Trang

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Lang que dang vo


Cần một "Khoán 10" nữa cho nông thôn (11): Làng quê đang... "vỡ"?
VŨ HỮU SỰ  (16/04/2008 07:00)
Gửi cho bạn bèLưu lại để đọcIn trang này
Hình ảnh một lễ hội làng
Nhà phê bình Nguyễn Quân thốt lên rằng:"Chiến lược phát triển nông thôn cần một chiến lượng xây dựng đời sống văn hoá Làng mới mong vớt vát được phần nào những gì cha ông để lại"...
I. Mai một nếp làng
- Các ông đặt vấn đề “vỡ làng”, hay lắm. Nhưng muốn thế, phải làm rõ làng là cái gì đã. Thì sau đó mới thấy nó “vỡ” chỗ nào? Vì sao “vỡ”? Có hàn gắn được không ? Và hàn thế nào để nó vừa hoà nhập, phát triển theo đúng chính sách “hiện đại hoá nông thôn” của nhà nước, vừa giữ được cái gốc, cái tinh hoa của nó ?
Nhà nghiên cứu Kỳ Hằng, người có những chuyến điền dã triền miên về làng, hiện đang thực hiện một đề tài khoa học về làng xã Thái Bình, đã rạch ròi với chúng tôi trước cuộc trao đổi :
- Nói đến làng tức là nói đến nếp sống làng. Tôi không hiểu nhiều về làng miền Trung và miền Nam, xin nói về làng phía Bắc.Theo tôi, nếp làng Bắc Bộ có thể gói gọn trong mấy cái “trọng” là trọng tĩnh, trọng tình, trọng tước, trọng hoạn, trọng mẫu…Tĩnh là yên tĩnh, hoà bình, hoà đồng với thiên nhiên.Tình là tình nhà, tình họ mạc, hàng xóm và tình làng nước. Tước bao gồm cả phẩm tước do triều đình ban lẫn niên xỉ, được coi như “tước” của trời (thiên tước). Nhiều làng còn coi trọng thiên tước hơn phẩm tước (triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ), hoạn là quan chức, chức dịch…Nếp sống ấy được duy trì bởi hương ước, tức lệ làng. Chế tài để bảo vệ lệ là dư luận. Nhiều làng, ai phạm lệ, dân làng có thể trừng phạt bằng cách “tẩy chay” không ai quan hệ, bố mẹ mất không ai đến đưa đám…
Trung tâm của làng, và cũng là nơi quy tụ tâm linh của làng là ngôi đình thờ thành hoàng, vị thần bảo hộ cho làng. 90% làng Bắc Bộ có đình. Vừa thờ thành hoàng, đình vừa là nơi diễn ra mọi sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, tới trên 60% làng còn có chùa (thờ Phật) hoặc điện (thờ Mẫu)…nói tóm lại, nếp sống làng là một nếp sống khép kín, tĩnh, hài hoà giữa con người với con người, giữa vật chất và tâm linh, có thể nói bất cứ người nông dân nào cũng rất tự hào về “ nếp làng” của làng mình. Nếp sống làng là phần quan trọng nhất của văn hoá làng, nó điều chỉnh sự ứng xử trong mọi quan hệ của người làng. Nói một chuyện nhỏ nhất như việc đi đứng thôi. Một ông người Pháp nói rất hay rằng đường làng Việt Nam rất nhỏ, rất hẹp nhưng vẫn rất thoáng, vì trên đường, bậc tôn trưởng luôn được kính nhường, kẻ hậu sinh chờ bậc tôn trưởng đi trước rồi mới đi sau…
Điều khái quát của ông Kỳ Hằng tuy chưa thật đầy đủ, nhưng cũng đã giúp chúng tôi nhìn thấu những điểm “vỡ” của làng. Chính cái mà ông gọi là “nếp sống làng” ấy đang bị vỡ nhiều nhất, bắt đầu từ những tế bào của xã hội là gia đình. Cảnh “nhà kia lỗi phép con khinh bố- mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” bây giờ không mấy làng không có. Những vụ án như con trai bỏ thuốc chuột giết bố mẹ chỉ vì vài tạ thóc ở Đông Tân (Đông Hưng, Thái Bình) năm 2004 hay người mẹ ở Bắc Ninh giết con ném xuống hố chỉ để “rảnh tay” đến với tình nhân năm 2005… còn làm người ta rùng mình đến bây giờ. Mỗi ngày báo chí lại phản ánh hàng chục vụ anh em giết nhau, đánh nhau vỡ đầu vì đất đai, nhà cửa, vì cờ bạc, thậm chí chỉ vì một câu nói ngang tai ...Tình họ hàng không còn đậm đà như xưa, dù ngày chạp tổ người ta vẫn góp tiền chén rất to, hoặc những nhà giầu có thể cúng cả trăm triệu xây mộ tổ... Một lão nông đã ngoài tám mươi ở làng Kỳ, huyện Đông Hưng là cụ Lâm, kể :
- Thời trước, vai trò của trưởng họ lớn lắm. Thuở còn trai, có lần anh em tôi đánh nhau.Trưởng họ gọi bố tôi đến, thắp hương trên bàn thờ tổ rồi bắt bố tôi nằm sấp, đánh một roi về tội không dạy được con, có cả họ chứng kiến. Roi ấy không đau, chỉ là đánh lấy lệ. Ấy vậy mà anh em tôi đau đến giờ. Và cũng từ đó anh em tôi không bao giờ to tiếng với nhau nữa. Cách hành xử ấy, giờ ta gọi là gia trưởng, phong kiến. Tôi chả biết nó có gia trưởng, có phong kiến không. Nhưng nếu làm vậy mà khiến những thằng hư của các họ khỏi hư, thì tôi rất tán thành…
Làng bây giờ không còn “tĩnh” nữa, nó đang sôi lên bởi nhịp độ làm ăn và bị xé toạc bởi tiếng động cơ của hàng trăm loại máy móc, xe cộ. Người làng tất tưởi ngược Bắc, xuôi Nam, ra nước ngoài… kiếm sống. Lòng kính trọng được đo trên cơ sở giầu nghèo. Nếp sống trong sạch trước đây được coi trọng thì bây giờ bị xem nhẹ. Trước, những kẻ giầu bất chính còn dấu dấu diếm diếm. Và sự giầu có của họ bị cả làng khinh. Giờ, không những người ta không cần dấu mà lại còn vênh vang. Vị giáo sư tên tuổi lừng lẫy nhưng nghèo, về làng không được coi trọng bằng gã địa chính xã giàu sụ nhờ gian lận trong giải phóng mặt bằng. Đến nhiều làng, chứng kiến cảnh các bậc cao niên không kịp nhường đường, bị bọn thanh niên phóng xe máy chửi mà đau. Chuyện ngoại tình hay ly hôn ở nông thôn trước vô cùng hiếm. Giờ rất bình thường…những chuyện mà chúng tôi liệt kê ở trên không phải là tất cả, nhưng rõ ràng là chúng đang ngày một tăng lên đến mức báo động. Do cơ chế thị trường chăng ?
-Theo tôi không phải. Nếp sống làng bị “vỡ” là do chính chúng ta. Một thằng côn đồ có thể văng tục, chửi bậy, gây gổ trong “nhà văn hoá” làng, thậm chí cả ở uỷ ban, nhưng vào đình thì bố bảo. Một kẻ trộm, dù công an đã thu thập đủ chứng cứ, vẫn bai bải chối, nhưng nếu người làng thách “mày không trộm cắp thì vào đình thề đi” là mặt xám ngoét, đố dám thề… Các vị thành hoàng được thờ trong đình thường là những danh nhân lịch sử, văn hoá, người có công với làng nước hay có công lập làng. Không có đình thì không có hội. Và lễ hội của làng (thường mở vào ngày giỗ thành hoàng) chính là để tưởng nhớ các vị. Vì vậy tác dụng giáo dục, quy tụ nhân tâm, gìn giữ nếp làng của hội làng rất cao…
Vậy mà suốt một thời gian dài chúng ta phá đình, dỡ chùa. Những đình chùa nào may còn sót lại thì bị hoang tàn. Việc thắp nhang trong đình bị coi là “mê tín dị đoan”. Lễ hội bị cấm. Nhiều nơi còn “tả” đến mức không thèm cả thờ cúng tổ tiên. Quan hệ họ hàng, tình làng nghĩa xóm bị xem nhẹ. Nhiều thuần phong mỹ tục bị quẳng chung vào cái rọ “tàn tích phong kiến” để lên án, bài trừ…tóm lại là chúng ta đã “cơ bản phá xong” nếp làng (được hình thành cả ngàn năm) trước khi chuyển sang cơ chế thị trường.
Phá cái cũ nhưng chưa kịp xây cái mới, hoặc có xây mà làm không đến nơi đến chốn, thành ra những con người của làng bị chơi vơi giữa một khoảng trống lớn. Cơ chế thị trường làm cuộc sống của làng khá hơn trước rất nhiều, nhưng nó không lấp được khoảng trống ấy. Mọi tiêu cực chính từ đó mà ra. Chúng ta đã bắn súng lục vào quá khứ, và bây giờ chính là lúc những phát đại bác của tương lai bắt đầu nã vào chúng ta. Chỉ nên trách mình chứ đừng đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Hãy thử hình dung xem, nếu cuộc sống khá lên nhờ cơ chế thị trường mà con người vẫn giữ được cái “nếp làng”, thì cuộc sống chỉ càng thêm tốt đẹp mà thôi. Hoặc nếu có tiêu cực thì mức độ cũng không đáng kể…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét