Đến nay, nhiều người dân xã Bình Lăng trong huyện vẫn nhắc đến ông. Dạo ấy, một số người dân xã này tổ chức khiếu kiện tập thể về chuyện đất đai rất quyết liệt, kéo lên cả cổng UBND tỉnh đứng suốt mấy ngày rồi lại về huyện. Ông Lai ra tiếp đoàn khiếu kiện ấy. Rất bình tĩnh và từ tốn, ông nghe yêu cầu của bà con rồi trao đổi và tâm tình với họ. Đang nói thì một người dân đứng bật dậy, gay gắt:
- Chúng tôi chỉ là những người dân thường, còn ông là quan chức, ông nói xuôi nói ngược thế nào mà chẳng được.
Ông Lai ôn tồn:
- Tôi vốn là thường dân, đi đánh giặc về, được nhân dân giao nhiệm vụ nên phải gánh vác. Chẳng mấy năm nữa, tôi lại thành thường dân như bà con thôi. Cán bộ là tạm thời, thường dân mới là vĩnh cửu…
Rồi ông đọc thơ về thường dân cho bà con nghe. Bài thơ "Thường dân" của Nguyễn Long (Đông thì chat, ít thì thưa/ Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân/ Quanh năm chân đất đầu trần/ Khát khao sau những vũ vần bão dông/ Khi là cây mác, cây chông/ Khi thành biển cả, khi không là gì/ Thấp cao đâu có làm chi/ Ngàn năm, cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi/ Ăn của đất, uống của trời/ Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin/ Ồn ào mà vẫn lặng im/ Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn/ Chỉ mong ấm áo no cơm/ Chắt chiu dành dụm, thảo thơm ngọt lành/ Hòa vào trời đất mà xanh/ Vô tư mấy kiếp, mới thành thường dân) được ông đọc bằng một giọng rất chân thành, truyền cảm, khiến nhiều người xúc động. Không khí dịu hẳn đi, nhiều người dân, từ thái độ rất bức xúc bỗng hóa cởi mở, cũng trình bày nguyện vọng với ông bằng giọng tâm tình, và cuối cùng thì bà con vui vẻ ra về, cuộc khiếu kiện kết thúc.
Bây giờ thì ông Lai trở thành "thường dân" thật sự rồi. Nghe tin ông nghỉ hưu ở quê là làng Đà Thôn xã Quỳnh Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình), làm đội trưởng đội chèo của làng, tôi và nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng khoái quá, vội rủ nhau lên thăm ông. Cơ ngơi của ông hiện đúng là cơ ngơi của một “thường dân”, nằm sâu trong ngõ làng: Một ngôi nhà, một khoảng sân rộng, một mảnh vườn xanh và một ao cá, tất cả là của ông cha để lại, ông không có đất thị trấn hay ở thành phố Thái Bình, dù lúc đương chức ông thừa sức làm chuyện đó. Hỏi chuyện về đội chèo làng, ông bảo:
- Mình mê chèo từ nhỏ, càng có tuổi càng mê. Làng mình là một làng cổ, có truyền thống về chèo, nhưng rồi do nhiều lý do, mấy chục năm chèo vắng bóng, điều đó khiến mình trăn trở. Chuẩn bị hưu là mình nghĩ ngay đến việc làm sống lại truyền thống quý báu này. Nghỉ, về làng một cái là mình bàn với hai bác Nguyễn Minh Xuyền, Nguyễn Văn Nê, đều là sỹ quan quân đội về hưu, tiến hành vận động thành lập đội chèo ngay.
Đến nay, đây là đội chèo làng duy nhất ở huyện Quỳnh Phụ, tên chính thức của nó là Câu lạc bộ chèo làng Đà Thôn, nhưng nhân dân vẫn gọi là đội chèo làng. Đội có 22 diễn viên và nhạc công. Diễn viên già nhất là hai cụ Bùi Văn Giả, 82 tổi và Trịnh Thị Mỹ, 78 tuổi, còn lại là thanh niên và trung niên. Chủ nhiệm câu lạc bộ là ông Bùi Đức Tạo, một diễn viên đoàn cải lương Thái Bình về hưu nhưng lại mê chèo hơn cải lương. Ba ông: Nguyễn Nhật Lai, Nguyễn Minh Xuyền và Nguyễn Văn Nê trở thành cố vấn cho đội, bản thân ông Lai cũng tham gia viết vở cho đội diễn. Các “diễn viên” ban ngày mỗi người một việc, làm ruộng, làm công nhân ở nhà máy, có người đi cả vùng khác làm thuê, tất tả lo cơm áo cho gia đình, mỗi tuần có 3 buổi tối tập luyện tại nhà ông Lai.
Vất vả vậy, nhưng không ai bỏ một buổi tập hay buổi diễn nào. Ông Lai kể, có lần biểu diễn, chỉ còn ít phút nữa là mở màn, tất cả đã đang tíu tít hóa trang nhưng vẫn thiếu 2 người, mà đều là người có vai diễn quan trọng, ông rất lo, nhưng rồi hóa trang xong thì hai người đến, thì ra hai “diễn viên” ấy đi làm thuê cách nhà mấy chục cây số, hết giờ làm, ăn quàng miếng cơm tối xong mới hối hả về, anh em bèn xúm lại giúp hai người, hóa trang vừa xong thì màn mở. Ngoài những buổi biễu diễn phục vụ trong xã nhân các dịp ngày lễ, ngày Tết, ngày bầu cử, ngày tiễn đưa con em trong xã lên đường nhập ngũ…
Đội chèo làng Đà Thôn khá “đắt sô”, được mời đi diễn ở rất nhiều xã trong huyện, cả bên Thanh Miện (Hải Dương) cũng có lời mời, chỉ tiếc không có phương tiện nên không đi được. Chưa đủ sức dựng vở lớn, kho tiết mục của đội là những hoạt cảnh, vở chèo ngắn, tổ khúc chèo và tốp ca, song ca, đơn ca… Những hoạt cảnh do đội tự sáng tác, nhằm ca ngợi quê hương, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội, lấy chất liệu từ cuộc sống thực tế ngay trong làng xã, rất sống động, khiến người xem rất khoái, những đêm diễn của đội bao giờ cũng đông chật người. Hỏi ông rằng kinh phí hoạt động và trang thiết bị lấy từ đâu, ông bảo:
- Lúc đầu mình và hai bác Xuyền, bác Nê bỏ tiền ra sắm quần áo, nhạc cụ, micro…để đội tập luyện, sau đó một số con em trong làng đi làm ăn xa tài trợ thêm. Còn khi diễn, thì cứ diễn vô tư, diễn hết mình, bà con đi xem người mươi ngàn, người vài chục ngàn, ai có lòng thì lên ủng hộ. Một đêm diễn phục vụ bầu cử mới rồi, bà con cũng ủng hộ được hơn 4 triệu đấy.
Chia tay vị cựu chủ tịch huyện mê chèo, đi thăm một số bà con trong xã, chúng tôi ghi nhận được một câu nói rất có ý nghĩa của một nông dân:
- Có đội chèo, làng như có thêm sinh khí và xuân sắc. Đêm đêm nghe tiếng hát chèo của người làng, mọi nỗi nhọc nhằn của bà con cũng theo đó mà vợi đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét