Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

ĐẲNG CẤP VĂN THƠ ViỆT


ĐẲNG CẤP VĂN THƠ ViỆT

Nguyễn Hoàng Đức 

Cuộc đời không cách gì thoát khỏi so sánh, sắp xếp, và trao thứ tự. Đơn giản nhất, khi ra chợ, người bán rau lẫn người bán thịt, đều xếp riêng từng loại rau hay thịt, để từ đó định giá riêng cho mỗi loại cao thấp khác nhau. Sự phân loại riêng biệt đó bắt đầu ngay từ nhà của mỗi nông dân. Người ta chọn hàng đẹp hơn đem ra chợ bán, cái kém hơn thì để nhà dùng, giống câu phương ngôn của người Việt “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Trong lớp học, thầy cô cũng phân loại để xem em nào cần phát huy, em nào cần nâng đỡ. 

Không có phân biệt thì không có sắp đặt từ thấp đến cao! Và nếu không có sắp đặt thì không có trật tự! Không trật tự sẽ hỗn loạn, và trong một cơ thể sống nó bị coi là điên. Đó chính là tư tưởng của triệt gia Aristote. Còn người Việt nói, đó là loại người nôm na mách qué, dở ông dở thằng, hay hâm hấp cám lợn. 

Kiến trúc là môn nghệ thuật đầu tiên của loài người, vì ở quan trọng đầu tiên. Nó luôn luôn phải phân biệt từ móng đến mái, tức là từ thấp đến cao. Trong tật tự lập trình của bất kể việc gì từ xã hội đến khoa học người ta đều phải phân biệt và sắp đặt. Một đội quân cần ai đi trước ai đi sau, ai tổ trưởng ai tổ phó; một giàn nhạc cần vị trí ở từng bè, một gánh xiếc khi chồng lên nhau – ai to đứng dưới, ai nhỏ đứng trên, và một đoàn rước thì trẻ con đi đầu vua chúa ra sau. Một phác thảo hay chế tạo khoa học cũng vậy, chiếc máy bay được xác định động cơ là quan trọng nhất nên người ta làm nhiều động cơ cho một chiếc máy bay để đề phòng rủi ro mà không thể làm nhiểu cánh… 

Một con người có tư duy trật tự sẽ không điên. Một người đàng hoàng thì luôn biết nhận chân kẻ cao người thấp, và như phương ngôn mà Chúa Jesus dạy “Cái gì của Sê-da mang trả Sê-da, cái gì của Chúa mang trả cho Chúa”. Ở đời khi biết thuận mua vừa bán, nghĩa là người ta đã trả cho đồ vật giá trị đúng của chúng, như trong các phương ngôn mà người Việt cũng diễn tả “quí vật tầm quí nhân”, hay “y phục xứng kỳ đức”. 

Từ đầu đến giờ chúng ta đặt nền tảng cho việc: dứt khoát con người phải biết so sánh và sắp đặt vạn vật trong trật tự, chúng ta cũng nên nhớ rằng: đây là đặc tính ưu việt vĩ đại nhất của vũ trụ càn khôn. Người khôn ngoan nên biết, tự đánh giá và định giá mình trong chủng loại hay đẳng cấp, còn kẻ vô minh thấp kém thì muốn hầm bà làng dùng dằng ăn gian muốn sự thấp kém của mình cũng ngang ngửa với thiên hạ. 

Giờ quay mặt vào văn thơ Việt, chúng ta thấy gì? 

Trong cuốn “Cộng Hòa” của Platon, tả rất kỹ cách đánh giá của triết gia Socrate rằng: 

1- Cao nhất văn học là Hài kịch và Bi kịch. 
2- Thấp nhất là loại thơ tản văn chỉ diễn tả cảm xúc. 


Tại sao? Hài kịch và bi kịch đều có nhân vật, nó thể hiện thứ văn học hóa cuộc đời, nhưng leo lên tột đỉnh có cao trào là “kịch tính”, ở đó các nhân vật cạnh tranh, thi đấu, cũng như đối thoại về tư tưởng. 

Còn một bài thơ ngắn tũn hay kéo lê mà không có nhân vật, chỉ có diễn tả cảm xúc thì để làm gì? Chúng ta thử hình dung 24 cầu thủ bóng đá ra sân, họ không đá, không đấu đối kháng, chỉ chạy qua chạy lại tâng bóng, rồi sụt sùi tả tình tả cảnh, nào hôm nay trời u buồn tôi nhớ mẹ ở quê quá, rồi chân tê dại muốn òa vỡ trong điệu vũ cuồng loạn của những bước muốn chạy và muốn sút… Nói thế nhưng các cầu thủ vẫn không bước vào thi đấu vì không đủ trình độ tổ chức luật chơi, không có khả năng công tâm chơi đẹp, cũng không dám thuê trọng tài… Rút cục liệu có khán giả nào kiên trì ngồi lại? Hay họ bỏ về hết? Tình trạng thơ Việt có giống thế không? 

Phát kiến của triết gia Socrate, Platon, cũng được Aristote đưa vào cuốn thi ca. Aristote cho rằng: các đoản ca chỉ phù hợp với giọng đốp chát của chợ búa, là thứ thơ mua vui kiếm ăn nhì nhằng của đám thi nhân đông như ruổi ở Hy Lạp, nó được ngâm xướng rồi quên đi chẳng để lại vết tích gì. Chỉ có khi thi nhân Homer ngâm lên hai trường ca có Kịch và Nhân vật là Iliad và Odyssey thì thi ca mới bắt đầu được nhớ đến. 

Nhân vật là sự hấp dẫn tự nhiên của văn học, ở đó người ta hồi hộp theo dõi, nhân vật này hay nhân vật khác sẽ trải qua biến cố thế nào, ở Hy Lạp hay Trung Quốc vô số người đã bỏ tiền ra để được nghe người kể chuyện rong nói về Odyssey hay Tào Tháo. Đến mức còn có một câu nói nổi tiếng “Vừa nhắc Tào Tháo là Tào Tháo đến ngay”. 

Một người đàn ông muốn có tư tưởng sẽ làm gì? Anh phải cọ sát tranh luận! Một người muốn hiểu biết làm gì? Lắng nghe để có thông tin và kiến thức! Một đứa trẻ được gửi đến trường học để làm gì? Để học kiến thức và rèn luyện lý trí! Nếu mục đích cuộc đời nó chỉ là cảm xúc và tình cảm thì nó không cần đi học, nó ở nhà học hai bầu sữa mẹ còn có ích hơn, hoặc nó mua vé sang Úc xem con kang-gu-ru cái mang con bằng túi trước ngực dễ hiểu hơn. 

Văn muốn giỏi, thì phải “văn ôn, võ luyện”, đằng này các nhà thơ Việt đã văn ôn cái gì? Họ mấy khi muốn nghe để học kiến thức? Mấy khi tranh luận để tìm tư tưởng? Hay họ chỉ có mỗi một chú tâm “ta được đọc thơ” để trình bày cảm xúc. Than ôi cái cảm xúc của con người cũng chỉ là tản văn bé mọn, đọc một, chứ đọc một nghìn, một vạn, cho đến một triệu liệu có thành gì? Chắc vẫn chỉ là cảm xúc “ôi mẹ ơi”, ôi quê ơi, ôi bà ơi… Bà và mẹ, rồi vợ, rồi bồ quí lắm nhưng làm sao có thể làm ứng cử viên cho nhân vật kịch được? Mà dù có là nhân vật kịch, đàn bà chỉ là tình huống kịch, khó mà là mâu thuẫn kịch nảy sinh tư tưởng, vậy bà và em khóc húp cả mắt, thương lắm, nhưng nước mắt đó có đóng đinh hay đội chảo để thành bài học cứu độ chúng sinh không? 

Mấy trăm nhà thơ Việt cũng muốn thoát xác mấy vần tức cảnh sinh tình lắm, họ ào ào lao vào viết trường ca, rồi còn trao cả giải trường ca cho nhau, nhưng than ôi, trong cả mấy trăm trường ca của họ ( gần bằng 99%) là không có nhân vật. Không có nhân vật thì người ta chuyển tải cái gì? Hoa có đẹp không? Có! Nhưng muốn kết một vành nguyệt quế, người ta đã phải làm cái cốt cho nó rồi cài hoa vào. Đằng này nếu chỉ có hoa mà không có cốt lý trí bên trong thì sẽ thành gì? 

Không có kiến thức, không có lý trí thì có làm báo được không? Hãy nhìn các nước gần ta như Nga hay Tầu, tổng biên tập của họ thường là nhà lý luận phê bình, trong khi tổng biên tập của ta chỉ là mấy nhà thơ cảm xúc. Kết quả thì sao? Các báo và tạp chí đua nhau phá sản (hoặc đã phá sản nhưng trì hoãn công bố). Thơ hay con người cảm xúc thì sao? Đó là kiểu “phép vua thua lệ làng”, bất chấp công lý và lẽ phải, cứ bìu ríu nhau bè cánh mà tiến lên, vào hội, ẵm ghế rồi chiếm giải… Làm báo mà chỉ tìm cách tung hô tôn vinh cánh hẩu, rồi chọn cánh hẩu viết lách thì báo có khác gì cháo mậu dịch, thứ mì “không người lái”. Không người lái là sự nghèo nàn của một bát cháo không có cái, thịt hay cá, đó cũng chính là tư duy của các nhà thơ cảm xúc làm báo. Trong các bài báo của họ hầu hết là không người lái. Định dùng kế ngâm nga, ngọt bùi, tha thiết ư? Những cảm xúc không đầu không cuối đó chỉ cần một nhân vật cỡ vừa vụt qua tất cả đã tan thành mấy tiếng nấc không địa chỉ. 

Cảm xúc mà không có lý trí không thể kiến thiết thành cấu trúc công trình. Việc mấy trăm nhà thơ Việt không có khả năng tạo ra nhân vật cho trường ca của mình là bằng chứng thất bại tuyệt đối của lý trí sáng tạo. Và câu chuyện úm ba la giả đò về cái gọi là thiên phú thơ văn đã rơi rụng tan tành phơi ra đó chỉ là một chút bản năng chưa kịp chuẩn bị về văn hóa nên chưa đi xa đã quay về quê nhà để ẩn nấp trong tình cảm. 

Người Trung Quốc có câu “Người quân tử thì mong kéo người khác lên cao bằng mình, còn kẻ tiểu nhân chỉ muốn kéo người khác xuống bằng mình”. Sáng tạo cảm xúc tất yếu dẫn đến đố kỵ hẹp hòi, a dua, hiệp đồng cánh hẩu để bảo toàn mình. Căn cứ vào trình độ chỉ có mấy vần thơ cảm xúc, thấy rằng thi ca Việt còn yếu đuối lắm. Yếu đuối thì phải vươn lên chuẩn bị kiến thức và văn hóa cho mình, chứ đừng làm ngược lại là kéo người cao xuống bằng mình, rồi tự nắm tóc kéo mình lên cao ngất ngưởng với giải thưởng và chức vụ hay kiếm một chân mậu dịch viên văn học đã lấy làm đắc chí hơn người, thì làm sao có ngày leo lên được tầng hai của lý trí ngắm bầu trời văn chương nhân loại. 

NHĐ 05/04/2013 (Theo nguyentuongthuy.blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét