Trang

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Thường dân, Tượng đài, cảnh báo


Bình thơ
                           Thường dân
                                                               
                                          
                                   Đông thì chật , ít thì thưa
                                                                     
                                                                Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân.

                                   Quanh năm chân đất đầu trần
                                                                       Tác tao   sau những   vũ vần   bão giông
                                    Khi là cây mác cây chông
                          Khi thành biển cả, khi không là gì
                                    Thấp cao đâu có làm chi
                          Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi .
                                     Ăn của đất, uống của trời
                          Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
                                     Ồn ào mà vẫn lặng im
                          Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn
                                     Chỉ mong ấm áo no cơm
                          Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành.

                                      Hoà vào trời đất mà xanh
                          Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân ./.
                        
                                           (Giải Nhất thơ Lục bát toàn quốc
                                                        Báo Văn Nghệ)

         Nguyễn Long (NL) đã dựng được một tượng đài cho người dân thường
cả trong thời chiến và thời bình bằng chính thể thơ của họ, thơ lục bát, với
tầm khái quát  rộng, sâu, đa chiều, cô đúc hiếm có.
        1/Thường dân vĩ đại và vạn đại bởi số lượng và địa vị của họ :
         NL làm người đọc giật mình về cái con số nghịch lí “ đông.../Chẳng... thừa”. Nhà ái quốc thời cận đại cũng đã từng làm cho thế hệ trước giật mình từ hướng vua, sang hướng dân :
                                          “ Sông xứ Bắc, núi xứ Đông
                                    Nếu không dân cũng là không có gì.”
                                    ( thơ chí sĩ yêu nước trước CMT8)
    Cái mới nhất của NL là ở cách nhìn vào cái con số khô khốc về tỷ lệ thường dân, mà vĩ đại về định lượng, tạo nên nội dung của quốc gia, dân tộc.
    Ẩn ý chỉ có quan chức thừa, thay được, chứ Dân “ Chẳng bao giờ...dư thừa”, không thay được. Bởi “ quan nhất thời, dân vạn đại”. Vậy Dân là nền tảng của cộng đồng xã hội. Mạnh Tử đã từng dũng cảm phát hiện ngay từ thời phong kiến : “ Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Đó là một quả bom tri thức làm tỉnh ngộ thời quân chủ : Dân là gốc. Dân ở vị trí tầm thường, như “cỏ”, sát mặt đất, rộng mà không cao. NL đang thú vị ẩn ý,  bóng bẩy, giấu sâu kín cái chữ Gốc đó. “ Ý kị nông, mạch kị lộ”. NL đạt được hai cái “ kị ” ấy.
2/Thường dân vĩ đại, thanh cao bởi “ chất ” thường dân:
    Vậy “chất” thường dân có những đặc điểm gì ?
    Mười bốn dòng thơ còn lại, NL điển hình hóa qua những chi tiết điển hình, rồi cuối cùng khái quát ra cái bản chất của thường dân “ Hòa vào trời đất mà xanh”  xanh tươi và bất diệt như trời đất, là một thành phần tan hòa vào đại tự nhiên mà có thọ mệnh của đại tự nhiên.
    Thường dân còn có thọ mệnh của xã hội nữa. Đó là sự tu luyện, loại bỏ hết mọi tạp tính xã hội, mà tới được “ Vô tư ” thanh cao nhất. Dân vô tư, quan chí công, đều thanh cao như nhau. Dân vô tư là do bản chất, do tự nguyện. Quan  chí công thì còn phải do quản lí. Phát hiện ra bản chất dân là “vô tư”, đã là sâu sắc. Nhưng “ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân” thì quả là NL đã khám phá mới về  độ dầy, độ dài thời gian “mấy kiếp” của cái bản chất “vô tư” đặc thù ấy của thường dân .
    Những chi tiết điển hình chắt lọc ra để vẽ nên bức tượng đài thường dân, khá toàn diện cụ thể về hình dáng, sức mạnh, vị trí không gian và thời gian, quan hệ sở hữu, tính tình, ước vọng, rất nguyên sơ, độc đáo không thể lẫn vào tầng lớp xã hội  nào khác. “Người đẹp vì lụa”, thì người thường dân “ chân đất đầu trần” là đẹp hay xấu ? Đối với dân, cái khỏe là cái đẹp, cái có ích là cái đẹp. Nhưng cái sự “ trần” ấy chủ yếu là nói cái đói rét cực khổ trẩn trụi chẳng có gì chở che cho họ. Họ là người khổ nhất trong “vũ vần bão giông” của tự nhiên và xã hội, đương nhiên rất dễ bị “ tác tao”, đập cho tan tác. Họ “ tác tao”,  không chỉ là khốn khổ, mà còn yếu ớt, còn là nạn nhân đáng thương của “bão giông” với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
     Tiềm ẩn trong họ là nguồn sức mạnh rất thất thường và độc đáo. Cái mạnh của thường dân có khi sắc nhọn thành “cây mác cây chông”, có khi mênh mông vô bờ như “ biển cả”. Có lúc mềm nhũn “ khi không là gì”. Một sức mạnh vô cùng bất ngờ, thường giấu kín một cách đáng gờm. Nguyễn Trãi cũng đã từng viết “ Chở thuyền, lật thuyền, mới biết dân mạnh như nước”. Thì ra thường dân khi tản ra, thật đáng khinh thường, ở dưới đáy, chẳng là gì. Nhưng khi được tập hợp lại  mới thấy  sức mạnh ghê gớm. Ai tập hợp lai ? Người phương Tây  nói quần chúng chỉ là một dãy số không vô nghĩa. Khi có một lãnh tụ đứng đầu, như thêm một con số 1, thì cái dãy số không đó thành một dãy số có nghĩa, mạnh lớn vô cùng. Thì ra qui luật sức mạnh là ở đây. Thường dân tản ra là vô nghĩa. Nhưng có lãnh tụ, tụ họ lại thì vô cùng to lớn , vô địch. Mất lãnh tụ, thì  cái qui luât “ Hết quan , tàn dân” sẽ hiện ra, dân “ không là gì”. Điều thú vị là cái qui luật sức mạnh bản chất ấy được NL  thâu tóm vào có 14 chữ của thơ lục bát :
     “ Khi làm cây mác cây chông/ Khi thành biển cả, khi không là gì.” .Các chữ khác thì ai cũng viết được, nhưng hạ được 4 chữ “ khi không là gì” thì câu thơ bật hẳn ra một bản chất, diễn tả khác người, và rất Nguyễn  Long, bạo, đúng, hóm và sâu.
      Những phẩm chất khác, dân là cỏ rác ( thảo dân), thì người Trung Quốc đã nói, dân “ mặc ai mua bán”, dân “thảo thơm” ... chắc nhiều người khác nói được. Nhưng : “Ăn của đất, uống của trời/Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin” thì NL đã nói hộ cho không chỉ thường dân nói chung mà chỉ rõ cái thành phần nông dân của họ, thanh cao tinh khiết, không làm hại ai, và ngây thơ nữa.
      3/ Tám câu lục bát, 16 dòng, cô đọng thành bức tượng đài thường dân, là một bài thơ toàn bích. Tôi thử đặt “Thường dân” ( Nguyễn Long- NL) bên cạnh “Tre Việt Nam” ( Nguyễn Duy- ND) thì thấy hai bức tượng đài này đều toàn bích, nhưng phong cách khác nhau. Tre Việt Nam mượt mà ngọt ngào trong giọng ru đưa mát rượi dưới bóng tre ngàn đời của dân tộc Việt. Nghệ thuật hình tượng hóa so sánh ngầm cây tre Việt với dân tộc việt, ND thiên về tình cảm yêu thương ca ngợi, tự hào mà tổng kết, thơ từ hồn mà ra, tự nhiên mà trôi chảy.
     NL nhìn thẳng vào người thường dân mà vẽ trực tiếp, thiên về lí trí phát hiện và tổng kết, thơ từ trí mà ra, dằn vặt chắt lọc mà thành.
    ND nói bằng hình ảnh thơ, không nên hiểu thẳng. NL nói bằng mệnh đề thơ, có thể hiểu thẳng được. Do đó cái sắc xảo của ND chìm trong cái ngọt ngào. Cái sắc xảo của NL thẳng như thơ chính luận.
    “Tre Việt Nam” hợp cho hát ru, “ Thường dân” hợp cho cảnh báo. “Tre Việt Nam” thiên về dân tộc Việt, làm mọi ánh nhìn hướng về hồn dân tộc.  “ Thường dân” nói hộ cho cả thường dân của dân tộc khác, hút mọi ánh nhìn thiên về mặt sức sống của tầng nền xã hội.
    Hai bài thơ phong cách khác nhau, nhưng không thay thế cho nhau được.
    “Tre Việt Nam” được chọn dạy 1 tiết trong giảng văn của trường THPT. Nếu chưa có “Tre Việt Nam” trước đã ở vị trí ấy, thì tại thời điểm này, có thể chọn “ Thường dân” làm hậu sinh kế nhiệm được.
    
                                                                  Vũ Quốc Huệ
(Tac gia gui cho nguyenlong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét