Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

TỈNH CÓ HÀNH SỬ QUÁ ĐÁNG VỚI VHNT


TỈNH THÁI BÌNH  CÓ HÀNH XỬ QUÁ ĐÁNG
VỚI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
NGUYỄN LONG

          Sau khi được tin ông Trịnh Trung Thông, chủ tịch hội Văn học nghệ thuật (VHNT) bị khởi tố về tội chi tiêu tài chính không đúng mục đích, không đúng dự toán hơn bốn trăm triệu, anh chị em hội viên có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đại bộ phận đều ca thán là tỉnh hành sử như vậy là quá đáng không chỉ với cá nhân ông Thông mà với cả phong trào VHNT của địa phương. Ông Phạm Minh Đức, Chi hội trưởng chi hội Văn nghệ dân gian viết: ... đa số hội viên thì chán nản, thất vọng như chính mình bị sỉ nhục. Ông Bùi Duy Lan, nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh đến chỗ tôi bảo ông đang đi cơ sở nghe được tin trên thì ấm ức mất ngủ mấy hôm liền... Rồi một số hội viên xâu chuỗi lại những quan hệ của tỉnh với Hội VHNT trong hơn 4 năm qua thấy đúng là có nhiều vụ việc tỉnh hành sử quá đáng với VHNT. Và có mấy bài yêu cầu BBT tạp chí Văn nghệ Thái Bình phải phản ánh trên tờ báo tiếng nói của VNS tỉnh nhà, nhưng tạp chí thì không thể thực hiện được yêu cầu đó.
Bài viết này tôi tập hợp những ý kiến trên với tư cách cá nhân để bạn đọc và hội viên cùng tham khảo, trao đổi về những sự việc đã xảy ra trong mối quan hệ của Tỉnh với Hội trong mấy năm qua.


                             * * *

Đường lối chính sách của Đảng luôn coi văn học nghệ thuật là một lĩnh vực quan trọng, là bộ phận tinh tế của nền văn hoá, là nhu cầu thiết yếu, là món ăn tinh thần lâu đời của nhân dân. Văn học nghệ thuật có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người... Do vậy, ngày 16/6/2008, Bộ chính trị đã ra Nghị quyết số 23/ NQ/TW Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới nhằm phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của văn học nghệ thuật, và của đội ngũ văn nghệ sỹ.
          Hơn 4 năm qua, sau khi có Nghị quyết trên, Nhà nước cũng như hầu hết các địa phương trong cả nước đều có những chính sách, chế độ mới quan tâm hơn và tạo điều kiện cho các hội chuyên nghành Văn học nghệ thuật phát triển. Cụ thể là nguồn kinh phí cấp hỗ trợ cho VHNT hàng năm của Trung ương cũng như của các địa phương không ngừng tăng thêm. Việc xét trao các giải thưởng VHNT như  Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng HCM... tuy rất khó khăn và phức tạp vẫn được thực hiện khá mỹ mãn...
         
Song ở Thái Bình, trong nhiệm kỳ Đại hội VHNT lần thứ VIII của tỉnh (2007 – 2012) này, Hội VHNT có nhiều vụ việc bị Tỉnh hành sử thiếu công bằng. Một số dẫn chứng cụ thể như sau:

-         Về kinh phí hỗ trợ:

Năm năm qua ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ cho VHNT của Nhà nước, hầu như địa phương nào cũng có nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh cấp cho Hội văn học nghệ thuật. Chẳng nhìn đâu xa, các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình... nơi ít thì năm, bảy trăm triệu, nhiều thì trên một tỷ đồng mỗi năm. Riêng Thái Bình tỉnh đã không cấp cho một đồng nào, mà số tiền Nhà nước cấp trực tiếp cho Hội VHNT Thái Bình năm 2011 về đến địa phương lại bị khấu trừ đi 10%. Trong khi đó đã có quy định không được khấu trừ khoản tiền trên.

- Về tặng  thưởng của giới văn nghệ sỹ:

Từ mấy chục năm nay, Tỉnh đã đề ra quy chế xét Giải thưởng VHNT mang tên nhà bác học Lê Qý Đôn 5 năm một lần và đã được thực hiện đều đặn. Đây là giải thưởng của Tỉnh, xét tặng cho các VNS, nên Chủ tịch Hội đồng xét giải là Phó chủ tịch UBND Tỉnh, thành viên hội đồng là lãnh đạo Sở Nội vụ, sở Văn hoá TT- DL. Ban Tuyên giáo tỉnh... Lãnh đạo hội VHNT chỉ là một thành viên. Nói vậy để thấy việc quyết định xét, trao giải cho ai là quyền của Tỉnh chứ không phải của Hội VHNT.
Trong đợt xét giải thưởng VHNT Lê Quý Đôn năm 2008, sau khi có kết quả sơ khảo do có một số đơn từ thắc mắc về việc tác phẩm này được xét, tác phẩm kia không được... thế là Hội đồng của Tỉnh họp vài lần rồi bỏ bê mấy năm không xét và cũng không có ý kiến gì nói lại với anh em VNS.
Trong khi đó, mọi người đều biết rằng việc xét các giải thưởng xưa nay từ địa phương tới Quôc gia, Quốc tế chưa bao giờ tránh được việc kiện cáo thắc mắc, nhưng cũng chưa ở đâu phải bỏ giải vì kiện cáo thắc mắc cả. Chỉ nói riêng đợt xét giải Lê Quý Đôn năm 2002 của tỉnh, sau khi có kết quả sơ khảo đề nghị tặng thưởng giải A cho tập truyện của ông Đức Hậu, đương kim chủ tịch Hội bấy giờ, ông Bút Ngữ nguyên chủ tịch Hội đã có đơn kiện tác phẩm trên và còn kèm theo lời doạ: Nếu hội đồng Tỉnh không làm công minh thì ông sẽ tự tử để phản đối. Thế rồi việc xét và trao giải vẫn được hội đồng tỉnh cân nhắc xem xét hợp lý nên không bị đình lại.
Cuối năm 2012 vừa rồi, Tỉnh uỷ có Thông tri về Đại hội VHNT lần thứ IX dự kiến thực hiện vào quý II/2012. Khi Thường trực Hội báo cáo Tỉnh về kế hoạch tổ chức Đại hội, khi bàn về việc khen thưởng cho VNS trong Đại Hội  thì chủ tịch Phạm Văn Sinh tuyên bố thẳng thừng không có khen thưởng hay tặng cờ, trướng gì hết.

-         Tỉnh can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Hội:

Do có việc kiện cáo và mất đoàn kết xảy ra trong Hội, Ban chấp hành Hội đã họp nhiều lần kiểm điểm và thống nhất  hai ông Trịnh Trung Thông, chủ tịch Hội và ông Nguyễn Trọng Thắng, uỷ viên BCH , chi hội trưởng chi hội Văn học là nguyên nhân chính của sự mất đoàn kết trên, phải đưa ra kiểm điểm. Kết quả ông Trọng Thắng bị BCH bỏ phiếu khai trừ khỏi Hội, Việc ông Thắng bị BCH khai trừ khỏi Hội là hoàn toàn phù hợp với điều lệ và không có gì trái với luật pháp. Tuy nhiên, khi ông Thắng lảm đơn kiến nghị (vượt cấp) lên Tỉnh. Tỉnh không đưa về Hội giải quyết theo phân cấp của luật Thanh tra mà lại trực tiếp xem xét.
Ngày 25/ 10/2010, ông Phạm Văn Sinh Chủ tịch UBND Tỉnh ra thông báo số 05/TB-UBND: Yêu cầu ban Thường vụ Hội VHNT thu hồi quyết định khai trừ hội viên đối với ông Thắng. BCH Hội đã họp nhiều lần và đều thống nhất việc kỷ luật ông Thắng là đúng với quyền hạn, chức năng của Hội, và yêu cầu Tỉnh không can thiệp quá sâu và thô bạo vào công việc nội bộ của Hội. Do vậy Thường vụ Hội không thể tự ý thu hồi quyết định theo ý của Tỉnh, mặc dù Chủ tịch tỉnh trực tiếp đôn đốc nhiều lần.
Theo nguyên tắc hoạt động của Hội việc kết nạp hoặc khai trừ hội viên là việc nội bộ của Hội. Việc khai trừ một uỷ viên BCH Hội, trước đây Hội đã có tiền lệ không qua chi hội cơ sở mà BCH Hội trực tiếp xem xét. Ngay ở nhiều địa phương khác như Nam Định, Lâm Đồng, Bình Định... BCH Hội VHNT đã bỏ phiếu khai trừ không chỉ uỷ viên BCH mà cả phó chủ tịch Hội, hoặc nguyên chủ tịch Hội nhưng không lãnh đạo tỉnh nào can thiệp vào công việc nội bộ của VHNT.
Trước sự việc trên, anh chị em văn nghệ sỹ đều đặt câu hỏi: vì sao mà ông chủ tịch tỉnh Phạm Văn Sinh lại đích thân ép Hội VHNT thu hồi kỷ luật một hội viên của Hội? Việc làm đó vì lợi ích của Tỉnh, lợi ích của Hội hay vì cái gì?

- Khởi tố chủ tịch Hội VHNT là sự hành sử quá đáng đối với văn học nghệ thuật của địa phương.

Ai cũng biết hiện nay, nếu chiểu theo quy chế Quản lý kinh tế Nhà nước thì hầu như không có đơn vị nào chi tiêu tài chính mà không phải biến hoá. Do vậy nơi nào quản lý càng nhiều tiền thì khả năng sai phạm càng lớn. Chỉ tính riêng ở Thái Bình, một số cơ quan cầm cân nảy mực về luật định như Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh... mới kiện cáo sơ sơ đã thấy chi sai hành vài tỷ đồng. Nhưng lãnh đạo các cơ quan đó có nặng lắm cũng chỉ bị sử lý hành chính, điều chuyển công tac... Ông Trịnh Trung Thông bị khởi tố về tội từ năm 2008 đến 2011 đã chi không đúng mục đích, không đúng dự toán là 414 triệu đồng. Cái tội “cố ý” của ông Thông thực ra là làm theo nếp cũ của người tiền nhiệm trong việc thanh quyết toán in ấn, phát hành, trong chi trả tiền tiền biên tập tạp chí Văn nghệ Thái Bình.
Việc tạp chí VNTB phát hành được tới bạn đọc vài ngàn cuốn, chứ không phải chỉ in để biếu xén, phát cho nội bộ hội viên như rất nhiều địa phương khác. Đó vừa là công lao của mấy thế hệ làm tạp chí trong mấy chục năm qua từ thời nhà văn Bút Ngữ, nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo, đến Kim Chuông, Đưc Hâupjuj trách tạp chí, vừa là thể hiện sự uy tín của những nhà văn, nhà báo, của những người làm nghệ thuật của Thái Bình trước người đọc trong tỉnh và cả nước. Do vâỵ trước sự kiện trên, đa số hội viên của Hội đều chán nản, bất bình như chính mình bị xỉ nhục. Và mọi người đều cho rằng đó là sự hành sử quá đáng của Tỉnh không chỉ với cá nhân ông Thông mà cả với phong trào văn học nghẹ thuật của Tỉnh...

Không phải chỉ anh chị em văn nghệ sỹ Thái Bình, mà khi biết được tin trên, rất nhiều anh chị em văn nghệ sỹ cả nước đều nói: Không có tỉnh địa phương nào hành sử quá đáng với văn nghệ sỹ như lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Và có người còn nghi ngờ, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển văn học nghệ thuật đã ban hành 4 năm nhưng không biết một số lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã đọc chưa?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét