NGUYỄN LONG
CON ĐƯỜNG THƠ, ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠM
Tôi thường
nghĩ: Con đường thơ có cánh cửa rất rộng, hình như rộng đến không cùng nên thời
nào cũng có ngàn vạn người bước chân vào. Hoặc ai muốn đến muốn đi lúc nào cũng
được.
Có người bảo
thơ là thứ linh đơn của tâm hồn con người. Nó trong vắt và tinh khiết như nước
mạch đầu nguồn, nhưng làm say đắm và mê hoặc con người bởi có chất linh men, nên
không phải ai uống cũng được. Người tinh tế, cao sáng uống vào càng cao sáng
tinh tế hơn. Người không cao sáng tinh tế uống vào chẳng có tác dụng gì. Và cái
chất linh men thơ ấy không phải là không có những phản ứng phụ như bất cứ dược
tố nào. Người ta gặp ở nơi thơ đủ những con người. Có nhiều người thơ thực thụ,
họ coi thơ là thứ có thể cứu rỗi linh hồn con người nên cả đời cặm cụi tiếp theo
tiền nhân làm ra thứ linh dơn của con người. Lại có không ít người nhầm tưởng
thơ cũng như nước lã, muốn làm ra bao nhiêu, muốn uống bao nhiêu cũng được và
mắc cái bệnh coi mình là vĩ nhân trước thiên hạ
Đằng
sau cánh cửa thơ, con đường tho thực sự hiểm trở mông lung và cao thẳm. Mỗi
người thơ là một khách bộ hành. Chẳng ai giống ai, nhưng đều phải gánh theo cái
nghiệp thơ nặng trĩu và hoàn toàn đơn độc. Ai cũng háo hức hướng về phía trước,
nhưng càng đi càng thấy gian nan vất vả. Không mấy người thơ là không trải qua
những cơn tuyệt vọng. Nhiều lúc muốn quẳng bút đi làm một công việc khác cho
nhẹ nhàng thanh thản hơn.
Người
thơ nào cũng ao ước tới được chân trời thơ, và chân trời thơ bao giờ cũng thừa
chỗ cho mọi người. Nhưng con đường thơ càng đi sâu càng vắng người. Có bao
người mới đi được chặng đầu đã nhận ra mình nhầm đường nên bỏ cuộc. Cũng có
người tri ân tri kỷ với thơ, song cả đời dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể
tiến lên, cứ quẩn quanh ở cái mốc ban đầu. Chỉ những tài thơ đích thực mới vượt
lên được phía trước và cắm được những cột mốc cho con đường thơ của mình, góp
phần làm dạng danh thơ thời đại . Người đi được càng xa thì càng lớn lên thành
đồi thành núi. Những trái núi lớn là những bậc thiên tài ai cũng phải ngưỡng mộ
và không mấy người vượt nổi. Những dải núi lớn cao chót vót mà cả thế giới đều
biết đến là những đại thi hào của nhân loại mọi thời.
Trên
con đường thơ không bao giờ có lối đi chung cho mọi người. Mỗi người thơ đều
phải tự tìm, tự mở lối cho riêng mình. Người đi sau bao giờ cũng phải tránh
những lối của người đi trước. Không ai ngăn cản người thơ cặm cụi bước theo lối
mòn, nhưng đó là con đường đưa người thơ đến chỗ chết. Nói như Hemrich Heine
(nhà thơ Đức): Người đầu tiên ví phụ nữ như hoa hồng là một nhà thơ vĩ đại,
còn người sau đó là kẻ ngớ ngẩn.
Con
đường thơ là con đường không thể và không bao giờ có dự báo trước. Kể cả những
khi tưởng những quả đồi, trái núi mới xuất hiện. Nhưng thời gian và tự nhiên sẽ
nghiệm chứng nó. Chỉ những đồi núi thật mới neo bóng trong hồn con người và còn
lại mãi mãi.
Và cũng không
có con đường thơ nào là con đường chung cho mọi thời. Một thời đại nếu không mở
được những con đường thơ mới là thời đại không có thơ. Sau nền thơ Đường sừng
sững như dãy Hy Mã Lạp Sơn và trở thành ngôi nhà thơ ca của nhân loại. Có lẽ
bởi sự sùng kính nên mấy trăm năm sau đó thi ca Trung Hoa không dám bước ra
ngoài đền thờ những Thánh thi, Tiên thi, Thần thi, Phật thi ấy. Người đời sau
bảo: Thơ Tống chỉ là cái bóng của Đường thi và tới đời Thanh thì đất nước Trung
Quốc chỉ có gốm sứ chứ không còn thơ nữa. Có lẽ do vậy mà ở mọi thời, mọi người
đều trân trọng cúi đầu trước những người dám mở con đường thơ mới. Mặc dù họ
chưa thành công hoặc tuy biết có thể thất bại mà vẫn dám đi trước mọi người.
Người làm thơ
nào, dù tài cao hay thấp cũng đều hiểu sự gắn bó với thơ là một cuộc hành trình
vừa hy vọng vừa vô vọng. Nhưng bao nhiêu người vẫn lẽo đẽo tìm kiếm, quẩn quanh
với câu chữ và thử sức hết lần này đến lần khác với nó.
Đáng thương
thay và cũng đáng trọng thay cho những ai bị nghiệp thơ đọa vào người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét