Trang

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

DỌC CON ĐƯỜNG NÔNG THÔN XA VẮNG



TẠ DUY ANH

1. 
Ở nhà quê, sau nếp nhà, trái bếp là đến cầu ao. Chưa có cầu ao kể như chưa khép kín một thế giới riêng biệt, thiếu một sự cân xứng mang tính phong thủy. Đi xa về gần, nếu là dân quê, không bao giờ vào nhà ngay nếu chưa qua cầu ao khỏa chân. Tuy chỉ là một vật dụng đơn giản nhưng cầu ao lại nói được rất nhiều điều về gia phong, gia thế của chủ nhân nó. 
Vài ba cây tre ghép lại sơ sài, gác qua loa lên hai chiếc cọc bắt chéo, đầu kia cẩu thả bám vào vách đất nham nhở, đó là chiếc cầu ao của nhà khó, chưa có nếp, quen tùy tiện trong sinh hoạt, bạ đâu hay đấy. Cũng bằng tre nhưng thẳng thớm, các mấu được róc nhẵn, cây đều và già, ghép to bản, cọc đỡ chắc chắn, mộng mẹo đâu ra đấy, bắc song song với mặt nước, bậc lên xuống thoáng, thấp, có cọc chốt những viên đá ong đen bóng khỏi xê dịch... Hoàn toàn có thể yên tâm với khẳng định: Gia chủ trọng nề nếp, kinh tế vững chãi, tôn trọng nguyên tắc, vui vầy với những gì mình tạo dựng. 

Nhà giầu có, ruộng cả ao liền thì cầu ao có thể xây bằng đá, bậc lên xuống uy nghi, được trang trí long li, quy, phượng, tùy theo thẩm mỹ và ý thích. Loại cầu ao này còn rất đắc dụng trong những buổi tế lễ có chén linh đình phải giết nhiều lợn gà... Bởi vì cầu ao là nơi người nhà quê làm sạch tất cả những gì cần phải đem vào nhà. Nó đồng thời giúp họ tiếp xúc với nước - như một yếu tố trong ngũ hành để điều hòa nhịp sinh học. Trong và sau các vụ cãi cọ, xô xát, người ta tìm đến cầu ao. Động tác khỏa nước, khoát nước có tác dụng giải tỏa ức chế và cả cơn phẫn nộ bừng bừng rất tốt. Nó hiển hiện một ý nghĩa nhãn tiền: Sau sự tan vỡ, cần phải mềm, tĩnh trở lại... như mặt nước vậy. 
Ngoài ra, trong sinh hoạt thường nhật, xuống cầu ao để làm sạch (mới hóa, thanh lọc, tống khứ sự uế tạp...); làm dịu cơn nóng nực (chế hỏa), tìm sự bình tâm trước khi suy xét việc phải trái (điều hòa tâm khí) và sau nữa để thưởng ngoạn thiên nhiên (Người ta còn muốn hòa vào thiên nhiên bằng việc tắm ở cầu ao - một thói quen và một ý thích, như là cái cách thức trở về với đại bản thể?). 
Hình ảnh bóng nguyệt lung lay thực ra chỉ có thể thấy rõ nhất khi đứng trên cầu ao. Hoặc giả câu ca dao “có rửa thì rửa chân tay/ chớ rửa lông mày chết cá ao anh” sẽ không thể có được nếu chỉ có “văn minh nước máy”. Cầu ao có thể biến mất (và như thế kể cũng tiếc!) nhưng đóng góp của nó cho văn hóa làng thì còn mãi.

2.
 
Thôn nữ đầu tiên trong đời tôi là một chị hàng xóm. Ngày ấy tôi còn bé, nhóc con, trong khi chị đã có ngực.  Từ một cô bé, chị thành thôn nữ, chỉ qua đúng một đêm. Hôm trước chị còn cười ré lên đuổi nhau với tụi tôi. Hôm sau, kể từ buổi sớm khi tôi dậy cho trâu đi đái, thấy chị đứng  bâng khuâng bên thành giếng, cười một mình, hát một mình, tay nâng trộm đôi bầu ngực, ngó nghiêng một cách hốt hoảng như sợ ai nom thấy... chị không chơi đùa với bọn tôi nữa. Tôi trở thành nhóc con của chị.
Cũng từ bấy sáng nào chị cũng xổ tóc, thích thú nhìn bóng mình dưới đáy giếng. Cũng từ bấy chị hay đỏ mặt, dậm chân lạch bạch khi tôi chế chị với một trai làng. Chị đuổi tôi, tóm áo kéo ghì vào lòng chị, hơi thở nóng hổi như nổi giận trong khi mắt chị long lanh:
- Từ giờ có chừa không?
- Em chừa...
Tôi không trêu, không chế, không khen chị xinh hóa ra lại làm chị buồn. Chị quay về với chị ở đáy giếng.
Một lần tôi bắt chước chị soi mình xuống giếng. Tôi thấy một mảng trời xanh hình tròn, in lên đó là hình tôi. Nhìn mãi tôi bắt gặp cặp mắt trong veo đăm chiêu nhìn lên từ đáy giếng. Không hiểu sao tôi tin đấy là mắt chị, mắt thôn nữ.
Chị đi lấy chồng còn tôi thì đi khỏi làng. Tôi đi qua hàng ngàn cặp mắt: trầm trồ thán phục, lạnh lùng, cười cợt, đắm đuối, tức giận, thèm muốn, khinh mạn... và tôi bị chẻ nhỏ thành một ngàn mảnh. Có lúc tôi chỉ còn là một chấm đen li ti. Tôi từng đặt chân vào những tòa nhà sang trọng, thấy mình ở bất cứ chỗ nào. Tại một nơi như thế, một lần tôi bỏ chạy vì bị vây bọc bởi các ma-nơ-canh với những cặp mắt cá, giống nhau như đúc, lạnh lẽo và vô hồn.
Tôi miên man đi tìm mắt thôn nữ. Trong một ngàn cô gái xanh, đỏ, tím, vàng... không có chị - thôn nữ của tôi. Ngày ấy chị luôn luôn sợ cái xinh đẹp của mình. Ngày ấy ra đường chị che kín mặt. Ngày ấy chị không dám soi gương, không dám cùng ăn cơm khi nhà có khách là đàn ông. Ngày ấy, trước khi về nhà chồng, chị thầm nói vào tai tôi: “Nhóc con ơi, ngày mai chị thành người khác rồi...” Tôi chạy về hỏi mẹ:
- Có phải ngày xưa mẹ cũng là thôn nữ?
Mẹ bảo:
- Một thoáng thôi.
Tôi tiếc ngẩn ngơ. Thảo nào hôm đưa dâu chị khóc tức tưởi.
Bây giờ thôn nữ ở đâu? Làng vẫn nghèo nhưng người đua nhau bắt chước làm dân phố. Tôi ngẩn ngơ mò kim đáy giếng?

3. 
Thông thường một gia đình nông dân có chung bờ rào với ít nhất một gia đình khác. Dù là thân hay sơ thì bao giờ họ cũng dựng lên ở chỗ ráp ranh một cái bờ rào. Chức năng cổ sơ nhất của nó là phân định giới hạn địa phận. Ngoại trừ những làng cổ, làng nghề do đất chật hoặc do nhu cầu bí mật nghề nghiệp, người ta mới xây tường ngăn, có chỗ cao lút đầu người, có cắm mảnh sành, mảnh sứ, thủy tinh hoặc chằng dây thép gai để chống vượt tường, còn lại, về cơ bản chức năng của bờ rào vẫn không thay đổi suốt cả thời gian dài cho dù thời gian từng xô đẩy nông thôn vào những cuộc chuyển mình như bão táp. 
Nghĩa là bờ rào vẫn chỉ là đường vạch ranh giới, tồn tại trong ý thức nhiều hơn trong thực tế. Vì thế hoặc chúng được rào “mắt cáo” con trâu chui lọt, hoặc được trồng bằng những cây không có gai, chẳng hạn như ngải cứu, thài bi, quá lắm là ô rô, lá răng cưa. Ranh giới hai nhà nào đó thấy trồng tre hoặc cây có gai, chắc chắn giữa họ có vấn đề về quan hệ. Rào cao, kín như bưng, thêm một cái hào sâu... có nghĩa là không quan hệ, còn quá nói thẳng ra rằng nhà nào biết nhà nấy, cấm cửa!
Bởi vì bờ rào vốn là nơi diễn ra những giao hảo thân tình giữa hai nhà. Nơi có thể đối thoại không gò bó, không  cần nghi thức (sang nhà người khác tối thiểu cũng phải áo xống cho nghiêm chỉnh). Nó vừa đảm bảo chủ quyền về lãnh thổ nhưng lại không quá cách biệt. Nó vừa đủ kín đáo mà không bít mất tầm mắt để hàng ngày, mỗi người tự do trên lãnh địa của mình nhưng không đến nỗi khuất mặt hàng xóm. 
Nó là cái cớ cho những hàn huyên, thăm hỏi nhau không chính thức, biếu nhau từ bát canh trở đi mà người biếu và người nhận không cần quá nhiều rào đón, nghi thức. Bờ rào truyền thống, chỉ chia mà không ngăn, nó tạo ra cảm giác gắn bó, ấm áp chứ không lạnh lùng chia tách.
Bờ rào là nhân chứng trung thực của những biến đổi ý thức. Chỉ cần nhìn vào hình thức tồn tại cũng như chức năng của nó có thể biết nhiều về nhân thế. Nó là chỉ số nhạy cảm cho sự thay đổi của bộ mặt nông thôn. Từ chức năng phân định ranh giới, nó chuyển dần sang chức năng an ninh và khu biệt. Khi chiếc bờ rào chỉ đơn thuần là tường ngăn lạnh lùng và kiên cố thì tình làng xóm cũng thay đổi cả về nội dung và hình thức. Những gì trước kia không thể thiếu được thì nay thành phiền toái, cản trở nhau làm ăn, phí thời gian một cách vô bổ. Được ở chỗ ấy mà cũng mất ở chỗ ấy. Trước kia ngoài bờ rào là hàng xóm, còn nay chỉ là người ở cạnh mình.

4. 
Tôi sinh ra ở nhà quê, đến năm 20 tuổi thì đi thoát ly. Năm 30 tuổi thành dân phố. Sống ở phố có nghĩa là nhà nào biết nhà ấy. Đi chỗ khác mà gặp người cùng khu tập thể, cùng phố... mới gật đầu chào nhau, chứ ngày thường không quen. Chào nhau ở nơi khác, chứ khi về đến khu, đến phố... lại như không quen. Tự dưng mình vồn vã không khéo người ta lại cho là mình có mưu đồ gì. 
Sống ở đâu mãi rồi cũng quen. Thỉnh thoảng về quê, không biết từ bao giờ tôi ngại đi thăm nhà khác. Buổi tối bà con kéo đến, người cho đấu lạc, mẹt khoai... thấy nhiêu khê quá. Nhận làm phép chứ quý hóa gì? Đã thế lại cứ lo thay cho người khác.
Chẳng hạn tôi cứ hay bị hỏi: “Mẹ con nó có khỏe không? Cẩn thận bọn trẻ đấy”. Rồi: “Anh làm gì mà gầy và xanh lắm” v.v... Đến phát bực cả mình.
Cách đây vài năm chúng tôi đón bố mẹ ra phố nốt. Thương con các cụ không nỡ từ chối. Vả lại được gần các cháu, ông bà cũng bớt cô quạnh. Nhưng mà lúc nào bố mẹ tôi cũng như người mất của? Mải làm ăn, thỉnh thoảng ngồi với các cụ, tôi chỉ dặn: “Ở phố người ta không thích quan tâm đến nhau như ở nhà quê đâu. Các cụ vào nhà ai phải hỏi con một câu”.
Bố mẹ tôi chỉ còn biết nghe theo mặc dù các cụ rất lấy làm lạ. Mặc dù được ăn uống sướng hơn, tiện nghi đầy đủ hơn (các cụ có thể xem tivi, vidéo cả ngày) vậy mà lạ thay, bố mẹ tôi lúc nào cũng buồn phiền, như là phải chịu đựng một sự thiếu thốn nào đó.
Một hôm, như đã bàn nhau kỹ lưỡng, các cụ ngỏ ý muốn chúng tôi cho các cụ về thăm quê. Mặc dù không có gì khó khăn về thời gian, tôi vẫn nói hắt đi:
- Chúng con bận lắm, bố mẹ thông cảm.
- Nhất định phải cho chúng tôi về, một chốc một lát thôi cũng được.
Tôi lái sang hướng khác:
- Nhà cửa mình bán rồi, còn ai thân thích đâu mà về, phiền người khác làm gì?
- Chúng tôi sống với nhau cả đời, có như ở phố đâu mà phiền. Nhất định chúng tôi phải về.
Thấy mặt hai cụ đầy vẻ khẩn khoản, tôi vừa ngại, vừa bực, hỏi:
- Hay ở đây chúng con không chu đáo với bố mẹ? Hay bố mẹ thiếu thốn gì?
- Không, các con chu đáo lắm, bố mẹ không nghĩ lại được đầy đủ như thế. Nhưng bố mẹ thèm... hàng xóm quá!
Tôi giật sững người. Thì ra mới ở phố 10 năm tôi đã quên cả từ hàng xóm. Hóa ra ở sát nách nhau vẫn không phải hàng xóm, mà chỉ là người bên cạnh. Chỉ toàn người cùng dãy, cùng khu, cùng phố... mà vẫn thiếu hàng xóm. Hàng xóm là siêu quan hệ, là tình làng nghĩa nước, là sự đùm bọc, chia sẻ, vị tha... 
Tôi chợt hiểu ra rằng, cuộc sống lạnh lùng, bất an, đáng sợ... bởi chỉ có người bên cạnh mà không có hàng xóm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét