Trang

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

THƠ HAY THÁI BÌNH

 


THƠ HAY THÁI BÌNH

Thế nào là thơ đã khó, thế nào là thơ hay còn khó hơn nhiều. Đã bao nhiêu lời bàn kim cổ mà vẫn không có điểm dừng.

 Nay nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội VHNT Thái Bình ( 1970 – 2020), tôi thử chọn thơ hay Thái Bình cũng chẳng có gì làm chuẩn, chỉ căn cứ vào hai điều:

-         Thơ Thái Bình là thơ của những người sống và làm việc ở Thái Bình. Những người quê Thái Bình đã sinh sống và sáng tác ở nơi khác  vài  ba chục năm trở lên và những người đã gắn bó với văn chương TB nhưng  hiện không ở TB nữa như: Trần Anh Thái, Đặng Hấn, Nguyễn Linh Khiếu, Kim Chuông, Bùi Hoàng Tám, Đàm Chu Văn...  thì không tính là thơ TB. Những người quê các tỉnh khác nhưng đã sông, làm việc và viết thơ ở TB vài ba chục năm nay, hơi thỏ của thơ vẫn là chất TB thì  gọi là thơ TB.

-         Thơ hay là do cấ nhân tôi cảm nhận và lựa chọn chứ không dựa trên thứ bậc, điều kiện nào.

Khi giới thiệu các tác phẩm thơ cũng vậy, không xếp thứ  bậc trên dưới trước sau, tiện ai thì giới thiệu trước, người chưa có đủ văn bản tài liệu thì giới thiệu sau, và đã là hay thì cũng không  cho là ai hơn ai kém cả.

 

XUÂM ĐAM

 

Tên thật là Phạm Xuân Đam.

Quê  Làng Mây, xã Thượng Hiền, Kiến Xương, TB

Giáo viên dạy văn

Sinh năm 1943, mất năm 2015

Hội viên Hội VHNT Thái Bình

 

 

TÌNH MẸ

 

Đã nên hạt thóc mẩy tròn

Còn lo chớp bể mưa nguồn mẹ ơi

Cha đi mấy chục năm trời

Một thời con gái mẹ tôi chờ chồng.

 

Ai ru con sáo sang sông

Lời ru cắt ruột cắt lòng đêm thâu

Cầm lòng một bát cơm nâu

Dưới chân nước cóng trên đầu mưa bay.

 

Mẹ tôi như nhánh mạ gầy

Hoá thân làm bát cơm đầy nuôi tôi

Miếng trầu không dám mặn vôi

Sợ đôi má đỏ người đời dèm pha.

 

Giọt mưa đau ở mai nhà

Mưa trên lòng mẹ hơn là trời mưa...

Tôi ngồi nhớ mẹ tôi xưa

Mùa xuân đến sớm... người chưa thấy về.

 

 

  KÍNH THƯA CON NGƯỜI

 

Kính thưa các kiểu kính thưa

Chân thành kính gửi, say sưa kính mời

Kính thưa một tấn trò đời

Đầu xuôi đuôi lọt bao lời kính thưa!

 

Kính thưa sớm nắng chiều mưa

Kính thưa vết loét thơ chưa thể liền

Con ông Đô, cháu ông Tiền

Đầu xanh đầu đỏ lạm quyền kính thưa!

 

Sự đời đã biết hay chưa

Kính thưa nước mặn, kính thưa đất phèn

Kính thưa nghèo khổ kinh niên

Hạt gạo như thể nàng Tiên tặng đời!

 

Kính thưa những giọt mồ hôi

Mọc lên nhà máy, tơi bời vòng quay

Kính thưa thần phép đôi tay

Niềm tin đến bạc đầu này, kính thưa!

 

Bao giờ cho tới ngày xưa

Và ngày nay nữa

          Kính thưa con người!

 

 

VE SẦU

 

Nằm mà có ngủ nổi đau

Còn ra rả tiếng ve sầu ngày xưa

Tiếng buồn xao động nắng trưa

Mà da diết gió, mà thờ thẫn cây

 

Kêu chi kêu đến hao gầy

Mấy lần lột vỏ, không thay được hồn

Tuổi thơ đành đã không còn

Kêu chi tha thiết mỏi mòn bấy nay

 

Bởi không uống hết niềm say

Nên ve treo xác trên cây, mà sầu

Cuộc tình thơ mộng gì đâu

Chung quy vẫn thuở ban đầu đấy thôi

 

Ta đi qua mấy phần đời

Tiếng ve còn hát chơi vơi trong lòng.

 

 

 

 

LƯƠNG HỮU



Tên thật là  Nguyễn Hữu Lượng

Nhà giáo

Quê: TP Thái Bình

Sinh năm 1937

Hội viên Hội VHNT Thái Bình

 

 

XEM CHÈO MẸ ĐỐP

 

Chẳng lẽ em mong là mẹ Đốp

Kéo dân làng trở lại kiếp đi rao

Và dao thớt bưng mâm giải chiếu

Cho lũ quan vien vênh mặt cường hào.

 

Nhưng nếu được bốc mồm lý trưởng

Gói vào vạt váy gái đang xuân

Làm cứng họng những hàng râu khuếch khoác

Xin cho em làm mẹ Đốp một lần.

 

Ở những chốn lệ còn cao hơn luật

Cần nhiều tay mẹ Đốp mới xong thôi

Các cụ lý xưa nay thường đuối lý

Lý cũng thèm oản bụt táo chua rơi.

 

Chỉ là trò giỡn mặt nhau chơi

Mà làng nước xưa nay cũng thoáng

Được bắt khoán chính những thằng bắt khoán

Nổi trống chèo đảo lộn ngược mọi buồn vui.

 

 

XEM BẠN ĐÁNH CỜ

                   Tặng anh H.Đ

 

Dù chưa sạch nước cản

Cũng xem bạn cầm quân

Từng ô đời biến ảo

Mã kẹt nước giao chân

 

Cờ cao không gặp thế

Chịu bí một bên bàn

Thí xe hơn thí tốt

Khuyết sỹ cờ mau tàn

 

Dẫu tài như Đế Thích

Còn đau nước pháo lồng

Ở nơi cần trí lực

Người hiền thường long đong

 

Nào thôi bày ván khác

Xuất tướng thận trọng hơn

Dè chừng quân pháo gác

Hay đánh ngầm sau lưng

 

Ngồi xem tài cao thấp

Phục bạn nết khoan dung

Nhường đối phương một nước

Nụ cười cứ như không.

 

 

THÁI BÌNH

 

Thái Bình ở phía trăng lên

Củ khoai hạt lúa vốn hiền như không

Mênh mông biển, mênh mông đồng

Câu chèo như tự trong hồn trào ra

 

Nắng có táp, mưa có sa

Sông Trà sức vóc đã là bấy nhiêu

Chảy qua cái khó, cái nghèo

Cũng ra tới biển, cũng nhiều khát khao.

 

Người quê được cái nết chào

Cỗ đầy không hám, mâm cao không màng

Có chăng một miếng giữa làng

Đồng tiền bát gạo lẽ thường vậy thôi

 

Nôm na chuyện “cóc kiện trời”

Trời mư trời vẫn là người chí tôn

Quen rồi một nắng hai sương

Quê hương vạt muống chum tương vẫn là...

 

Tháng tám thương mến tháng ba

Qua cơn giáp hạt là qua mọi bề

Thái Bình kể vậy em nghe

Kẻo trăng lại ngại mây che phía này.

 

 

 

 PHẠM HỒNG OANH

Quê  xã Vũ Phúc, TP Thái Bình

Cử nhân SP Văn

Sinh 1973

Hội viên Hội VHNT Thái Bình

 

 


MUỐI DƯA

 

Tươi cái mất, héo cái còn

Tôi đem muối những nỗi buồn thành dưa

Tưởng vừa chớm đến độ chua

Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu?

 

Một thời mặn nhạt cho nhau

Xa xôi nào nghĩ nát màu lá xanh

Gỡ xong ngày tháng ...vô tình

Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua

 

Hoa vàng nở giữa trời mưa

Gió đưa cây cải ngày xưa về trời

Thương thầm từng cọng rau tươi

Rưng rưng cái mất, chơi vơi cái còn.

 

 

GỬI NGƯỜI MỘT THUỞ

 

Thôi người cứ hạnh phúc đi

Ta chẳng thể níu người về nữa đâu

Tình yêu sóng cả sông sâu

Ta nâng niu những nỗi đau thật lòng

 

Ta mơ một khoảng trời hồng

Giờ giông bão, suy cho cùng tại ta

Ngỡ là ngon ngọt cỏ hoa

Trái tim gai nhọn đâm tà áo xanh

 

Ta ngồi đan lại mong manh

Buồn đau rồi cũng sẽ thành tình yêu

Trả người ham hố cao siêu

Ta về nhận lại những điều qunh ta

 

Tiếng lành gần, tiếng dữ xa

Sẽ day dứt lắm nếu ta phụ người

Giờ ta thanh thản nói cười

Và ta nhường để cho người phụ ta.

 

Tình yêu là giấc mơ xa

Cầu cho người mãi là hoa của đời

Còn tan men phía chân trời

Vẫn tin cỏ thắm, trăng ngời rạng hơn.

 

 

MỖI NGÀY

 

Vừa rực rỡ thế ban mai

Mới trưa đã nhuốm hình hài hoàng hôn

Đêm về bỗng thật mình hơn

Hoa tàn, trăng lặn, mây buồn, mưa dai.

 

Mỗi ngày lại có ngày mai

Thời gian cứ nhặt tàn phai góp vào

Lời cho không thật ngọt ngào

Nên câu nói dối lúc nào cũng xanh

 

Ngày nhiều tháng vẫn mỏng manh

Năm nhiều mà vẫn khó thành đời vui

Chợt gần gũi, đã xa xôi

Trái tim sống được bởi nuôi nỗi buồn.

 

 

 

 

PHAN ĐỨC CHÍNH

Quê : Hưng Hà, Thái Bình

Sinh 1945

Nhà báo

Hội viên Hội NV Việt Nam

 

 


 

KHÚC HÁT TẶNG SÔNG HỒNG

                       (Trích Trường ca Mưa trong đất)

 

I

Đồng bằng

Những ngôi nhà đất

Con trâu kéo xe trong trận chống càn

Vua cày ruộng

Dân về lập ấp

Tiếng bé cười lẫn trong đám cỏ hoang...

 

Đêm đồng bằng

Chật hẹp lo toan

Mẹ mong mãi  mưa chưa đầy chum nước

Ngọn rau muống vương con mắt ướt

Chum tương đầy

Mẹ quen để ngoài sân.

Các anh con đã nhiều lần múc cạn

Mẹ vơi đi bao nỗi nhọc nhằn

Trăng đồng bằng

Từ đất mọc lên.

 

II

Trăng đồng bằng

từ đất mọc lên

Mai trời nắng

mẹ lo dậy sớm

Lo vá áo

Mẹ còn lo vá nón

Thương đồng  bằng gồng gánh trên vai

Mẹ thương con

ngày rộng tháng dài

Tiếng gà gáy ơi sao sớm thế?

Tiếng con nước sinh con

cồn chớp bể

Tiếng chày khuya mẹ

giã gạo một mình

Sông Hồng ơi

sông chảy hết mình

Sông đỏ thắm như lòng người đỏ thắm

Mẹ gánh nước sông Hồng

con uống

Bao đắng cay bỗng hóa đậm đà

Bao đau thương chắt lọc hóa phù sa

Bao dữ dội biết dặn lòng độ lượng

Sông dào dạt mở lòng mình ra biển

Một dòng sông nuôi lớn cả hai bờ

 

Những ngày xưa

Thương nhớ của mẹ tôi

Mẹ sinh con lẫn trong hai triệu người chết đói

Những cây số người

Chết dần

Chết mỏi

Cột cây số nào mẹ đã sinh con.

Ai bò ra

Từ những đống xương

Ai ngã xuống không manh chiếu đắp

Ai từng ngồi ru xác chết

Giữa mưa dày đổ xuống bóng đêm?

Cho dù ai

Hay nhớ

Hay quên

Trong người sống có một người đã khuất.

Người hành khất có gì để mất

Chiếc bị tay kia

Và chiếc gậy tay này!

Mẹ khẽ hát

Chừng như sóng hát

Câu hát nhòa nước mắt

Phù sa

Chẳng ai nhuộm được sông Hồng đỏ mãi

Mẹ Âu Cơ rồi cũng phải già

Sông chảy máu ra từ ruột đất

Một nửa đầy

Bồi đắp nửa kia.

 

III

Ôi đêm nay gió mùa đông bắc

Lòng mẹ heo may tới rải đồng

Mẹ mong cơn mưa chỉ mình mẹ ướt

Mẹ gửi bầu trời tấm áo bông

Thương các anh

Mẹ thắp nén nhang

Mẹ quá cố

Ai thắp hương cho mẹ

Lòng mẹ rỗng ở nơi gặp bể

Thương vỏ sò dưới đất ngủ quên

Bông lúa chín lại chín thêm lần nữa

Hạt gạo mẹ mơ có giống chiếc thuyền?

 

Trăng đồng bằng

Từ đất mọc lên.

 

 

 

 

ĐÕ TRỌNG KHƠI

Quê: Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình

Sinh 1960

Hội viên Hội NV Việt Nam

 

 


 

CON CHIM THIÊNG VẪN BAY

 

Giọt nắng cuối trời rơi xuống cánh chim xa

Chim mang nắng đi

sắc trời tan lẫn

mỏng đến thế

nhẹ tênh đến thế

khung trời kia ơi.

 

Chất ấm nồng tan ở cuối trời

người chinh phụ ấy

tuổi đã ngoài năm mươi

ngót ba mươi năm rồi

nhìn chân trời

đêm đêm mơ màng ôm giọt nắng.

 

Bà hy vọng

vào con chim thiêng

không nỡ bỏ đường trời!

 

 

GỌI LÀNG

 

Đơn sơ một nếp quê hương

Con sông nho nhỏ, con đường tơ giăng

Mùa đi cây chẳng  nói năng

Mà vườn ruộng vẫn tháng năm xanh đầy.

 

Ba trăm năm lẻ dựng xây

Tuổi làng gần tuổi làn mây cuối trời

Bạn bè ngày ấu thơ ơi

Thương làng thương lắm cái thời tre xanh.

 

Làng giờ khuất bóng tre xanh

Cây đa bến nước cũng thành ngày xưa

Nhớ ngây ngô, nhớ bơ vơ

Nhớ sao hương nắng sắc mưa năm nào

 

Bây giờ giá được ước ao

Ước cho trời thấp, đất cao bằng trời

Trai làng đùa trăng vàng trôi

Gái làng lấy áo hứng lời trăng thương.

 

Chiều nay ra đứng ven đường

Gọi làng, vọng nỗi cố hương xa vời

Tre xanh, hồn của bao đời

Chợt về xanh mát hồn tôi hồn làng.

 

 

CẦM THU

 

Trời đã thấp, đất đã cao

nắng đã mỏng, trăng đã hao sắc rồi

 

Kết mùa ngậm bóng hoa rơi

Mà theo hoa rụng về thời thơ sinh

 

Mà về thăm thẳm tâm linh

lặng nghe tĩnh vắng xóa hình dáng ta

 

Mà về hòa giữa dư ba

Trùng trùng sương lá mưa sa kín lòng

 

Thân một bến, tâm một dòng

một bàu nửa thực nửa không, thu bày

 

Năm đơm đã chín trái ngày

cầm thu chói rực bàn tay cội cành...

 

 

 

 

 

 

NGUYỄN LONG

Quê: Hiệp Hòa, Vũ Thư, Thái Bình

Sinh1953

Nhà báo

Hội viên Hội VHNT Thái Bình

 

 

THƯỜNG DÂN

 

     Đông thì chật, ít thì thưa

chẳng bao giờ thấy  dư thừa thường dân

quanh năm chân đất đầu trần

tác tao sau những vũ vần bão dông

 

Khi làm cây mác cây chông

khi thành biển cả khi không là gì

thấp cao đâu có hề chi

cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi

 

Ăn của đất, uống của trời

dốc lòng cởi dạ cho người mình tin

ồn  ào mà vãn lặng im

mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn

 

Chỉ mong ấm áo no cơm

chắt chiu dàng dụm thảo thơm ngọt lành

hoà vào tời đất mà xanh

vô tư mấy kiếp mới thành thường dân

 

 

THÍM TÔI

 

Suốt đời quần mảnh áo manh

thím tôi lúc chết bỗng thành giầu sang

đám ma rắc bạc rắc vàng

kiệu son cờ gấm đưa ngang trời chiều.

 

Tấm thân còm cõi liêu xiêu

mà đi qua hết mọi điều khổ đau

còn mong tới được kiếp sau

gặp con người sống với nhau nhân từ.

 

Một đời nửa thực nửa hư

buồn như mảnh gió, lành như đất đồng

cằn khô phúc lộc nhà chồng

trách mình phận mỏng vun trồng chẳng nên.

 

Thím tin có Phật, có Tiên

bao nhiêu vận hạn ở hiền cũng qua

quanh năm chỉ biết chợ nhà

bao giờ chết sẽ đi xa như người.

 

Khổ đau à, khổ đau ơi

cất xong một gánh phận đời nhẹ tênh

cầu vồng bảy sắc chênh vênh

mây giăng chín nhịp, gập ghềnh thím qua.

 

 

KIẾP LÀNG

 

Lẫn vào gió, ẩn vào sương

dầm mưa dãi nắng vất vương kiếp làng

buồn như những sợi khói lam

theo làn mây trắng bay ngang cánh đồng.

 

Kiếp làng trĩu chiếc đòn cong

đời con gánh tiếp lưng còng đời cha

bao đời cây gạo có ma

những khi làng đói đỏ hoa đầy trời.

 

Kiếp làng có kiếp mẹ tôi

thắt lưng xanh biếc một thời tuổi xuân

cha đi chiến trận mấy lần

mẹ tôi chờ héo cả vầng trăng thu.

 

Kiếp làng từ thuở mịt mù

những lời nguyền chứa hận thù, oan khiên

đất làng dông bão liên miên

thuế sưu, nhũng nhiễu đảo điên lòng người.

 

Đưa nhau xuống bể lên trời

trả ngàn năm vẫn chưa vơi kiếp làng.

 

 

 

ĐẶNG VĂN TOÀN

Quê: Đông Hầ, Đông Hưng, Thái Bình

Sinh 1953

Hội viên Hội VHNT Thái Bình

 

 


LÀNG TÔI

 

Làng tôi ở phía cánh đồng

bờ đê thoải xuống triền sông miệt mài

nhọc nhằn hạt đỗ củ khoai

gió hun hút thổi gió ngoài bãi hoang

 

Làng tôi ở phía mùa màng

buồng cau tháng tám treo ngang tháng mười

lúa đồng hạt lép hạt rơi

hạt lăn về cót nuôi người nắng mưa

 

Làng tôi ở phía ngày xưa

bóng đa đổ xuống bóng chùa quạnh hiu

cổng chùa chiếc cánh xiêu xiêu

chiếc then cài lỏng vào chiều hương nhu

 

Làng tôi ở phía mùa thu

gió lay chuốt mỏng câu ru xoan đào

cánh cò về trắng bờ ao

bông hoa súng tín in vào tuổi thơ

 

Để rồi ở phía mộng mơ

những đêm náo nức ngóng chờ trăng lên

gió như nghìn lượt sóng êm

làng vươn theo dáng con thuyền ra khơi.

 

 

ĐÈN GIỜI

 

Quanh năm úp mặt xuống đất

đêm nay ngẩng mặt lên trời

đêm nay làng đốt đèn giời

trống khua rung chiều khói biếc

 

Một chiếc hai chiếc ba chiếc

đèn bay đỏ như sao sa

nỗi niềm gió mây bát ngát

mặt người tươi như mặt hoa

 

Ngoài kia dòng sông đang chảy

lúa mùa nưng nức đang bông

làng như con thuyền đang chạy

nắng mưa khép vạt cánh đồng

 

Quên đi tháng ngày bận rộn

chuyện đời có lúc đầy vơi

đêm nay cả làng mơ mộng

ta thắp hồn lên với trời.

 

 

BÀI THƠ CHƯA THÀNH

 

Trường Sơn xa, Trường Sơn sâu

ta còn người bạn bấy lâu không về

bạn hy sinh giữa trưa hè

dưới mênh mông nắng rừng le tỏa tròn

 

Tháng ngày, đồng đội, đạn bom

Lúc ra đi bạn hãy còn trang thơ

nửa trang chữ đẩy chữ xô

nửa còn giấy trắng, bài thơ chưa thành

 

Nỗi niềm sau cuộc chiến tranh

mấy lần ta định nối vần lại thôi

có khi cái chỗ không lời

lại là cái chỗ cuộc đời hiện lên

 

Để nguyên, cứ để trống nguyên

Cho thơ lặng một khoảng yên mát còn

Cho hôm qua chẳng phai mòn

Và Trường sơn mãi Trường sơn giữa đời

 

Gian nan thơ cũng như người

Máu xương đi hết cuộc đời núi sông.

 

 

 

 

 

 

 

VÕ BÁ CƯỜNG

Quê: Đông Hưng, Thái Bình

Sinh 1940

Hội viên Hội NV Việt Nam

 

 


CHỮ NGHĨA

Trang giấy mỏng chữ thánh hiền để lại

Dắt ta đi trong ý tứ lặng im

Chữ nghĩa một đời nhân từ hư tĩnh

Lời như bóng nhạn ngang trời

 

Chữ khẳng khái sông nào pha máu giặc

Chữ âm thầm chỉ biết hiến dâng thôi.

Chữ nghĩa nâu sồng nắng mưa cực nhọc

Chữ hiền lành như quả ngủ đầu cây

 

Chữ nối chữ như đất đai cầy lật

Chữ xa xăm u tịch vơi đầy.

Chữ nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn dậy

Thâm uyên gió thổi lòng sâu

 

Thương kẻ tật nguyền yêu người nhân hậu

Chữ khiêm nhường như đất mãi màu nâu.

 Giấy mỏng ngàn đời chữ nghĩa nông sâu

Câu chữ trong ta nửa sương nửa gió

 

Soi vào chữ thiêng liêng mờ tỏ

Tàn tro bay hồn chữ gọi người.

 

 

 

 

 

TRỌNG KHÁNH

Quê: Thái Thụy, Thái Bình

Sinh năm 1`947, mất 2013

Hội viên Hội NV Việt Nam

 

 


MƯA BONG BÓNG

 

Trời mưa nổi bong bóng nước

Bà ngồi chóp chép nhai trầu

Một mình cháu chơi tam cúc

Mẹ giờ dạy học nơi đâu.

 

Trời mưa dày bong bóng nước

Ai ngồi đếm hạt mưa mau

Trường nghèo dột dần tới nóc

Thày trò cùng ướt như nhau.

 

Trời mưa chìm bong bóng nước

Biết rằng cơn mưa còn lâu

Anh đi mưa ướt đằng trước

Em về đẫm vạt áo sau.

 

Trời mưa tan bong bóng nước

Trước hiên loang đỏ bã trầu

Một mình cháu chơi tam cúc

Bà cười nhìn cháu rất lâu.

 

 

 

 

NGUYỄN THỊ THU NGUYỆT

Quê: Hiệp Hòa, Vũ Thư, Thái Bình

Sinh 1950

Hội viên Hội NV Việt Nam

 

 


CHUỘC YÊU

 

Phía dại khờ đến mãi đâu?

Mà đi tận bạc mái đầu chưa qua.

 

Ngớ ra người cũng như ta

Lơ ngơ đến vụng dại mà tin yêu.

 

Thôi thì khờ dại đã nhiều

Thì thôi đời một chữ yêu thôi đành.

 

Ví bằng về được tuổi xanh

Tôi mang bán cả kinh thành chuộc yêu.

 

 

 

 

 

NGUYỄN VĂN HUY

Quê: Kiến Xương, Thái Bình

Sinh 1979

Cử nhận SP Văn

Hội viên Hội VHNT Thái Bình

 

 


NHỚ QUÊ

 

Hẳn là cốm đã lên hương

Rơm vàng rải rác con đường thôn quê

Ta xa lâu lắm không về

Mẹ ta chân đất nón mê ngóng chờ.

 

Thảo nào trong những giấc mơ

Con đò ngày cũ hững hờ buông neo

Đâu đây tiếng vọng quê nghèo

Gọi về như tiếng khua chèo đêm đêm.

 

Hẳn là ngõ sẽ vui lên

Bởi ran ríu tiếng trẻ em nô đùa

Chợt thương giấc ngủ ngày mùa

Cứ thon thót sợ cơn mưa cuối trời.

 

Xa quê đã mấy năm rồi

Sông quê mấy bận lở bồi sang nhau.

Dường như bãi mía nương dâu

Chiều nay bàng bạc một mầu nhớ thương.

 

 

 

 

PHẠM CÔNG LIÊN

Quê: Quỳnh Phụ, Thái Bình

Sinh 1949, mất 2016

Thưng binh chống Mỹ

Hội viên Hội VHNT Thái Bình

 

 


LÀNG XE LĂN

 

Làng tôi ở một vùng châu thổ

Bên dòng sông xanh đất xanh trời

Mỗi mùa cánh đồng vàng lúa trổ

Mang ngọt ngào nuôi sống làng tôi.

 

Dân làng tôi là trai tứ xứ

Một thời yêu em Mận em Đào

Kẻ dân giã giấc mơ thường giản dị

Mái nhà yên ríu rít ra vào.

 

Dân làng tôi chẳng giống làng nào

Tất cả xe lăn, chẳng mấy người đi được

Một thằng mất thì cả làng cùng khóc

Tiễn bạn về... chầm chậm bánh xe lăn.

 

Dân làng tôi ít người lấy vợ

Bốn mùa lẻ loi vò võ bốn mùa

Ngày giỗ tết nhớ ông bà tiên tổ

Giường cá nhân ai nỡ cắm hương thờ.

 

Ở làng tôi toàn người có tuổi

Thời trẻ trai trải bốn phương trời

Làng thật hiếm một người cao tuổi

Cụ nhất làng mới ngoại năm mươi.

 

Dân làng tôi những người dễ tính

Cơm muối dưa đắp đổi qua ngày

Cười ra phết, còn nguyên chất lính

Mùa đông về kệ lá vàng bay.

 

Làng tôi ở một vùng châu thổ

Bên dòng sông xanh đất xanh trời

Làng của tôi sẽ vào chuyện cổ

... Ngày xửa ngày xưa có một làng tôi...

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét