Trang

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

BÀI VIẾT CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU THÁI DOÃN HIỂU

          
Khoảng đầu năm 2005 nhà biên tập Thái Doãn Hiểu từ thành phố Hồ chí Minh ra Bắc, ông có về qua Thái Bình gặp và lấy tư liệu để viết về thơ Đỗ Trọng Khơi và thơ Nguyễn Long. Ông bảo đang làm tập Thi nhân Việt Nam hiện đại. Ông dự kiến chọn được gần 200 cây bút thơ từ thời chống Pháp đến nay của cả nước để đưa vào tập. Ở Thái Bình có hàng trăm cây bút thơ nhưng ông chỉ chọn giới thiệu hai người. Cuối năm 2007 ông điện ra nói đã viết xong bài về thơ mình và sắp xuất bản tập Thi nhân VN và gửi cho mình bài viết này. Sau đó nghe nói tập sách của ông đã được xuất bản nhưng mình chưa được nhìn thấy lần nào. Nay mới có thời gian tập hợp và đưa bài viết của ông lên blog.
          Mình làm thơ tay trái, thơ phú lại phọt phẹt mà được một nhà nghiên cứu biên tập có uy tín như ông biết đến lại đưa lên sách nữa thì lấy làm may mắn và biết ơn tác giả nhiều nhiều lắm. (NGUYỄN LONG)


THÁI DOÃN HIỂU

THƯỜNG DÂN LO NỖI KIẾP LÀNG

         
Nhà biên tập THÁI DOÃN HIỂU
Bước sang thế kỷ XXI, từ quê lúa Thái Bình, Nguyễn Long đã rất ấn tượng khi trình chính giữa làng thơ bằng tất cả vẻ độc đáo không lẫn vào ai của mình. Anh chơi khá hay, độc một điệu lục bát, độc một đề tài làng quê và người quê. Nguyễn Long giống như một cây đàn độc huyền sành điệu.
          Nguyễn Long, Long là rồng. Một con rồng thơ lạ đang vút lên sau lũy tre làng.

          * * *
         
          Nguyễn Long tâm sự với chúng tôi: Anh sinh ra và lớn lên ở làng quê. Tuổi thơ nửa ngày đi học, nửa ngày chăn trâu cắt cỏ, bốc bùn. Học xong cấp 3 (PTTH) trường huyện là vào thẳng ngay quân ngũ. Chiến đấu ở chiến trường Bắc Quảng Trị, Tây Nguyên bốn năm, mặc áo lính đeo quân hàm thiếu úy, sau chuyển ngành về công tác ở bộ Giao thông vận tải 8 năm. Đang học dở đại học Giao thông năm thứ tư thì bỏ sang Đức học nghề và kiếm tiền 10 năm. Năm 1988 về nước làm báo ở tạp chí Văn nghệ Thái Bình cho tới khi nghỉ hưu.
          Về cuộc sống gia đình anh có hai con một trai, một gái. Bố là nhà báo Nguyễn Văn ở Thái Bình đã nghỉ hưu (mất đầu năm 2013). Mẹ là nông dân nhưng mê đọc truyện Kiều và truyện Tầu. Các anh chị em trong gia đình đều là công nhân viên chức nhà nước nhưng say mê văn chương, nhà có năm người là hội viên Hội VHNT Thái Bình. Bản thân Nguyễn Long cũng mê văn chương từ nhỏ, nhưng ngoài 40 tuổi mới chuyên chú tới thơ. Lý do cũng đơn giản: Trước đó chỉ viết báo tay trái bởi nghĩ văn chương là thứ cao siêu không dám động vào. Sau đọc văn chương cả nước, thấy quá nhiều văn thơ dở, tự nhủ mình làm được hơn thế và mới cầm lấy bút.

          Nguyễn Long viết ít và chậm, có khi hàng tháng mới xong một bài thơ, bởi cái gì thật chín mới viết ra được. Sở trường chính là thơ lục bát, nó gần gũi với cái hồn, cái tạng của anh. Nguyễn Long hầu như làm thơ là để giải tỏa những ẩn ức của mình. Anh quan niệm thơ phải sà xuống những tâm hồn khổ đau để mong vực con người đứng dậy.
          Thơ Nguyễn Long thường viết về hai chủ đề: Mảng đời sống thực trước mắt và mảng siêu thoát trở về với trạng thái hồn nhiên ban sơ.
         
          * * *

          Vẳng từ sau lũy tre làng da diết ai oán: Lời buồn day dứt võng đưa/ giọng buồn pha chút nắng mưa âm thầm (Canh cần). Làng quê trong thơ Nguyễn Long là một bức tranh đẹp và đượm buồn. Ở làng Vũ Đại bây giờ có gì? Chí Phèo thì cửa nhà xiết nợ, ruộng cày sang tên, bị đẩy xuống đáy sâu của vô sản lưu manh. Bá Kiến thức thời thì mua được chức, sắm được danh,  trở thành kẻ ăn chơi bốc rời, tiền chùa sa đọa ở chốn thị thành. Còn số đông nông dân: Dân tình thì vẫn lôi thôi/ cuốc cày chưa ráo mồ hôi hết tiền/ vẫn ăn thật, vẫn ở hiền/ vẫn lo cơm áo liên miên tháng ngày (Ở làng Vũ Đại bây giờ).
          Chân dung người nông dân được Nguyễn Long đặc tả: Bạn từ quê cũ ra chơi/ vẫn quần áo lính như thời tay không/ chân trần đi giữa phố đông/ trẻ con hàng phố tưởng ông ăn mày (Bạn). Ăn mày là ai? Ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo thì ra ăn mày  (Ca dao). Những mảng đời thực xám xịt của làng quê hiện nay: Tiệc tùng suốt tháng, quạt cờ quanh năm/ Ít người làm, lắm kẻ ăn… Vật vờ quán xá đỏ đen/ mấy mùa thuế đọng, mấy phen vỡ đề. Trước cái vòng của xoáy lốc cuộc đời, Nguyễn Long cay đắng: Chuyện làng Vũ Đại hôm nay/ chửa trăm năm đã đảo xoay mấy lần (Ở làng Vũ Đại). Kiếp làng trĩu chiếc đòn cong/ đời con gánh tiếp lưng còng đời cha (Kiếp làng). Kiếp làng! Kiếp làng! Kiếp làng, vũ khúc buồn nản lặp đi lặp lại bao đời, bao thế hệ. Kiếp con người lặn vào trong kiếp của làng: Kiếp làng có kiếp mẹ tôi/ thắt lưng xanh biếc một thời tuổi xuân/ cha đi chiến trận mấy lần/ mẹ tôi chờ héo cả vầng trăng thu. Kiếp làng từ thuở mịt mù/ những lời nguyền chứa hận thù oan khiên/ đất làng dông bão liên miên/ thuế sưu, nhũng nhiễu đảo điên lòng người. Đưa nhau xuống bể lên trời/ trả ngàn năm vẫn chưa vơi kiếp làng (Kiếp làng).
          Cũng chẳng phải để oán giận ai, Nguyễn Long chỉ âm thầm than thân trách phận cho những người thân thích. Cuộc đời mà, các số phận bi thảm đều được đặt dưới dạng giả thiết: Gía như anh đã trở về / cỏ xanh không rợn chân đê nấm mồ. Gía lời hẹn ấy hư vô/ đời không thêm một vọng phu kiếp này. Gía đừng muối mặn gừng cay/ chị không thương đến cạn ngày, cạn năm. Gía anh một bận về thăm/ biết đâu lòng chị đã đằm lời ru. Gía… rồi lại giá… Gía như/ đừng giông bão giữa thực hư cõi người (Gía như)
          Làng đang đô thị hóa. Đó là sự tiến hóa của nhân loại thì có gì phải dị ứng với nó. Thợ Rèn ngao ngán: Cả làng là một cục xi măng. Ngô Văn Phú thì e ngại: Anh đếm được những bước đi quanh quẩn/ đang dẫn vào những lối hẹp mê cung/ phố u tối những nỗi buồn thăm thẳm/ cắm đanh sâu vào ván gỗ đời mìn (Phố buồn). Võ Văn Trực bực dọc: Nhà cao mọc ở hai bên/ Tôi ngồi ở giữa khâu bền sợi đau… Đến giờ Nguyễn Long lại khổ sở, dằn lòng khăng khít một dạ thủy chung với tre pheo, thôn ổ: Làng giờ ngỡ chốn phố xa/ đường không một bóng xanh xòa dáng tre/ ai ôm con ngủ trưa hè/ thay lời ru, tiếng nhạc nghe xập xình/ Nhà cao giờ lấn sân đình/ nơi bao câu hát ta mình mê say/ đường làng trâu bỏ vai cày/ cái cò cái vạc đã bay phương nào/ cây đa giếng nước bờ ao/ theo lời mẹ đã chìm vào xa xăm (Tạ từ ca dao).
          Đứng ngắm mảnh vườn quê, thái độ hoài cổ của Nguyễn Long tuy nhẹ nhàng nhưng cương quyết trước sự biến đổi chóng mặt của cơ chế hàng hóa thị trường: Vườn làng nay khác xa rồi/ nhấp nhô cây cảnh lên ngôi thị trường/ nhạt dần ngâu táo đưa hương/ hết dần dâu kén vấn vương tơ vàng... Còn đâu cái thuở bộn bề/ những ngày xanh mệt xanh mê hương vườn (Trở lại Thuận Vy).
          Thiên nhiên cũng như đồng tình với nhà thơ về sự xâm lấn ồ ạt của nhịp sống công nghiệp: Đã về đến biển Đồng Châu/ lạ thay con sóng vẫn ngầu phù sa/ cồn lên những buổi chiều tà/ chẳng xanh nổi giữa đậm đà biển khơi/ Đã qua bến lở một thời/ ai hay về đến bãi bồi còn đau (Con sóng Đồng Châu).
          Nhìn thẳng vào khốn khó của đời sống dân tình, thương làng, Nguyễn Long thắc mắc, đặt thẳng vấn đề: Ở đâu tiền nọ tỷ kia/ làng giờ hạt thóc vẫn chia mấy phần/ ở đâu đẹp áo sang quần/ người làng bùn két bàn chân bốn mùa (Làng vào vụ gặt).
          Những cuộc cách mạng đã thôi gầm thét, làng quê bình lặng đang nổi từng đợt sóng ngầm. Những tệ nạn, những hống hách chuyên quyền của bọn cường hào mới đang lộng hành tác quái: Lệ làng ra cũng lắm khi/ bước qua tiếng bấc tiếng chì ngày xưa (Cầu tái giá). Bao nhiêu thước ngọc khuôn vàng/ vênh vang đo những trái ngang lỡ lầmSân đình mỗi bận gió khua/ trái oan lăn lóc chát chua Thị Mầu (Vẫn chuyện Thị Mầu). Bao thay đổi chất chồng chóng mặt, Nguyễn Long không nín nổi, anh hú hồn làng: Ba hồn bảy vía làng ơi/ tre xanh giờ đã về trời làm mây (Gọi lang). Có lúc anh chua chát ngầu lên: Bạn bè một tuổi một thời/ một trang sách bấy phận người rủi may (Bạn bè một thuở).
          Tuy chuyện đời đục trong bao nỗi, Nguyễn Long vẫn hướng về phía trước với bản lĩnh người lính được trui rèn kỹ trong lửa đỏ và nước lạnh của chiến tranh: Gỉan đơn ta chẳng là ai/ còn người lại muốn ngày dài hơn măn/ mấy ai chịu kiếp con tằm/ tối bưng cái kén vẫn nằm lặng yên/ người mơ có của có quyền/ trời riêng ta vẫn một miền đầy sao/ sợ gì bẫy thấp bẫy cao/ ngàn năm đã có ai rào nổi mây… Hố người đào đát đổ đi/ mần ta ươm sẽ xanh rì bóng cây (Mặc người).
          Láo nháo giữa chợ đời đủ hạng người cao thấp, sang hèn, Nguyễn Long vẫn khuyên nhủ con: Đừng khinh kẻ khó người hiền/ cho dù cái ác đồng tiền lên ngôi/ Hư danh bèo bọt mà thôi/ đời người thoáng chốc, đời người dài lâu (Viết cho con). Cách sống của Nguyễn Long cũng chân chất và khiêm nhường: Học làm người ở bốn phương/ để ta sống giữa đời thường là ta…

          * * *

          Phẩm chất thường dân của Nguyễn Long được đào luyện công phu như đạo sỹ luyện đan: Hòa vào trời đát mà xanh/ vô tư mấy kiếp mới thành thường dân (Thường dân). Thường dân là bài thơ hay nhất của Nguyễn Long, đứng trước cả bài Nông dân của Nguyễn Sỹ Đại. Thường dân là gì? Họ là ai? Thường dân là những người dân bình thường , không có chức tước địa vị xã hội. Thời xưa họ được gọi là dân đen, con đỏ (thôn quê), thị dân (phố phường) và xa hơn ngược dòng thời gian là manh lệ. Thường dân tương đương với tiếng Trung Quốc là thảo dân, loại cỏ dã mọc đầy ngoài đồng điền, lớp hạ đẳng, dưới đáy (Gorky). Những người có địa vị tôn xưng là đại nhân, loại thấp tự nhún mình là tiểu nhân. Tiên sinh (ông), xếnh xáng (ngài - vip) trong tiếng Hán là để chỉ những người có máu mặt, vai vế, nghiêng về có học vấn. Quan khinh miệt mắng mỏ dân là tiện dân, mõ, seo, tuần đinh… Ngược lại dân đốp chát gọi các quan là giặc, cướp ngày, cướp cạn, lâm tặc, địa tặc. Thường dân, họ là con số không to tướng hợp thành một chuỗi số không vô danh dài dằng dặc. Những chuỗi con số không vô nghĩa ấy chỉ có giá trị lớn lao khi có con số một đứng trên đầu. Nước ta là một nước nông nghiệp tụt hậu, nông dân chiếm số đông của đất nước. Từ thuở khai thiên lập địa đến giờ, họ cống hiến nhiều nhất nhưng lại được hưởng thụ ít nhất. Đó là một nghịch lý nghiệt ngã.
         
          Thường dân trong thơ Nguyễn Long là ai? Chẳng phải đâu xa lạ, họ là chính những người thân ở trong gia đình tác giả. Thường dân là người lính già trong Ông tôi: Trả ngày bão táp mưa sa/ chiều riêng ông với ngân nga sáo diều/ chẻ tư chẻ tám câu Kiều/ ông tìm hồn Nguyễn, học điều người xưa. Thường dân là nhà văn trong Cha tôi: Quanh năm gánh chữ nhọc nhằn… Những con chữ đẫm mồ hôi/ nổi chìm theo những phận đời nông sâu. Thường dân là Chú tôi: Vẫn quần áo lính ngày xưa/ chú ngồi bàn chuyện nắng mưa cuốc cày. Thường dân là Thím tôi: Suốt đời quần mảnh áo manh/ thím tôi lúc chết bỗng thành giầu sang. Thường dân là  Chị tôi góa bụa thờ chồng ra trận không về: Thương mầu tóc chị hoa râm/ nửa tang, nửa vẫn xanh thần chờ mong, nén nỗi đau riêng: Yêu trang giáo án ngả mầu/ thương đàn em nhỏ vùng sâu xa trường. Thường dân là Em gái tôi phải đi ở đợ xứ người: Ngày mai em đi Đài Loan/ làm ô xin ở nơi ngàn dặm xa. Thường dân là Bạn thơ tôi: Mong manh thơ giữa dòng đời/ cố làm khô bớt mồ hôi đất này. Thường dân là bạn thời thơ ấu đang lưu lạc kiếm ăn mãi bên trời Tây, xứ người: Giữa nơi thanh lịch đất này/ vẫn lôi thôi dáng thợ cày năm xưa. Thường dân là Tiếng rao đêm của một người nông dân bỏ làng lên thành phố kiếm ăn qua ngày: Mì đây, ai bánh mì nào/ tiếng mưu sinh rót tận vào đêm thâu/ nghe còn nặng vị đất nâu/ sạm mầu sương nắng dãi dầu đồng xa. Thường dân là Những thằng lính trận ngày xưa, giờ phân hóa thành: Kẻ sang giầu, đứa làm to/ thằng giờ đang chạy xe bò, xe ôm/ Đứa nghèo không thể nghèo hơn/ có thằng bóc lịch sớm hôm trong tù… Thằng về vẫn lính đến già/ đứa nằm xuống mãi mãi là cỏ cây. Thường dân là Bạn lính của tôi sau chiến trận trở về trụ lại ở làng: Đã thành tỷ phú nhà quê/ vẫn hồn bạn lính ở B thuở nào. Đó là những người: Vẫn màu áo thuở dọc ngang chiến trường / vẫn hằn sẹo mấy vết thương/ mỗi khi nắng gió thất thường lại đau (Bạn về trụ lại ở làng). Thường dân là láng giềng của tôi nơi Chợ người trên phố: Em như cây chuối cây chè/ lên xanh so nổi giữa hè phố đông. Thường dân còn là chính bản thân tôi: Đã qua dâu bể cuộc đời/ chân mòn trong cõi khóc cười nhân gian. Là người đã từng đi khắp đông tây: Bây giờ là kẻ trắng tay/ tôi về tựa dưới bóng cây em trồng. Là một gã trai lạc lõng: Tôi người thành thị ở làng/ kẻ quê mùa giữa lang thang phố phường (Tôi). Thường dân còn là kẻ hết quan hoàn dân: Mai về bạn chớ ngẩn ngơ/ nãy còn ấn kiếm bây giờ thường dân (Mai bạn về hưu). Thường dân còn cả là quan Doanh điền sứ thuở xưa về làm dân Nguyễn Công Trứ: Tiếng danh ở lại với đời/ hồn về vi vút giữa trời làm thông… Thường dân là những con người: Quanh năm chân đất đầu trần/ tác tao sau những vũ vần bão giông/ khi làm cây mác cây chông/ khi thành biển cả khi không là gì/ thấp cao đâu có làm chi/ cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi. (Thường dân).

          Thường dân tạo thành một cộng đồng nhân dân đông đảo muôn thưở, cái gốc mà hơn hai ngàn năm trước Khổng Tử đòi vua chúa phải lấy dân làm gốc, cái thứ manh lệ thời Lê, Nguyễn Trãi đã từng nhắc tới như một động lực chính của lịch sử. Nguyễn Long viết về họ với cả tấm chân tình yêu mến, tin cậy, tự hào và gửi gắm:. Từ cách mạng Tháng Tám 1945, trải qua thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, nông dân Việt Nam đã phải gánh trẹo vai trên đôi vai gày gò của mình chiếc đòn gánh hai đầu, một đầu là thóc, một đầu là người. Tay cày tay súng, người nông dân đã phải thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người cho chiến trường. Nông dân Việt Nam đã thắt lưng buộc bụng hy sinh xương máu đến ba bốn thế hệ trong một gia đình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Ở nông thôn Việt Nam, thời chiến tranh, khăn tang phủ trắng làng. Nhưng thật đáng tiếc 80% động lực chính của cách mạng sau khi làm trọn xứ mạng lịch sử đã bị lãng quên.
          Ăn của đất, uống của trời/ dốc lòng cởi dạ cho người mình tin/ ồn ào mà vẫn lặng im/ mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn/ chỉ mong ấm áo no cơm/ chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành (Thường dân). Ba mươi năm trước, người ta kêu gọi xóa đói giảm nghèo. Ba mươi năm sau người ta vẫn kêu gọi xóa nghèo giảm đói? Một nhà thơ khác đã khái quát bức tranh làng quê bất di bất dịch: Ông lão dong trâu đi bừa/ là con ông lão ngày xưa đi cày (Con đường hàng tỉnh - Trần Ngọc Thụ). Mèo vẫn hoàn mèo. Đời sống của người nông dân hiện nay vẫn nheo nhóc ở dưới mức nghèo khổ, với công xá ở Thái Bình một ngày nửa cân thóc. Ta đang làm cách mạng kiểu gì đây? Một cuộc cách mạng không tính đến mục đích. Bác Hồ dạy: Nước độc lập tự do mà dân không ấm no hạnh phúc thì độc lập tự do ấy cũng vô nghĩa.
          Rõ ràng là trong thơ Nguyễn Long, nông dân là một giai tầng đối lập với lớp quý tộc hãnh tiến mới được cách mạng phân hóa, vênh vang ngoi lên sau chiến tranh. Với bài Thường dân, nhà thơ đã quả quyết gióng lên một thông điệp, thay mặt nông dân đi đòi lại quyền lợi, sự công bằng chính đáng của họ.

                   * * *

          Người ta có thể bức bách xua đuổi con người ra khỏi làng nước của họ, nhưng làm sao dứt bỏ xứ sở nơi trái tim người. Nguyễn Long gắn bó máu thịt với quê hương mình. Anh yêu đến tận cùng, dẫu quê cha đất tổ có nhỏ bé nghèo hèn. Nhà thơ tích trữ được rất nhiều kỷ niệm về làng quê: Dẫu đi cuối đất cùng trời/ về làng ta vẫn là người nhà quê. Ngân khố quá khứ trong trẻo và buồn thẳm đó dù cho thi sỹ thở than vẻ đẹp ban sơ đã tan rữa không vớt lại được. Giờ thì Nguyễn Long chỉ có một ước vọng duy nhất là mong cho bao giờ cho đến … ngày xưa: Ngày xưa khát vọng con người/ biết nghe tiếng đất, biết lời cỏ cây/ nhà không kín cổng tường vây/ thênh thang sương nắng gió mây tràn vào. Ngày xưa làng ở trời cao/ lấy trăng cắt lúa, lấy sao kết đèn/ ngày thì sáng, đêm thì đen/ ở làng chẳng có bon chen lọc lừa. Ngày xưa, ngày xưa, ngày xưa/ đẹp như cái thuở mẹ chưa lấy chồng (Ngày xưa).
          Nỗi đau trước tiên bắt Nguyễn Long hiểu ra mình là ai? Quan hệ làng với anh là thế nào? Phải làm gì đây? Trong rất nhiều vần thơ cháy ruột, giữa sự san sẻ và an ủi là cả một biển nước mắt lặng thầm: Hiện về hình bóng mẹ cha/ đồng chiêm trũng, con sông Trà đày vơi/ hiện về những dáng con người/ dân làng chân đất vai xuôi lưng còng/ cả đời cắm mặt xuống đồng/ móc lên hạt thóc từ trong bùn lầy… Ra nhìn giầu có bốn phương/ thấy quê người lại nghĩ thương quê mình (Quê).
          Nguyễn Long đã lấy nhân cách công dân nhà văn của anh để hóa giải mọi nỗi đau khổ trên đời. Anh biết hòa hợp nhuần nhuyễn cái bi hài, đó là cách thể hiện đúng đắn cuộc sống theo bản chất của nó. Nếu trong thơ Nguyễn Long có rơi rớt một vài mảng u tối nào đó thì đấy là sự biểu thị cái bi như là hình thức của lạc quan.
          Đã ngồi dưới bóng cây thì chớ bẻ cành. Người biết ơn dẫu ơn trả nghĩa đền vẫn chưa lấp xong nợ: Bến quê dòng nước vắng teo/ lững lờ chảy giữa trong veo cõi người. Vẫn vàng thế tháng Ba ơi/ ngồng hoa cải muộn nuôi tôi những ngày/ cháo rau, lam lũ, đặn đầy/ thành tôi lớn giữa đắng cay ngọt ngào. Cháy lên ở phía trời cao/ chùm hoa phượng đỏ khát khao kiếp làng (Tháng Ba).
          Sống ân nghĩa với làng quê, Nguyễn Long đã say sưa kể về quê nhà của anh sau khi đã đi khắp bốn phương, nếm trải đủ mọi mùi đời. Trong khốn khó buồn tủi của kiếp làng, Nguyễn Long vẫn nhìn ra: Cả năm dãi nắng dầm mưa/ mà em cứ đẹp như chưa nhọc nhằn/ ngày xuân mới áo, mới khăn/ em đi chợ Tết cả trăm người nhìn (Mùa xuân chợ làng). Vẫn chan hòa vui với hội với hè: Nắng lên lộc biếc xanh chồi/ mưa xuân cho dãn mặt người nếp nhăn/ câu ca làng hát nghìn năm/ lại bay lên giữa hội rằm tháng Giêng… Khổ quên rồi hóa như đùa/ hội làng nhộn nhịp như chưa đói nghèo (Xuân sang). Vẫn lắng lòng thu vào hồn một điệu chèo dân dã: Hát như người thả bùa mê/ một lần nghe để lòng về ngẩn ngơ/ xót xa, day dứt vu vơ/ người xưa oan khổ, mình giờ lại đau. Hát cho đời biết thương nhau/ giọng chèo em, có phép mầu tin yêu (Nghe em hát chèo). Vẫn xao xuyến bàng hoàng với cỏ cây, mây nước: Đồng làng trời vãi cỏ hoa/ vườn làng trái chín sao sa bốn mùa… Ngày xưa trời lắm trăng sao/ lấy trăng cắt lúa, lấy sao thắp đèn (Mẹ đem ra phố nhà quê). Vẫn thần thì với hồn người xưa gửi trong kiến trúc ngôi đình cổ: Mái cong rồng cuốn hổ ngồi/ ẩn trong gỗ đá hồn người thuở xưa (Đình làng). Vẫn rung cảm tương tư: Hội tan, chửa kịp trao lời/ về từ buổi ấy đứng ngồi chung chiêng/ bao giờ cho đến tháng Giêng/ ta về gặp lại lung liêng cái nhìn (Hội Lạng tháng Giêng). Vẫn ngây ngất trước hạnh phúc lứa đôi: Mấy đôi dẫn cưới trong làng/ để phiên chợ Tết cháy hàng trầu cau (Mùa xuân chợ làng).
          Nguyễn Long tin ở đất trời, tin ở hạt lúa: Đất nuôi cây cỏ hiền lành/ trời cao vô tận chẳng thành hư không/ và cây lúa vẫn trên đồng/ dầm mưa dãi nắng cho bông lúa vàng (Thơ viết cho con). Anh tin ở đạo lý truyền thống: Bao đời đói gạo thiếu tiền/ chữ nhân chữ đức vẫn truyền đời sau (Giỗ Tổ). Nguyễn Long tin ở làng, một niềm tin son sắt không bao giờ cạn. Bao nhiêu biến cải tang thương làng vẫn giữ được cái gốc. Làng vẫn là một cõi đi về, là pháo đài bất khả xâm phạm của tâm linh, của mỗi người: May mà có một nhà quê/ để khi lỡ bước ta về là ta/ dòng đời vần vũ phong ba / trời quê gió vẫn ngân nga sáo diều. May còn có một người yêu/ đợi ta tím những buổi chiều ngày xưa/ bây giờ cải đã thành dưa/ vẫn vương vị nắng thuở chưa lên ngồng (May mà). Trên thế gian này không có gì trôi qua mà không kết thúc có hậu. Thơ Nguyễn Long luôn ánh lên tự hào về vị thế nông dân của mình giữa làng: Làng tôi ở phía cuộc đời/ mặn mòi nước mắt mồ hôi người làng/ có người ở chốn giầu sang/ vẫn tìm về nhận họ hàng áo nâu (Làng tôi ở phía dòng sông). Chính họ, những người nông dân chân lấm tay bùn là người chân chính, có nhân cách: Người đi xa rạng tiếng làng/ người ở quê vẫn đàng hoàng nhà quê/ nhân sinh trăm nẻo bộn bề/ vẫn dành riêng một lối về ngày xưa (Giỗ Tổ).
          Làng quê là nơi xuất phát điểm của những xuất phát cho ta ra đi tìm tới những chân trời xa: Về quê chỉ một con đường/ từ quê đi được chín phương đất trời (Xuân sang). Cho dầu: Con đường phía trước xa xôi/ đằng sau rơm rạ rối bời nhà quê (Bạn thơ).
          Điều băn khoăn lo lắng nhất của Nguyễn Long là làm sao viết được những bài thơ tri âm tri kỷ với đời. Bàn về phép làm thơ, thi sỹ Đỗ Trọng Khơi viết: "Khi nhà thơ tìm được tiếng nói chung, cuộc sống đồng nhất với thiên nhiên thì khi đó nhà thơ ấy sẽ có khả năng nói về nguyên lý, quy luật sống. Khi đó chữ thơ được sinh ra  trong một sự lựa chọn tinh vi mà vẫn bình dị, tự nhiên. Ấy là một thứ nghệ thuật của tri thức được thông hội với tình yêu, trong cõi phần đó, cả sự vô tình, vô thức cũng có cơ hội gieo mần phát sáng". Một lời bàn sáng suốt, thích ứng với việc làm thơ của Nguyễn Long. Nguồn vui không bao giờ cạn mà thi nhân luôn tìm kiếm nằm ở trên con đường của những khám phá, sáng tạo. Người Đức bảo: "Qủa táo không bao giờ rơi xa gốc". Tình yêu thực sự của Nguyễn Long đối với làng quê Thái Bình không thể nào tách rời tình yêu của anh đối với ngôn ngữ dân tộc. Nhà thơ đã huy động được một lượng cao các thành ngữ và các thủ pháp nghệ thuật dân gian rồi phả vào đó  linh hồn ấm nồng của mình, bắt chúng phục dịch cho một định hướng sẵn. Nguyễn Long đã thận trọng sử dụng từng từ tố như cá rô phi ngậm con trong miệng, tha hồ tung tăng bơi lội mà vẫn không nuốt con vào bụng. Lục bát của Nguyễn Long cũng bình lặng, giản đơn chữ nghĩa như bao nhà thơ khác, chẳng cần cách tân, uốn éo, nhưng sao thấm thía lạ thường, bởi cái gió mưa từng trải của đời anh ngấm vào nồng đượm đến từng con chữ: Biết không ai nữa đợi mình/ gặp em tre trẻ bên đình… vẫn run (Mình tuổi năm mươi). Khổ đau à, khổ đau ơi/ cất xong một gánh phận đời nhẹ tênh (Thím tôi). Mai dù đến chốn giầu sang/ em đừng quên mảnh đát làng nắng nôi/ đừng quên cây lúa mặt người/ sau bờ tre vẫn mồ hôi ướt đầm (Em đi Đài Loan). Ngàn năm cây lúa vẫn gầy/ mạ non lấm láp tự ngày mới xanh/… Đang nơi gió cuốn thị thành/ hay làm ngọn gió quẩn quanh hồn làng? Bạc đầu bạn vẫn lang thang/ tìm câu lục bát còn hoang giữa đời (Bạn thơ).
          Muốn có được thơ hay, người làm thơ phải biết tạo ra được tiếng nói thầm đằng sau ngôn từ bài thơ. Nguyễn Long làm thơ đau đáu như người sắp từ giã cõi đời. Đọc thơ anh, chốc chốc tôi cứ phải dừng lại thảng thốt kêu lên: Giỏi, giỏi quá! quá nhiệt tâm, ôi những câu chữ nhọc nhằn lam lũ, thương quá đi thôi: Làng vào vụ gặt mùa này/ những lo toan vẫn lắt lay mặt người/ mưa thối đất, nắng vỡ trời/ ngả nghiêng mặt ruộng chơi vơi mùa màng/ mảnh mai cây lúa cũ càng/ vẫn làm cột trụ chống làng ngàn năm (Làng vào vụ gặt). Có lúc hơi dân ca dung dị trong lời kể thật thà: Cơn mưa sinh ở đầu nguồn/ cũng thành con lũ quặn dồn phù sa/ sóng trào từ bể phong ba/ sóng tung mặt nước vỡ ra trắng trời (Con sông chảy trước nhà tôi). Mỗi lần mưa xuống đền cây/ biết là gió giật bão lay qua rồi/ Thầm thì những giọt mưa rơi/ chẳng tươi lại những tả tơi lá cành/ Một mùa sắc lá mới xanh/ một thời vấn vít mới thành bóng râm/ Đã se gió bấc mưa dầm/ đã cằn nắng lửa, đã đầm mưa sa/ Sao còn bão táp phong ba/ để mưa đẫm nước xót xa cánh chuồn (Mưa đền cây).
          Lục bát Nguyễn Long cũng bụi nhưng nho nhã, ít có giọng tếu táo, sấn sổ kiểu: Đất là mẹ, trời là cha/ chính danh gọi Tễu tên là Thảo Dân như Nguyễn Công Trứ. Cái mà mọi người gọi là thơ trong thiên hạ thì quá nhiều, nhưng thật là thơ thì rất hiếm. Đó là những câu thơ, bài thơ còn sáng mãi với mai sau.

                   * * *
          Thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay vì ranh giới giữa thơ đích thực và diễn ca, vè rất mong manh. Trong thi phẩm của Nguyễn Long tính diễn ca, tính vè vẫn rơi rớt đó đây. Chất diễn ca: Như chiếc lá giữa dòng đời/ dạt trôi góc bể chân trời làm ăn/ bặt tin nhau đã bao năm/ ngờ đâu gặp giữa xa xăm chốn này (Gặp đồng hương ở nước ngoài). Rồi anh còn để lọt những câu kể lể, dễ dãi: Bây giờ theo họ hàng xa/ đón sang bên ấy đẻ mà làm ăn (Em tôi sang tận trời Tây).
          Trong thơ Nguyễn Long còn gặp sự trùng lặp ý, lặp mẫu câu, lặp từ:
          - Câu thơ khá lọt tai: Những con chữ đẫm mồ hôi (Cha tôi), đến câu: Sau bờ tre vẫn mồ hôi ướt đầm (Em đi Đài Loan) nghe còn được, nhưng đến câu: Củ khoai hạt thóc ướt đầm mồ hôi (Em tôi sang tận trời Tây) thì oải, rồi lại đến câu: Đồng tiền xứ lạ cũng đầm mồ hôi (Gặp đồng hương ở nước ngoài) thì chối.
          - Đã viết: Đất làng giông bão liên miên (Kiếp làng), thì không nên viết: Vẫn lo cơm áo liên miên tháng ngày (Ở làng Vũ Đại bây giờ). Đã có: Tác tao sau những vũ vần bão giông (Thường dân) thì không nên có: Đã xô tao tác ngàn bờ (Tản mạn về sông)…
          Sự sáng tạo của nhà thơ không phải lúc nào cũng dễ dàng được chấp nhận. Các nhà thơ thường mắc bệnh là gặp người, lặp mình. Hoặc có nhiều câu thơ đối với người ít đọc thì được coi là mới, nhưng với người sành thơ thì đó là những câu sáo mòn vì đã nhiều người đã viết. Thơ Nguyễn Long nhiều lúc vẫn vấp phải hiện tượng trên. Trong quá trình sáng tạo, Nguyễn Long nên tỉnh táo chuyện này.
          Thơ lục bát của Nguyễn Long súc tích, kiệm lời, kiệm câu. Nếu tách ra từng bài để đọc thì thú. Nhưng đọc cả chùm, cả tập thì nó dễ trở nên monoton, đơn điệu, nhàm tẻ. Ra trận một người lính giỏi phải là xạ thủ cừ khôi biết sử dụng nhiều loại vũ khí thì chiến đấu mới có hiệu quả cao. Dĩ nhiên mỗi loại súng có một tính năng, công năng riêng. Không thể đưa B40 để bắn tỉa vài tên lính, cũng không thể dùng súng AK để diệt xe tăng. Có thể Nguyễn Long muốn đi sâu vào một thể thành thục, rồi sau đó sẽ đánh lấn ra các thể thơ khác, có như thế mới thành tác giả được.
          Thơ Nguyễn Long hay đều, mỗi bài như một bức tranh hoàn chỉnh, gây ấn tượng ấm sáng về tâm trạng và số phận nhân dân. Tuy thế vẫn còn có bài xoàng, tứ cũ, giá không đưa vào tập có lẽ thi phẩm sẽ toàn bích hơn.

          * * *

          Nguyễn Long tâm sự với các bạn thơ rằng anh đang bị thơ ám: Đeo câu ngắn, khoác câu dài/ chẳng vay sao cứ nợ hoài người ơi. (Bạn thơ). Anh chỉ mong được sống để làm thơ xem là hạnh phúc của đời thường: Chỉ mong cao rộng đất trời/ cho chiều yên ả để ngồi với thơ (Mình tuổi năm mươi). Chẳng cần cao xa, anh trình bày triết lý của mình: Trăm lần triết lý nông sâu/ để ta về lại với câu thật thà (Về làng). Anh ước thơ anh sẽ trường thọ: Nắng mưa rồi sạch vết son/ câu thơ gan ruột vẫn còn mai sau (Uống bia với bạn). Xem ra bốn điều ước đều chính đáng, trừ nguyện vọng thứ tư là khó bởi Nguyễn Long mới nhập cuộc và con đường dấn thân cho thơ vẫn còn dài và gian khó. Bởi: Trăm câu thơ xóa đi cho một câu thơ khỏi ném vào trong gió (Chế Lan Viên). Chúng ta trân trọng ghi những thành công bước đầu của Nguyễn Long như khởi điểm cho cuộc chạy maratông thơ còn đang tiếp diễn.

          Sau khi bài thơ Thường dân được công bố với giả A của tuần báo Văn nghệ và tập thơ Thường dân được NXB Hội Nhà văn xuất bản, Nguyễn Long nhận được hàng trăm thư từ, bài viết của bạn thơ, bạn đọc gần xa gửi về xẻ chia và khen ngợi. Khi xét giải, mặc dù Ban Gíam khảo bỏ phiếu 100% xếp bài Thường dân vào hạng A, nhưng một số vị ở báo Văn nghệ cho rằng bài thơ "có vấn đề" nên định loại bỏ. Các ông Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Ngô Văn Phú phải đứng ra "bảo vệ" mới lọt vào giải. Sau đó gần hai chục bài điểm thơ, bình, giới thiệu thơ Nguyễn Long đã được đăng tải trên các báo từ trung ương đến địa phương. Nhiều bạn đọc quý mến nhà thơ đã lấy tên bài thơ Thường dân để trìu mến gọi thay cho tên Nguyễn Long. Bài thơ Thường dân từ đó đã đi vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội và Nguyễn Long đã là người thơ đáng tin cậy của cả nước.
          Trong thơ ca Việt Nam đề tài về làng quê, chúng ta có những nhà thơ viết rất hay: Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, Trần Hữu Thung, Ngô Văn Phú, Võ Văn Trực, Trần Đăng Khoa, Thạch Qùy, Đỗ Trọng Khơi, Trần Quang Qúy… giờ có thên Nguyễn Long. Thật là thú vị khi họ đang hiện đại làm mới chuyện cổ tích đồng quê.

          Thế kỷ trước, trời sinh ra Trần Hữu Thung là trời đã dành thơ ấy riêng cho nông dân. Tre già măng mọc, thế kỷ XXI này đã có Nguyễn Long vững vàng thay thế. Nông dân Thái Bình nói riêng, nông dân cả nước cùng giới thường dân nói chung đã có một phát ngôn viên bằng thơ ưu tú của mình.

                                                                  

                                                                   Sydney, tháng 01 năm 2007
                                                                       THÁI DOÃN HIỂU
         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét