Trang

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

NGƯỜI NHẬN DIỆN VĂN HÓA LÀNG




Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh
Tôi biết ông không chỉ nghiên cứu về văn hóa làng xã, ông còn tham gia nhiều công trình nghiên cứu Hán Nôm có quy mô lớn trong nước và quốc tế như nghiên cứu về văn hóa sông Hồng, về nền văn minh lúa nước, về Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến ... nhưng tôi vẫn gọi ông như thế vì có lẽ không có ai ở Thái Bình và nhiều địa phương khác trong cả nước có những công trình nghiên cứu tường tận và sâu sắc về văn hoá làng như ông.
Năm 1998 ông đã xuất bản cuốn Nhận diện văn hóa làng ở Thái Bình. Là một người sinh ra và lớn lên ở quê lúa, đã sống ở nhiều nơi và xem nhiều sách vở nhưng chỉ khi được đọc tập sách trên của ông tôi mới hiểu rõ về lịch sử văn hóa làng mình, hiểu rõ các làng xã, các dòng họ và các danh nhân trong tỉnh. Mà không phải riêng tôi, rất nhiều người con khác của Thái Bình, kể cả những người đã và đang là quan chức ở địa phương cũng vậy, nếu chưa đọc những gì ông viết trong cuốn sách thì chưa thể hiểu tường tận về lịch sử văn hóa của quê hương.
Ông là nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, nguyên giám đốc sở Văn hóa Thông tin Thái Bình hiện về nghỉ hưu tại quê ông xã Vũ Qúy huyện Kiến Xương. Có lẽ giới quan chức địa phương trong cả nước hiện nay, những người đã có bổng lộc đứng đầu hàng sở trở lên không có mấy người vẫn nhà ở quê, đi làm ở thành phố và khi nghỉ hưu vẫn sống ở làng xóm như ông. Cũng không phải ông không có điều kiện để bốc cả nhà lên thành phố hay lên tận thủ đô để sống một cuộc sống đày đủ về tiện nghi, vật chất. Nhưng hình như cái bẩm chất nông dân, thích sống trong vườn tược cây cối, với cộng đồng làng quê đã ngấm sâu vào con người ông nên dù đi đâu ở đâu rồi ông lại vẫn trở về chốn cũ chứ không giống nhiều người cùng lớp tuổi và làm quan như ông đã một đi khỏi quê là không trở lại.
 Như bạn bè cùng thế hệ, ông đã từng tham gia quân ngũ, là lính lái xe trong những năm chiến trận. Sau nhờ thông thạo việc viết lách mà thỉnh thoảng có bài đăng các báo, ông được cấp trên đưa về làm lính cơ quan. Từ đó ông có điều kiện viết nhiều tin bài nhiều hơn và trở thành cộng tác viên tích cực của một số tờ báo chí của Quân đội. Hết chiến tranh, ông về học khoa Hán Nôm trường Đại học tổng hợp Hà Nội, rồi làm giáo viên giảng dạy của trường. Những gì nghiên cứu, giảng dạy ở nhà trường đã làm ông say mê rồi bó bện và thành duyên nợ với văn hoá làng. Sau đó ông quyết định về sở Văn hoá thông tin tỉnh công tác để có nhiều điều kiện và thời gian chuyên tâm với cái chủ đề mà ông tâm đắc. Khi có điều kiện quen ông và đọc ông tôi mới hiểu lý do vì sao ông canh cánh và đầu tư rất nhiều thời gian của cuộc đời để nghiên cứu về cái chủ đề thoạt nghe như có vẻ quê mùa xưa cũ ấy. Trong lời mở đầu cuốn sách, ông viết như sau: ... Nếu cứ xét theo nguyên lý con người là sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội thì các mối quan hệ đó trong con người Việt Nam xưa và nay vốn được xác lập và duy trì một cách bền vững bằng mối quan hệ GIA ĐÌNH - LÀNG - NƯỚC.... Trong đó cái khái niệm làng nó vừa có sức trường tồn vừa có vị thế nhiều khi hơn cả phép nước... Từ cái cơ sở làng mà chúng ta có được những gia đình, những nhân tài rồi những phong tục tập quán, những thiết chế và những công trình công cộng. Làng có cái riêng của làng, từng cái riêng ấy thành cái chung của nước... Do hiểu rõ tầm quan trọng của văn hoá làng trong sự hình thành nên văn hoá của từng cá nhân và văn hoá của cả cộng đồng dân tộc nên ông đã giành nhiều thời gian tâm huyết và muốn mọi người cũng hiểu rõ điều ấy. Nhưng trong những năm ông làm trưởng phòng ở Sở, quan điểm của ông không phải lúc nào cũng được ủng hộ mà đôi khi ông còn bị cấp trên “đì” cho vì cái tội đi cổ suý cho những xưa cũ lạc hậu... 
Tập nhận diện văn hoá làng Thái Bình năm 1998 của ông do sở Văn hoá thông tin Thái Bình xuất bản năm 1998, tôi đọc đã tìm thấy rất nhiều điều hay, nhiều tư liệu bổ ích lý thú và thường dùng làm cẩm nang khi muốn tra cứu, tìm hiểu về những địa phương mà mình cần biết, cần viết. Nhưng theo ông đó mới là tập bản thảo ông tập hợp dự thi do hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức và đã đọat giải nhì. Kết quả như vậy đã là mỹ mãn với nhiều người viết, song với quan niệm của một nhà nghiên cứu, ông thấy vẫn chưa hài lòng với những gì đã công bố. Từ đó tới nay, sau hơn 10 năm tiếp cận với thực tế, nhiều vấn đề được sáng tỏ thêm, ông đã giành nhiều thời gian tập hợp những tư liệu từ những lần đi cơ sở và nguồn tư liệu Hán Nôm hiện còn ở Thái Bình để viết lại, viết thêm bổ xung cho cuốn sách. Trong đó có cả những tư liệu sống động vào những năm cuối thế kỷ XX tỉnh đã xảy ra mất ổn định trên diện rộng ở nông thôn. Và cuốn Nhận diện văn hoá làng mới xuất bản năm 2010 bề thế hơn cả về hình thức nội dung được ra đời.
Tôi ít khi có công việc phải tiếp xúc với ông, nhưng thỉnh thoảng gặp, lần nào ông cũng kể cho tôi nghe một câu chuyện nghe rất bâng quơ, không đầu không cuối. Ví dụ như: Ông hàng xóm nhà tôi có một thằng con vừa lười vừa ham chơi. Một lần tức con ông hàng xóm chửi chửi “học không chịu học, làm không chịu làm, suốt ngày chỉ lông bông thì sau này lại trở thành nhà thơ thôi con ạ”. Hay: Ở Tầu người dân sợ chính quyền, ở Tây thì chính quyền nể sợ dân, còn ở ta thì nửa Tây nửa Tầu  chính quyền không sợ dân mà dân cũng không sợ chính quyền nên xã hội lộn xộn. Một lần khác ông kể cho tôi chuyện về chống lũ lụt ngày trước: Viên quan sứ Pháp  Pê rê vừa được bổ trị nhậm Thái Bình thì sảy ra lũ lụt lớn và đê Phú Chử (Vũ Thư) bị vỡ. Mấy ngày sau quan sứ đã dùng súng lục tự sát và để lại một huyết thư “Tôi phụng sự về đây cốt khai hoá cho dân, nhưng không giữ được đê Phú Chử, nên xin chết thay cho dân Thái Bình”.  Bây giờ các quan nhà mình chống lụt bão cho dân khác lắm...vv và vv. Hầu như khi nói chuyện gì ông cũng thường có những chính kiến khác lạ. Những câu chuyện bâng quơ của ông như vậy thường làm tôi phải suy ngẫm và ám ảnh tôi rất lâu. Đôi khi nó giúp tôi ngộ ra điều này điều nọ. Rồi khi đọc vài tập sách của ông, tôi nhận thấy cũng là kế thừa tư liệu của tiền nhân, cũng là tập hợp những tư liệu điền dã, song với nhiều tập nghiên cứu của các tác giả khác tôi thấy nó khô khan khó nhớ. Nhưng sách ông viết, kể cả những vấn đề rất chuyên môn, hay những bảng  kê tư liệu, tôi vẫn tìm thấy nhiều điều bổ ích và hấp dẫn. Và tôi nghĩ những gì ông viết hay ông nói ra cũng vẫn là do ông thu lượm được, nhưng nó đều đã được ông nghiền ngẫm và chắt lọc thành của mình rồi mới đưa cho người đọc người nghe nên nó có sức thuyết phục.
Ngày ông được bổ làm giám đóc sở Văn hoá thông tin, cái chức ấy nó cũng như từ trên trời rơi xuồng. Bởi người ta bảo muốn làm quan bây giờ tiêu chuẩn đầu tiên phải thạo ăn chơi và giỏi chạy thầu. Ông không có hai bẩm chất ấy và cũng không phải là người trong danh sách nguồn kế cận. Lúc bấy giờ ông còn đang làm trưởng phòng nghiệp vụ của Sở, suốt ngày chỉ biết sưu tầm tư liệu và ngồi đọc sách đến độ mắt lồi ra, người vêu vao trông như kẻ vừa ở trại cai nghiện về. Ông chẳng quen thân ai là lãnh đạo tỉnh và cũng chẳng có tiền để đi ...ngoại giao. Bạn bè bảo ông, cái thời “ghế ít đít nhiều” có một cái chức hở ra là bao nhiêu người ngấp ngé. Ông giỏi về nghiệp vụ, không tranh thủ thời cơ mà đi vận động thì chức tước nào tự đến. Ông cũng chẳng biết vận động thế nào. Thế mà đột nhiên ông được tỉnh “chấm”. Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá ấy ông trúng Tỉnh uỷ viên trong khi không được bầu là đại biểu đi dự Đại hội. Sau này khi làm giám đốc Sở, ông phải đi họp hành nhiều nơi quan trọng, nhưng trông ông lúc nào cũng nhăn nhó vêu vao như một người nhà quê đói ăn, lạc lõng giữa những quan chức hàng tỉnh hàng trung ương vừa béo tốt vừa hoành tráng.
Không biết do số ông may mắn hay cái vía của ông thịnh cho việc làm quan mà trong mấy năm ông giữ chức giám đốc Sở, ngành Văn hoá Thông tin tỉnh đã làm được rất nhiều việc lớn. Trong đó có việc đại trùng tu lại ngôi chùa Keo và dựng được khu Đền Trần là hai di tích Văn hoá lớn nhất của tỉnh hiện nay. Để dân Thái Bình bây giờ đi đâu đã có cái mà khoe với thiên hạ và khách tứ phương về đến Thái Bình đã có chốn để thăm thú chiêm ngưỡng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét