Trang

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Truân chuyên cuộc phẫu thuật chỉnh hình


Nha tho Do Trong Khoi Truan chuyen cuoc phau thuat chinh hinh



Từ đầu năm đã thấy Khơi lặng lẽ chắt chiu, dành dụm một số tiền và tâm sự với anh em, bạn bè là sẽ đi làm phẫu thuật chỉnh hình. Con người ấy kể cũng lạ, quanh năm chỉ nằm co quắp trên giường mà hay lo toan sắp đặt nhiều công việc lớn.
Hết mua đất, làm nhà ở thành phố, lại lo cho anh em, cháu chắt làm việc chỗ nọ, thi vào trường kia. Bây giờ lại tính việc mình đi mổ xẻ. Người bình thường nói đến phẫu thuật đã ngại, đã kinh vì chuyện động dao kéo vào người, vì tốn kém. Thế mà Khơi nói chuyện ấy cứ như không.
Thì ra, qua người bạn chí thiết Hoàng Năng Trọng, nay đã là Tiến sỹ Y khoa, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y Thái Bình và mấy anh em, bạn bè bác sỹ ở bệnh viện Đa khoa tỉnh như: Nguyễn Trọng Khìn - Phó GĐ, bác sỹ Phụng, bác sỹ Lợi… Khơi đã gặp và nói chuyện với TS Lê Đức Tố - Chuyên gia của một tổ chức phi chính phủ chuyên đi mổ chỉnh hình nhân đạo cho trẻ em tàn tật...
Người ngoài ngành không biết TS Lê Đức Tố là ai, nhưng qua câu chuyện và thái độ trân trọng của Khơi thì hình dung ra ông là người có đôi bàn tay vàng và là niềm hy vọng, cứu tinh cho nhiều người tàn tật.
Theo kế hoạch, tháng 6/2005 ông sẽ về mổ ở Thái Bình. Trước đó Khơi lao vào làm việc và sắp xếp kế hoạch như một người sắp có việc phải đi xa. Các bài viết chuyên luận cho công trình nghiên cứu về những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của Thái Bình đã được tỉnh duyệt cấp kinh phí, Khơi tranh thủ ngày đêm hoàn thành những công việc chính và bàn bạc với Nguyễn Long để có thể hoàn tất mọi công việc còn lại.
Khơi còn nhờ ông bạn Tống Trung đánh máy, photocopy cho mấy chục bài vừa thơ vừa văn gửi cho các tòa soạn báo, bảo: Để mấy tháng mổ, nằm đấy có thêm đồng nhuận bút chi tiêu. Tháng 6 đến, nhưng TS Lê Đức Tố báo tin không có kế hoạch về Thái Bình, chỉ mổ ở Nam Định.
Khơi buồn thẫn thờ mấy ngày và gọi điện bảo bạn bè: Sẽ sang Nam Định mổ tự túc. Sợ sang đấy vừa đi lại vất vả vừa tốn kém, mọi người can ngăn mãi Khơi mới từ bỏ ý định. Khơi là người như thế, đã định làm gì là quyết làm bằng được.
Cuối tháng 6, Khơi lại điện cho mọi người thông báo ngày TS Lê Đức Tố về mổ và vui như cô dâu đã định xong ngày cưới. Trước lịch mổ một ngày, gia đình và bạn bè đưa Khơi nhập viện để làm các thủ tục tiền phẫu. Cái xe lăn như háo hức lăn khắp bệnh viện đưa Khơi đi thử máu, xét nghiệm, chụp chiếu mất trọn cả ngày.
14 giờ ngày hôm sau Khơi lên bàn mổ. Khơi hồi hộp, mọi người đi theo hồi hộp. Ngoài kíp mổ của TS Lê Đức Tố, TS Hoàng Năng Trọng và các đồng chí cán bộ chủ chốt của bệnh viện Đa khoa đều có mặt đầy đủ. Loay hoay gần một giờ đồng hồ, nhóm bác sĩ khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện thông báo: Các biện pháp gây mê hồi sức bình thường không thể thực hiện được.
Do bệnh tật và nằm một chỗ mấy chục năm, bệnh nhân bị dính khớp cột sống toàn bộ, cổ cứng đờ nên không đưa được nội khí quản vào họng để hỗ trợ hô hấp khi mổ. Mọi người tụm vào hội chẩn, tìm biện pháp khắc phục, nhưng sau gần 2 giờ bàn bạc, mọi giải pháp đều bó tay. Chỉ ở bệnh viện Việt - Đức mới có thiết bị hồi sức cho những bệnh nhân đặc biệt này. Ca mổ đành phải đình lại.
Cuộc phẫu thuật hụt ấy như lấy hết tinh thần sức lực Khơi. Trở về bên giường với nguyên dáng nằm còng queo đã mấy chục năm, Khơi buồn chán không còn thiết ngó ngàng đến sách vở, chữ nghĩa. Suốt ngày chỉ nằm ngó trần nhà và rủ thằng cháu đánh cờ giết thời gian.
Có lúc còn bảo: Ở đời chỉ có hai loại người hoặc thật sướng, hoặc thật nổi tiếng mới gọi là sống, mình có nỗ lực thế nào cũng không ở hai loại đó nên mọi cố gắng cũng chẳng để làm gì.
Buồn thì nghĩ vậy chứ Khơi đâu phải người chịu buông xuôi theo số phận. Hôm có Vũ Đảm ở Hà Nội về, anh em ghé vào hỏi thăm chuyện mổ xẻ, lại nghe Khơi nói: Nếu ở Thái Bình không làm được thì tự túc lên mổ ở Việt - Đức.
Vũ Đảm bảo: Anh phải bán nửa cái nhà này đi mới đủ tiền cho một chuyến mổ ở Hà Nội. Rồi chẳng biết Khơi liên hệ, dàn xếp thế nào, sáng sớm ngày 12/9 đã gọi điện cho mấy bạn bè gần gụi nhờ sáng nay đưa vào bệnh viện. TS Lê Đức Tố và kíp gây mê hồi sức BV Việt - Đức, BV Răng Hàm Mặt sáng mai sẽ về. Lại một ngày xe lăn lăn khắp bệnh viện để chiếu, chụp, thử máu, xét nghiệm.
Ngày 13/9 lại đúng 14 giờ Khơi lên nằm bàn mổ. Đã tưởng mọi sự sẽ suôn sẻ, không còn trục trặc gì. Nào ngờ khi gây mê hồi sức bằng thiết bị đặc biệt, lực hô hấp của Khơi chỉ đạt được 52% so với người thường. Sau mấy phút máy chạy, người Khơi tím ngắt lại, tim gần như ngừng đập.
Các bác sỹ phải làm cấp cứu và họp lại tìm cách khắc phục. Phương án mở khí quản trợ hô hấp được chấp nhận. Cửa phòng mổ đóng lại lặng im, căng thẳng. Mọi người hồi hộp đợi chờ. Gần một tiếng sau TS Lê Đức Tố từ phòng mổ bước ra nét mặt chưa hết căng thẳng nhưng nụ cười rạng rỡ thông báo: Ca mổ đã tiến hành tốt như dự định.
Một lúc sau cửa phòng mổ mở hẳn, Khơi nằm trên chiếc giường đẩy được chuyển sang phòng hậu phẫu. Mọi người xúm lại, Khơi nằm bất tỉnh, đủ thứ dây dợ chằng chịt quanh người, nhưng nét mặt đã hồng hào trở lại và nằm ngửa hoàn toàn, một tư thế trước đó chưa từng thấy. Cái chân quặp chặt lấy háng đã được mở ra và cố định với chân bên kia bằng thanh gỗ dài gần 1 mét.
Bệnh tật, nhà nghèo, thất học, cha hy sinh – mấy cái thảm họa lớn của con người ập xuống cuộc đời Khơi từ năm lên 7 tuổi. Tài năng và ý chí vượt lên số phận cùng tình thương, lòng tốt của mọi người đã biến cậu bé tật nguyền thành nhà thơ Đỗ Trọng Khơi hôm nay.
Cuộc đời còn dài lắm, Khơi thường tâm sự với mọi người như thế. Do vậy lúc nào Khơi cũng mong muốn thoát ra khỏi sự trói buộc của bệnh tật để bớt gánh nặng cho người thân, bạn bè được phần nào hay phần ấy. Cái quyết tâm làm cuộc phẫu thuật thay đổi tình trạng cơ thể được nuôi lớn từ khát khao ấy. Nhưng chắc sẽ không có ca mổ cho Khơi nếu không có sự giúp đỡ tận lòng của anh em, bạn bè trong giới y học Thái Bình.
Ngoài TS Hoàng Năng Trọng, bác sỹ Phụng, bác sỹ Lợi là những người coi Khơi như ruột thịt các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của BV đa khoa TB như thầy thuốc ưu tú Nguyễn Như Chiến - Giám đốc, TS Nguyễn Trọng Khìn - Phó giám đốc, và các bác sỹ khoa Chấn thương bệnh viện, các bác sỹ gây mê hồi sức BV Việt - Đức, BV Răng Hàm Mặt TƯ… đặc biệt là TS Lê Đức Tố, những người đã dành nhiều tâm đức và công sức để mổ cho Khơi.
Bác sỹ Nguyễn Như Chiến bảo: Chẳng có gì bắt buộc và cũng chẳng có ai yêu cầu chúng tôi phải tổ chức một ca mổ đặc biệt và phức tạp như vậy. Nhưng chúng tôi làm hết khả năng để mổ cho nhà thơ Đỗ Trọng Khơi bởi tình yêu thương với người tật bệnh và bằng cả sự quý mến một tài năng, một ý chí vượt lên số phận. Mọi chi phí, từ khi nhập viện đến ngày ra viện bệnh viện đều miễn cho Khơi.
Anh em văn nghệ Thái Bình cũng là một cánh tay để Khơi tựa vào và đỡ Khơi lên bàn mổ. Nhà văn Đức Hậu - Chủ tịch Hội VH-NT là người luôn gần gũi quan tâm, động viên và tạo điều kiện giúp đỡ Khơi về mọi mặt. Khi Khơi mổ xong, lãnh đạo Hội VH-NT đã gửi công văn đề nghị một số tổ chức, cơ quan trợ giúp Khơi về tài chính. Các anh em thân thiết với Khơi như: Tống Trung, Đặng Thành Văn, Xuân Đam… hết đưa đi đưa về, lại cùng gia đình túc trực ca mổ và thay nhau ở viện trông coi chăm sóc Khơi đêm ngày.
Chi hội văn học và nhiều anh em bạn bè cùng giới xa gần biết tin Khơi mổ đã gọi điện và đổ về động viên thăm hỏi. Sau khi mổ và tới hôm nay Khơi vẫn còn nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu. Vết mổ của Khơi còn đau và sẽ lâu lành hơn nhiều so với người khỏe mạnh bình thường.
Trời làm tình làm tội Khơi nhiều thứ, nhưng bù lại cho Khơi tài năng nghị lực và lớn nhất là tình thương yêu của anh em bạn bè xa gần, giúp Khơi vượt lên mọi khổ đau và nghiệt ngã của số phận. Khơi đi qua được cuộc đại phẫu thuật khó khăn vất vả này cũng nhờ có những thứ như thế.
Nguyễn Long
(Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, 26 Quang Trung, TP Thái Bình)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét