Trang

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

BÓNG THIỀN


                                      Truyện ngắn của NGUYỄN LONG
   Thầy Phụng đứng ở ngã ba làng Yên tần ngần mãi không biết nên về đâu. Sáng nay đi xe ôm ở ban Dân tộc tôn giáo tỉnh về trụ sở uỷ ban xã, thầy định làm việc xong về thẳng chùa chứ không rẽ vào đâu. Nhưng chùa làng Yên từ ngày sư Ngọc mất chưa có người trụ trì, xã phải giao cho hội các cụ ở làng trông nom. Ông hội trưởng giữ chìa khoá đi chơi xa chưa về nên không thể nhận bàn giao. Bộ quần áo nhà chùa làm thầy Phụng trở thành kẻ lạc lõng giữa dòng người nhộn nhịp. Những năm dạy học, làng Yên nhiều người quen biết thầy, xong đám học sinh tan trường và người đi làm đi chợ về không ai nhận ra thầy trong bộ diện tu hành. Lưỡng lự một lúc thầy quyết định đi về phía trường cũ nhưng không vào cổng mà rẽ vào ngã nhà bà Hạ gần đó.

   Thầy đến làng Yên lần đầu cách đây đã gần bốn mươi năm. Ngày ấy đang chiến tranh phá hoại, bom đạn còn ùng oàng khắp mọi nơi. Trường cấp ba huyện vừa tách ra làm hai. Khu trường Bắc mới chuyển về chỉ có vài mái rạ mới dựng. Sân trường vẫn là bãi đất lổn nhổn. Hàng  bàng non mới trồng không cao quá đầu gối chưa kịp đâm búp. Buổi sáng thầy lọc cọc đạp xe đèo chiếc va li cũ từ thành phố Nam Định sang vừa đi vừa hỏi thăm gần trưa mới tìm được tới làng. Thầy hiệu trưởng xem xong giấy tờ, bảo: "Nhà trường mới về đây mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. Các thầy cô giáo vẫn phải ở nhà dân, bếp ăn tập thể còn nhờ nhà cô Hạ. Bây giờ cũng muộn rồi, đồng chí sang đó xem còn cơm nước gì không, chiều sẽ tính đến chuyện ở. Nhà cô Hạ đi lối tắt qua vườn trường kia kìa''. Phụng đi theo lối chỉ. Nhà Hạ trước đây ở bìa làng. Từ ngày trường dựng ở khu ruộng cạnh nhà nên có lối thông sang khu lớp học. Phụng còn đang ngập ngừng trước căn nhà ba gian lợp ngói xi măng, trước cửa có chiếc lán ăn dựng tạm đã vắng người, không biết nên vào hay quay ra thì người đàn bà trẻ từ trong bếp bước ra trông thấy gọi: ''Có phải thầy giáo mới về không? Mời thầy vào trong này". Phụng còn đang lúng túng chưa biết nên xưng hô thế nào thì người ấy đã đon đả: "Thầy giáo về giờ này chắc chưa ăn cơm. Nhà trường mới nhờ em làm cấp dưỡng. Có gần hai chục thầy cô vừa ăn xong cả rồi. Thầy về muộn không kịp báo cơm tập thể, nhưng mẹ con em cũng chưa ăn. Thầy ra giếng rửa chân tay rồi vào nhà nghỉ tạm, em đặt thêm tí cơm đợi cháu Thắng về rồi cùng ăn".
   
   Sự thân mật tự nhiên của Hạ làm vợi hẳn đi cái cảm giác cô đơn buồn chán ở Phụng khi mới đến một trường quê mọi thứ đều xa lạ. Sinh ra và lớn lên ở thành phố, đi học sư phạm rồi ra trường dạy ở gần nhà. Đây là lần đầu tiên Phụng đến sống ở tập thể. Lúc ngồi trong nhà Phụng mới dám nhìn kỹ, Hạ chưa đến ba mươi tuổi, thân hình cao ráo rắn chắc và khuôn mặt có nét quen quen như đã gặp ở đâu. À, Phụng nhớ ra, vầng trán và cái mũi giống tượng Quan âm mà mẹ Phụng thờ ở nhà. Nhưng dáng người và khuôn mặt Hạ thô hơn, nước da lại ngăm đen và đôi mắt trông buồn buồn. Tự nhiên cảm thấy như Hạ đã gần gũi thân thiết, Phụng nói chuyện cởi mở: "Trước khi ở nhà đi, mẹ tôi cứ than thở không biết sang đây rồi ăn uống thế nào. Giờ gặp được chị biết chắc chắn không sợ đói nữa rồi".
     
   Chiều, Phụng nghỉ trưa dậy đang ngồi đọc sách, Hạ đi về bảo: "Thầy hiệu trưởng có nhờ em hỏi nhà trọ cho anh, nhưng mấy tháng nay làng có trường trung cấp cơ khí sơ tán về nên những nhà ở được không còn. Nếu anh không sợ ồn ào và không ngại nằm chung với cháu Thắng nó giãy mất ngủ thì cứ ở tạm đây ít ngày rồi liệu sau". Thâm tâm Phụng cũng ngại đi nhà khác nên anh nhận lời ngay. Cũng tưởng chỉ ở tạm ít ngày, nhưng sau đó không ai đả động tới chuyện chuyển nhà nên Phụng ở luôn đấy. Hạ làm cấp dưỡng khi bếp chuyển về trường được ít ngày thì tự dưng xin nghỉ. Nhà có thêm Phụng thành ba người, nhưng chỉ buổi tối mới đông đủ. Hạ bận đồng áng cả ngày. Buổi trưa buổi tối lại việc lợn gà, thóc gạo nên chẳng lúc nào rảnh. Thằng Thắng nửa ngày đi học nửa ngày chăn trâu cắt cỏ giúp mẹ. Hàng ngày ngoài giờ lên lớp chỉ có một mình Phụng ở nhà đọc sách. Những buổi tối không phải họp hành Phụng kèm Thắng học. Nó ít có thời gian động đến sách vở nhưng nhanh nhẹn thông minh nên năm nào cũng là học sinh giỏi. Mỗi bận đi họp phụ huynh về Hạ vui ra mặt, bảo: "Cháu nhờ được ở với thầy Phụng mới học được như thế". Hai người ít trò chuyện, nên mấy tháng sau Phụng mới biết hết hoàn cảnh Hạ. Nhà nghèo, đông anh chị em nên học hết lớp bảy Hạ ở nhà làm ruộng rồi đến tuổi lấy chồng. Chiến chồng Hạ người cùng làng, làm việc ở uỷ ban xã. Khi Hạ sinh thằng Thắng được hơn một năm thì Chiến có lệnh gọi nhập ngũ. Trước khi lên đường anh bán chiếc xe đạp được phân phối và dồn tiền mua ngói, xi măng lợp nhà cho vợ con, bảo: cho yên tâm khi bão gió. Từ ngày Chiến đi miền Nam, Hạ không nhận được thư từ tin tức gì.

Việc Phụng ở nhà Hạ dần dần có tiếng xì xèo trong trường học, ngoài làng xóm. Kẻ thì bảo: lửa gần rơm sao mà chả có lúc bén. Những người bênh Hạ lại nói: làng này ai còn lạ gì cái Hạ, nó tốt bụng và đứng đắn. Thầy Phụng có là người tử tế nó mới cho ở chứ có phải bạ ai cũng chứa đâu mà sợ. Ở trường Phụng cũng đã mấy lần bị nhắc nhở về chuyện ăn ở sinh hoạt. Người hay rình rập và phê phán Phụng nhất là ông Trương. Ông ta vừa là thư kí công đoàn lại là tổ trưởng bộ môn văn của Phụng. Hầu như cuộc họp nào ông ta cũng đưa Phụng ra kiểm điểm. Hết chuyện ở nhà Hạ lại đến việc dạy văn sai nguyên tắc. Dạy học mới vài năm nhưng Phụng đã thuộc lòng các giáo án nên không bao giớ mang sách vở lên lớp. Khi giảng bài Phụng thường chú trọng mở rộng kiến thức về tác giả, tác phẩm cho học sinh. Ông Trương tố giác Phụng cố tình giảng sai giáo án. Tiêu biểu như bài giảng về Truyện Kiều, không phân tích cho học sinh thấy được tư tưởng của chủ đề tác phẩm là tố cáo và lên án sự thối nát của chế độ phong kiến mà lại đi ca ngợi cái hay cái đẹp đến tuyệt đỉnh của thơ trong truyện. Ông ta bảo: "Tôi dạy văn gần hai chục năm nhưng không thấy sách giáo khoa nào có câu Thể thơ của ca dao có diễm phúc lớn đươc Nguyễn Du làm cao sang lên bởi Truyện Kiều, như anh Phụng truyền đạt cho học sinh". Từ ngày về trường, kỳ nào Phụng cũng bị xếp loại giáo viên yếu kém. Có lần Phụng bảo Hạ: "Có lẽ nhờ Hạ tìm cho nhà nào đó để tôi chuyển đi chứ ở đây sợ không hay". Giọng Hạ vừa như buồn vừa như khẩn cầu: "Em cũng không muốn vì em mà anh phải chịu nhiều tiếng xấu. Em quý anh là người đứng đắn nên cho anh ở, không ngờ lại lắm chuyện phiền phức. Nhưng có anh ở cùng, mẹ con em được yên hơn. Anh không biết chứ đàn bà con gái xa chồng nhiều thứ tội vạ lắm. Như ông Trương từ ngày về đây vẫn thường tán tỉnh và gạ gẫm em. Những ngày em dậy sớm nấu cơm ở bên trường, ông ta thường lợi dụng là thư ký công đoàn chăm lo đời sống đi kiểm tra bếp ăn tập thể để nói chuyện bờm xờm. Ông ta bảo: nếu Hạ cho tôi thì tôi sẽ xin cho vào biên chế cấp dưỡng rồi sau sẽ chuyển lên làm hành chính. Em cứ giả vờ như điếc mặc ông ta nói gì cũng lặng im. Một lần em đang đong gạo trong kho, ông ta xông vào đè sấn em xuống định giở trò súc sinh. Nhưng em nhanh tay đập cho cái ca đong gạo vào mặt và bảo: sao ông không sống tử tế như thầy Phụng. Ông ta rít lên: tôi thừa biết cô chứa chấp thằng Phụng để tư tình với nó. Tôi nói cho cô biết nó là thằng tiểu tư sản thành thị, có vấn đề về tư tưởng lập trường nên sẽ không được ở đây lâu nữa đâu. Lúc ấy em giận điên người, nhổ thẳng nước bọt vào mặt ông ta và từ đó từ bỏ làm cấp dưỡng. Mà anh cũng phải cẩn thận, con người ấy không từ điều gì không làm đâu". Nghe Hạ kể, Phụng chỉ thở dài buồn rầu.


   Cuộc tổng động viên năm Mậu Thân, Phụng là giáo viên duy nhất trong trường được gọi nhập ngũ. Gần bảy năm chiến trận anh đã đi qua các chiến dịch Quảng Trị, đường Chín - Nam Lào rồi vào chốt ở Tây Nguyên. Mấy cái bằng dũng sĩ và những ngày ăn đói nhịn khát, dầm mưa phơi nắng bám chốt, lùng giặc của anh vẫn không làm mờ được những nhận xét của nhà trường nên anh vẫn chưa được kết nạp Đảng. Chật vật mãi mới leo lên chức trung đội phó. Trong cuộc Tổng tiến công tháng tư năm bảy nhăm tiến vào Sài Gòn, khi tới gần ngã ba Vũng Tàu đơn vị của anh vấp phải cụm cứ điểm chống trả quyết liệt của địch nên bị vỡ đội hình. Phụng bị thương nặng và lạc đơn vị. Được một người dân cứu và đưa vào thiền viện Trúc Lâm gần đó chữa chạy. Gần hai tháng sau ngày giải phóng mới đi lại dược và tìm về đơn vị. Mấy chục ngày vô tăm tích, cộng với cái ba lô đầy những sách thiền Phụng mang về sau khi bị thương làm cho lý lịch khi xuất ngũ của anh thêm mù mờ hơn. Khi về làm thủ tục chuyển ngành, Phụng không ngờ người tiếp anh lại chính là ông Trương. Ông ta bây giờ là trưởng phòng tổ chức Sở Giáo dục. Sau một phút ngạc nhiên, Phụng thấy người sôi lên, muốn chửi một tiếng thật to cho hả giận nhưng may đã kìm lại được. Ông Trương cũng ngạc nhiên không kém. Ông ta giương đôi kính lên nhìn kỹ Phụng từ đầu đến chân mấy lần như anh mới từ trên trời rơi xuống rồi cười cười, bảo: "Đúng là quả đất tròn, chắc anh cũng không ngờ có cuộc gặp lại hôm nay có phải không anh Phụng?".

   Theo hẹn, lần thứ hai Phụng lên gặp ông Trương để lấy quyết định. Ông ta tiếp Phụng với cái giọng vừa hách dịch vừa như mãn nguyện: "Tôi tưởng môi trường quân đội và chiến trận sẽ làm anh tiến bộ lên, không ngờ anh vẫn như ngày xưa. Có lúc tôi đã nghĩ ân hận về sự quá khe khắt với anh lúc còn ở trường. Nhưng bây giờ mới thấy sự ân hận ấy là thừa. Những gì tôi đánh giá về anh quả không sai. Trường hợp của anh chưa thể phân công công tác ngay được. Chúng tôi cần làm việc với đơn vị xác minh lại cho rõ cái thời gian anh bị thương mất tĩchem có vấn đề gì liên quan đến công tác bảo vệ chính trị không".Cầm tờ công văn của Sở với nội dung:tạm trả về trường cũ, chờ quyết định sau, Phụng muốn hét vào mặt ông ta rằng: ở đâu còn những người nắm quyền như ông là ở đó có sự thối nát. Rằng những năm mọi người đổ công sức, xương máu nơi chiến trận thì ông ru rú ở nhà với vợ con, lo chuyện thăng tiến thì làm gì có đủ tư cách nhìn nhận, đánh giá một người lính như anh. Rằng... Song nghĩ như thế nào Phụng chỉ buông thõng một câu: "Vâng, lúc nào tôi chả là tôi, chỉ sợ tự dưng mọc ra  mấy cái mặt như ông mới khinh".

   Giá như gia đình êm ấm thì lúc đó Phụng đã bỏ trường về quê thành Nam kiếm một việc làm khác để sống. Chuyện riêng của Phụng ngoài Hạ ra chưa mấy ai biết. Bố Phụng làm nghề bốc thuốc có tiếng cứu trị được nhiều bệnh nan y. Mẹ có quầy buôn bán hàng khô ở phố. Học xong sư phạm Phụng được phân công về trường dạy cấp ba gần nhà rồi lấy vợ. Vợ Phụng là nhân viên cửa hàng thương nghiệp thành phố. Sau cưới một thời gian, không chịu được cảnh cả nhà bố mẹ và mấy vợ chồng anh em con cháu cùng ăn một mâm, ở một nhà của gia đình. Nhất là không chịu nổi được lối sống suốt ngày chỉ biết chúi đầu vào quyển sách của Phụng nên vợ Phụng đã bỏ ra nhà tập thể ở. Bản thân Phụng cũng không chịu được  cách sống cái gì cũng tính toán đến sát sạt của vợ, nên khi cô ấy ra khỏi nhà Phụng chẳng can ngăn. Buồn chán chuyện vợ con, Phụng xin đi khỏi thành phố. Ngày Phụng ở quân ngũ về thì bố đã mất, mẹ anh cũng đã yếu và ở với vợ chồng anh trai ở căn nhà cũ. Nghe tin vợ đã có một đứa con gái không biết ai là bố và đã mua đất làm nhà riêng. Phụng đang buồn chán, lại càng nẫu lòng thêm nên chẳng muốn tìm gặp lại.

   Phụng mệt mỏi, nhàu nhĩ trong bộ quân phục khoác ba lô trở lại trường. Khu trường đã được xây khang trang hơn. Những cây bàng ở sân trường đã rợp xanh tán lá. Một số đồng nghiệp lớn tuổi đã nghỉ hưu hoặc chuyển đi nơi khác. Trường thêm nhiều thầy cô giáo trẻ trước đây là học sinh của Phụng mới ra trường. Hiệu trưởng mới cùng trạc tuổi Phụng xem xong giấy tờ, bảo: "Anh cứ nộp các thủ tục cho hành chính làm tem phiếu và chế độ chuyển ngành để có lương, gạo ăn. Còn việc phân công công tácvà phân nhà tập thể phải để có quyết định chính thức của Sở chứ nhà trường không tự ý giải quyết được. Trong thời gian chờ đợi anh có thể về quê hoặc nghỉ ở đâu thì để lại địa chỉ. Khi nào có thông tin mới thì trường sẽ thông báo". Phụng thầm cảm ơn cách cư xử đungts mực của ban giám hiệu mới. Anh thơ thẩn đi thăm lại những người quen cũ ở trường và còn đang phân vân chưa biết nên về đâu thì nhìn thấy Hạ. Anh lao tới định nắm tay cô nhưng rồi tự kiềm lại được. Hạ già đi nhiều. Người gầy gò và đôi mắt sậm buồn. Gặp anh, Hạ phấn chấn hẳn lên. Vẫn giọng nói chân tình, tự nhiên nhưng không còn hồ hởi như ngày trước: "Em nghe nói anh mới về nhưng sợ anh còn bận làm việc nên chưa tìm gặp. Mấy năm nay em sang làm tạp vụ cho trường. Cháu Thắng đã đi học ở Liên Xô. Lần nào viết thư về nó cũng đều nhắc và hỏi thăm tin anh. Nó bảo vẫn nhớ những bài văn bác Phụng giảng giải và cứ tiếc khi học cấp ba bác không còn ở đây. Mà em chưa hỏi tình hình anh thế nào? À, bây giờ nhà trường không còn bếp ăn tập thể nữa đâu. Lát nữa anh sang nhà ăn cơm rồi nói chuyện sau, em về trước nấu cơm đây". Phụng định nói một lời an ủi, chia sẻ với nỗi buồn của Hạ nhưng thấy Hạ vội đi lại thôi. Từ hồi ở đơn vị, anh đã nghe tin Chiến hy sinh ở mặt trận Quảng Trị và đã báo tử về xã. Từ lúc gặp lại Hạ tự dưng Phụng thấy buồn hơn. Ngày còn bom đạn cứ tưởng đất nước hoà bình mọi người sẽ hết khổ, nào ngờ buồn đâu vẫn còn trùm lên rất nhiều nhà, nhiều người.

   Thấy có bóng người tu hành đứng ngập ngừng ở ngõ, bà Hạ vội vàng ra mở cổng. Bà đang định nói: "A di đà Phật, mời nhà chùa vào", thì nhận ra người đang đứng trước mình là ai. Giọng bà ấp úng: "Có phải thầy... à... ông Phụng không? Mời ông vào trong này. Ông đi lâu và khác quá suýt nữa tôi không nhận ra. Mà ông cũng quên nhà hay sao thấy cứ đứng mãi không vào". Thầy Phụng bảo: "Quên sao được, nhưng mà thay đổi nhiều quá, tưởng bà đã bán cho chủ khác và đi với con cháu rồi nên còn ngờ ngợ". Nghe ông nhắc tới con, giọng bà vui hẳn lên:

   - Nhà này cháu Thắng mới sửa năm ngoái. Ông đi được mấy năm thì cháu ở Liên Xô về. Rồi làm việc và lấy vợ ở Hà Nội. Giờ đã có một trai một gái và mua đất làm ở phố. đã mấy lần vợ chồng cháu đem xe về đón nhưng tôi không đi. Chúng nó bây giờ cuộc sống đầy đủ chứ không khổ như mình ngày xưa. Con cái nhà cửa đều thuê người giúp việc. Thỉnh thoảng nhờ cháu lên chơi vài ngày rồi về chứ ở đây chẳng có việc gì làm chỉ ngồi không cũng buồn. Các cháu bảo: "Nếu mẹ không đi thì chúng con sửa lại nhà cho yên tâm khi bão gió. Cái giọng giống hệt bố cháu ngày xưa ông ạ". Rồi bà chợt nhớ mra mình huyên thuyên chuyện nhà mà chưa pha nước và hỏi thăm ông nên vừa tráng ấm trà vừa nói tiếp:

   - Còn ông giờ thế nào? Thấm thoát thế mà đã hai mấy năm rồi. Suốt từ ngày ông đi, gặp ai quen tôi cũng hỏi thăm nhưng mọi người chỉ biết ông tu ở một ngôi chùa trong Nam. Năm ngoái nghe ông đã ra ngoài này, về trụ ở chùa Minh tận dưới Quán. Đã định xuống thăm nhưng chưa kịp đi lại thấy bảo ông gặp rắc rối gì đấy nên không ở đó nữa, mà không biết đi đâu hay về quê.

   Thầy Phụng ngồi ngắm ngôi nhà rồi lại nhìn bà Hạ. Bà đã già đi nhiều nhưng vẻ còn nhanh nhẹn, khoẻ mạnh. Đặc biệt mái tóc dài ngày trước chưa có mấy sợi bạc. Đời người có phúc có phần quả không sai. Thấy bà Hạ hỏi đến chuyện mình, ông mới chậm rãi kể:

   - Tôi là người năng căn quả, nên ở đâu cũng không ổn bà ạ. Ngày ấy ngồi đợi việc mãi cũng buồn, tôi bảo với bà là đi chơi ít ngày. Lúc đầu chỉ định vào Nam thăm lại thiền viện Trúc Lâm, nơi đã từng cưu mang, cứu sống mình. Nhưng ở đó ít ngày, thấy cảnh tình hợp với mình nên xin ở lại tựa chốn cửa thiền. Hơn hai chục năm núp bóng Phật mà thấy lòng vẫn chưa dứt với người xưa quê cũ nên lại tìm về. Khi về ban dân tộc và tôn giáo tỉnh, may gặp cậu Nguyên học sinh cũ nhưng giờ là chuyên viên ở đó. Rồi Nguyên giới thiệu đưa tôi vào chùa Minh. Được mấy tháng cậu Đạt con trai ông Trương, xưa cũng học trương này chắc bà biết, giờ là phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã cho người xuống đuổi. Họ bảo tôi đi tu mà hồ sơ vẫn có vợ chưa ly hôn. Lại không phải tu chính ngạch nhà nước nên trụ ở chùa là không hợp lệ. Phải chật vật mãi tôi mới xin lại đầy đủ giấy tờ và đi hết chỗ nọ chỗ kia trình bày, cậu Nguyên mới lại đưa được tôi về chùa này.

   - Gần cả đời tôi nghiệm ra ông ạ - Bà Hạ tiếp lời ông giọng buồn buồi - Đúng là chẳng biết thế nào. Ông ở nơi cửa thiền chắc biết trời Phật ở đâu chứ ở đời, người xấu kẻ ác nhan nhản mà vẫn sống đầy đủ, sung sướng. Chẳng nhìn đâu xa, như nhà ông Trương ấy. Ăn ở như thế mà hết đời bố lại đến đời con quyền sinh quyền sát trong tay. Bây giờ bảo có mấy biệt thự ở thành phố lớn, tiền ăn mấy đời chả hết. Còn như sư Ngọc ở chùa này, lấy được chồng con nhà giàu có, nhưng chưa có con thì chồng chết tai nạn xe máy. Bà mẹ chồng sang Đức ở với con gái. Ông bbố chồng làm mọi cách để con đâu không đi được bước nữa, bắt ở lại hầu hạ và còn đòi tòm tèm. Không chịu được cảnh vô luân, nhục mạ nên phải trốn vào cửa chùa. Người ấy tu đúng là được cả người lẫn nết. Chỉ tội thân vào cửa     Phật mà vẫn cứ trẻ cứ đẹp, nhiều kẻ bờm  xờm tán tỉnh nên đã đi tu mà chẳng được yên. Nghe đâu chính tay Đạt, phó chủ tịch huyện đi lại gạ gẫm mãi không được, rồi tức tối đi gieo tiếng cho người ta uất ức quá thắt cổ tự tử.

   Rồi không đợi ông trả lời, bà nói liền một mạch như đã chuẩn bị từ trước:

   - Người như ông cũng vậy, xung quanh đục mà mình trong, mọi người cong mà mình thẳng thì chẳng ở đâu yên được. Tôi nghe nói ông tu thiền, khói hương thanh bạch, chỉ trọng ngẫm kinh sách và tĩnh toạ, coi nhẹ lễ bái. Ở chùa mà như thế chẳng biết trụ được bao lâu không. Sư bây giờ có người cũng khác, họ quan hệ rộng, chịu đi vận động đầu tư, kêu gọi cúng đường và tổ chức quạt cờ hè hội để có nhiều tiền tu bổ sắm sang cho nhà chùa. Có khi ăn mày cửa Phật mà sướng bằng mấy người trần tục, chứ như ông là tu khổ. Cháu Thắng mấy lần hỏi tôi: "Người tốt và dạy học giỏi như bác Phụng sao lại phải đi tu nhỉ? Mà con thấy mẹ với bác ấy quý nhau, hợp nhau thế sao ngày xưa mẹ không giữ bác ấy lại đây cho vui". Tôi bảo: "Các anh sao hiểu được thời của chúng tôi. Con người ta có ở với nhau được hay không là ở cái duyên. Không có duyên dẫu buộc vào nhau cũng chẳng thành". Hôm về sửa lại nhà cháu còn nói đùa:''Mẹ cứ ở đây biết đâu lúc nào đó bác Phụng lại về''.
   Nói đến đây, giọng bà trầm xuống. Thầy Phụng đang lặng yên ngồi nghe, tự nhiên ông lúng túng khi thấy bà nhắc tới chuyện xưa, ông bảo:
   - Ngày ấy thâm tâm tôi cũng chẳng muốn đi đâu. Với tôi chẳng có nơi nào hơn ở đây. Nhưng hoàn cảnh tôi lúc đỏơ lại là thêm gánh nặng cho bà. Cuộc đời bà đã chịu nhiều mất mát, tôi không muốn vì tôi mà bà khổ thêm.

   Bà Hạ đã trở lại tự nhiên, và ngắt lời ông:

   - Bao nhiêu năm nay tôi không đi bước nữa một phần vì lo cho cháu Thắng, một phần cũng vì nghĩ tới ông. Sống như ông thì ở đâu cũng long đong. Lúc nào tôi cũng linh cảm là ông sẽ trở lại. Giờ ông đã về đây, cứ nghỉ vài ngày nữa có người bàn giao hãy ra chùa. Ngoài ấy dạo sư Ngọc mất trống vắng lắm. Việc của ông nơi cửa Phật tôi không dám tham gia. Nhưng tôi dặn trước, nếu ngoài ấy cũng không yên thì ông về đây mà ở chứ đừng đi nữa. Trời đất này không còn chỗ nào cho ông đâu. Năm nay ông cũng sang tuổi thất thập rồi. Vừa nói bà vừa rót nước đưa cho ông.

   Thầy Phụng ngồi bần thần. Bao nhiêu năm tu thiền ông tâm đắc và là người luận bàn rất khúc chiết về chân tướng các sự việc. Nhưng trước những trắc trở cuộc sống, ông thường lấn bấn lưỡng lựvà buông xuôi. Kể cả những điều bà nói vừa đơn giản vừa rất thực mà ông không nghĩ tới. Đối diện ông, bà Hạ cũng yên lặng như người đã dốc hết lòng mình. Bóng hai người như chìm vào không gian thanh vắng của ngôi nhà. Tay mân mê chén nước đang toả khói, nhìn bà ngồi trầm tư. Bất chợt thầy Phụng nhận thấy, những đường nét trên khuôn mặt bà ngày xưa có nhiều nét giống bức tượng thờ, giờ như được các nếp nhăn vẽ cho rõ hơn. Thoáng ý nghĩ chập chờn trong ông: Ngồi trước mặt ông không biết có phải là bà Hạ hay một kiếp của Quan âm Bồ tát giáng xuống làm người để hoà đồng, chung chịu với những người khổ đau nơi trần thế. Một cảm giác an lành, ấm áp như thiền bỗng dưng tràn dâng. Nhưng nó rất thật rất rõ chứ không nhập hoà giữa hư thực, thực hư như những khi ông thiền định. Và ông nhận ra đó là cái cảm giác những khi ông ở gần bà trong căn nhà này thuở trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét