PHAN THỊ BÍCH HẰNG CHIA SẺ VỀ SỰ KỲ BÍ CỦA NGƯỜI CÕI ÂM
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng muốn viết cuốn sách về thế giới tâm linh thông qua những sự việc kỳ bí bà chứng kiến trong 23 năm qua.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trong một chuyến đi tìm mộ liệt sĩ. |
Bà Phan Thị Bích Hằng chia sẻ về thế giới mà bà gọi là vô cùng từ bi, độ lượng, thật thà, không xảo trá:
"Không biết những vong linh ấy khi còn sống, họ là người thế nào nhưng khi về thế giới bên kia, họ đều khuyên con cháu trên trần phải từ bi, hỉ xả, năng làm việc thiện, tránh điều ác. Thế giới ấy có sự liên kết về huyết thống, dòng máu khăng khít lắm. Chỉ cần có một chút họ hàng thôi, sự gắn kết ấy đã chặt chẽ rồi. Tôi đặc biệt cảm kích cái nghĩa sâu nặng giằng níu, ràng buộc giữa các liệt sĩ với nhau. Vì tình cảm cứ giăng mắc, đan cài, khiến cho tôi nhiều khi đi tìm người này chưa được nhưng lại tìm thấy người khác. Người này được tìm thấy thì họ lập tức nhờ vả, nhắn nhủ tìm thêm những đồng đội khác.
Như lần đi tìm mộ liệt sĩ Phùng Văn Bành ở Mỹ Đức (Hà Nội), tôi gặp một liệt sĩ khác tên Long nhờ nhắn tìm gia đình ở Đa Sĩ. Cho tới khi tìm ra hài cốt liệt sĩ, gia đình mới được nghe kể câu chuyện ông đã lấy vợ trên đường đi kháng chiến như thế nào. Hồi đó, vì thương mến một cô y tá cùng đơn vị, lại chung lý tưởng trên đường ra mặt trận, hai người đã nên duyên.
Trên đường về quê báo cho gia đình thì ông Long hy sinh còn bà Liễu bị thương nặng nhưng qua khỏi. Sau này, bà sống ở tỉnh Hòa Bình. Gia đình liệt sĩ Long hoàn toàn bất ngờ, họ chưa bao giờ biết ông từng có vợ. Sau này họ cất công đi xác minh lại từ đơn vị và lên tỉnh Hòa Bình tìm lại bà Liễu thì sự thật sáng tỏ đúng là như thế".
Hay vụ gần đây nhất, tháng 12/2012, sau khi tìm thấy hài cốt của anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Châu, nguyên Tỉnh đội trưởng của tỉnh Quảng Đà. Liệt sĩ Châu đã nhắn nhủ con trai là Đinh Văn Ba hãy cố gắng tìm nốt hài cốt của 4 đồng đội của ông hy sinh năm 1968 nằm gần đó. Nhờ sự chỉ dẫn của vong linh liệt sĩ Đinh Châu, ngày 29/12/2012, chúng tôi đã khai quật hố sâu gần 2m ở khu đô thị Hòa Xuân (Đà Nẵng), cất bốc 4 hài cốt và đưa về nghĩa trang liệt sĩ.
Tháng 8/2012, nhờ tình cảm giăng mắc giữa các vong linh, tôi tìm thấy 4 hài cốt người dân bị bọn Pôn-pốt giết hại năm 1979 ở Kiên Giang. Ban đầu, tôi tìm thấy hài cốt của chị Phan Thị Thảo ở gần nhà máy xi măng Hà Tiên. Sau đó chị Thảo nhờ tôi tìm nốt 3 người hàng xóm bị giết cùng ngày và bị vùi xác gần đó.
Có một điểm khác biệt căn bản giữa thế giới người âm và người dương là ở thế giới âm, họ không có những mối nhân duyên mới. Con trai chết chưa vợ, con gái chết chưa chồng không vì thế mà họ lấy nhau. Tôi chưa bao giờ thấy họ kết hôn cả. Về mặt thể xác hữu hình, khi một đứa trẻ chết ở lúc 3 tuổi thì một 100 năm sau họ vẫn là đứa trẻ 3 tuổi. Nhưng đứa trẻ ấy vẫn lớn lên ở tầm trí tuệ.
Khi nghiên cứu thế giới người âm, tôi đặc biệt bị ám ảnh bởi tiếng vọng của những linh hồn hài nhi, vì muôn vàn lý do mà chúng phải rời xa sự sống ngay từ trong lòng mẹ, chưa thực sự hiện diện trên cõi đời. Chúng cũng có thể thét gào, oán thán, nỉ non, đớn đau, hay từ bi, hỉ xả, tràn ngập yêu thương...
Tôi vẫn nhớ như in những năm 1991-1992, trong quá trình thi công một bệnh viện phụ sản, đội thi công bắt buộc phải chặt một cây đa. Vì ở đúng vị trí cây đa đó, họ phải xây dựng một tòa nhà nhiều tầng do bệnh nhân ngày càng nhiều.
Khi tôi đến làm lễ, sau khi thắp hương và khấn, tôi thấy cành lá chuyển động dập dờn, cứ như cái cây đang rùng mình, run rẩy và bỗng nhiên xuất hiện những hình người, những đôi mắt bé lấp ló trong đám lá mà chưa bao giờ tôi nhìn thấy.
Thấy lạ quá, tôi bèn cất tiếng hỏi xem ở đây có chuyện gì, có ai cho biết được không. Nghe tôi hỏi, một vong linh của bác sĩ từng làm ở bệnh viện này xuất hiện. Bác nói với tôi rằng, đó là linh hồn của những hài nhi. Đứa thì bị cha mẹ bỏ lại bệnh viện, đứa thì chết ngay sau khi sinh. Có mấy đứa bị cắt nát ra vì lúc đó mới chỉ là bào thai vài tháng tuổi.
Tất cả chúng đều là những vong hồn không ai ngó tới, thậm chí cha mẹ chúng còn hận thù việc chúng bỗng dưng hình thành và có mặt trên đời. Người bác sĩ nói rằng, bản thân bác ở lại cây đa này chính là để chăm sóc những linh hồn bơ vơ đó. Tôi cảm thấy tim mình đau nhói, xót xa. Tôi muốn trò chuyện, vỗ về ôm ấp mấy đứa trẻ nhưng chúng bé quá, chưa biết nói. Nhìn đám trẻ, tôi thấy lòng đau đớn, quặn thắt, vì sự bơ vơ không nơi nương náu của chúng. Cuối cùng, tôi quyết định lập đàn cầu siêu cho các em bé vô tội".
Chia sẻ về mối liên kết giữa thế giới người âm và đời sống dương thế, Hằng nói thêm: "Thực sự là có sự tồn tại của thế giới tâm linh. Thế giới ấy nhiều khi có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của chúng ta mà người thường (không có khả năng ngoại cảm) không nhìn thấy, nghe thấy. Nếu không có sự chỉ dẫn của vong linh, tôi không thể tìm thấy hàng chục nghìn hài cốt liệt sĩ vùi xác thân khắp nơi rừng sâu, núi thẳm, ao hồ, sông suối và không thể có chuyện người chết đi tìm người sống mà Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã làm thành cả một đề tài nghiên cứu.
Có điều, trong hành trình 23 năm tiếp xúc với "vong" đẻ đi tìm hài cốt, tôi ngộ ra một điều, tôn giáo quyết định ý thức tâm linh. Những người theo đạo Phật cực kỳ thanh thoát, nhẹ nhõm. Tôi nói chuyện với vong của các hòa thượng hay các phật tử, chẳng thấy họ kêu ca hay đòi hỏi gì sất. Nhưng những người theo đạo Lão, đạo Tứ phủ thì cực kỳ nặng nề, sân hận, coi trọng chuyện cúng kiếng đủ mọi thứ.
Về mồ mả, tôi tạm chia làm hai giới: một bên theo đạo Lão, một bên theo đạo Phật. Những người theo đạo phật thì nhẹ tênh. Với họ, được hóa thân đi là một sự giải thoát, chuyển đổi cảnh giới. Khi thác, họ nhanh chóng rời bỏ thân xác, họ về luôn với gió núi mây trời. Còn những người theo đạo Lão cứ khư khư giữ lấy cái mộ của mình và rất khó siêu thoát. Hôm nay có con trâu húc mộ, ngày mai có người cuốc vào mộ, động mộ, thế là lập tức về "báo" ngay con cháu, làm cho con cháu sôi sùng sục lên, vội vàng sắm sánh lễ vật, mời thầy tạ mộ, hàn long mạch... mới yên.
Cho nên tôi có một lời khuyên là khi người thân mất, chúng ta nên hướng họ vào một tôn giáo nhất định mà theo tôi, thiện nhất, lành nhất là đạo Phật, để được giải thoát. Ở Philippines, nhiều gia đình sống nhiều năm trên những nấm mộ ngoài nghĩa trang. Trẻ em cầm đầu lâu ném chơi như ném bóng, cầm xương ống chân chơi khăng mà họ vẫn khỏe mạnh, sống lâu. Ở Hàn Quốc, hầu hết người dân chết đều hỏa táng, rải tro cốt ra biển mà dân họ vẫn giàu, nước vẫn mạnh. Vì trước khi chết, tâm thức người ta đã ngộ rằng, thân xác này chỉ là cõi tạm. Chết là linh hồn đi lên, rời bỏ thân xác thối rữa, không nuối tiếc.
Ở Việt Nam, những năm gần đây, vào dịp Tết Nguyên Đán hay giỗ chạp, chứng kiến nhiều gia đình đốt linh đình cả sân vàng mã, tôi thấy sợ. Làm như thế khiến cho người âm hoài tưởng đến cuộc sống trần gian, càng khó siêu thoát. Sau khi chết, linh hồn tồn tại dưới dạng khí, sóng nên họ đâu có dùng những thứ vàng mã ấy. Họ chỉ dùng bằng ý niệm.
Nhìn thấy vàng mã, họ reo mừng: "A, hôm nay có quần áo đẹp rồi". Nhưng đóng tro bụi ấy làm sao họ mặc được. Nên tôi thấy rất phí phạm khi nhiều người đốt ngập trời "nhà lầu, xe hơi"... Tôi từng chứng kiến ở đền Kiếp Bạc, người ta bày la liệt cả một sân voi ngựa, đông hơn cả voi ngựa nhà Trần đánh quân Nguyên Mông. Người âm là khí, linh khí là âm. Họ chết mấy trăm năm rồi, rất là mong manh. Lửa là dương. Đốt lửa ngút trời như thế là đẩy hết khí ra, tán sạch khí".
Theo Xã Hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét