Cái tài của Nguyễn Bính, là dù ông rất chú trọng về mặt vần điệu, song hơi thơ đọc lên nghe vẫn thanh thoát, tự nhiên, chữ nghĩa xem ra cũng không bị gò gẫm. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, như một ông thầy cao tay điểm huyệt, Nguyễn Bính đã có cách nhấn nhá, luyến láy chữ nghĩa tài tình, tạo cho bài thơ, khổ thơ một sự thăng hoa, bứt phá rất ấn tượng. Nó như liều thuốc chống buồn ngủ khi người tài xế đang dong xe trên một cung đường êm ả, vắng người…Và cách luyến láy, nhấn nhá này được Nguyễn Bính sử dụng nhiều ngay từ lúc khởi nghiệp thơ cho mãi đến những năm về sau.
PHẠM KHẢI
Cùng với thời gian, càng ngày tôi càng nhận ra tầm vóc lớn lao của nhà thơ Nguyễn Bính. Không, ở đây tôi không nói theo cách của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ông nhận xét về thơ của cụ Đồ Chiểu, rằng “Trên trời có những vì sao có ánh sáng phi thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng”. Với tôi, thơ Nguyễn Bính là nguồn nước giếng thơi trong mát. Ta chỉ thực sự thấy hết ý nghĩa của nó khi phải đối mặt với mênh mông sa mạc. Vâng, sa mạc của chữ nghĩa và sa mạc của hồn người.
Nếu như các nhà thông thái, thoạt mới tiếp xúc với thơ Nguyễn Bính dễ buông nhận xét: “Thơ như thế này thì có gì” (xem bài của Hoài Thanh về Nguyễn Bính trong “Thi nhân Việt Nam”) thì “Với thơ, Nguyễn Bính kỹ lưỡng đắn đo suy nghĩ có khi đến quên ăn quên ngủ vì một từ, viết nháp nhiều lần, sửa chữa kỹ lưỡng từng câu từng chữ” (trích hồi ký của nhà thơ Hoàng Tấn). Có gì mâu thuẫn chăng? Không, tôi thấy đây là chuyện hoàn toàn có thể cắt nghĩa được: Người làm thơ một khi tay nghề đã quá cao cường, nói như thơ Vũ Quần Phương “Gặp thơ rồi thì quên chữ quên câu”, hẳn họ sẽ khiến người đọc khó mà tìm ra dấu vết của việc họ uốn câu tỉa chữ. Nguyễn Bính là một trường hợp như thế. Cầm trên tay một cốc nước mát, nhìn vào cái sự… trong suốt của nó, có thể ai đó sẽ nghĩ “không có gì”, hay đâu, để có được cái “trong veo”, “trong vắt” ấy (thơ Nguyễn Bính: “Hồn tôi giếng ngọt trong veo/ Trăng thu trong vắt, biển chiều trong xanh” - bài “Tình tôi”), người làm thơ đã phải thanh lọc, xử lý kỳ công các tạp chất như thế nào?
Nhiều người đã biết đến khả năng chiếm lĩnh bạn đọc của thơ Nguyễn Bính, một tiếng thơ phổ cập vào bậc nhất trên thi đàn Việt Nam thế kỷ XX. Điều này có căn nguyên từ cả nội dung mà tác giả đề cập và thủ pháp mà tác giả sử dụng.
Trước tiên hãy nói về thủ pháp nghệ thuật mà Nguyễn Bính sử dụng để tạo cho bài thơ, khổ thơ có sức ăn sâu bám chắc trong trí nhớ người đọc: Nguyễn Bính hầu như chỉ sử dụng các thể thơ truyền thống như lục bát, thất ngôn (ông viết rất nhiều, tới cả ngàn bài nhưng hầu như rất hiếm khi dùng thể thơ tự do) và cách bắt vần của ông thì hết sức chặt chẽ. Ở mặt này, Nguyễn Bính rất gần với Tố Hữu và sự thật, cùng với thơ Tố Hữu, đó là hai tiếng thơ thuộc loại dễ thuộc dễ nhớ bậc nhất trong thi ca Việt Nam. Trước đây, nhà thơ Vương Trọng từng có lần đố tôi tìm được trong các nhà thơ nổi tiếng đương đại một bài thơ lục bát có sự bắt vần chỉnh đến “trăm phần trăm” như bài “Đường rừng chiều” của Nguyễn Bính:
Lữ hành bắt gặp quán cơm
Bầy ong bắt gặp mùi thơm hoa rừng
Đèo cao cho suối ngập ngừng
Nắng thoai thoải nắng chiều lưng lửng chiều
Giăng non như một cánh diều
Trẻ con phất dối thả liều lên mây
Chim nào kêu mỏi ngàn cây
Ngẩn ngơ đôi chiếc ngựa gầy dong xe
Đồi sim dan díu nương chè
Trắng phau khói núi, xanh lè áo ai….
Thoạt đầu, tôi nghĩ việc này… dễ ợt (bởi bài thơ của Nguyễn Bính chỉ vẻn vẹn có 10 câu). Nào ngờ bắt tay vào tìm, mới thấy việc không hề đơn giản. Trong cả rừng thơ lục bát với nhiều bài “chắc nịch”, thật hiếm bài có cách bắt vần khít khịt, “chuẩn không cần chỉnh” như bài thơ trên (nhiều bài “chuẩn” được dăm ba câu thì lại rơi vào cảnh vần ơm bắt vần với vần ươm; vần ưng bắt vần với vần ung, hoặc vần ông; vần iêu bắt vần với vần eo…).
Tất nhiên, trong việc làm thơ, không phải cứ bắt vần chuẩn như vậy là thành thơ… hay (và tất nhiên, nếu ai đó chủ ý bắt vần cho thật chuẩn thì chắc rồi họ cũng làm được). Cái tài của Nguyễn Bính, là dù ông rất chú trọng về mặt vần điệu, song hơi thơ đọc lên nghe vẫn thanh thoát, tự nhiên, chữ nghĩa xem ra cũng không bị gò gẫm. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, như một ông thầy cao tay điểm huyệt, Nguyễn Bính đã có cách nhấn nhá, luyến láy chữ nghĩa tài tình, tạo cho bài thơ, khổ thơ một sự thăng hoa, bứt phá rất ấn tượng. Nó như liều thuốc chống buồn ngủ khi người tài xế đang dong xe trên một cung đường êm ả, vắng người…Và cách luyến láy, nhấn nhá này được Nguyễn Bính sử dụng nhiều ngay từ lúc khởi nghiệp thơ cho mãi đến những năm về sau. Như ở bài “Ghen”, ông nhấn nhá mấy chữ: “nghĩa là”, “quá”, “cô là”, “tất cả” trong khổ thơ kết bài: “Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi/ Thế nghĩa là yêu quá mất rồi/ Và nghĩa là cô là tất cả/ Cô là tất cả của riêng tôi” - một cách nhấn nhá cốt để thể hiện cái rối rít, cuống quít của lòng yêu; hay như ở bài “Chân quê”, ông nhấn nhá mấy chữ “chanh”, chữ “mình” trong hai câu “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê”, cốt làm nổi bật thông điệp phải giữ được sự “chân quê”; hoặc ở bài “Viếng hồn trinh nữ” là sự nhấn nhá mấy chữ “trắng”: “Có một chiếc xe màu trắng đục/ Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi/ Đem đi một chiếc quan tài trắng/ Và những vòng hoa trắng lạnh người/ Theo bước những người khăn áo trắng/ Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi”, một cách nhấn nhá nhằm làm nổi bật lên sự ám ảnh, xa xót khôn nguôi của tác giả trước đám tang một trinh nữ mà mình từng có tình ý. Trong một số trường hợp, nhất là ở những bài thơ tình, sự nhấn nhá chữ nghĩa của Nguyễn Bính còn tạo nên một sự… ỡm ờ rất có duyên: “Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng/ Hai thôn chung lại một làng/ Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?/ Ngày qua ngày lại qua ngày/ Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng…” (bài “Tương tư”); “Cô hái mơ ơi/ Chẳng trả lời nhau lấy một lời/ Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng/ Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi” (bài “Cô hái mơ”)…vv và vv …
Về nội dung, điều dễ nhận thấy là Nguyễn Bính đã rất thành công khi đưa độc giả - nhất là những người đang sống (hoặc một thời từng sống) nơi thôn dã - trở về với những gì thơ mộng, thánh thiện nhất của một thời quá vãng. Thật ra, trong những điều Nguyễn Bính viết, đâu phải cảnh nào, tình huống nào cũng xảy ra trong đời thực của ông. Những cảnh thanh bình nơi gian nhà tranh nho nhỏ, dưới ánh trăng mơ, vợ quay tơ, chồng ngâm thơ; rồi cảnh trai làng gái xóm hò hẹn nhau trong đêm hát hội; cảnh hoa xoan rơi kín lối ngày xuân, hoa cải nở vàng cuối đông; cảnh cô gái chèo đò ngồi đợi tình quân; cảnh đêm trăng sáng như ban ngày; cảnh ngày nắng lên trẻ em đùa nô bên nhành lá non như tráng bạc… tất cả hoặc chỉ là những khoảnh khắc hiếm hoi mà tác giả lưu giữ được, hoặc là khát vọng mà ông hướng tới, trong khi thực tế cuộc sống mà ông đối mặt, cụ thể là những gì diễn ra ở làng quê Nguyễn Bính - hãy xem nhà văn Tô Hoài, người bạn một thời cơ khổ của Nguyễn Bính thuật lại, thì đâu có thơ mộng, êm đềm như vậy: “Làng Thiện Vịnh, làng quê chôn nhau cắt rốn của anh, cái làng đồng trũng mà chắc đến mùa nước thì con đường đê liên huyện kia chỉ còn là sợi chỉ mỏng mảnh bên làn nước giữa gò đất, bờ bụi, tre pheo. Sao mà lắm gió thế, gió trên đồng đêm ngày giật lên, gào lên từng cơn. Làng nước xám ngắt, quang cảnh tiêu điều lam lũ ảm đạm, nheo nhóc. Thế mà: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy. Tầm vóc, thật tầm vóc, mỗi câu thơ Nguyễn Bính” (Lời giới thiệu “Tuyển tập Nguyễn Bính”, NXB Văn học, 1986). Rõ ràng, khát vọng của Nguyễn Bính đã nâng tầm cho những câu thơ của ông, làm cảnh trí đẹp thêm lên, tạo một sức lay động mạnh mẽ con tim người đọc.
Một số nhà nghiên cứu văn học vẫn xếp Nguyễn Bính vào trường thơ đồng quê như Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ. Thật ra, Nguyễn Bính không tả vẻ đẹp của cảnh quê đơn thuần mà mượn nó để nói những ước vọng “tình quê” của những đôi trai hiền gái thảo. Bởi vậy, cảnh trí trong thơ Nguyễn Bính không chỉ là vẻ đẹp của không gian mà đằng sau nó còn là thời gian, là cái đẹp của hồn cốt bao đời tụ lại. Đọc những câu: “Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ/ Nàng vừa may với gió đầu thu” (bài “Viếng hồn trinh nữ”), cấp độ liên tưởng ấy ta có thể bắt gặp ở một nhà thơ đồng quê nào đó, nhưng đến hai câu kế tiếp: “Gió thu còn lại bao nhiêu gió/ Chiếc áo giờ đây bạc dưới mồ” thì phải tới cỡ Nguyễn Bính mới có được. Cũng vậy, với những câu: “Từ ngày cô đi lấy chồng/ Gớm sao có một quãng đồng mà xa/ Bờ rào cây bưởi không hoa/ Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo/ Lợn không nuôi, đặc ao bèo/ Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn” thì với con mắt quan sát cảnh vật tinh tế như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, chẳng khó gì để họ viết nên những câu thơ trên. Nhưng đến câu “Giếng thơi mưa ngập nước tràn/ Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều” thì quả là phải chờ đến Nguyễn Bính, một nhà thơ không chỉ giàu trải nghiệm, “lăn lóc trường đời” mà còn có một thế giới nội tâm đặc biệt phong phú.
Trước đây, trong một bài viết về Anh Thơ, tôi đã có đôi dòng liên hệ, so sánh sự khác biệt giữa thơ của nữ thi sĩ này và thơ Nguyễn Bính. Trong khi cho rằng, với tập “Bức tranh quê”, Anh Thơ đã khiến độc giả khó mà đoán định được giới tính của người viết thì tôi lại xem Nguyễn Bính là một nhà thơ nông thôn giàu… nữ tính. Quả thực, trái ngược với con người mà ngoài đời có lối sống băm bổ, kiêu bạc, thậm chí… chất chưởng ấy, trong thơ, Nguyễn Bính luôn thể hiện là một con người ủy mị, nhiều nước mắt. Không hiếm bài thơ, Nguyễn Bính đã đứng ở ngôi vị người phụ nữ để tâm tình với độc giả (như các bài “Mưa xuân”, “Lỡ bước sang ngang”, “Lòng mẹ”, “Thời trước”, “Lòng nào dám tưởng”…). Và ông đã vào giọng nữ một cách hết sức nhuần nhuyễn. Đọc những câu: “Em ơi! Em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương/ Mẹ già một nắng hai sương/ Chị đi một bước trăm đường xót xa/ Cậy em, em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương” (bài “Lỡ bước sang ngang”), mấy ai nghĩ rằng những lời ấy được viết ra bởi một nam thi sĩ có nhiều năm tháng vật lộn với cuộc sống nơi thị thành? Đây có thể coi là một lợi thế khiến nhiều bài thơ của Nguyễn Bính đủ sức chinh phục một đối tượng bạn đọc vốn dĩ được xem là “một nửa thế giới”. Và, như người đời vẫn nói, khi đã chinh phục được các độc giả nữ thì đó cũng chính là tiền đề để những bài thơ ấy len lỏi đi vào đời sống tình cảm của mọi gia đình.
Ngoài mảng thơ viết về cảnh quê, tình quê với nhiều xúc cảm trong sáng, Nguyễn Bính còn có mảng thơ viết về cuộc sống thị thành với những tiếng kêu than rầm rĩ, nghe bức bối và cũng có lúc hơi… phường tuồng. Có thể nói, ở mảng thơ này, nhất là với những bài gọi là thơ tình, Nguyễn Bính lép vế nhiều so với các tác giả khác như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương. Song ở vệt bài thể hiện nỗi niềm tha phương, thi nhân cũng đã kịp lưu được dấu ấn sáng tạo của mình trong những vần thơ đặc sắc. Đọc những câu như: “Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày/ Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói/ Giời mờ ngao ngán một loài mây…” (bài “Giời mưa ở Huế”) ta thấy đó không còn là thơ nữa mà đã kết tinh thành một khúc tâm trạng nói lên nỗi cô đơn, buồn chán đến cực điểm của những kiếp người phải lang thang nay đây mai đó và đang mất dần phương hướng sống.
Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày những bài thơ xuất sắc nhất của Nguyễn Bính góp mặt trên thi đàn. Có một phong trào đọc thơ Nguyễn Bính và làm thơ như… Nguyễn Bính, song đến nay, hiện tượng Nguyễn Bính vẫn là “độc nhất vô nhị”. Những khát vọng trinh nguyên nhường ấy, được lồng vào những thể thơ dân gian mượt mà, trong sáng là vậy - sự hôn phối ấy chỉ diễn ra có một lần. Văn hào Anh Richard Jefferies đã viết đại ý, phải mất hàng trăm năm ngọn gió nam thổi trên những cánh đồng lúa xanh rờn mới có thể tạo nên một trinh nữ hoàn hảo. Mượn cách nói ấy, tôi muốn khẳng định rằng, phải hàng trăm năm dân tộc ta mới sản sinh ra một nhà thơ đồng quê như Nguyễn Bính.
PHẠM KHẢI
Cùng với thời gian, càng ngày tôi càng nhận ra tầm vóc lớn lao của nhà thơ Nguyễn Bính. Không, ở đây tôi không nói theo cách của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ông nhận xét về thơ của cụ Đồ Chiểu, rằng “Trên trời có những vì sao có ánh sáng phi thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng”. Với tôi, thơ Nguyễn Bính là nguồn nước giếng thơi trong mát. Ta chỉ thực sự thấy hết ý nghĩa của nó khi phải đối mặt với mênh mông sa mạc. Vâng, sa mạc của chữ nghĩa và sa mạc của hồn người.
Nếu như các nhà thông thái, thoạt mới tiếp xúc với thơ Nguyễn Bính dễ buông nhận xét: “Thơ như thế này thì có gì” (xem bài của Hoài Thanh về Nguyễn Bính trong “Thi nhân Việt Nam”) thì “Với thơ, Nguyễn Bính kỹ lưỡng đắn đo suy nghĩ có khi đến quên ăn quên ngủ vì một từ, viết nháp nhiều lần, sửa chữa kỹ lưỡng từng câu từng chữ” (trích hồi ký của nhà thơ Hoàng Tấn). Có gì mâu thuẫn chăng? Không, tôi thấy đây là chuyện hoàn toàn có thể cắt nghĩa được: Người làm thơ một khi tay nghề đã quá cao cường, nói như thơ Vũ Quần Phương “Gặp thơ rồi thì quên chữ quên câu”, hẳn họ sẽ khiến người đọc khó mà tìm ra dấu vết của việc họ uốn câu tỉa chữ. Nguyễn Bính là một trường hợp như thế. Cầm trên tay một cốc nước mát, nhìn vào cái sự… trong suốt của nó, có thể ai đó sẽ nghĩ “không có gì”, hay đâu, để có được cái “trong veo”, “trong vắt” ấy (thơ Nguyễn Bính: “Hồn tôi giếng ngọt trong veo/ Trăng thu trong vắt, biển chiều trong xanh” - bài “Tình tôi”), người làm thơ đã phải thanh lọc, xử lý kỳ công các tạp chất như thế nào?
Nhiều người đã biết đến khả năng chiếm lĩnh bạn đọc của thơ Nguyễn Bính, một tiếng thơ phổ cập vào bậc nhất trên thi đàn Việt Nam thế kỷ XX. Điều này có căn nguyên từ cả nội dung mà tác giả đề cập và thủ pháp mà tác giả sử dụng.
Trước tiên hãy nói về thủ pháp nghệ thuật mà Nguyễn Bính sử dụng để tạo cho bài thơ, khổ thơ có sức ăn sâu bám chắc trong trí nhớ người đọc: Nguyễn Bính hầu như chỉ sử dụng các thể thơ truyền thống như lục bát, thất ngôn (ông viết rất nhiều, tới cả ngàn bài nhưng hầu như rất hiếm khi dùng thể thơ tự do) và cách bắt vần của ông thì hết sức chặt chẽ. Ở mặt này, Nguyễn Bính rất gần với Tố Hữu và sự thật, cùng với thơ Tố Hữu, đó là hai tiếng thơ thuộc loại dễ thuộc dễ nhớ bậc nhất trong thi ca Việt Nam. Trước đây, nhà thơ Vương Trọng từng có lần đố tôi tìm được trong các nhà thơ nổi tiếng đương đại một bài thơ lục bát có sự bắt vần chỉnh đến “trăm phần trăm” như bài “Đường rừng chiều” của Nguyễn Bính:
Lữ hành bắt gặp quán cơm
Bầy ong bắt gặp mùi thơm hoa rừng
Đèo cao cho suối ngập ngừng
Nắng thoai thoải nắng chiều lưng lửng chiều
Giăng non như một cánh diều
Trẻ con phất dối thả liều lên mây
Chim nào kêu mỏi ngàn cây
Ngẩn ngơ đôi chiếc ngựa gầy dong xe
Đồi sim dan díu nương chè
Trắng phau khói núi, xanh lè áo ai….
Thoạt đầu, tôi nghĩ việc này… dễ ợt (bởi bài thơ của Nguyễn Bính chỉ vẻn vẹn có 10 câu). Nào ngờ bắt tay vào tìm, mới thấy việc không hề đơn giản. Trong cả rừng thơ lục bát với nhiều bài “chắc nịch”, thật hiếm bài có cách bắt vần khít khịt, “chuẩn không cần chỉnh” như bài thơ trên (nhiều bài “chuẩn” được dăm ba câu thì lại rơi vào cảnh vần ơm bắt vần với vần ươm; vần ưng bắt vần với vần ung, hoặc vần ông; vần iêu bắt vần với vần eo…).
Tất nhiên, trong việc làm thơ, không phải cứ bắt vần chuẩn như vậy là thành thơ… hay (và tất nhiên, nếu ai đó chủ ý bắt vần cho thật chuẩn thì chắc rồi họ cũng làm được). Cái tài của Nguyễn Bính, là dù ông rất chú trọng về mặt vần điệu, song hơi thơ đọc lên nghe vẫn thanh thoát, tự nhiên, chữ nghĩa xem ra cũng không bị gò gẫm. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, như một ông thầy cao tay điểm huyệt, Nguyễn Bính đã có cách nhấn nhá, luyến láy chữ nghĩa tài tình, tạo cho bài thơ, khổ thơ một sự thăng hoa, bứt phá rất ấn tượng. Nó như liều thuốc chống buồn ngủ khi người tài xế đang dong xe trên một cung đường êm ả, vắng người…Và cách luyến láy, nhấn nhá này được Nguyễn Bính sử dụng nhiều ngay từ lúc khởi nghiệp thơ cho mãi đến những năm về sau. Như ở bài “Ghen”, ông nhấn nhá mấy chữ: “nghĩa là”, “quá”, “cô là”, “tất cả” trong khổ thơ kết bài: “Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi/ Thế nghĩa là yêu quá mất rồi/ Và nghĩa là cô là tất cả/ Cô là tất cả của riêng tôi” - một cách nhấn nhá cốt để thể hiện cái rối rít, cuống quít của lòng yêu; hay như ở bài “Chân quê”, ông nhấn nhá mấy chữ “chanh”, chữ “mình” trong hai câu “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê”, cốt làm nổi bật thông điệp phải giữ được sự “chân quê”; hoặc ở bài “Viếng hồn trinh nữ” là sự nhấn nhá mấy chữ “trắng”: “Có một chiếc xe màu trắng đục/ Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi/ Đem đi một chiếc quan tài trắng/ Và những vòng hoa trắng lạnh người/ Theo bước những người khăn áo trắng/ Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi”, một cách nhấn nhá nhằm làm nổi bật lên sự ám ảnh, xa xót khôn nguôi của tác giả trước đám tang một trinh nữ mà mình từng có tình ý. Trong một số trường hợp, nhất là ở những bài thơ tình, sự nhấn nhá chữ nghĩa của Nguyễn Bính còn tạo nên một sự… ỡm ờ rất có duyên: “Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng/ Hai thôn chung lại một làng/ Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?/ Ngày qua ngày lại qua ngày/ Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng…” (bài “Tương tư”); “Cô hái mơ ơi/ Chẳng trả lời nhau lấy một lời/ Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng/ Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi” (bài “Cô hái mơ”)…vv và vv …
Về nội dung, điều dễ nhận thấy là Nguyễn Bính đã rất thành công khi đưa độc giả - nhất là những người đang sống (hoặc một thời từng sống) nơi thôn dã - trở về với những gì thơ mộng, thánh thiện nhất của một thời quá vãng. Thật ra, trong những điều Nguyễn Bính viết, đâu phải cảnh nào, tình huống nào cũng xảy ra trong đời thực của ông. Những cảnh thanh bình nơi gian nhà tranh nho nhỏ, dưới ánh trăng mơ, vợ quay tơ, chồng ngâm thơ; rồi cảnh trai làng gái xóm hò hẹn nhau trong đêm hát hội; cảnh hoa xoan rơi kín lối ngày xuân, hoa cải nở vàng cuối đông; cảnh cô gái chèo đò ngồi đợi tình quân; cảnh đêm trăng sáng như ban ngày; cảnh ngày nắng lên trẻ em đùa nô bên nhành lá non như tráng bạc… tất cả hoặc chỉ là những khoảnh khắc hiếm hoi mà tác giả lưu giữ được, hoặc là khát vọng mà ông hướng tới, trong khi thực tế cuộc sống mà ông đối mặt, cụ thể là những gì diễn ra ở làng quê Nguyễn Bính - hãy xem nhà văn Tô Hoài, người bạn một thời cơ khổ của Nguyễn Bính thuật lại, thì đâu có thơ mộng, êm đềm như vậy: “Làng Thiện Vịnh, làng quê chôn nhau cắt rốn của anh, cái làng đồng trũng mà chắc đến mùa nước thì con đường đê liên huyện kia chỉ còn là sợi chỉ mỏng mảnh bên làn nước giữa gò đất, bờ bụi, tre pheo. Sao mà lắm gió thế, gió trên đồng đêm ngày giật lên, gào lên từng cơn. Làng nước xám ngắt, quang cảnh tiêu điều lam lũ ảm đạm, nheo nhóc. Thế mà: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy. Tầm vóc, thật tầm vóc, mỗi câu thơ Nguyễn Bính” (Lời giới thiệu “Tuyển tập Nguyễn Bính”, NXB Văn học, 1986). Rõ ràng, khát vọng của Nguyễn Bính đã nâng tầm cho những câu thơ của ông, làm cảnh trí đẹp thêm lên, tạo một sức lay động mạnh mẽ con tim người đọc.
Một số nhà nghiên cứu văn học vẫn xếp Nguyễn Bính vào trường thơ đồng quê như Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ. Thật ra, Nguyễn Bính không tả vẻ đẹp của cảnh quê đơn thuần mà mượn nó để nói những ước vọng “tình quê” của những đôi trai hiền gái thảo. Bởi vậy, cảnh trí trong thơ Nguyễn Bính không chỉ là vẻ đẹp của không gian mà đằng sau nó còn là thời gian, là cái đẹp của hồn cốt bao đời tụ lại. Đọc những câu: “Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ/ Nàng vừa may với gió đầu thu” (bài “Viếng hồn trinh nữ”), cấp độ liên tưởng ấy ta có thể bắt gặp ở một nhà thơ đồng quê nào đó, nhưng đến hai câu kế tiếp: “Gió thu còn lại bao nhiêu gió/ Chiếc áo giờ đây bạc dưới mồ” thì phải tới cỡ Nguyễn Bính mới có được. Cũng vậy, với những câu: “Từ ngày cô đi lấy chồng/ Gớm sao có một quãng đồng mà xa/ Bờ rào cây bưởi không hoa/ Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo/ Lợn không nuôi, đặc ao bèo/ Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn” thì với con mắt quan sát cảnh vật tinh tế như Anh Thơ, Bàng Bá Lân, chẳng khó gì để họ viết nên những câu thơ trên. Nhưng đến câu “Giếng thơi mưa ngập nước tràn/ Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều” thì quả là phải chờ đến Nguyễn Bính, một nhà thơ không chỉ giàu trải nghiệm, “lăn lóc trường đời” mà còn có một thế giới nội tâm đặc biệt phong phú.
Trước đây, trong một bài viết về Anh Thơ, tôi đã có đôi dòng liên hệ, so sánh sự khác biệt giữa thơ của nữ thi sĩ này và thơ Nguyễn Bính. Trong khi cho rằng, với tập “Bức tranh quê”, Anh Thơ đã khiến độc giả khó mà đoán định được giới tính của người viết thì tôi lại xem Nguyễn Bính là một nhà thơ nông thôn giàu… nữ tính. Quả thực, trái ngược với con người mà ngoài đời có lối sống băm bổ, kiêu bạc, thậm chí… chất chưởng ấy, trong thơ, Nguyễn Bính luôn thể hiện là một con người ủy mị, nhiều nước mắt. Không hiếm bài thơ, Nguyễn Bính đã đứng ở ngôi vị người phụ nữ để tâm tình với độc giả (như các bài “Mưa xuân”, “Lỡ bước sang ngang”, “Lòng mẹ”, “Thời trước”, “Lòng nào dám tưởng”…). Và ông đã vào giọng nữ một cách hết sức nhuần nhuyễn. Đọc những câu: “Em ơi! Em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương/ Mẹ già một nắng hai sương/ Chị đi một bước trăm đường xót xa/ Cậy em, em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương” (bài “Lỡ bước sang ngang”), mấy ai nghĩ rằng những lời ấy được viết ra bởi một nam thi sĩ có nhiều năm tháng vật lộn với cuộc sống nơi thị thành? Đây có thể coi là một lợi thế khiến nhiều bài thơ của Nguyễn Bính đủ sức chinh phục một đối tượng bạn đọc vốn dĩ được xem là “một nửa thế giới”. Và, như người đời vẫn nói, khi đã chinh phục được các độc giả nữ thì đó cũng chính là tiền đề để những bài thơ ấy len lỏi đi vào đời sống tình cảm của mọi gia đình.
Ngoài mảng thơ viết về cảnh quê, tình quê với nhiều xúc cảm trong sáng, Nguyễn Bính còn có mảng thơ viết về cuộc sống thị thành với những tiếng kêu than rầm rĩ, nghe bức bối và cũng có lúc hơi… phường tuồng. Có thể nói, ở mảng thơ này, nhất là với những bài gọi là thơ tình, Nguyễn Bính lép vế nhiều so với các tác giả khác như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương. Song ở vệt bài thể hiện nỗi niềm tha phương, thi nhân cũng đã kịp lưu được dấu ấn sáng tạo của mình trong những vần thơ đặc sắc. Đọc những câu như: “Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày/ Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói/ Giời mờ ngao ngán một loài mây…” (bài “Giời mưa ở Huế”) ta thấy đó không còn là thơ nữa mà đã kết tinh thành một khúc tâm trạng nói lên nỗi cô đơn, buồn chán đến cực điểm của những kiếp người phải lang thang nay đây mai đó và đang mất dần phương hướng sống.
Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày những bài thơ xuất sắc nhất của Nguyễn Bính góp mặt trên thi đàn. Có một phong trào đọc thơ Nguyễn Bính và làm thơ như… Nguyễn Bính, song đến nay, hiện tượng Nguyễn Bính vẫn là “độc nhất vô nhị”. Những khát vọng trinh nguyên nhường ấy, được lồng vào những thể thơ dân gian mượt mà, trong sáng là vậy - sự hôn phối ấy chỉ diễn ra có một lần. Văn hào Anh Richard Jefferies đã viết đại ý, phải mất hàng trăm năm ngọn gió nam thổi trên những cánh đồng lúa xanh rờn mới có thể tạo nên một trinh nữ hoàn hảo. Mượn cách nói ấy, tôi muốn khẳng định rằng, phải hàng trăm năm dân tộc ta mới sản sinh ra một nhà thơ đồng quê như Nguyễn Bính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét