Trang

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Một số bài viết về Thường dân



Đông thì chật ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông

Khi thành cây mác cây chông
Khi thành biển cả khi không là gì
Thấp cao hơn kém mà chi
Nghìn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi




(Anh Le trao giai A thi tho Luc bat bao Van nghe nam 2003)

Ăn của đất uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vẫn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn

Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành
Hòa vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.

                                                                       Nguyễn Long

Nhà thơ Nguyễn Long hiện đang công tác ở Tạp chí Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Tôi chưa một lần gặp mặt nhà thơ Nguyễn Long, nhưng những gì ông thể hiện trong bài Thường dân này tôi tin ông là một người tự trọng và nhân cách. Tôi ngưỡng mộ những con người như vậy. Ngoài tài làm thơ Nguyễn Long còn viết văn xuôi.

Đến bây giờ ông vẫn giữ được cốt cách của một “thường dân” sống ung dung tự tại trước mọi điều tiếng thị phi của những người ghen ăn tức ở. Sở dĩ tôi nói vậy vì đến tận bây giờ, dù rất tài năng Nguyễn Long vẫn chưa được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam – có kẻ còn đặt điều sở dĩ ông không được kết nạp vì đã “đút lót” bà Phan Thị Vàng Anh để xin vào hội và bị phát hiện.
Nguyễn Long chẳng cần thanh minh ông vẫn ung dung tự tại trước cuộc đời đầy sóng gió, gác ngoài tai mọi chuyện hơn kém ganh đua – theo đúng cốt cách cua một “thường dân” chân chính.

Tôi bắt gặp bài thơ này mấy năm rồi, hồi đó tôi đang là thợ đứng máy photocopy ở Hà Nội. Hôm ấy có một vị khách cắt một góc tờ báo in bài thơ này đến nhờ tôi phóng to lên, ông ta bảo: “phóng to để bác về nhà treo lên tường”.

Tò mò tôi đọc hết bài thơ, một cảm giác rất thích thú xâm chiếm tôi. Kết quả tôi và ông khách phô tô “đàm luận” hết cả buổi chiều hôm đó – “đàm luận” thì hơi quá, nhưng thực ra chúng tôi trao đổi rất nhiều về nhân tình thế sự xoay quanh bài thơ này.

“Đông thì chật ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông”

Nhà thơ thật chí lí khi viết “chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân”, xã hội dù có phát triển đến mức nào đi nữa thì thường dân vẫn giữ vai trò quan trọng. Các lĩnh vực công tác khác thì có chuyện dư thừa cán bộ, thuyên chuyển công tác, khai trừ ra khỏi tổ chức, đuổi việc… Chứ đã làm thường dân thì chẳng bao giờ có chuyện “dư thừa” chỉ có chuyện đông thì chật ít thì thưa thế thôi.

Thường dân chiếm đại bộ phận dân chúng, là những người chịu nhiều vất vả thiệt thòi, thiên tai bão lũ, giặc giã chiến tranh, trực tiếp tạo ra của cải vật chất nuôi sống bộ máy nhà nước. Cũng là lớp người sẵn sàng đứng ra gánh vác trách nhiệm lịch sử mỗi khi tổ quốc bị họa xâm lăng đe dọa.

“Khi thành cây mác cây chông
Khi thành biển cả khi không là gì”

Cổ nhân có câu “làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng “thường dân” sẵn sàng không tiếc máu xương của mình, đoàn kết tạo nên bức tường thành vững chắc, ngăn chặn bước chân xâm lăng của giặc thù. Quang vinh là thế, vĩ đại là thế nhưng khi ca khúc khải hoàn thường dân lại trở về với nguyên vẹn hai chữ “thảo dân”, bình lặng khiêm nhường như những ngọn cỏ yếu ớt dưới chân. Không tranh đoạt hơn thua, không tham quyền trọng vị “nghìn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi”.

 Ăn của đất uống của trời, chẳng bao giờ há miệng chờ sung hi vọng vào chính sách nhà nước hay sự bố thí của một ai, tự làm ra gạo ngô khoai sắn nuôi bản thân mình, ung dung tự tại. Chân chất thật thà, dốc lòng cởi dạ cho người mình tin tưởng, vì thế rất dễ chịu thiệt thòi vì lòng tin nhiều khi bị lợi dụng.

“Hòa vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”

Người ham tiền của người tham quyền quyền lực không ngừng tính toán tranh đấu cho tham vọng của mình, rốt cuộc cũng như mang sầu chuốc khổ vào thân. Chỉ thường dân là thanh thản vô tư, gối cao ngủ kỹ, quan nhất thời dân vạn đại. Cuộc đời vốn rất công bằng.
Một bài thơ ngắn gọn, giàu suy tưởng triết lí.
                                                                                                   toiomientrung
Nguồn trích dẫn (0)
Tìm tag: Dân đen
Top of Form
Bottom of Form
Đăng ngày: 12:20 20-01-2011
Thư mục: Những bài thơ hay







CHÙM THƠ MINH PHÚC (3+1)

VIỆT NAM  LỤC BÁT NĂM NHÀ
       Truyện Kiều giở đọc mỗi khi
Chao ôi, Cụ Nguyễn lâm ly thế này
       Say lại đọc, đọc càng say
Đời người - bể khổ - đất dày - trời cao!
 
       Tản Đà - Non nước kết giao
Nước non ta mãi non cao nước còn
       Ngàn năm chớp bể mưa nguồn
Nước non ta mãi nước còn non cao.
 
       Nguyễn Bính - Hoa thắm rượu đào
Hồn quê bướm trắng bay vào giấc mơ

         Nguyễn Duy - Đất sỏi cằn khô
Tre xanh tự bao giờ [1] vẫn xanh
         Yêu nòi tre dựng luỹ thành
Giữ gìn non nước, lưu danh Lạc Hồng.

       Nguyễn Long, muôn triệu tấm lòng
Thường dân [2] là mỗi ta trong cộng đồng
        Khi làm cây mác, cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì ![3]
                             *
       Ngàn năm rồi sẽ qua đi
Những thiên tuyệt bút vẫn vì Nước Non
       Năm nhà lục bát mãi còn
Sáng sông núi Việt - ngọt nguồn thơ ca.
                                             Hà thành, 2-10-2010
Congty Van hoa Trang An

1.                               Thường dân- Bài thơ hay của Nguyễn Long
Đ ến với “THƯỜNG DÂN” CÙNG NGUYỄN LONG
Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân.
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông.
Khi làm cây mác, cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì.
Thấp cao đâu có làm chi
Cỏ ngàn năm, vẫn xanh rì cỏ thôi.
Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin.
Ồn ào mà vẫn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.
Chỉ mong ấm áo, no cơm
Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành.
Hoà vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
Khi cuộc thi thơ lục bát trên báo Văn Nghệ chưa kết thúc, nhưng Nguyễn Long đã dành được một cảm tình đặc biệt bởi cái chất Thường dân của anh và rồi Thường dân đã được trao giải nhất như cái lẽ đương nhiên phải vậy. Chỗ đứng của Thường dân trong trái tim nhiều người thực ra không phải là những triết lý được đưa ra mà quan trọng hơn là cách nói của nhà thơ về những triết lý đó. Nguyễn Long đã đưa đến cho bạn đọc một cách nói nhiều ẩn dụ mà giản dị, chân tình, thẳng thắn, bộc trực mà không kém phần thâm thuý, kín đáo.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Long đưa ra một mệnh đề mà xem qua tưởng chừng ai cũng biết. Cách ngắt nhịp 3-3 tạo cho câu thơ một thế tiểu đối gọn gàng mà vững chãi, tăng thêm tính khẳng định: “Đông thì chật, ít thì thưa”. Kế đó, anh đưa ngay một kết luận: “Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân” nghe lạnh gáy không ít người đã có lúc quen, thậm chí muốn nghĩ khác điều ấy. Thực ra, từ thời xưa, trong quan niệm của Mạnh Tử, một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của Nho giáo thì dân là quý nhất (dân vi quý). Và cũng đương nhiên là lịch sử bao giờ cũng là lịch sử được viết nên bởi những người dân “manh lệ”. “Chẳng bao giờ...”, nghe thật dứt khoát, bao quát một chiều kích thời gian vô cùng, tiền hậu bất kiến.
Thường dân thì bao giờ cũng vậy. Cuộc đời họ giản đơn như chính thân phận họ. Cái nghèo đeo đẳng và lộ rõ nhất trong cái ăn, cái mặc như cái lẽ thường tình: “Quanh năm chân đất đầu trần”. Cái chính, họ là những thân phận chịu nhiều hệ luỵ nhất sau những phen thay đổi sơn hà, bể dâu biến cải: “Tác tao sau những vũ vần bão giông”. Câu thơ sử dụng hai từ láy tác tao và vũ vần là kết quả và nguyên nhân của những bão giông lịch sử. Có thể, ngoài nguyên nhân phải đảm bảo vần điệu cho câu thơ lục bát, việc đảo vị trí giữa các tiếng để từ tao tác thành tác tao và vần vũ thành vũ vần hẳn có dụng ý của tác giả như muốn gợi lên sự đảo lộn cuộc sống của người thường dân trong những cơn biến loạn. Tuy vậy, không phải bao giờ người thường dân cũng cam chịu bị xô đẩy, dập vùi. Họ đã nhiều lần chứng tỏ vai trò của mình đối với lịch sử. Nhà thơ đã không ngần ngại sử dụng liên tiếp nhiều ẩn dụ nói về sức mạnh của người thường dân:
Khi làm cây mác, cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì.
Câu thơ gợi nhớ quan niệm của Nguyễn Trãi gần 600 năm trước: làm lật thuyền mới biết dân như nước. Tác giả hẳn rất có ý khi sử dụng ba động từ : làm, thành, là với những sắc thái ý nghĩa khác nhau. Nếu làm mang sắc thái chủ động từ ý thức, trách nhiệm của người dân trước vận mệnh đất nước, thì thành mang sắc thái một quy luật tất nhiên của lượng biến đổi thành chất về sự tích tụ sức mạnh muôn dân, còn khi không là gì thì quả đã vượt ra ngoài quy luật của sức mạnh. Ai biết được khi không là gì đó ngầm chứa trong nó bao nhiêu sức nặng mà chỉ chính những thường dân mới biết. Ở đây, còn có một nét nghĩa khác mà Nguyễn Long muốn gửi gắm: Đó là, khi một ai đó coi thường dân không là gì thì lịch sử đã chứng kiến không biết bao thảm hoạ. Một ẩn dụ khác tiếp tục được nhà thơ sử dụng:
Thấp cao đâu có làm chi
Cỏ ngàn năm, vẫn xanh rì cỏ thôi.
Đem cỏ ngầm so sánh với thường dân cũng như những mác, những chông, những biển cả ở trên không phải là điểm mới của nhà thơ. Cái mới mẻ, khác lạ là Nguyễn Long đã sử dụng rất tập trung những ẩn dụ đó. Bằng cách này, anh đã đưa người đọc cảm nhận một loạt các đặc điểm, phẩm chất của thường dân, những người sống theo quy luật của muôn đời cho nên phải dùng quy luật của muôn đời để nói về họ. Do đó, ngoài việc hiểu thường dân (danh từ) là một tầng lớp người đông đảo nhất trong xã hội còn phải hiểu thường dân như là một phẩm chất sống(tính từ).
Theo mạch liên tưởng, câu thơ: “Ăn của đất, uống của trời”cho phép ta hiểu như là quy luật của cỏ. Nhưng rồi câu thơ tiếp: “Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin” lại không cho phép ta hiểu như vậy. Ở đây, tính đa nghĩa của thơ được phát huy cao độ. Ta có thể hiểu đó là niềm kiêu hãnh ngửng cao đầu của những người thường dân. Cũng với cách ngắt nhịp 3-3 và một tiểu đối gợi cảm giác vững chãi như câu thơ đầu nhưng ở đây hình như có vẻ ngang tàng, quyết liệt. Có như vậy, ở câu thơ sau mới bình thản mà “Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn”. Ba cặp từ trái nghĩa: mua bán, nổi chìm, thiệt hơn đi liền nhau càng làm cho việc mặc ai thêm quyết liệt. Người thường dân đứng ra bên ngoài của những chuyện đó. Cái mà họ hướng tới là sự giản dị với những hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ- (Tố Hữu) với những thảo thơm, ngọt lành cho những thế hệ mai sau. Trên mạch suy nghĩ và xúc cảm ấy, hai câu kết cuối bài nâng hẳn Thường dân lên:
Hoà vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
Quả là khó có thể có câu kết nào hay hơn, sâu sắc hơn. Thường dân được nâng lên ngang tầm trời đất hoà cùng với cái vĩnh cửu, vĩnh hằng và tuyệt đối. Một kiếp vô tư đã khó, vô tư mấy kiếp khó biết nhường nào. Lẽ đời “hết... hoàn...” là hạnh phúc không phải ai cũng có thể có được. Đã không ít người rất khó được trở lại làm thường dân một khi trót đã xa dân. Xin kết thúc bài viết này theo cách nói của Nguyễn Long: Hạnh phúc biết bao được làm thường dân! Khó biết bao khi được là thường dân!
Thảo Nguyên- Phan Bá Tiến

Tôi thích thơ nên yêu các nhà thơ. Mỗi lớp nhà thơ đều có những tính cách rất riêng và độc đáo. Tôi đã chọn nét cá tính đặc sắc nổi bật nhất ở họ để khai thác. Ví dụ: Chuyện “nổi loạn” trong tình yêu của Đoàn Thị Lam Luyến, chất đánh đu qua dâu bể ở Thu Bồn, tấn bi kịch của một thiên tài trong Chế Lan Viên, nét tài hoa biến đá hóa vàng trong thi pháp Nguyễn Duy, quả tim làm chánh án trong thơ Nguyễn Hưng Hải, cung cách trọ hồn làng của Phạm Xuân Trường, cái đau đời từ tốn lay động lòng người bằng số phận nhân dân trong Trần Nhuận Minh, cách hóa giải cuộc sống đằm thắm của Hoàng Trần Cương, nỗi trắc ẩn thường dân lo nỗi kiếp làng của Nguyễn Long… Tôi thích thú khai thác cả chất chuyên ngành trong họ: Ở Hoàng Hữu là trong thơ có họa, ở Nguyễn Ngọc Oánh là chất… ngân hàng, ở Trịnh Công Sơn là chất nhân loại, chất nhạc; ở Điền Ngọc Phách là chất… thợ, ở Lê Quốc Hán là chất nhận đường của giới trí thức, ở Bùi Giáng là cái tỉnh của người điên, ở Nguyễn Khắc Thạch là sĩ khí đi chân trần trên lưỡi dao bén của sự thật, ở Huỳnh Hữu Võ là kẻ thích phân thân làm Tôn Hành giả, ở Minh Đức Triều Tâm Ảnh là những nghịch lý ngược chiều của thiền, ở Hồng Nhu là chút ngẫu hứng của nhà văn làm thơ, ở Nguyễn Trọng Tạo là chất lãng-tử-đồng-dao, ở Lê Đạt là chất phu chữ, ở Phạm Thiên Thư là tinh thần văn hóa dân tộc cực đoan, ở Hữu Loan là khí tiết cứng cỏi của kẻ sĩ thời nay, ở Xuân Diệu là chất ông hoàng của thơ tình phương Đông Chính những nét độc đáo đó đã khu biệt họ với các nhà thơ khác và cách thức làm cho bộ sách không nặng nề ra bởi sự trùng lặp. Điều này cũng giải thích tại sao, phần lớn các nhà thơ nhận được bài khi tôi thảo xong về họ đều thảng thốt kêu lên "Sao anh hiểu tôi hơn cả tôi thế vậy!" (Hoàng Vũ Thuật).

1 nhận xét:

  1. Bài thơ "Thường dân" của anh đạt đỉnh của lục bát, tính phổ biến rộng lắm. Phú Thọ nhiều người thuộc và trích dẫn lắm. Oách ghê. Chúc mừng anh nha.

    Trả lờiXóa