Trang

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

THÊM MỘT BÀI GIỚI THIỆU THƠ THƯỜNG DÂN

Tháng 4/2014 vừa qua, trang web của Hội Nhà văn Hải Phòng giới thiệu lại về bài thơ Thường dân được giải nhất cuộc thi thơ lục bát của Văn nghệ trẻ tổ chức năm 2003 và kèm theo lời giới thiệu về vấn đề mà một vài người cho rằng bài thơ có liên qua đến "vấn đề chính trị". Do vậy xin đăng lại bài này đẻ làm tư liệu. N.L


Bài thơ “Thường dân” giải nhất báo Văn nghệ trẻ 2003

Trong cuộc thi thơ lục bát năm 2003 có bốn vạn bài thơ dự thi. Một dân thường tên là Nguyễn Long ở tỉnh Thái Bình dự thi bài Thường dân và được trao giải nhất. Khi bài thơ “Thường dân” của ông được trao giải nhất báo Văn nghệ trẻ, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, thành viên ban giám khảo cuộc thi có lời bình: “Bài thơ nói những điều ai cũng thấy, cũng biết mà không biết nói thế nào cho thành thơ và... không sai chính trị”. Theo ông, thường dân làm thế nào để nói về nỗi khổ của mình mà không sai chính trị? Nhà thơ Nguyễn Long đã trả lời:  Tôi nghĩ chỉ có những lời nói cũng như những việc làm chống lại Nhà nước, chống lại quyền lợi của dân tộc thì mới gọi là sai chính trị, chứ nếu dân còn đói, còn khổ, cuộc sống còn những bất công... mà nói đúng như vậy thì không thể gọi là sai chính trị.

vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu


Nguyễn Long

Thường dân

Đông thì chật, ít thì thưa

Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân

Quanh năm chân đất đầu trần

Tác tao sau những vũ vần bão giông.

Khi là cây mác cây chông

Khi thành biển cả, khi không là gì

Thấp cao đâu có làm chi

Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.

Ăn của đất, uống của trời

Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin

Ồn ào mà vẫn lặng im

Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.

Chỉ mong ấm áo no cơm

Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành

Hoà vào trời đất mà xanh

Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét