Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

LÀNG PHỐ

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Ngay cái tên đã nhập nhằng rồi. Làng phố. Làng là làng. Mà phố là phố. Làng ở thôn quê. Còn phố nơi phồn hoa đô thị. Đấy là hai vùng địa giới, hai miền văn hóa hoàn toàn riêng biệt. Bây giờ, trong công cuộc đổi mới, đời sống cũng bắt đầu xuất hiện nhiều vẻ đẹp mới. Lại còn có cả những vẻ đẹp của sự nhập nhằng. 

Ấy là cái làng quê của tôi.

Cách đây chỉ chừng trên chục năm thôi, làng tôi dù không cách sông cách đò, nhưng vẫn có cảm giác như nó rất hẻo lánh, cô lẻ như một ốc đảo, dù không xa Hà Nội bao nhiêu, nếu tính theo đường chim bay. Ngày mưa, đường quê lụt lội. Làng có đám cưới, người ta phải dùng trâu để đón cô dâu. Bây giờ, cái làng heo hút ấy đã hoá thành đô thị rồi. Đường làng đổ bê-tông. Đêm đêm, những bờ tre, khóm chuối bỗng mỡ màng, óng nuột trong ánh sáng của những ngọn đèn đường. Làng đã có karaoke. Rồi cơm bụi. Rồi dịch vụ cưới xin. Rồi khách sạn, nhà nghỉ cao tầng lấp ló sau những gốc sung, bụi duối. Trống, nhạc xập xình. Những gì thành phố có thì ở cái xó làng này cũng có. Các cô thợ cấy, các bà chăn lợn giờ cũng phấn son, váy áo loè xoè. Ông bạn tôi, một cựu chiến binh lắc đầu ngán ngẩm: “Mình chẳng phải thằng ham hố gì đâu, nhưng nhiều lúc cũng chỉ muốn thành một lão có chức sắc thật to, để làm gì cậu hiểu không? Để ký một sắc lệnh: Cấm tất cả các em chân cẳng khùng khoèo, đen nhẻm …không được mặc váy ngắn!”. 

Nhà quê và về quê

Nhà quê và về quê
Phạm Quang Long

Là trai nông thôn, học xong làm việc ở thành thị, lấy vợ là người Hà Nội, công việc, con cái ổn cả, nhà cửa chẳng sang trọng gì nhưng cũng đủ để sống một cuộc sống yên ổn mà sao những suy nghĩ về quê cứ luôn thấp thỏm trong tôi?

Trước đây, thỉnh thoảng vợ và con vẫn đùa: "bố nhà quê lắm". Tôi hiểu, đó như một lời chê. Thì tôi vốn là người nhà quê, không quê sao được?.Dù xa quê đã lâu và thực sự, tôi đã là một tay nhà quê mất gốc nhưng cái chất quê, kiểu quê nó lặn vào máu tự bao giờ. Ẩn kín đến đâu rồi cũng có lúc cũng bật ra, gây khó chịu cho người khác bởi cái sự thiếu văn minh của mình.

Ngày làm ở sở Văn hoá ở Hà Nội, tôi cứ nói đùa với các bạn là tôi đang " lấy nông thôn bao vây thành thị", đang " nhà quê hoá" đất kinh kỳ. Chả biết mình đã làm hỏng và phá đất thần kinh những gì do ngu dốt, kém cỏi...nhưng phải nói rằng chính những ngày này tôi mới có dịp nhận ra nhiều cái " nhà quê" vẫn đang tiềm ẩn nơi thị thành, đang làm cho nơi đây giầu có thêm lên. Đi sâu vào các khu phố cổ, lật những lớp bao phủ bên ngoài, nhìn sâu hơn vào phía sau tôi nhận thấy rất nhiều chất " nhà quê" của dân tứ chiếng đã góp phần tạo nên mảnh đất kinh kỳ này. Và, ẩn sau những lớp bụi thời gian, bụi " kinh thành", cứ lấp lánh nét đẹp của những người nhà quê thuộc nhiều thế hệ khác nhau đã cùng góp sức lực, trí tuệ tâm huyết ( cả tài sản và sinh mạng của mình nữa) cho vùng đất mới mà họ đã chọn làm nơi lập nghiệp của mình.

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Nỗi buồn hạt gạo

(Theo Nguyễn Thông Blogger)

   
Cuối năm, có vài cái tin đáng phấn khởi liên quan đến nông nghiệp. Trước hết là, theo công bố mới nhất từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến cuối tháng 11 đạt 6,24 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường hàng đầu hút gạo Việt là Trung Quốc, Philippines, Indonesia.

    Tin thứ 2, mới nghe dễ bỏ qua nhưng thực ra rất đáng quan tâm: Nông trường Sông Hậu ở Cần Thơ đã ký hợp đồng với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu… rơm, mỗi năm hàng trăm ngàn tấn. Như vậy, không chỉ gạo - phần kết quả tinh túy nhất của nông nghiệp, mà ngay cả phụ phẩm, thứ phẩm của nhà nông đất Việt ta, xưa nay ta coi là rơm rác, cũng lên đường đem ngoại tệ về cho đất nước. Thế chẳng đáng mừng sao.