộ từ điển Các nhà nghệ thuật thế giới ở mọi thời đại do nhà xuất
bản K.G – SAUR của CHLB Đức ấn hành.
Hà Trí Dũng |
Ở mảng tượng đài anh đã khẳng định tài
năng nghệ thuật và tầm cao của một nhà điêu khắc chuyên nghiệp qua bảy công
trình đã được xây dựng. Theo cảm nhận của tôi, những tượng đài được dựng lên
giữa cảnh quan đất trời thì vẻ đẹp của nghệ thuật phải hoà đồng với thiên
nhiên, trở thành một bộ phận cấu thành không gian và môi trường. Những gì thiếu
tự nhiên và non kém về nghệ thuật sẽ phơi bày trước sự dèm pha của thiên hạ.
Trao đổi về loại hình nghệ thuật này, Hà Trí Dũng cho biết: Khi làm tượng đài
phải biết phối hợp với các kiến trúc sư để tạo lập cho tượng đài một không gian
hoành tráng, hài hoà vừa mang tính tâm linh vừa thể hiện được ý nghĩa chính
trị. Nhờ đó điêu khắc cùng kiến trúc thiết lập nên một môi trường thẩm mỹ phù
hợp với những biến đổi về cấu trúc xã hội và tượng đài sẽ mở ra khả năng, phát
huy quyền lực của điêu khắc trong mục đích giáo dục con người một cách toàn
diện. Những thành tựu nghệ thuật của Hà Trí Dũng đã đóng góp cho quê hương Thái
Bình những tượng đài và phù điêu hoành tráng đẹp và bền vững như: tượng nhà bác
học Lê Quý Đôn, tượng đài Nguyễn Đức Cảnh ở quảng trường 14/ 10 và trong khu
lưu niệm Diêm Điền, phù điêu trang trí đài liệt sỹ các huyện Thái Thuỵ, Hưng
Hà, trong Bảo tàng và phòng khánh tiết trụ sở UBND Tỉnh... Đặc biệt với sự
thành công tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (Hải Dương) đã khẳng định
tài năng của anh trong đội ngũ những người làm tượng đài cả nước. Từ đó anh
được mời làm tượng đài cho nhiều địa phương như: tượng đài trung tâm tỉnh Sóc
Trăng cao 28m, tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cao 12,5m trên đảo Lý
Sơn (Quảng Ngãi), tượng 18 vị vua Hùng ở thành phố PleiKu (Gia Lai)... những
công trình đó thể hiện một tư duy năng động, sức làm việc bền bỉ không mệt mỏi
của anh.
Trân trọng anh về tài năng, tôi còn
quý mến anh về nhân cách sống không màng chức quyền danh lợi. Khi mỗi tác phẩm
được hoàn thành, anh cho rằng một công việc đã xong, không khoa trương quảng bá
ồn ào mà tiếp tục lặng lẽ làm các tác phẩm khác. Anh làm việc ở văn phòng Hội
VHNT tỉnh 30 năm, đã nhiều kỳ đại hội văn nghệ được bầu vào ban chấp hành, ban
thườnh vụ Hội nhưng anh không chí hướng làm lãnh đạo chỉ nhiệt thành ủng hộ
những đồng chí khác được đề cử vào các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch Hội.
Anh đã hai lần nhận giải thưởng Lê Quý Đôn nên những lần tiếp theo anh tự
nguyện không dự giải vì nghĩ mình thế là cũng được nhiều so với anh em đồng
nghiệp rồi.
Gia đình anh một thời rất khó khăn,
anh vẫn thầm lặng sáng tác và làm thêm những việc như truyền thần, kẻ vẽ
pano... không phải là nghệ thuật chính thống nhưng lại có thêm thu nhập cho vợ
con, trang trải trong đời sống thường nhật. Hết bĩ cực rồi có ngày thái lai,
với những đồng tiền kiếm được bằng tài năng nghệ thuật đã giúp anh ổn định cuộc
sống gia đình, con cái anh học hành tiến bộ và đều thành đạt theo nghiệp của
bố.
Hà Trí Dũng đã xin nghỉ hưu và chuyển
lên Hà Nội cùng gia đình. Cả cuộc đời công chức nhà nước anh chỉ là một cán bộ
hoàn thành mọi công việc được giao với tinh thần trách nhiệm cao không vụ lợi.
Anh là một quần chúng tốt được tín nhiệm đại diện cho giới văn nghệ sỹ tham gia
Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh (khoá 1994 - 1999) và đại biểu Quốc hội khoá X
(1997 - 2002). Tuy rời cơ quan nhưng anh vẫn lưu lại tình cảm quý mến của bạn
bè đòng nghiệp, và nhất là bởi tài năng và uy tín nghề nghiệp anh vẫn được
nhiều nơi trong cả nước mời gọi làm việc.
Tôi
quan niệm sự thành công của cuộc đời mỗi người không chỉ đến khi nghỉ hưu nhìn
lại thấy mình đã làm những gì và được những gì, mà chính là nhìn về tương lai
con cái và cuộc sống gia đình có yên lành tốt đẹp hay không. Với người làm văn
nghệ, sự thành đạt còn là những gì để lại bằng tác phẩm cho đời sau. Những
tượng đài có gắn tên tuổi Hà Trí Dũng đã được dựng lên ở nhiều miền đất nước,
từ Bắc Trung Nam, từ cao nguyên đến hải đảo. Bao nhiêu người hôm nay và cả mai
sau các lớp hậu thế còn tìm đến chiêm bái ngưỡng vọng đã khẳng định sự thành
đạt của anh. Và một điều đáng quý nữa là Hà Trí Dũng vẫn còn đang tiếp tục lặng
lẽ dựng lên các tượng đài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét