Trang

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Các nhà thơ phá rừng


ĐỪNG PHÁ RỪNG NỮA, HỠI CÁC NHÀ THƠ!

A SÁNG

Văn chương không phải của riêng ai, tất cả những ai khát khao vươn tới Chân - Thiện - Mỹ đều có quyền tìm đến văn chương. Nhưng hãy biết tôn trọng chính mình khi ngồi xuống bàn viết. Vì khi đó, bạn đang “bóc vỏ” mình ra trong một thế giới lớn lao - thế giới tinh thần với hàng triệu con mắt đang dõi vào bạn… Mà kể cả như thế, chưa chắc bạn đã chạm tới văn chương. Thế đấy!... 
Người ta cứ phàn nàn rằng, bây giờ văn hóa đọc bị xuống cấp, đặc biệt là sách văn học. Rồi người ta cũng đưa ra nhiều nguyên nhân, đại loại như: sự xuất hiện ngày càng nhiều của các loại hình giải trí khác; cuộc sống hiện đại quá bận rộn nên ít thì giờ đọc… Và cuối cùng là sự xuất hiện quá nhiều sách - những cuốn sách văn học vô giá trị cứ ầm ầm ào ào xuất hiện làm “nhiễu sóng”, hay “tàn phá” một cách không thương tiếc khu vườn văn chương vốn dĩ được coi là nơi bồi bổ cho tâm hồn con người. 
Từ những nguyên nhân kể trên, tôi thấy cái nguyên nhân cuối cùng là chính xác nhất. Nói cho rõ hơn, những cuốn sách sáng tác văn chương vô bổ, thậm chí phản cảm ấy ra đời quá nhanh và quá nhiều cùng những chiêu PR của giới truyền thông đã làm người đọc bị choáng, bị lừa, bị xúc phạm… Vậy, nguyên nhân cuối cùng vẫn tại những người sinh ra chúng - những người vẫn tự coi mình là nhà văn, nhà thơ, nhà gì gì đó ấy. Bây giờ cơ chế xuất bản rất thông thoáng, bất cứ ai cũng có thể xuất bản sách cho mình. Tất nhiên, không vi phạm pháp luật là được. 


Thế là rất nhiều người đã xuất bản sách mà không cần biết nó nên được ra đời hay không? Tôi có quen biết một nhà thơ (cứ gọi như thế cho tiện vì ông ta là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà), phải nói là ông ta có tốc độ sáng tác nhanh nhất thế giới. Chỉ trong vòng một năm, riêng bản thân tôi, đã được ông ta tặng đến ba tập thơ. Tập nào tập nấy nặng trình trịch. Không hiểu ông ta viết như thế nào, chỉ biết lúc nào cũng có thể làm thơ. Những câu thơ, bài thơ ra đời như kiểu người ta sản xuất gạch. Khỏi phải bàn đến chất lượng, chỉ cần xem số lượng thì người đọc cũng đã choáng rồi. 
Từ lâu người ta vẫn coi thơ là Nữ Hoàng của nghệ thuật. Theo tôi hiểu đó phải là tầng tư duy đỉnh cao, nó cao hơn tất cả các loại hình nghệ thuật khác, vì thế nó được gọi là Nữ Hoàng. Ấy thế mà vị “nhà thơ” nọ lại cho ra đời đến vài tập “nữ hoàng” trong một năm thì quả là siêu việt. Hay ông ta chính là Nữ Hoàng của những Nữ Hoàng? Điều này chỉ có ông được gọi là nhà thơ kia mới biết. 

Đã có nhiều nhà thơ danh tiếng của thế giới thừa nhận, họ không thể viết được nhiều vì họ tôn trọng thơ. Mỗi lần viết như một cuộc chiến thực sự, có thể chúng ta chiến thắng nó, nhưng thường là chúng ta thất bại vì thơ là Nữ Hoàng… Vì thế những nhà thơ thực thụ thường chỉ được người đời nhớ tới một chương, một bài, thậm chí chỉ một câu thơ đã mãn nguyện rồi. Nói như vậy không phải những nhà thơ kia không viết, hoặc viết rất ít. Không! Thiên tài thơ ca viết rất nhiều - lúc nào họ cũng viết - với họ, nếu không làm thơ thế giới chẳng có gì đáng quan tâm. Chỉ có điều, họ không dám công bố khi chưa thấy bài thơ của mình ổn mà thôi. Đó là những con người biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Hay người là biết tôn trọng cái đẹp của thi ca. Bởi vậy, họ là những nhà thơ. 
Quay lại với cái gọi là nhà thơ của chúng ta thì sợ vô cùng. Một biên tập viên thơ của nhà xuất bản đã kêu lên: “Người Việt Nam yêu thơ nhất thế giới!”. Rất đúng, không có gì nghi ngờ điều này. Chúng ta có Ngày thơ Việt Nam, có Làng thơ Việt Nam, và vô vàn những câu lạc bộ người yêu thơ… Nhưng chúng ta có quá ít các nhà thơ thực thụ. Chúng ta chỉ có những tay “phá rừng” bằng những cái gọi là thơ mà thôi. 

Hãy hình dung ở một khu rừng linh thiêng - ở đó chỉ có những cái cây thật đẹp, nở những bông hoa rực rỡ, kết thành những quả ngọt lịm… Nơi này dành cho tất cả những sinh linh yếu đuối, biết khát khao vươn tới cái đẹp, khát khao hoàn thiện mình… vì thế luôn rực rỡ hào quang. Bỗng đến một ngày, từ dưới đất mọc lên vô vàn những cái cây xấu xí, độc hại, nở những bông hoa cũng độc hại, kết những chùm quả càng độc hại. Chúng mọc khắp nơi, quấn quanh những cái cây linh thiêng đó, chiếm mất ánh sáng, giành mất diện tích… Rồi chúng làm tắt dần ánh hào quang linh thiêng đó. Chúng trở thành những kẻ phá rừng không thương tiếc. Và những sinh linh kia bắt đầu rời bỏ khu rừng nọ vì biết rằng rất khó để tắm mình trong anh hào quang kỳ diệu kia. 

Tôi chỉ muốn nói ẩn dụ như vậy vì bây giờ bất cứ ai yêu thích văn hóa đọc cũng bị cái cảm giác nghi ngờ khi mua một cuốn sách văn chương mới xuất bản (tất nhiên của những tác giả rởm núp dưới bóng những cuốn sách đẹp mã). Bao giờ người ta cũng nghĩ: liệu có hay không nhỉ, có nên đọc nó không, hay lại bị lừa như cuốn trước… 
Đã rất nhiều người mê đọc sách văn chương đã kêu lên mình bị lừa. Số là anh ta đọc báo, thấy một bài giới thiệu về một cuốn sách, của một tác giả X hay quá. Anh ta liền tìm bằng được để đọc. Nhưng rồi anh ta thất vọng, bực tức vì bị lừa. Những cụm từ của bài báo đó đã lừa anh ta. Thứ anh ta vừa đọc được vài trang đã thấy không phải văn chương, chỉ là cái gì đó gần giống với văn chương. Thế mà người ta dám viết về nó như thể là một tác phẩm văn chương thực thụ. 
Có lần tôi vinh dự được một “nhà thơ” tặng một tập thơ mới. Ở phần giới thiệu là một bài viết khá dài với những câu cú sướt mướt, thiết tha. Tôi nhớ mãi câu cuối cùng, người viết cho rằng tác giả đã luyện thành công thần dược thi ca. Và rất ngạc nhiên tác giả của lời giới thiệu đó lại là một nhà thơ khá danh tiếng. 

Thế là tôi đọc. Nhưng đọc mãi vẫn không thấy cái được gọi là thần dược thi ca đâu. Cả một tập thơ chỉ những bài lằng nhằng, bằng bằng, tàm tạm, nếu không muốn nói là quá dở. Ban đầu tôi hơi hoang mang, nghi ngờ chính nhận thức của mình. Tôi lại đọc, lại nghiền ngẫm… vẫn không thấy đâu cả. Tức mình, tôi đưa cho người khác đọc, vị ấy cũng lắc đầu: không hay, không phải thơ, chỉ là văn vần… Bực quá tôi gọi điện cho cái anh nhà thơ khá nổi tiếng viết lời giới thiệu kia để hỏi. Anh ta ngẩn ra một lúc rồi bảo, có phải tôi viết đâu, chính nó viết đấy chứ, rồi nó gọi cho tôi là đề tên tôi vào đó. Hay thật! Nghĩa là mượn tên à? Anh không đọc những gì của người ta viết sao? Anh nhà thơ kia nói luôn: “Tôi chưa kịp đọc thì nó đã in rồi…”. Thế đấy, thế mới biết sự đời nhiều khi thật giả lẫn lộn. Vừa buồn cười vừa bực, chẳng biết đường nào mà lần với thi ca bây giờ. 
Việc bị lừa vì những thứ giới thiệu giả dối, cùng những câu thơ giả dối không làm tôi sợ. Việc này cũng không ảnh hưởng đến văn chương đích thực: của rởm bao giờ cũng là của rởm. Trách làm sao được các nhà xuất bản, họ có quyền cho ra đời những cái gọi là tác phẩm ấy vì có vi phạm luật pháp đâu. “Hữu xạ tự nhiên hương”- cái gì hay rồi cũng được biết đến, không thành vấn đề gì. Chỉ có điều, những “tác phẩm” kiểu đó làm nhiễu loạn thế giới văn chương, làm người đọc khó khăn hơn trong việc tìm kiếm cái cần đọc. Nói cho đơn giản, mất thời gian. 

Tôi chỉ sợ nhất khi chứng kiến một nhà thơ bán sách. Không phải bán sách của mình mà bán những cuốn sách được tặng. Chuyện là anh ta chuyển nhà, nhưng trong nhà có quá nhiều sách được tặng, ở đó người ta ghi rất rõ, kiểu như: thân tặng anh M.. và gia đình… rồi ký tên vào đó. Những cuốn sách này chưa một lần vị nhà thơ đó mở ra đọc. Thế là anh ta gọi ngay một bà đồng nát đến vừa bán vừa cho. Việc đầu tiên anh ta bắt cái bà đồng nát ấy xé tất cả những trang có chữ đề tặng kia. Bà đồng nát ngẩn ngơ không hiểu, anh ta trừng mắt nói: “Không xé trang ấy đi để người viết biết tôi bán sách cho bà à…”. 
Đây là cách phi tang tàn bạo nhất mà tôi từng thấy. Ở trường hợp này ai là người tàn ác với văn chương? Nhìn những cuốn sách còn mới tinh, đẹp mã cứ lần lượt bị bàn tay chai sần của bà đồng nát xé toàng toạc tôi thấy rùng mình. Đây là hành động gì!? Tại sao chúng ta có thể đối xử với những cuốn sách kia như thế? Chúng còn mới tinh, thơm nức mùi giấy mới. Cái mùi giấy thơm nức ấy đã là điều xa xỉ của những năm tháng xa xưa. 

Cuốn sách không có tội, chỉ những người viết ra chúng là có tội mà thôi. Tất nhiên chúng là những cuốn sách vô giá trị, nhưng ít nhất vẫn là sách cơ mà… Thấy tôi ngạc nhiên, vị nhà thơ nọ cười hề hề rồi kết luận: "Đó không phải là sách. Đó chỉ là những trang giấy được đóng lại và in chữ lên mà thôi! Không bao giờ tôi đọc loại sách này, người ta tặng nên phải nhận. Mà ông biết không, từ chối khi được tặng sách còn vô văn hóa hơn…”. 
Tôi cũng không biết nghĩ về những cuốn sách kia như thế nào. Anh nhà thơ kia có lý, vì chúng vô giá trị nên không cần phải giữ làm gì. Nhưng như thế có phải xúc phạm những người viết ra chúng? Khi nghe tôi thắc mắc như vậy, nhà thơ kia giải thích: Chính những người tặng mới xúc phạm tôi, họ cứ bắt người khác đọc sách của họ trong khi thừa biết chẳng ra gì, có phải là sự xúc phạm không? Nói cho cùng, họ xúc phạm chính họ khi cho xuất bản những cuốn sách như thế. 
Ừ, cái việc họ xúc phạm chính họ xem ra có lý hơn cả. Hóa ra những người tự nhận là nhà văn và khát khao trở thành nhà văn kia không có nhân cách? Không hẳn như thế. Có những người thật sự ngây thơ, họ có một niềm tin chủ quan vào những câu văn, câu thơ của họ, rồi họ cho xuất bản. Họ tặng những ai họ yêu quý và họ nói về tác phẩm của họ một cách say sưa - đấy là những người đáng thương, có những lúc trở thành đáng yêu. Còn những kẻ tham lam, háo danh, bất chấp mọi thứ, cả nhân cách của mình thì cho công bố những “tác phẩm” không ra gì với bề ngoài hào nhoáng, với những lời giới thiệu lừa lọc mong loè bịp thiên hạ. Để từ đó hòng trục lợi cho bản thân họ và chẳng cần quan tâm tới hậu quả của nó. 

Ở các tòa soạn báo thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những kẻ như thế. Họ lân la tìm đến gửi bài, gửi thơ, gửi sách… rồi họ tìm mọi cách để được xuất hiện trên mặt báo. Đến nỗi nhiều biên tập viên chỉ cần thấy mặt họ là lỉnh đi cho xong chuyện. Phải nói, họ là nỗi kinh hoàng cho những biên tập viên. Mỗi lần họ “chộp” được biên tập viên là họ nói và nói về tác phẩm của họ. Nào là tôi đã đau đáu viết ra nó… Rồi thì tôi viết với tất cả những gì mình có… Tôi yêu văn chương, tôi… Cứ thế họ diễn, họ nói không biết xấu hổ. Có những kẻ còn bặm trợn hơn, cứ khăng khăng anh X, anh Y, anh Z đã nói là đưa cho anh để đăng (ý nói là tổng biên tập bảo đăng), tôi đã gặp anh ấy, anh ấy bảo đưa cho anh… Nói chung họ cứ lằng nhằng làm biên tập viên phát ớn phải nhận bài. Thế rồi hàng ngày họ cứ gọi điện hỏi han - hỏi đến nỗi nhiều biên tập viên nhắm mắt đăng bừa cho xong chuyện. Mệt kinh khủng! 

Văn chương không phải chuyện đùa, càng không thể dựa vào đó để tìm kiếm lợi ích vật chất. Có những nhà văn thực thụ, có đóng góp quan trọng cho văn học nước nhà và cũng là người viết rất khoẻ, sách của ông ta bao giờ cũng được chào đón. Nhưng mỗi lần nói về văn chương của mình bao giờ cũng tâm sự rất thật rằng, trong những tác phẩm đó, cái làm ông ưng ý rất hiếm hoi, còn lại vẫn chỉ ở tàm tạm được. Và bao giờ ông ta cũng nghĩ tác phẩm tuyệt vời nhất vẫn chưa ra đời, có thể không bao giờ đạt đến. Nói chung là thất vọng về chính mình! 

Đó là một quan niệm nghiêm túc trong văn chương. Lúc nào cũng nghiêm túc với chính mình. Vì thế văn chương của họ trước hết là sự cẩn trọng, nghiêm cẩn, chỉn chu… chỉ có như thế mới có thể vươn tới cái đẹp của nghệ thuật. Vậy mà những “nhà thơ”, “nhà văn” tự nhận khác đã viết ra rất nhiều - nhiều đến cẩu thả - nhiều đến coi thường người khác - coi thường chính mình - coi thường cả văn chương. Nếu bảo họ là những kẻ “phá rừng” bằng cái gọi là tác phẩm cũng không có gì quá đáng. Họ chưa bao giờ yêu văn chương, trừ những dục vọng (có những người mù quáng) của họ. Họ rất giống những anh hề gian trá. 

Văn chương không phải của riêng ai, tất cả những ai khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ đều có quyền tìm đến văn chương. Nhưng hãy biết tôn trọng chính mình khi ngồi xuống bàn viết. Vì khi đó, bạn đang “bóc vỏ” mình ra trong một thế giới lớn lao - thế giới tinh thần với hàng triệu con mắt đang quan sát bạn… Mà kể cả như thế, chưa chắc bạn đã chạm tới với văn chương. Thế đấy!


                                                                                                                                                      theo lethieunho.com





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét