Trang

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

BẾN LƯU GIA


Truyện ngắn của Nguyễn Long

    
         
Cầm lời mời của Trung An Vương từ mấy tháng trước, cuối mùa đông năm Quý Tỵ hiệu Hưng Long vào tháng chạp ngày ông Táo lên trời, đoàn du thuyền của Trần Quang Khải theo dòng Nhị Hà hơớng về bến Lưu Gia. Đang là mùa nước trong, dòng cạn, gió đông bắc cuối năm phần phật thổi thuyền không cần người chèo cứ căng buồm lướt nước mà đi. Lá cờ đỏ tua vàng thêu bốn chữ  Thượng tướng Thái Sư còn hằn nếp gấp lâu ngày phấp phơ tung bay trên sóng. Trần Quang Khải chân đi dày vải, mặc đồ tơ tằm thô dày, khoác áo choàng gai, khăn the quấn kín cổ đứng ở mạn thuyền ngắm sông nước. Cái bóng cao gầy, mái đầu trần tóc bạc trắng của ông hoà vào sương khói dòng sông. Thuyền chạy từ trang ấp Phúc Hưng độ hai giờ đã tới cửa Hải Triều. Nơi ngã ba, lòng sông trải rộng ra như cửa bể. Thái sư bồi hồi nhớ lại chính ở nơi này năm ất Dậu, ông hộ giá hai vua qua đây vào lúc nửa đêm, chẳng may một chiến thuyền bị hoả hoạn. Giữa lúc quân gia hoảng loạn tưởng giặc đánh đến nơi thì chính phi Phụng Dương vẫn bình tĩnh vào đánh thức rồi đưa cho ông áo giáp, kiếm, lá mộc che tên... Mới đó mà đã gần chục năm rồi… Đang mải suy nghĩ nên thứ phi An Thuyên ra đứng cạnh ông lúc nào không hay. Giọng thứ phi nhỏ nhẹ: "Thưa Thái sư, còn một đoạn nữa là tới Lưu Gia độ, mời Thái sư thay áo. Bộ triều phục thiếp đã sắp sẵn trong thuyền". Trần Quang Khải cười thân mật: "Ta về Lưu Gia lần này ăn giỗ nhạc phụ và thăm Trung An Vương chứ có phải việc triều chính đâu mà cần sắc phục. Mà ta đã dặn nàng nhiều lần rồi, ở nhà cứ gọi ta là Minh Vương chứ cần gì lúc nào cũng phép tắc. Ta về nơi Phong ấp đã mấy năm rồi". An Thuyên cúi đầu nhận lỗi "Dạ... Thiếp gọi theo chính phi quen rồi nên khó sửa lại được". Nghe nàng nhắc tới Phụng Dương, ông lại nhớ, bà mất thế mà đã được hơn 3 năm. Cái nếp nhà và cách ăn làm do bà rèn dạy, cắt đặt vẫn còn nguyên đâu vào đấy. Một thoáng buồn hiện nên khuôn mặt ông.


                             ***

Phụng Dương là con gái cố tướng quốc Thái Sư Trần Thủ Độ, người mà vua Thái Tông và mọi người trong dòng tộc thường gọi là "Thượng phụ Trần Công". Từ hai tuổi Phụng Dương đã được đưa vào cung làm con nuôi Thái Tông nên được sắc phong công chúa.  Từ nhỏ nàng được nuôi dạy và lớn lên cùng anh em Trần Quang Khải. Ngày ngày cùng ăn, cùng nghịch nên đến khi đến tuổi lấy chồng chưa bao giờ ông nghĩ nàng sẽ là vợ mình. Việc Phụng Dương sẽ gả cho Trần Quang Khải đã được đánh tiếng trong Hoàng tộc từ mấy tháng trước. Đã mấy lần ông nói với vua cha, lúc đó đã là Thái Thượng Hoàng: "Con không lấy công chúa Phụng Dương đâu". Nét mặt Thái Tông trầm xuống: "Phụng Dương vừa đẹp vừa ngoan, trong Hoàng tộc ít ai bằng, sao con không ưng? Đây là việc Thượng phụ đã sắp đặt thì chẳng những ta mà cả Thánh Tông anh con cũng không trái lại được".

          Trần Quang Khải không muốn làm con rể Thái sư Trần Thủ Độ bởi tử nhỏ ông đã rất sợ "Thượng phụ Trần Công". Là Thái sư nhưng ông đi lại nơi cung cấm như nhà riêng của mình. Mọi việc trong Hoàng tộc đều do Thượng phụ tính toán, cắt đặt. Tính ông thẳng, nóng. Người nào việc nào trái ý là ông nói như bổ vào mặt. Có lần Trần Quang Khải thấy Thượng phụ mắng thúc phụ An Sinh Vương là "Thằng giặc Liễu", gọi thúc phụ Khâm Thiên Vương là "Thằng Hạo nhát gan". Mấy anh em Trần Quang Khải kể cả với Thánh Tông lúc ở nhà ông coi như con trẻ. Một lần Thượng phụ vào cung, mấy anh em mải chơi đá cầu bắn cả vào đầu ông, ông chửi: "Sư bố chúng mày, ông mà không tốn công tốn sức năm lần bảy lượt lôi thằng bố chúng mày từ Yên Tử về thì bây giờ làm gì có lũ giặc cơm, lấy đâu ra con đàn cháu đống". Khi đã lớn nhiều lúc ông rất tức vì thượng phụ luôn át quyền vua cha và anh trai Thánh Tông. Mọi việc của vương triều xã tắc trước khi đưa ra triều chính đều phải bàn trước trong Hoàng tộc. Chẳng riêng gì Trần Quang Khải, nhiều người trong và ngoài triều đều sợ và căm tức Thái sư. Nhưng ghét ông mà không ai dám chống lại, thù ông mà không ai dám làm loạn. Chỉ dám xì xào với nhau bới chuyện ông bức tử Lý Huệ Tông, ép vua lấy chị dâu, giết Tôn thất nhà Lý, hạ sát binh sĩ của Trần Liễu... và bảo: "Làm nhiều chuyện thất đức nên dòng giống bị tuyệt tự là phải". Bởi chi phái Trần Thủ chỉ còn ông là "độc đinh". Tuy có nhiều thê thiếp nhưng không có tử nam để lối dõi tông đường. Cái tên "Thượng tướng Thái sư" của ông ngày ấy mới chỉ nghe tiếng nhiều người đã hồn xiêu phách lạc. Sau khi ông mất thúc phụ Khâm Thiên Vương mặc dù gánh trọng trách ông để lại, nhưng kiên quyết từ chối chức Thái sư. Có người bảo: "Cái áo Tướng quốc đã bị Trần Thủ Độ nhúng đẫm máu nên Trần Nhật Hạo không muốn mặc là phải". Kẻ lại nói: "Thượng phụ như con hổ, Khâm Thiên Vương chỉ đáng con mèo sao xứng ngồi thay ghế của ông". Phụng Dương xinh đẹp, nhưng khuôn mặt có nhiều nét giống cha. Mãi đến sau này Trần Quang Khải mới nhận ra vì sao ông không có cảm tình với nàng. Mỗi khi gần Phụng Dương, nét mặt của nàng gây cho ông một cảm giác như "Thượng phụ" luôn luôn ám ảnh bên cạnh. Nhưng duyên phận của ông và Phụng Dương đã được cột lại bằng một buổi họp Hoàng tộc.
          Thuyền gần tới Lưu Gia, An Thuyên thấy lòng hồi hộp và phấn chấn hẳn lên. Nơi đó là phong ấp của Trung Thành Vương cha quá cố của nàng, hiện nay anh trai Trung An Vương đang cai quản. Đó cũng là nơi nàng sinh ra và chất đầy những kỷ niệm tuổi thơ. Cha nàng mất trong trận Bình Lệ Nguyên chống giặc Thát năm Mậu Ngọ. Nàng là con của một thứ thiếp của ông nên lúc đó chưa đầy bảy tuổi. Chị cả An Trang chỉ kém mẹ nàng vài tuổi đã là thiếp của Thượng Hoàng Thái Tông. Trần Quang Khải kết thân với Trung An Vương từ hồi còn ở Quốc học viện. Những đường kiếm như thần của phái Hoa Sơn đã thất truyền trong võ lâm mà An Vương học được ở cha đã khiến Trần Quang Khải quý nể. Phái Đông A từ xưa vẫn chuyên chủ với các môn gia truyền như Hổ, Ưng - Xà quyền. Trần Quang Khải lại mê sự khoáng đạt thanh thoát như múa của võ kiếm hơn cái nghệ thuật nhanh, mạnh cơ bắp của võ quyền. Năm mười bốn tuổi, An Thuyên được anh chị đưa lên Kinh thành. Lúc đó Quang Khải đang buồn chán và nhạt tình với Phụng Dương. Vẻ đẹp tươi trẻ thôn dã của nàng như dòng nước mát đã làm xanh lại nỗi lòng đang ủ ê trong ông. Nàng theo ông thấm thoắt đã nửa đời người. Là người được ông sủng ái nhất trong đám thê thiếp nhưng nàng vẫn sống hồn hậu và giữ phép tắc; luôn tôn thờ Thái sơ và kính trọng Chánh phi. Thuở xã tắc còn thanh bình đã mấy lần Trần Quang Khải đưa nàng về thăm quê. Từ ngày ông gánh trọng trách Thái sư, bận lo đánh giặc lên đã hơn mười năm, giờ mới trở lại Lưu Gia. Nhìn thấy màu xanh ngan ngát của trang ấp đang hiện rõ dần, lòng nàng trào lên một tình cảm thân thương, gần gụi.
          - Về Lưu Gia lần này nàng muốn ở lại bao lâu? - Câu hỏi của Thái sư đưa nàng trở về thực tại.
          - Thiếp chỉ sợ ra ngoài lâu có hại cho sức khoẻ của Thái sư.
          Một thoáng lo ngại hiện lên trong lời đáp của nàng. Từ ngày ở với Thái sư ít khi nàng thấy ông khoẻ mạnh. Chứng ho kinh niên quanh năm hành hạ ông. Ngày còn sống Chính phi thường kể ông bị bệnh ho gà nên ốm yếu quặt quẹo từ nhỏ. Bà thường dạy cho nàng chọn những loại lá để chế thuốc cho ông. Từ sau cuộc bình giặc Thát năm Mậu Tý, sức khoẻ ông càng sa sút. Ông bỏ hẳn Kinh đô về Phúc Hưng trang dưỡng bệnh và vui với thơ phú vườn tược, nhưng bệnh tình vẫn không khá lên được. Nhất là từ ngày Chính phi mất, ông thường trầm tư và mệt mỏi vì những cơn ho thất thường nên chưa một lần ra khỏi phong ấp. Năm nay mới năm mươi ba tuổi mà đầu ông đã bạc trắng, da xạm, mình hạc khẳng khiu. Chuyến du ngoại về Lưu Gia lần này, nàng vừa phấn khởi lại vừa lo bệnh ông trọng thêm.     
          Thuyền vượt qua khúc sông ngoặt, bến Lưu Gia bất ngờ hiện ra. Người đứng trên bờ đông như hội. Cờ phướn các loại bay rợp bến. Thái sư phấn chấn hẳn lên: "Nàng nhìn xem những ai ra đón chúng ta kìa". Đó là những khách được mời tới dự ngày giỗ của Trung Thành Vương. Nhìn những lá cờ suý, Thái sư chỉ cho nàng những người đã có mặt. Lá cờ trắng tua vàng thêu ba chữ Trung Thành Vương là của Lưu Gia. Cờ vàng tua riềm xanh là của gia nhân Yên Sinh Vương ở A Cảo. Có ba chữ "Chu Công Vị" là bảng nhãn Chu Rinh ở Nam Quán. Kia là cờ của ba anh em Vương Trang ở Mỹ Xá. Còn lá cờ đỏ tua vàng là của gia nhân cố Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu ở Phù Ngự... Thuyền vừa lao ván cập bến, Trung An Vơơng nhảy xuống mạn đón Trần Quang Khải và phu nhân trong tiếng hò reo chúc mừng của mọi ngơời. Là bạn cùng lứa với Trần Quang Khải, nhơng Trung An Vương còn tráng kiện. Dáng người cao to, da đỏ, mày ngang, râu tóc còn đen rậm trông như một hảo hán Lương Xuân Bạc. Hai người dắt tay nhau bước lên bến, mọi người xô đến tay bắt mặt mừng. Kể từ lễ hội Hiến Phù ở Chiêu Lăng đã năm năm giờ mới gặp lại. An Vương cũng không ngờ Thái sư già đi trông thấy. Hai chiếc kiệu đã sắp sẵn trên bờ đê. Trung An Vương kính cẩn: "Xin mời Thái sư và Phu nhân lên kiệu cho đỡ mệt". Trần Quang Khải vỗ vai An Vương và nhìn An Thuyên cười: "Anh em nhà huynh giống nhau lúc nào cũng chu đáo và phép tắc. Có mấy bước đường vào trang gia để ta thả bộ cùng mọi người cho vui và ngắm lại cảnh Lưu Gia xem có gì đổi khác".
          Đường vào trang gia hai bên cắm cờ lá chuối đủ màu. Hai rặng nhãn có từ ngày xưa, thân gốc xù xì nhưng vẫn xoà tán xanh tốt. Ngoài sát bờ sông vườn mai có những vạt hoa nở sớm trắng xoá nối liền với những vườn vải, vườn hoè, vườn xoan cây lá xum xuê chạy tới thôn trang. Những dãy miếu mộ hai bên đường đã đổ nát từ lâu cỏ lấp rêu phong, chỉ còn những con sư tử đá, lân đá bày ra cùng mưa nắng. Xung quanh luỹ tre bao bọc lấy thôn trang là những cánh đồng lúa mới cấy trải ra xa tít tắp. Chiếc cổng thôn trang xây vòm, mái cuốn cong mới được quét lại nổi bật lên ba chữ Lưu Gia Trang phủ dưới bóng cây si già cao vút, rễ dài to như rủ từ trên trời xuống. Trong trang gia những dãy nhà, vườn cây, ao cá nối nhau san sát chuông chắn đẹp mắt. Trần Quang Khải vừa đi vừa gật gù khen: "Quả là Lưu Gia đất tốt, cảnh đẹp, không hổ với danh truyền đã mấy trăm năm".
          Tiệc đãi khách đã bày sẵn. Đêm ấy Lưu Gia đèn lửa sáng như ban ngày. Người làm kẻ ăn đông như hội tấp lập suốt đêm. Dầu đổ mấy lần, đuốc thay mấy bận. Bạn bè vồn vã mời nhau, chủ khách vui vẻ cụng chén, rượu chảy suốt mấy canh, xôi thịt xếp như rơm rạ. Từ sau lễ hội Chiêu Lăng, hào kiệt đất Long Hưng mới có một cuộc hội ngộ đông vui nhơ thế

                             ***

          Đêm thứ ba khách xa gần đã về hết. Lưu Gia chìm trong cảnh thanh vắng cuối năm. Chỉ còn Trần Quang Khải và Trung An Vương đàm đạo bên bàn rượu, hai phu nhân ngồi tiếp hai bên. Sau một hồi bàn luận về văn chương, võ thuật, Trung An Vương nói: "Thần có một chuyện trọng từ lâu muốn kể cho Thái sư và An Thuyên nhưng thấy chưa phải lúc. Năm nay giỗ thân phụ, thần mong mỏi từ lâu được mời Thái sư và phu nhân sang cũng là muốn có dịp để bày tỏ. Đây là chuyện về dòng tộc và thân phụ thần. Trước khi kể chỉ xin Thái sư và các phu nhân một điều, những chuyện trăm năm từ đời các thế tổ nên nghe là để quên chứ không phải để nhớ. Ngày phụ thân còn sống cũng thường dặn thần như vậy". Trung An Vương nâng một chén rượu uống một hơi như để lấy thêm sức rồi mới chậm rãi kể: "Gia tộc nhà thần mấy đời nay mang họ Nguyễn nhưng thật ra là dòng dõi tôn thống của Lưu Gia. Về Lưu tộc như mọi người đã biết. Từ mấy trăm năm trước cụ tổ của Lưu Gia là Lưu Ngữ là một cựu thần đời Tiền Lê đã về đây khẩn hoang lập ấp. Tới đời ba con trai là Lưu Khánh Đàm, Lưu Điều, Lưu Ba có công phù nhà Lý lập nên nghiệp Đế nên đều được Lý Thái Tổ ban cho vương tước. Lưu Khánh Đàm sau làm đến Thái Phó đến mấy đời nhà Lý, được phong tước Lưu Đại Vương. Họ Lưu được triều đình cắt cho Hải ấp làm phong điền, đời đời ăn lộc. Lưu Gia trang trở thành trị sở trong vùng. Tổ hệ họ Lưu phát cành xanh cây theo triều Lý mấy trăm năm nên khi nhà Lý suy vi thì Lưu Gia cũng cằn lụi. Đến đời thứ năm kể từ Lưu Đại Vương thì các thế tổ họ Trần từ Tức Mặc di dời về đây lập nghiệp. Trần Tự Duy vì muốn chiếm Hải ấp nên xảy ra hiềm khích do tranh dành trang ấp với Lưu Gia. Gặp lúc thế lực họ Trần đang mạnh, họ Lưu đang suy, một đêm Trần Tự Duy đem người đến tàn sát Lưu Gia cướp đất. Bến Lưu Gia hôm ấy máu chảy đỏ sông, xác phơi đày bãi. Họ Lưu không mấy người thoát chết. Ông nội thần lúc đó còn nhỏ tuổi được một gia nhân bế chạy chốn nên sống sót. Sau được họ Phùng ở Mỹ Xá dấu đem về làm con nuôi và đổi thành họ Nguyễn để tránh Trần Tự Duy "nhổ cỏ tận gốc". Hai đời từ ông nội đến phụ thân thần gắn bó với họ Phùng, được cha con Phùng Tá Thang, Phùng Tá Chu rèn dạy cho võ thuật, đạo Thiền và giao cho chỉ huy gia binh. Họ Phùng tuy nói cho ông nội về thân thế, dòng tộc nhưng thường khuyên dạy: "Hận thù chỉ có thể xoá bỏ bằng vị tha bác ái. Nếu lấy máu để trả nợ máu là hận thù lại đẻ ra hận thù, con người sẽ mê chìm trong bể ác và đời nối đời còn chém giết lẫn nhau". Có lẽ do thấm nhuần các kiến giải của đạo Thiền về Tâm phật, sắc, không, sinh, tử nên ông nội và phụ thân không còn nghĩ đến việc trả thù. Chỉ mong lấy lại được Lưu Gia để làm đất thờ tiên tổ. Khi họ Trần làm lên nghiệp đế, do được Phùng Tá Chu tiến cử, phụ thân thần được vua Thái Tông tin dùng. Sau do công phò vua và có con gái được Thái Tông chọn làm thứ thiếp nên được triều đình phong tước vương và cắt cho Lưu Xá làm đất phong điền. Ngày làm lễ nhận đất, phụ thân vừa tế tiên tổ vừa khóc và ngửa mặt lên trời nói: "Thế là châu lại về Hợp Phố. Ta dù có nhắm mắt cũng không hổ thẹn là con cháu Lưu Gia".
          Trung An Vương ngừng kể. Ngoài trời gió bấc tháng trạp lạnh buốt mà trên mặt ông lấm tấm mồ hôi như vừa đi qua một chặng đường dài. Trần Quang Khải ngồi lặng im nhưng lòng ông như có sóng ngầm khi cuộn lên, lúc lắng xuống theo lời kể của An Vương. Hình ảnh của những con người của Chi phái Trần thủ mạnh mẽ đầy quyền biến cứ chập chờn trong đầu ông. Bất chợt ông hỏi: "Có một điều ta không hiểu. Lưu Gia là thôn ấp màu mỡ, lại có đường lên bến xuống thuyền thuận lợi nhất Long Hưng. Đã hơn một trăm năm họ Trần về đây lập nghiệp. Những người tạo dựng lên nghiệp đế như Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ đều sinh ra và lớn lên ở đây. Khi vương triều chia cắt đất, trong Hoàng tộc có rất nhiều người có quyền uy nhưng không ai nhận Lưu Xá làm đất riêng mà lại ban cho Trung Thành Vương?".
          Đó là điều tới khi nhắm mắt phụ thân thần cũng không hiểu. Có người bảo: "Bởi đất ấy thấm nhiều máu oan của Lưu tộc nên không ai muốn nhận". Sau này thần mới biết không phải như vậy - Trung An Vương nâng rượu mời Trần Quang Khải cạn chén rồi thong thả kể tiếp:
          - Cuối đời cố Thái sư Trần Thủ Độ về Phù Ngự dưỡng bệnh. Lúc đó thần ngoài hai mươi tuổi và phụ thân mất mới được vài năm. Ngày cố Thái sơ sắp mất có cho người gọi thần sang gặp. Sau hồi hỏi thăm về trang ấp, gia quyến rồi sai người đem ra ba trăm lạng bạc, bảo: "Lưu Xá là đất gốc của Lưu tộc đã mấy trăm năm. Ta cũng sinh ra ở đó. Thế tổ nhà ta vì chuyện mở mang thanh thế của dòng tộc mà làm điều ác với Lưu Gia. Cũng như ta cả đời lo nghiệp đế cho tộc Trần, có làm những gì ác cũng là vì vương triều, xã tắc. Đó là một việc khó tránh của một kẻ phải mưu việc lớn. Ta trọng nể Trung Thành Vương là người nghĩa hiệp, lòng rộng, chí cao biết bỏ việc nhà lo việc lớn, nên mới bảo Thái Tông phong tước và cắt đất Lưu Xá cho. Nơi ấy giao cho cha con nhà ngươi là phải lẽ. Nay ta gửi ít bạc lẻ đem về mà sang sửa Lưu Gia và hương khói cho tiên tổ". Từ đó thần nghĩ cố Thái sư từ lâu đã biết gốc gác nhà thần nhưng vẫn tin dùng phụ thân và có ý trả lại cho đất này.
          Chuyện tàn, Trần Quang Khải đi nằm từ lúc canh ba nhưng trằn trọc không sao ngủ được. Những chuyện về Lưu Gia vẫn như gió xoáy, nước dâng, lửa đốt trong ông. Cái thôn dã bé nhỏ này chính là đất phù vương đã sinh ra các đại công thần phò vua làm nên nghiệp đế nhà Lý, nhà Trần. Đã bao lần các vua Lý, vua Trần mỗi khi xa cơ lỡ thế đều lánh về đây để lấy lại thế nước, nghiệp vương, giành lại xã tắc. Nơi đây đã có lần đất đẻ ra oan khiên, cỏ trồi lên mầm độc nhưng trời lại tưới cho công đức để nhân nghĩa đơợc sinh ra, hận thù được hoá giải, cỏ ác bị lụi khô, cây lành lại xanh tốt. Và cũng chính từ nơi này cho ông nhìn thấy cái bóng thật của "Thượng phụ Trần Công". Con người mà ông coi là kẻ võ biền, vô học, chỉ thích quyền uy, chẳng từ chém giết. Đâu ngờ người ấy cũng có cái trí của bậc cao nhân, cái tâm của kẻ trượng phu. Con người ấy như biết được luật trời vận đất., nhìn thấu lòng người thấp cao, biết ác những khi cần ác, biết lấy nhân trả kẻ nghĩa nhân. Quyền uy hơn cả vua nhưng cả đời sống vì vương triều xã tắc, chẳng một ngày lo chuyện phì thân lợi gia... Phải chăng Linh Từ Quốc mẫu và Phụng Dương, những người mà cố Thái sư yêu thương và cũng hết lòng yêu thương, phụng thờ ông chính là phản chiếu cái nửa con người nhân nghĩa của ông... Bất chợt Trần Quang Khải thấy lòng nặng một nỗi buồn. Đời ông đã nhiều lúc sống không phải với Phụng Dương...
          Trời sáng rõ, Trần Quang Khải ngồi dậy ngồi bên cửa sổ nhìn ra con đường xuống bến. Ngoài bờ sông vườn mai đã nở trắng nhoà trong sương khói trông như màu tuyết phủ. Ông lặng đi rất lâu trong vẻ đẹp mờ ảo huyền diệu buổi sớm của bến Lưu Gia. Rồi cảnh vật quanh ông biến đi tự lúc nào. Sau làn sương khói bỗng chập chờn hiện về những hình ảnh tự thủa xưa xa. Những người áo vải ăn đói mặc rách đi khẩn hoang lập ấp. Những cửa nhà khang trang trong trù phú xóm thôn thấp thoáng võng điều, kiệu son tấp lập đi về. Những thuyền rồng chớp loá vàng son cập bến. Những miếu mộ uy nghi hổ phục lân bày. Những bóng trượng phu sừng sững. Những dáng hiền tài ung dung. Những tiếng cười đắc thắng lẫn với những tiếng khóc oan như gió bấc gào... Ngọn gió lạnh ấy hình như tạt qua cửa sổ làm ông rùng mình nhắm mắt. Khi ông mở mắt ra, ngoài kia vẫn là cảnh cây cối um tùm, vườn mai tuyết phủ, miếu mộ đổ nát. Một cảm xúc kỳ lạ trào dâng trong ông. Những con chữ ở đâu bỗng đổ về. Ông gọi gia nhân bày giấy mực, tay ông đưa khoáng đạt như múa, những câu thơ thần như tự trong tim ông chảy ra đầu ngọn bút:
          Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên
          Hỗ tụ đông hành tích bạc thuyền
          Cựu tháp giang đình thu thuỷ thượng
          Hoang từ, cổ chủng thạch lân tiền
          Thái bình đồ chí kỷ thiên lý
          Lý đại quan hà nhị bách niên
          Thi khách trùng lai đầu phát bạch
          Mai hoa nhơ tuyết chiếu tình xuyên.

Đó là bài Lưu Gia độ, bài thơ cuối cùng của tơớng quốc thái sư Trần Quang Khải. Sau chuyến đi ấy về Thiên Trường bệnh tình ông ngày một trọng thêm. Hơn sáu tháng sau ông mất vào mùa hè năm Giáp Ngọ, hiệu Hưng Long, hưởng thọ 54 tuổi. Ông có ngờ đâu hơn bảy trăm năm sau tên làng Lưu Xá vẫn sống với bài thơ bất hủ của ông. Và cho đến hôm nay đình làng Lưu Xá vẫn thờ cụ tổ Lưu Gia là Lưu Ngữ làm thành hoàng.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét