Truyện ngắn dự thi của NGUYỄN LONG
Mỗi lần đi qua cổng trường cấp ba làng Yên, thày Hiện lại thấy lòng mình chộn rộn rất khó tả. Đã mấy chục năm trôi qua mà cái cảm giác ấy vẫn tươi nguyên như ngày thày mới phải xa trường. Không biết cái không khí lúc nào cũng trẻ trung của trường lớp hay duyên nợ với nghề từ kiếp trước đã buộc một phần hồn của thày vào giáo án, bài giảng mà đến gần cuối đời thày vẫn không quên được. Cho dù cái quãng thời gian đứng trên bục giảng chỉ là một đoạn nhỏ trong cuộc đời thày và nó chẳng xuôi sẻ ngọt ngào.
Cái thuở thày mới ra trường về đây dạy, đạo học còn tôn nghiêm lắm. Các thày cô giáo là thần tượng trong đầu óc học sinh. Giáo viên thời ấy còn có giá, ở đâu cũng cần. Những trường vùng sâu vùng xa như làng Yên lại càng thiếu. Thày về nhận công tác được nhận lớp, phân giờ ngay và hôm sau đã được lên bục giảng. Khu trường học bấy giờ còn nhà tranh vách đất. Mỗi thày cô được phân nửa gian nhà lá và một vuông đất để trồng rau tăng gia.
Mới ra trường, lại lần đầu tiên phải quản học sinh nên thày Hiện chúi đầu vào sách vở, công việc. Mấy tuần mà chưa biết hết tên tuổi mấy thày cô giáo trong trường. Người đầu tiên Hiện thân quen là mẹ con cô Dịu dạy địa ở phòng bên cạnh. Chồng Dịu là bộ đội, con gái chưa đầy hai tuổi. Hàng ngày Dịu phải gửi con ở nhà trẻ của xã để lên lớp nên lúc nào cũng vội vã, tất bật. Tối thứ bảy đầu tiên Hiện ở lại trường. Cả khu tập thể vắng ngắt, Hiện đang nằm đọc sách thì Dịu hớt hải chạy sang nhờ đèo hai mẹ con lên trạm xá xã. Con bé bị viêm họng cấp đang sốt cao. Hiện chưa có vợ nên không biết nỗi lo toan của người nuôi con nhỏ. Nhưng sự hốt hoảng, lo lắng trên khuôn mặt Dịu khi con ốm làm Hiện cũng lục sục cả đêm không ngủ. Thỉnh thoảng anh lại chạy sang xem con bé đã cắt sốt chưa và Dịu có cần giúp gì không. Sau này Dịu bảo: Anh Hiện mà có gia đình thì chiều vợ chiều con lắm.
Hiện dạy năm đầu tiên, mấy lớp anh giảng văn đã có hai học sinh đõ giỏi tỉnh. Bạn bè đồng nghiệp khen: Giỏi! gieo hạt vụ đầu mà đã đơm hoa kết trái. Riêng ông Thà hiệu phó phụ trách khối xã hội lại bảo: Cậu Hiện giảng văn cứ như người lên đồng ấy, như vậy là thiếu khoa học. Kết quả chỉ tốt lỏi còn lại làm hỏng chất lượng học văn của học sinh. Hiện không hiểu thế nào mới là khoa học, nhưng cái kiểu giảng bài cả ngày không mất một giọt mồ hôi của ông Thà và một vài đồng nghiệp ở trường thì anh không chịu nổi. Những ngày tháng lên lớp của anh chắc sẽ xuôi sẻ, thuận thàng nếu không có sự xuất hiện của Hải.
Hải về trường dạy cùng bộ môn với Hiện đúng lúc Dịu vừa nhận được tin chồng hy sinh ở mặt trận Thừa Thiên - Huế. Kém Dịu ba tuổi, chưa chồng lại có nước da nõn nà nên trông Hải càng trẻ hơn Dịu nhiều. Song cái dáng người mũm mĩm và cái cổ hơi ngắn của Hải, nhất là bộ ngực to quá mức bình thường của cô làm cho Hiện ngay từ lần gặp đầu đã không thấy cảm tình. Nhưng về được vài ngày Hải đã xoắn lấy Hiện. Trường ở vùng quê hẻo, tối chả có chỗ chơi nên chiều chiều ăn cơm xong nếu không phải họp hành gì là Hải lại lân la ở phòng Hiện. Cô có hàng trăm lý do để đến. Khi thì: anh Hiện ơi! cho em mượn quyển Hồng lâu mộng. Em chỉ thích đọc truyện ấy, sao mà toàn những người đẹp thế. Lúc lại bảo: anh Hiện ơi! cho em mượn giáo án bài giảng ngày mai. Mấy hôm nay em bận quá nên chưa kịp soạn. Miệng nói, tay Hải lục tìm chồng sách trên bàn, trên giá sách của Hiện. Rồi Hải rủ Hiện đi thăm gia đình học sinh, trồng rau tăng gia chung, nhờ sửa xe đạp... Bản thân Hiện đã luôn bận cắm đầu vào sách vở, giờ gặp lúc Dịu đang đau buồn nên anh thường qua lại động viên, đỡ đần hai mẹ con nên chẳng có thời gian ngó ngàng tới Hải. Tự dưng thấy mình như kẻ bị phụ tình, Hải đâm giận Hiện và ganh ghét với Dịu. Ngồi đâu có dịp là Hải đưa chuyện dèm pha nói xấu hai người. Mối thân tình giứa Hiện và Dịu từ trước trong mắt mọi người là vô tư trong sáng, giờ bỗng dưng phủ một lớp sương mờ. Có người còn bảo: Ừ! không hiểu sao cậu Hiện trai tơ lừng lững như thế mà cứ luẩn quẩn ở chỗ gái một con. Hay là ăn phải bùa mê thuốc lú. Trong khi đó ông Thà lúc nào cũng xoắn xuýt bên Hải. Ông ta hơn Hải tới hơn một giáp, đã có vợ ba con ở quê. Nhưng bà vợ già hơn ông mấy tuổi lại là dân làm ruộng nên gầy và đen như que củi. Hai vợ chồng ông đi với nhau người ta cứ tưởng hai chị em. Đã có dạo ông luôn luôn quan tâm quá mức với Dịu nhưng Dịu thường tìm cách tránh né. Cái nước da mỡ màng và bộ ngực núng nính của Hải như đánh thức trong ông cái mà ông chưa từng có nên ông thường săn đón chiều chuộng và anh em ngọt sớt với Hải. Khi nghe Hải tỉ tót về chuyện của Hiện và Dịu, nét mặt ông Thà như nở ra, bảo: Nó mới về là anh đã biết, vừa dạy giỏi một tý mà đã lên mặt khinh người, không chịu thăm hỏi, chào mừng ai bao giờ. Cứ để nó quan hệ bất chính, có lúc nhà trường sẽ sờ đến.
Từ ngày nghe tin chồng mất Dịu luôn bị ốm đau. Một ngày chủ nhật cuối năm trời lâm thâm mưa lạnh. Con bé bà ngoại đã đón về quê chơi. Một mình Dịu nằm cả ngày chả ngó ngàng gì đến cơm nước. Buổi tối Hiện đạp xe lên trường, thấy nhà cửa lạnh tanh, Dịu người thỉu đi gọi không thấy trả lời, anh vội vàng hì hục đốt bếp dầu nấu phích nước và đặt nồi cháo rồi bảo Dịu cố gượng dạy ăn cho nóng. Dịu chưa ăn hết bát cháo bỗng dưng khu tập thể giáo viên mất điện. Căn phòng tối om, Hiện còn đang mò mẫm tìn bật lửa thắp đèn thì bên ngoài có tiếng chân người rậm rịch. Rồi tiếng quát thô bạo: Hai người đang làm gì trong đó, mở cửa xem nào! Một cánh cửa khép hờ bị đẩy toang ra. Ông Thà đi trước tay cầm đèn pin, phía sau là hai bảo vệ xăm xăm bước vào nhà. Ông ta rọi đèn vào hai người rồi soi khắp nhà, giọng oang oang: Đây là khu tập thể giáo viên, sống phải có nội quy mẫu mực chứ không phải là nơi trai gái bừa bãi. Đã mấy lần có người phản ánh với nhà trường hai người có quan hệ bất chính. Hôm nay thì rõ mười mươi anh chị đang thậm thụt với nhau trong phòng tối. Đề nghị bảo vệ lập biên bản hiện trường rồi gửi về ban giám hiệu. Trước sự việc đường đột, Hiện giận sôi người, anh định tiến đến đấm vào bộ mặt tơ tráo của ông Thà. Nhưng tiếng nức nở của Dịu đã giữ chân anh lại: Em xin bác Thà và các anh, thấy em ốm anh Hiện sang hỏi thăm và nấu giúp cho nồi cháo chứ có ai làm điều gì xấu đâu. Với em thì các bác nói sao cũng được, nhưng xin đường buộc tội oan cho anh ấy. Giọng ông Thà lạnh băng: Thôi không cần nghe phân bua dài dòng, bảo vệ cứ lập biên bản còn ai nhận thì nhận, không đã có mọi người ở đây làm chứng.
Sau vụ bị đưa ra kiểm điểm, Hiện buồn chán chẳng còn thiết gì đến giáo án, bài giảng. Sự thân thiện giữa anh và Dịu như có một cái vạch chắn. Đầu xuân năm 1971 nhân có dịp tổng động viên anh xin nhập ngũ. Trước ngày lên đường anh bảo Dịu: Cũng tại tôi vô tâm mà Diụ phải mang tiếng. Nhưng Dịu đừng buồn, tôi tin mọi người đều hiểu và không ai nghĩ xấu về Dịu đâu. Dịu nói trong nước mắt: Em biết vì chuyện em mà anh phải đi. Mong anh được bình yên và sớm trở về để lại được đứng trên bục giảng. Đấy mới là chỗ thích hợp với anh. Mà em cũng không hiểu sao những người đàn ông tử tế đều đi ra trận cả.
Huấn luyện xong, đơn vị hiện được bổ xung vào mặt trận Tây Nguyên. Ở nơi rừng núi xa xôi, bom đạn ùng oàng suốt ngày, nhiều lúc tự dưng anh thấy nhớ tiếng trống trường, nhớ trang giáo án, nhớ những khuôn mặt học sinh và cả những cái mơ hồ đến nao lòng. Anh chợt nhận ra một điều: dù cuộc sống và chiến tranh khốc liệt tàn bạo hay bát nháo tới đâu thì bục giảng vẫn là nơi yên bình và trong sáng nhất. Với những tãc phẩm văn chương mang hơi thở chiến trận như Rừng Xà nu, Đường chúng ta đi... anh đã từng học rồi giảng cho học sinh. Trước kia anh mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp hào hùng của nó. Gìơ anh mới hiểu thêm, đó là những trang văn tác giả không chỉ viết bằng tài năng mà còn được viết bằng máu của nhiều người.
Gần bốn năm ở nơi chiến trận, Hiện đã chiến đấu như mọi người lính dũng cảm khác. Anh được kết nạp Đảng và mấy lần bị thương nhẹ. Giữa năm 1974 đơn vị chọn cử anh đi đào tạo sỹ quan chính quy để phục vụ lâu dài trong quân ngũ. Nhưng sự khao khát sau ngày đất nước bình yên được trở lại bục giảng vẫn canh cánh bên lòng nên anh xin được ở lại đơn vị chiến đấu. Trong cuộc tấn công giải phóng Tây Nguyên đầu xuân 1975 anh bị một mảnh pháo xuyên vỡ sườn phải và được chuyển ra Bắc điều trị. Sau ngày miền Nam giải phóng Hiện khoác ba lô từ trại điều dưỡng về trường. Vết thương đã lành nhưng trông anh gày gò, nước da chưa hết sốt rét vẫn còn xanh lướt. Nhà trường đã thay đổi nhiều. Ông Thà giờ làm hiệu trưởng. Cô Hải vẫn chưa lấy chồng nhưng đã lên chức tổ trưởng bộ môn văn. Người ta bảo tại cái mối quan hệ nửa anh em kết nghĩa nửa vợ chồng với ông hiệu trưởng nên nhiều năm qua đàn ông không ai dám đến với Hải. Mẹ con Dịu không còn ở trường. Sau khi Hiện đi ít ngày Dịu đã xin chuyển về một trường ở gần thị trấn. Hiện không biết những gì xảy ra ở trường những năm anh đi xa, nhưng phải gặp lại bộ mặt của ông Thà và Hải lòng anh đã ngán ngẩm. Nhất là trong buổi tiếp kiến ban giám hiệu, ông Thà nhìn Hiện từ đầu tới chân như một kẻ từ trên trời rơi xuống, rồi nói lấp lửng: Thế là chiến tranh đã kết thúc nên anh lại về đây. Mấy năm bom đạn chắc kiến thức đã rơi vãi nhiều. Điều đáng ngại nhất là sức khoẻ anh đã quá sa sút so với ngày xưa, không biết còn khả năng đứng trên bục giảng nữa hay không. Bây giờ hoà bình rồi, mọi người nói chung, thày cô giáo nói riêng phải tiếp thu những gì là tiên tiến nhất của thế giới để đưa đất nước đi tắt đón đầu tiến lên. Một ngày bây giờ bằng hai mươi năm. Không biết anh đã được quán triệt cái tinh thần ấy chưa nhỉ. Với những người không hội đủ điều kiện thì rất khó xếp vào guồng máy. Giấy tờ đã chuyển về rồi trước mắt anh cứ về nhà nghỉ ngơi, việc tiếp nhận và phân công tổ chức sẽ bàn và thông báo sau. Trông cái điệu bộ và lời nói của ông ta, những khao khát được trở lại bục giảng trong những ngày tháng ở chiến trường của Hiện tự dưng biến đâu hết. Anh buồn bã ở nhà mấy ngày rồi đạp xe xuống thị trấn tìm thăm mẹ con Dịu. Dịu già hơn ngày xưa một chút nhưng dáng điệu tươi tắn và thanh thản trở lại gần như hồi Hiện mới về trường. Con bé đã lớn vổng lên và đang học lớp một. Gặp lại Hiện, Dịu ríu rít đon đả: Ôi! trông anh khác quá, gầy và đen hơn trước nhiều nhưng lại có dáng dấp một người lính dày dạn từng trải. Rồi Dịu gọi con gái: Thảo ơi, bác Hiện về rồi đây này, ra chào bác đi con. Bác Hiện ngày xưa ở cạnh nhà mình mà mẹ đã kể đã mấy lần đèo con đi cấp cứu ấy...
Mấy tháng sau Hiện và Dịu làm lễ cưới và dồn tiền mua một căn nhà nhỏ ở ven thị trấn. Thâm tâm không muốn trở lại trường cũ nên nhân có một người bạn giới thiệu, Hiện đã xin về làm cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng ở phòng tuyên huấn huyện uỷ. Công việc và gia đình khi đã tạm ổn định, anh theo học một lớp đại học sử tại chức. Hàng ngày tuy vẫn làm việc với sổ sách, chữ nghĩa nhưng nỗi khát khao được đứng trên bục giảng vẫn còn nằm ẩn sâu đâu đó trong Hiện. Mỗi bận đi qua các cổng trường học, nhất là những dịp phải trở lại cấp ba làng Yên anh lại thấy lòng mình chộn rộn cái cảm giác vừa buồn buồn vừa nhớ nhung rất khó tả.
* * *
Từ ngày hai người về hưu, bà Dịu mở quầy hàng bán tạp hoá nên bận bịu hơn cả ngày còn dạy học. Nhà chỉ còn hai ông bà. Con cái đứa lớn đứa bé đều đã đi xa. Cái Thảo chị cả, con của người chồng liệt sỹ đã học xong đại học rồi làm việc, lấy chồng ở Hà Nội. Nhưng ông bà còn vất vả với hai đứa sau một trai một gái giờ còn đang học đại học. Hai xuất lương hưu chỉ đủ nuôi hai đứa ăn học, còn phải kiếm thêm để sống. Đã tưởng ông nghỉ hưu thì yên tâm giúp thêm việc hàng hoá. Nào ngờ cùng với mấy ông bạn, ông lại đi dạy văn hợp đồng cho trường PTTH Dân lập của tỉnh. Biết ông còn nặng duyên nợ với giáo án bục giảng nên bà chẳng dám can ngăn. Đã mấy chục năm bỏ nghề nhưng đầu óc ông chưa lúc nào dứt khỏi cái việc dạy văn, Ngày đi làm, tối về ông lại chúi đầu vào sách vờ và viết bài cho chuyên mục Văn học với nhà trường của các báo chí trung ương và địa phương. Tuy không ở ngành giáo dục nhưng năm nào tỉnh tổ chức hội thảo về dạy văn cũng mời ông. Việc nhà bận một mình bà không ngại, chỉ nghĩ thương ông sức khoẻ đã yếu mà đi dạy hợp đồng còn vất vả hơn người dạy trong biên chế.
Trường Dân lập ông Hiện dạy văn toàn những học sinh không đủ tiêu chuẩn vào trường công lập. Cái sự học ở đây như nước chảy bèo trôi. Học sinh đến lớp mà cứ lờ lững như đi chơi. Kể cả các lớp sắp ra trường cũng không có cái không khí sôi sục “học gạo” như ở nơi khác. Lớp 12 kết quả dạy và học hiện rõ ở tỉ lệ điểm thi tốt nghiệp và đỗ đại học nên nhiều người không muốn nhận. Ông Hiện bảo thày hiệu trưởng, một đồng nghiệp quen từ thủa còn hàn vi: Anh đừng ngại, cứ lớp nào trống thì bố trí tôi dạy. Thày hiệu trưởng đắn đo: Anh không được khoẻ, lại bỏ nghề nhiều năm liệu theo lớp 12 có vất vả quá không? Ông Hiện nói thẳng: Nếu dạy hai tháng đầu, học sinh trong lớp còn bỏ học văn tôi sẽ xin anh nghỉ. Nói mạnh như vậy, nhưng mấy buổi đầu lên lớp nhìn đám học sinh nửa trẻ con, nửa đã thành người lớn ngồi học với đủ mọi thái độ. Đứa thì lơ đễnh ể oải, đứa thì nô nghịch, chòng ghẹo nhau tự nhiên trong giờ học, ông Hiện không khỏi nản lòng. Trong lớp có trò Ngọc vừa xinh xắn lại con nhà giầu có. Nó đến lớp bằng chiếc xe máy @ bóng lộn. Sách vở nhiều hôm không mang nhưng lúc nào cũng kè kè cái điện thoại di động đắt tiền. Lần đầu tiên nhìn thấy ông cọc cạch đạp chiếc xe cà khổ đến lớp, nó bảo với bạn bè: Thầy giáo mà trông như mấy lão nhà quê đạp xe đi kiện, hay ngồi ăn vạ ở cổng uỷ ban tỉnh ấy. Nghe nó nói, ông Hiện chẳng phải tủi thân mà sao lòng cứ rười rượi buồn. Một lần ông đang giảng bài, điện thoại của nó tự dưng réo lên bản nhạc Con gái bây giờ. Mấy trò gái bịt miệng cười, còn đám trò trai thì huýt sáo. Ông Hiện cố nuốt sự bực bội vào lòng và làm như không biết cái Ngọc có điện thoại, chỉ nói: Em nào trót mở máy thì tắt đi. Quy định của nhà trường tất cả mọi học sinh không được mang điện thoại di động đến lớp, chắc mọi người đều biết cả. Sau giờ ra chơi ông bỏ cả một giờ dạy để nói chuyện với lớp như nói với những người lớn: Tôi biết trong lớp ta nhiều em đến đây học bởi mong muốn có kiến thức để đi thi đại học hoặc vào một trường nào đó mong sau này có một nghề nghiệp vững chắc ổn định. Nhưng cũng có nhiều em đi học bởi nhiều lý do khác nữa. Xu hướng hiện nay nhiều em không muốn học môn văn tôi dạy vì với các em nó không thiết thực bằng các môn tự nhiên khác. Đó là suy nghĩ của mỗi người mà không ai bắt buộc phải từ bỏ. Nhưng có một điều bắt buộc là tất cả những ai muốn có bằng tốt nghiệp PTTH thì phải hoàn thành những môn cơ bản, trong đó có môn văn. Những môn khác thế nào tôi không rõ. Nhưng với môn văn tôi dạy sẽ không có những loại điểm xin, điểm quan hệ càng không có điểm mua với bất kỳ ai. Quan điểm của tôi chỉ có một loại điểm học thực chất cho những người học bài và làm bài đầy đủ. Dù ngay hôm nay nhà trường có cắt hợp đồng dạy, tôi cũng không thay đổi ý kiến của mình. Ông ngừng lại một lát, nhìn xuống đám trò ngồi lặng yên. Cả lớp không một tiếng thì thào, một cử chỉ nghịch ngợm. Chợt nhận ra những lời cứng rắn của mình đã gây ra sự căng thẳng quá mức, ông hớp một ngụm nước cho bớt khô họng rồi nói tiếp với lời lẽ dịu hơn: Về phần mình, trong những giờ lên lớp tôi sẽ cố gắng truyền đạt cho các em đầy đủ kiến thức theo chương trình quy định. Và tôi tin rằng với những em có dự định thi vào đại học những khối có môn văn, chỉ cần nghe giảng đầy đủ những giờ tôi lên lớp và chịu khó ôn tập ở nhà trong những kỳ thi tới chắc chắn điểm văn của các em sẽ không thấp... Trong lúc ông nói, trò Ngọc trố mắt nhìn ông. Nét mặt nó hiện rõ vẻ vừa ngạc nhiên vừa nghi ngờ. Bao nhiêu năm đi học nó chưa nghe thấy giáo viên nào nói những lời thẳng thắn như thế. Nó tự nhủ: Cái ông già nhà quê mà nói năng có vẻ tự tin, dứt khoát như thế. để xem rồi ông ta giảng dạy như thế nào.
Mọi sự bực bội, buồn chán trong ông tự dưng tan biến mỗi khi ông bắt đầu giảng bài. Lúc ông viết đề bài xong là những câu những ý như ở đâu bỗng cuồn cuộn đổ về. Ông vừa nói vừa viết say sưa như quên mình là ai, quên mấy đứa đang ngồi nghịch điện thoại, , quên cả những lời nói của các trò làm ông mất lòng. Viên phấn trong tay ông đưa lên đưa xuống như múa. Những con chữ như từ trong ông chảy ra tấm bảng đen. Sau buổi dự giờ ông lên lớp, nhiều đồng nghiệp bảo: Thày Hiện giảng văn mà say sưa như người giảng đạo. Người lại nói: Có vài chục ngàn một tiết dạy hợp đồng mà dốc ruột dốc gan ra giảng như vậy có hoạ là điên, ngày nào cũng huỷ hoại sức khoẻ như thế thì chả mấy chốc xuống mồ.
Càng về cuối năm thày Hiện càng bận mải với lớp. Bước vào giai đoạn ôn thi, thời tiết đã bắt đầu nóng bức. Mỗi ngày lại nhận dạy thêm mấy tiết do nhà trường tổ chức nên thày xọp đi trông thấy. Lần nào nhìn ông ở trường về mà phờ phạc như người đi cày ruộng khoán, bà Dịu xót xa khuyên ông xin nghỉ ít ngày cho lại sưc. Ông bảo: các em sắp thi, lúc này mà mình bỏ lớp khác gì đem con bỏ chợ. Sau cái ngày tuyên bố với học sinh, ông nghĩ cái Ngọc rồi sẽ bỏ lớp, nhưng hoá ra nó lại là trò đi học chăm nhất. Cái điện thoại di động của nó ít ngày sau cũng tự dưng biến mất. Bạn bè hỏi nó bảo: nể thày nên không dùng nữa chứ chẳng sợ gì. Qua mấy bài kiểm tra ông nhận ra nó chưa chăm học nhưng là đứa thông minh. Những gì ông giảng trên lớp hầu như nó nhớ ngay. Sau này khi đã gần gũi, qua nó tâm sự ông mới biết bố mẹ nó là chủ cửa hàng điện tử Ánh Hồng lớn có tiếng ở thành phố. Ở các lớp dưới nó đều học ở các lớp chọn. Và nó thấy tuy nhiều lúc nó học chểnh mảng, nhưng do bố mẹ nó chăm mang quà thăm thầy cô giáo nên nó vẫn được điểm giỏi. Nhiều thày cô giáo bây giờ dạy học là vì tiền chứ không phải vì sự nghiệp trồng người như người ta thường nói. Nó nhận ra ở đời ai có tiền thì muốn làm gì cũng được. Do vậy có học giỏi sau này thành kỹ sư, bác sỹ hay giáo viên cũng chẳng bằng bố mẹ nó chỉ học hết cấp II cũ nhưng giỏi kiếm tiền. Nó định học hết PTCS là ở nhà bán hàng rồi lấy chồng chứ học nhiều làm gì cho khổ. Song mọi người cứ ép nó học tiếp. Nó thi vào PTTH cho xong chuyện nên không đỗ. Mẹ nó bảo sẽ chạy cho nó vào trường Chuyên. Đã chán ngấy trường chuyên lớp chọn nên nó tuyên bố: có xin được cũng không đi học. Nghe mấy đứa bạn bảo trường Dân lập vừa học vừa chơi cũng có bằng tốt nghiệp nên nó xin vào học cho bố mẹ khỏi rầy rà. Nó bảo: Từ ngày học thày Hiện nó mới hiểu không phải ai làm việc cũng vì tiền và nghe thày giảng bài tự nhiên nó lại thích học.
Sau kỳ thi tốt nghiệp, cái Ngọc và gần chục đứa trong lớp đã nộp hồ sơ thi đại học khối C kéo nhau đến nhà nhờ thày luyện thi thêm cho môn văn. Ông Hiện bảo: Thày có luyện thi đại học bao giờ đâu. Ở thành phố có mấy lò luyện có tiếng, các em đăng ký vào đó mà học. Nhưng cái Ngọc và mấy đứa con gái cứ nài nỉ: Nếu muốn học ở các lò luyện thì chúng em chẳng dám đến phiền thày. Một năm được nghe thày giảng, chúng em mới tự thấy có đủ khả năng dự thi đại học nên mới đăng ký. Mong thày bồi dưỡng thêm cho vài tuần nữa để thi.
Bọn trẻ về rồi, bà Dịu trách yêu ông: tôi đã bảo rồi, nghỉ hưu thì ông ở nhà cho nó khuây khoả và phụ tôi bán hàng chứ đừng văn chương, hợp đồng gì nữa cho khổ thân nhưng ông không nghe. Bây giờ có vất vả hay ốm đau cũng đừng kêu tôi nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét