Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ LỤC BÁT



         
Lục bát là thể thơ cổ truyền đặc trưng Việt Nam. Vốn sinh ra từ nơi mái rạ, bờ tre, giếng nước, sân đình, lục bát gần gũi với lối sống, nếp nghĩ thật thà chất phác của người nông dân nên là loại thơ nôm na dễ hiểu, dễ nhớ. Nó bám rễ, ăn sâu vào đời sống tinh thần của người Việt tự thuở xa xưa, giống như chèo cổ, quan họ, rối nước, đàn bầu… những văn hóa dân gian có tự ngàn đời, không một loại văn hóa cung đình hay văn hóa ngoại lai nào đồng hóa được.
          Người Việt Nam vốn vị tình nên lục bát cũng là một thể thơ vị tình. Những điệu dân ca Bắc bộ, Quan Họ, những làn hát chèo như giao duyên, cò lả, mời trầu.. đã tựa hẳn lòng vào cái nền thơ sáu tám. Ông cha ta tự ngàn xưa đã hát Xẩm, hát rong bằng lục bát để khóc cười thái thế nhân tình.

          Ngỡ rằng đã có một dòng sông Ca Dao mênh mông, sâu thẳm, một lâu đài Truyện Kiều tráng lệ sừng sững thì mảnh đất cổ lục bát không còn chỗ cho hậu thế đặt chân. Nhưng cái thể thơ hai câu ngắn dài với những niêm luật trắc bằng quanh đi quẩn lại như đèn kéo quân ấy chưa bao giờ biết dừng chân và hết làm mê hoặc con người. Người đời sau vẫn thi nhau khám phá, tìm đường làm cuộc chạy tiếp sức tiền nhân. Và con đường lục bát mới mẻ vẫn cứ mở ra và hình như còn chạy dài đến vô cùng vô tận. Một Tản Đà đi tiên phong cho nền thơ Mới bằng "Thề non nước", một Nguyễn Bính đã trở thành thi sỹ chân quê. Rồi đến Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn… mỗi thời, mỗi chặng đường đều có những tên tuổi góp phần làm sáng danh thêm cho thể thơ cổ truyền dân tộc.
          Vừa như cũ mà vẫn mới, vừa như quen mà vẫn lạ bởi lục bát là thể thơ dễ làm nhưng rất khó hay. Những câu thơ mượt mà dễ đi vào lòng người nhưng không dễ làm chủ được nó. Tự nhiên, dễ dãi hay đơn giản một chút thì lục bát thành bài vè thô thiển. Nhiều chữ, suy ngẫm khôn quá lại dễ sa vào trò chơi trí uẩn, bài thơ dễ thành một vốc chữ thơ uyên bác bị khuôn vào niêm luật trắc bằng. Và hình như nó cũng giống như một cô gái nhà quê xinh đẹp không ưa lối phấn son tô điểm cầu kỳ. Càng dụng công bao nhiêu thơ càng thiếu tự tin và diện tướng người thơ càng dễ trơ lộ bấy nhiêu. Thơ lục bát cũng không dễ viết bằng những chuyến đi thực tế như nhiều thể loại văn chương khác, nó đòi hỏi thực tế tâm hồn người viết phải qua nhiều trải nghiệm cuộc đời mới mong có được thơ hay. Nguyễn Du sau mấy chục năm "cát bụi" mới có câu: "Phận bèo bao quản mưa sa/ lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh". Nguyễn Bính đã từng mòn chân tứ xứ mới viết: "Giang hồ còn lại mình tôi/ quê người đắng khói, quê người cay men"…
          Dẫu là thể thơ cổ, câu chữ bị bó trong khuôn khổ, niêm luật nhưng không phải lục bát chỉ hợp với sự kể lể, dãi bày xưa cũ. Hay chỉ thể hiện được những tình cảm buồn man mát, vui dặt dìu với cái giọng điệu ới a, dàn trải của cánh đồng làng quê, sông nước mà nó có đầy đủ khả năng thể hiện, diễn đạt mọi vấn đề của cuộc sống đặt ra. Trong ca dao hầu như không thiếu một chủ đề nào của tự nhiên, xã hội và đời sống con người. Chỉ riêng hai câu: "Anh như tràng kỷ nhà quan/ em như chiếc nón mê tàm ngày mưa" mà nói được rất sâu, rất hay hai thân phận, hai phẩm giá trái ngược nhau. Truyện Kiều có đủ các loại người giầu nghèo, sang hèn, tốt xấu, đủ cảnh ngộ vui buồn, sướng khổ, rủi may… mà Nguyễn Du viết không chữ nào không lung linh châu ngọc, không câu nào không chớp lóa sương nghiêm. Đến lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, nhà thơ Tố Hữu chuyển thành lục bát mà vẫn mang khí thế của lời hịch: "Hỡi quóc dân, hỡi đồng bào/ có gươm có súng có dao hãy dùng"
          Mỗi thời cuộc khác nhau, lối nói và cách nghĩ của con người khác nhau nên thơ nói chung, lục bát nói riêng cũng không bao giờ giống nhau. Vẫn những vui buồn, yêu ghét, giận hờn, thương nhớ… nhưng ngày nay muốn trải lòng bằng thể thơ cũ phải có sự cứu cánh của ngôn từ mới, thẩm mỹ mới. Bởi những tình cảm muôn thuở, những hình ảnh mẫu, và nhiều câu chữ đắc địa đã mài mòn trong ca dao và thơ phú của tiền nhân. Và cũng bởi thời đại bây giờ là thời của tri thức, công nghệ mọi thứ đều hướng tới cái siêu: "siêu thịt, siêu lúa, siêu sao…" nên lục bát cũng phải "hiện đại hóa" theo. Thơ phải bó câu bó chữ, kiệm lời, ép tứ lại để tạo được sức vang lớn. Nhưng ngôn ngữ phải tươi mới, sống động, cựa quậy trong thơ mới mong đi vào lòng bạn đọc và kéo dài được tuổi thọ. Nói vậy, nhưng bay vào cuộc sống hiện đại, với thị trường ồn ào, náo động ngày nay bằng thể thơ cổ không phải dễ. Cái áo dài thướt tha với trắc bằng, sáu tám cốt dáng kiêu sa truyền thống lúc nào cũng như thách đố những ai muốn hiện đại nó. Nó chỉ đi cùng ai  làm cho nó đẹp hoàn thiện. Đó là cái đẹp vừa giản dị, vừa tự nhiên như muôn thuở mà mọi sự tìm tòi của mọi loại hình nghệ thuật đều hướng tới.
                  
                   * * *
         
          Đã ngàn đời làm bạn với con trâu, cái cày, cánh cò, hạt thóc. Đã quen quanh quẩn với bờ tre, giếng nước với chiếu chèo sân đình. Quen véo von dàn trải với hò vè sông nước. Và đã sống lê la với hát sẩm, hát rong ở đầu đường, bãi chợ, vỉa hè… Lục bát có một diễm phúc lớn được Nguyễn Du làm cao sang lên bởi Truyện Kiều và thi sỹ tài danh các đời vẫn nối tiếp nhau đôn nó cao lên ngang tầm các thời đại để nó không bị lút chìm đi trong cái cũ mòn. Nhưng liệu thể thơ cổ truyền đặc trưng Việt Nam có trở lên cao sâu, xa rộng, có vượt được đại dương đến với năm châu bốn bể như Đường Thi của Trung Quốc hay như thơ Hai Ku của Nhật Bản hay không?
          Đó vẫn còn là một câu hỏi rất lớn của thơ lục bát.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét