Trang

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012


Tham luận của nhà thơ Trần Nhuận Minh tại Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương: “Hàng trăm năm nay, người ta bàn về thơ đã nhiều, có nhiều tập sách đã thành kinh điển, trong đó có những đúc kết của những tài năng rất lớn, trí tuệ rất cao sâu của cả nhân loại mà phải vài thế kỉ mới có một người… Cứ tưởng đến thế là xong, ai ngờ không phải. Tất cả mới bắt đầu. Và người ta lại phải bàn tiếp. Thơ vẫn là một cái gì bí ẩn, thăm thẳm xanh trước mặt như biển cả, tầng tầng lớp lớp mênh mông như rừng đại ngàn. Không có chỗ tận cùng. Và đấy cũng là một trong những lí do để chúng ta có Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương. Không ít trường hợp, những bài thơ hay nhất thường được ra đời theo linh tính chứ không phải theo lí luận và chỉ khi mình “vô ngã” thì nó mới thanh thoát, tự nhiên. Cũng như tiếng rền của núi sông, nếp vằn của hổ báo, nào biết ánh sáng bay trên đầu nó là ánh sáng nào. Có nhà thơ vốn liếng trong trường ốc chả được bao nhiêu, nhưng bằng sự thẩm thấu tự nhiên các tầng văn hoá của dân tộc và của nhân loại, tác phẩm cuả họ vẫn là sự bừng sáng và hào hoa, về tài năng trí tuệ của nhiều thế hệ mà họ bỗng nhiên thành người đại diện” 





BƯỚC LÊN ĐỈNH CAO BẰNG BẬC THANG KHÔNG CÓ MÁU NGƯỜI

TRẦN NHUẬN MINH 

Ngoài hai lần được UNESCO công nhân là Di sản thế giới về cảnh quan thẫm mĩ và về địa chất địa mạo, Vịnh Hạ Long còn một là một kho tàng thi ca đã có khoảng 750 năm tuổi. Bắt đầu từ một đêm trăng thanh, vị vua anh hùng, sau khi mất, được quần thần phong thánh, là Trần Thánh Tông ( 1240 – 1290), đã ngủ trên thuyền và cảnh đẹp kì diệu của Vịnh Hạ Long đã đi vào một bài thơ tứ tuyệt bất hủ của ông: “Triêu du phù vân kiệu / Mộ túc minh nguyệt loan / Hốt nhiên đắc giai thú / Vạn tượng sinh hào đoan”  ( Sớm chơi núi mây nổi / Tối ngủ bến trăng thanh / Bỗng nhiên được thú lạ / Ngọn bút nảy muôn hình  - Phan Võ dịch). Từ đó, các nhà thơ nổi tiếng trong nước và nhiều nhà thơ lớn khác, đến từ các châu lục, trong đó có cả các thi hào, với ngôn ngữ khác nhau, bằng cái tài và cái tâm của mình, đã  sáng tạo nhỉều thi phẩm xuất sắc, lắng nghe được tiếng nói huyền vi của vũ trụ, từ lúc những giọt nước và những thớ đá đầu tiên được sinh thành, để hoà hợp con người và thiên nhiên, không chỉ làm vẻ vang cho vùng đất này mà còn làm giầu thêm những giá trị tinh thần cho một quốc gia và cho cả nhân loại.

Vì vậy, tôi tin sẽ không ai ngạc nhiên khi biết núi Bài Thơ, xưa tên là núi Truyền Đăng, nay ở mép nước Vịnh Hạ Long, người lính biên phòng nhiều triều đại đứng gác trên ngọn núi này, đã đốt lửa hiệu báo về kinh thành Thăng Long, mỗi khi vùng biển vùng trời Đông Bắc có bóng giặc xâm lược. Tháng 3 năm 1468, vị hoàng đế anh minh nhất của nhà Lê là Lê Thánh Tông, sau khi duyệt võ trên sông Bạch Đằng, đã buộc thuyền trong bóng núi và cho khắc lên vách đá bài thơ tràn đầy khát vọng về sự cường thịnh của đất nước “Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại / Chính thị tu văn yển vũ niên”  ( Trời Nam muôn thuở non sông vững / Yển vũ tu văn, dựng Nước này)… Sau đó, chúa Trịnh Cương, văn võ toàn tài, đã có thơ hoạ khắc vào vách núi, và nhiều thi nhân đời sau làm theo, biến quả núi này thành một quả núi thơ, một kì đài thơ hùng vĩ và xanh thẳm giữa trời biển mênh mang của Di sản thế giới. Thơ Trịnh Cương có câu: “Tái tuân nhất dự phu đài duyệt / Quần hổ cam ca hải yến niên”  ( Cuộc chơi ai cũng vui cười / Các quan ca tụng biển trời lặng trong)… Và như thế, chủ đề hoà bình, ổn định, hữu nghị và phát triển giữa các cộng đồng dân tộc mà chúng ta tâm niệm trong Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Quảng Ninh tháng giêng Nhâm Thìn 2012, các thi nhân Việt Nam đã chạm tới từ 700 năm trước. Chúng ta đã kế tục một cách xứng đáng và biến những tâm nguyện ấy thành hiện thực với sự có mặt của hàng trăm nhà thơ của châu lục với niềm tin yêu mới vào thời đại chúng ta đang sống.

Vâng, tôi nói các nhà thơ, và không chỉ các nhà thơ, mà còn cả các nghệ sĩ và nhân dân đã hát vang thơ ở vùng trời biển Di sản thế giới này, là nói theo nghĩa đen. Bởi từ tháng 3 năm 1988, nhân 520 năm, ngày bài thơ dựng nước của vua Lê Thánh Tông khắc trên vách núi Truyền Đăng, mà tôi đã nói ở trên, các nhà lãnh đạo của vùng đất này đã cho phép tổ chức Ngày thơ Quảng Ninh hằng năm vào ngày 29 tháng 3, với sự tham gia, cùng với đông đảo công chúng,  của nhiều nhà thơ, đến  từ thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Đó là ngày Lễ hội thơ ca đầu tiên ở một tỉnh, với ý nghĩa xã hội toàn vẹn và nội dung hoạt động phong phú của nó, để 15 năm sau, Hội Nhà văn Việt Nam kế thừa và phát triển, đã “nhân rộng ra cả nước thành Ngày thơ Việt Nam”, như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã từng nói. Năm nay, Quảng Ninh đăng cai tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 và sau đó tổ chức Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ 25 vào ngày 29 tháng 3, trong tinh thần đó, làm cho thơ ca thành một vùng ảnh hưởng lành mạnh và cao cả vào đời sống tinh thần của nhân dân trong dịp mùa xuân về. Vùng đất rất giầu truyền thống văn hoá này đã tôn vinh thơ và đến lượt mình, các nhà thơ đã làm vẻ vang thêm cho nó. Tôi cầm bút ở đây đã tròn 50 năm và nhận ra sâu sắc rằng, thơ không chỉ ca ngợi đất nước mà cao cả hơn, còn thăng hoa và bảo vệ mọi giá trị của con người, trước những biến động của thời cuộc.

Hàng trăm năm nay, người ta bàn về thơ đã nhiều, có nhiều tập sách đã thành kinh điển, trong đó có những đúc kết của những tài năng rất lớn, trí tuệ rất cao sâu của cả nhân loại mà phải vài thế kỉ mới có một người… Cứ tưởng đến thế là xong, ai ngờ không phải. Tất cả mới bắt đầu. Và người ta lại phải bàn tiếp. Thơ vẫn là một cái gì bí ẩn, thăm thẳm xanh trước mặt như biển cả, tầng tầng lớp lớp mênh mông như rừng đại ngàn. Không có chỗ tận cùng. Và đấy cũng là một trong những lí do để chúng ta có Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương. Không ít trường hợp, những bài thơ hay nhất thường được ra đời theo linh tính chứ không phải theo lí luận và chỉ khi mình “vô ngã” thì nó mới thanh thoát, tự nhiên. Cũng như tiếng rền của núi sông, nếp vằn của hổ báo, nào biết ánh sáng bay trên đầu nó là ánh sáng nào. Có nhà thơ vốn liếng trong trường ốc chả được bao nhiêu, nhưng bằng sự thẩm thấu tự nhiên các tầng văn hoá của dân tộc và của nhân loại, tác phẩm cuả họ vẫn là sự bừng sáng và hào hoa, về tài năng trí tuệ của nhiều thế hệ mà họ bỗng nhiên thành người đại diện. Đôi khi họ đi trong cái mù mờ đầy cảm hứng của tâm hồn, của chính họ, có thể do trời ngẫu nhiên mà ban tặng cho họ, với những bước chân xiêu vẹo, nhưng đã vẽ lên những giá trị thẩm mĩ huy hoàng, mà trước đó chưa từng có, làm giầu sang không biết đến bao nhiêu phẩm giá văn hóa cho một thời đại mà họ đã sống. Vì vậy, càng học thơ, làm thơ, càng thấy thơ có một cái gì đó rất khó nắm bắt, rất khó chinh phục. Hình như thơ phát triển được, để mỗi người mỗi khác, ngay trong một người cũng mỗi giai đoạn mỗi khác, mỗi quốc gia mỗi khác, và mỗi giai đoạn của mỗi quốc gia lại khác nữa, là nhờ ở điểm “đặc thù” này. Vì thế mà những đỉnh cao mới, mới có cơ hội xuất hiện và những lí luận về thơ mới căn cứ vào đó mà luôn luôn được bổ sung… Cũng vì thế, thơ mới cần đến mọi cố gắng của mỗi chúng ta, chờ đợi mọi sáng tạo tiếp theo của mỗi chúng ta. Vẫn luôn luôn giành chỗ cho mỗi chúng ta hiện diện như những chủ nhân mới đầy uy lực.

Bất cứ cái gì ra đời, đều có cái lí do chính đáng của nó. Những tìm tòi không ngừng của các nhà thơ hiện đại hay hậu hiện đại, cùng nhiều xu hướng nghệ thuật khác nhau, là nhằm khai thác và thăng hoa cái phần còn lại, vẫn tiềm ẩn và thao thức trong sáng tạo những giá trị tinh thần mới mẻ của con người. Và đi theo cái này, ủng hộ cái này, không bao giờ nên bài xích hoặc ruồng bỏ cái kia, như tôn giáo và màu da, chúng cần phải được cùng tồn tại, tôn trọng và bình đẳng trong mọi giá trị. Tôi nghĩ thế và không hề lạnh nhạt hay thành kiến với các sáng tác theo các khuynh hướng nghệ thuật khác tôi, thậm chí trái ngược với tôi. Bởi thơ là của muôn nhà, đến từ muôn nẻo đường khác nhau, không chỉ của hiện thực cuộc sống mà còn của cả cõi tâm linh xa xăm… Thơ, cũng vì thế, đến từ nhiều dân tộc, nhiều quốc gia khác nhau, với nhiều ngôn ngữ, phong tục tập quán, thẩm mĩ và xu hướng nghệ thuật khác nhau, cùng làm giầu sang thêm cho đời sống, góp phần nâng cao chất lượng sống của con người. Dù đến từ bất cứ ngọn nguồn sáng tạo nào, thơ vẫn phải đạt được hai yêu cầu. Một, phải làm cho con người sống với con người tốt hơn, dù con người đó ở bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào và như thế, cái thước để đo nó vẫn là giá trị nhân văn. Hai, làm giầu thêm cho văn hoá, chứ không chống lại văn hoá. Tràn đầy trong thơ vẫn phải là khát vọng hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc, các quốc gia. Tôi có câu thơ: “Ta mong mọi quốc gia bước lên những đỉnh cao mới / Bằng những bậc thang không có máu người”, là trong tinh thần ấy. Và như thế, vẻ đẹp thi ca của mỗi nhà thơ chúng ta, không chỉ hiện ra qua các hình tượng nghệ thuật và nhịp điệu, mà trước hết ở tư tưởng, với sự điềm đạm, hồn nhiên, thậm chí hiền minh, thấm thía, qua từng câu thơ hoặc qua toàn bộ tác phẩm.

Thành tựu đã đạt được của thơ ca mỗi nước, qua hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, tạo thành những đặc trưng của thơ ca phương Đông, đã và đang được tìm hiểu, khám phá, như những giá trị bất tử của loài người. Đó là cơ sở để mọi cách tân của chúng ta, nối liền được quá khứ với tương lai, trong sự phát triển tất yếu của nó, thể hiện sinh động và phong phú số phận và khát vọng của nhân dân, trong một xã hội còn không ít bấc trắc, ngày càng đòi hỏi được dân chủ và văn minh hơn. Tôi nghĩ đó là tiếng nói chung của mỗi chúng ta ngày hôm nay. Phấn đấu cho những ý tưởng nhân văn cao cả đó, chúng ta có quyền hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, và  tác phẩm của chúng ta, cũng vì thế, mà hi vọng sẽ có mặt ở tương lai, vì phẩm giá của con người, như một bằng chứng về một thời đại mà chúng ta đã sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét