Trang

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

BÀI DIỄN VĂN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC NGÀY 2/9/2012: PHẢI BIẾT HỔ THẸN VỚI TIỀN NHÂN

Phải biết hổ thẹn với tiền nhân

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC
Ngày Quốc khánh bao giờ cũng đem lại cho mỗi người chúng ta những cảm xúc thật đặc biệt.
Tôi nhớ lại cảm xúc của mình vào những ngày kỷ niệm này trong nhiều năm đã qua, cho dù lúc đó tôi đang ở thành phố hay nông thôn, vào buổi trưa hay vào lúc nửa đêm khi vạn vật đã chìm vào giấc ngủ. Tràn ngập trong tâm khảm tôi lúc đó là cảm xúc thiêng liêng và lắng đọng về ý nghĩa vĩ đại của Ngày Độc lập với non sông và dân tộc Việt Nam ta.
Một câu hỏi da diết xuất hiện trong những khoảnh khắc ấy: những gương mặt mà ta đã gặp, những ngôi nhà, góc phố, hàng cây, mỗi ngôi làng hay thậm chí một tiếng chuông chùa trong đêm sẽ như thế nào, sẽ ra sao, nếu như không có Ngày Độc lập ấy?
Đã có rất nhiều cuốn sách, những bài diễn văn của các học giả, các nhà lãnh đạo trong và ngoài nước trong suốt 67 năm qua đề cập từng khía cạnh, thậm chí nhỏ nhất về ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, không chỉ với đất nước và nhân dân Việt Nam, mà với sự tiến bộ của nhân loại nói chung. Trong thời đại thông tin ngày nay, việc kiếm tìm những thông tin như vậy trở nên thật dễ dàng...
Những đổi thay
"Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc"
Với những giá trị lịch sử to lớn và những bài học thực tiễn phong phú, suốt 67 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc và nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ở Điện Biên Phủ, đến thắng lợi vĩ đại mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối; đến những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN...
Đến bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam hôm nay, ta cũng bắt gặp những đổi thay theo hướng tiến bộ, khắp nơi đều là những công trường xây dựng, diện mạo thành thị, nông thôn bao trùm một sức sống mới... Những vật dụng quen thuộc xưa kia trong đời sống lam lũ của người dân như cái khố rách, cái cối xay, đôi guốc mộc hay là chiếc xe đạp Thống Nhất mới chỉ vài chục năm trước còn là một phương tiện “sang trọng” thời bao cấp... thì nay chỉ còn là ký ức hay vật trưng bày trong các viện bảo tàng.
Sau hàng ngàn năm lịch sử, đất nước đã bao giờ đẹp như hôm nay?
Nhưng phải chăng không còn điều gì bất cập, không có vấn nạn gì mà mỗi khi nghĩ đến ta thấy nhức nhối trong lòng?
Tích cực xen lẫn tiêu cực
Hằng ngày lật giở các trang báo, gặp gỡ các cán bộ, đảng viên và nhân dân, ai cũng có một điều gì đó, một bức xúc hoặc không đồng tình nào đó động chạm đến bản thân hoặc do chính sách, do tổ chức thực hiện. Thậm chí nhiều khi ta bắt gặp sự phản ứng đến mức phẫn nộ. Đã có những chính sách được về mặt chính trị, an ninh thì lại chưa ổn về mặt xã hội, dẫn đến những tranh luận nhiều khi gay gắt, thậm chí xung đột. Giá cả các mặt hàng leo thang kéo theo nhiều hệ luỵ; chuẩn mực giá trị bị đảo lộn và xem thường dẫn đến pháp luật kỷ cương, đạo đức xã hội bị xói mòn nghiêm trọng. Kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì mặt trái tiêu cực của nó càng có môi trường nảy sinh. Ai cũng đồng tình từ bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, cào bằng, bình quân chủ nghĩa làm triệt tiêu mọi động lực phát triển, duy trì nghèo đói, nhưng chuyển sang cơ chế thị trường thì những mặt trái của nó đã giáng vào đời sống xã hội những “đòn” không kém phần khốc liệt. Có những việc tưởng như đơn giản, tưởng như dễ giải quyết, không phải là khó khăn, nhưng khi thực hiện thì đụng đâu cũng vướng vì nó không phải là một bài toán trên lý thuyết đơn thuần mà là xã hội với đủ sắc màu, với những cách nghĩ, những quyền lợi, những ứng xử khác nhau, chằng chịt, cái này níu bám và kìm giữ cái kia; cái “chăn ấm” vô tình kéo sang bên này thì bên kia bị “lạnh”... Xuất hiện những người có tư tưởng xa lạ, chỉ luôn luôn rình rập mọi sơ hở để chống đối, để “chọc gậy bánh xe”, thậm chí để “cõng rắn cắn gà nhà”...
Nhìn nhận những khó khăn, thách thức này phải bằng con mắt biện chứng lịch sử. Trên thực tế, cách mạng Việt Nam cũng như mọi nơi khác trên thế giới chưa bao giờ hết khó khăn, thử thách. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cách mạng Việt Nam lúc đó lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài đe dọa, hậu quả của chế độ phong kiến - thuộc địa để lại rất nặng nề. Khó khăn chồng chất nhưng Đảng, Nhà nước và toàn dân ta đã làm nên những điều kỳ diệu, tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước, bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp, xây dựng và củng cố chính quyền từ trung ương đến địa phương, tạo điều kiện để Nhà nước Việt Nam vượt qua vô vàn gian khổ, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cũng như vậy, giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khó khăn nào bằng? Nhưng cả nước đều ra trận, quyết chiến, quyết thắng và đã chiến thắng vang dội, Việt Nam trở thành “lương tâm của thời đại” như nhiều người trên thế giới đã tôn vinh. Sau khi đất nước thống nhất, khó khăn chồng chất, hậu quả nặng nề của chiến tranh chưa được khắc phục thì lại vừa phải tiến hành cuộc chiến đấu mới để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa phải chống lại sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, phải tìm tòi khảo nghiệm con đường phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Cũng có không ít những sai lầm, khuyết điểm, phải sửa sai như trong cải cách ruộng đất, sửa sai những khuyết điểm chủ quan duy ý chí trong lãnh đạo, quản lý và cơ chế chính sách khiến cho kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng trầm trọng thời điểm trước Đại hội VI (1986).
Ngoài xã hội và trong bộ máy Nhà nước, cái tích cực với cái tiêu cực xen lẫn, nhiều vấn đề giải quyết chậm, để lỡ mất cơ hội. Phải làm sao đây để phát triển đất nước giữa một thế giới cạnh tranh không chấp nhận sự trì trệ? Nếu chỉ cố gắng như những năm vừa qua không còn đủ nữa, mà phải đổi mới quyết liệt để theo kịp bước tiến thời đại, phải tiến hành những giải pháp đồng bộ trong mọi lĩnh vực. Trước những bất cập về quản trị kinh tế, chúng ta chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng đó đâu phải việc ngày một ngày hai. Thậm chí có những việc như chống lạm phát đã hé lộ khả năng giải quyết được cơ bản, nhưng nếu không cẩn thận thì có nguy cơ chuyển sang căn bệnh mới tác hại không kém, đó là giảm phát. Sốt ruột thật, nhưng công việc đòi hỏi chúng ta phải điềm tĩnh, tỉnh táo, kiên trì tìm giải pháp giải quyết căn cơ, không chỉ nhất thời. Trong khi tìm tòi, tháo gỡ, xã hội chúng ta vẫn phải đối mặt với những áp lực mới, gay gắt...
Vấn đề Tiên Lãng, Văn Giang...
Cỗ xe chưa hoàn thiện
Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn hai thập kỷ qua, giống như một cỗ xe còn chưa hoàn thiện nhưng đang chạy với tốc độ nhanh, thành công nhiều mà khó khăn cũng lắm. Hiện nay, những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt là việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN còn nhiều hạn chế, có nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Nền kinh tế đất nước phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu còn dựa vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm đi vào chiều sâu. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc. Môi trường bị ô nhiễm. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa hoàn thiện, những hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng là những nhân tố cản trở sự phát triển. Vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia...
Mới đây thôi, những vấn đề đặt ra từ Tiên Lãng - Hải Phòng, Văn Giang - Hưng Yên, Vụ Bản- Nam Định... đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại các cơ sở pháp lý về đất đai. Hoặc những đổ vỡ, kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước; những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và cả trong nhân dân đòi hỏi phải chỉnh đốn, phải tăng cường thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; những khoảng cách giữa mong muốn và hiện thực đòi hỏi phải rút ngắn; những mục tiêu đòi hỏi phải đạt được nếu không muốn dẫn đến tụt hậu và bất ổn; ngân sách nhà nước thì còn rất eo hẹp, nợ công tăng lên, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng hóa tồn đọng nhiều, lạm phát đang ăn vào thu nhập của phần đông người lao động... Đó thật sự là những áp lực không nhỏ, không chỉ với bộ máy Đảng, Nhà nước mà với toàn xã hội. Khó có thể nói những khó khăn thời kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược và những khó khăn hiện nay thì cái nào lớn hơn, khốc liệt hơn?
Nhưng, Việt Nam là một đất nước, một dân tộc luôn vượt qua được mọi khó khăn và thực hiện được những mục tiêu tưởng như là không thể.
Vượt qua thách thức
Suốt 67 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã cố kết chặt chẽ, như cùng đi trên một con thuyền, cùng cập bến, cùng vượt qua thử thách hay nguy cơ chìm thuyền. Đảng, Nhà nước cũng từ nhân dân mà ra. Trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, trong muôn mặt của đời sống, dân tộc và cách mạng có hòa nhập với nhau, chính trị và xã hội có ổn định mới tồn tại và phát triển. Đó là đặc trưng của Việt Nam. Đối lập và chia rẽ, định kiến và bất ổn là con đường ngắn nhất phá hoại mọi thành tựu, đưa đất nước đến bờ vực thẳm hoặc sẽ bị các thế lực không muốn nhìn thấy một Việt Nam phát triển lôi kéo và lợi dụng.
Làm sao để chính trị xã hội ổn định? Mỗi người chúng ta đang sống trong cơ chế kinh tế thị trường, sử dụng có hiệu quả những mặt tích cực và hạn chế những mặt trái của nó không hề dễ dàng, nhất là với nước ta, vốn xuất phát từ một trình độ thấp, thu nhập quốc dân trên đầu người mới chỉ bắt đầu bước vào mức thấp của ngưỡng trung bình với biết bao những khó khăn, thách thức và mâu thuẫn nhiều khi không lường hết được. Tôi xin nhấn mạnh: đứng trước chúng ta là những nhiệm vụ kinh tế - xã hội mới phức tạp hơn trước kia rất nhiều.
Thu hẹp khác biệt
Đoàn kết, hòa hợp, thống nhất từng là bài học và nguyên nhân thắng lợi trong mọi giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam trong quá khứ, tiếp tục phải là một trong những giải pháp quan trọng nhất của đất nước để vượt lên những khó khăn, thách thức hiện nay và mai sau. Trong giai đoạn mới, đoàn kết - hòa hợp - thống nhất cần được giữ gìn, phát huy và bổ sung thêm những giá trị mới nhằm thu hẹp những khác biệt, tất cả phải nhằm vào mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”...
Kinh nghiệm thực tiễn đã cho thấy tất cả những ai nỗ lực học tập, làm việc, cố gắng làm việc trong khả năng của mình phải có được cơ hội, cuộc sống và thu nhập tốt hơn, chỉ như thế mới khuyến khích và tạo môi trường, khát vọng cho mọi người nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn. Chúng ta không khuyến khích bình quân chủ nghĩa. Chúng ta chấp nhận sự cạnh tranh, lên án lòng ganh ghét đố kỵ bởi nó kìm hãm phát triển. Không có đất nước nào có thể lớn lên được từ lòng đố kỵ. Đồng thời chúng ta tôn vinh lòng nhân ái, chia sẻ, yêu thương và cùng đấu tranh để chấm dứt nghèo đói, dốt nát và bệnh tật... Tôi tin bất cứ ai nếu có một nhu cầu tự thân như vậy và với tinh thần xây dựng, sẽ đều có trách nhiệm với đất nước và phải có thái độ như thế nào trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Đối diện với những khó khăn trong kháng chiến, mọi cán bộ, đảng viên đều biết phải làm tốt công tác dân vận và phải làm gương ra sao, và mỗi người dân từng đem cả nhà mình lót đường cho xe ra trận, kể cả tính mạng của mình khi cần, sẽ biết phải thể hiện lòng yêu nước thế nào khi đối chiếu vào hoàn cảnh mới hiện nay... Những kinh nghiệm ấy vẫn còn nguyên giá trị và phải được phát huy trong lúc này. Trách nhiệm của Đảng, Nhà nước là phải hình thành các điều kiện để làm xuất hiện những hành vi tích cực của toàn Đảng, toàn dân cho đất nước, cho việc củng cố và xây dựng Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.
Việt Nam đã chứng tỏ không chỉ một lần về khả năng có thể vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể, chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua mọi thử thách để thực hiện những mục tiêu lớn lao. Để làm được như vậy, đoàn kết, đồng thuận là một yêu cầu không thể thiếu.
Những gì đi ngược lại yêu cầu ấy phải dần bị triệt tiêu!
Giữ toàn vẹn lãnh thổ
Chúng ta phấn đấu để trong một tương lai gần, năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có trình độ phát triển trung bình; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn, nhanh hơn, vững chắc hơn trong các giai đoạn sau.
Tiếp tục con đường của Cách mạng Tháng Tám trong giai đoạn này đòi hỏi chúng ta phải thực hiện bằng được mục tiêu đó! Nếu đất nước, dân tộc đã từng hun đúc ngọn lửa để chúng ta hi sinh xương máu, vượt qua biết bao “bão dông”, “nắng lửa” trong thiên tai và địch họa của “một thời đạn bom”, chúng ta phải làm mọi cách để giữ gìn những giá trị đó và làm cho đất nước trở nên tươi đẹp trong “một thời hòa bình”. Chúng ta hãy chứng tỏ niềm tin và tình yêu đất nước của mình bằng cách làm việc để xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lúc sinh thời Bác Hồ hằng mong ước. Không có gì chưa hoàn thiện mà chúng ta lại không có thể làm cho nó ngày càng hoàn thiện hơn bằng lòng yêu nước chân chính...
Dù còn những khiếm khuyết, chưa hoàn thiện trên cơ thể đất nước, nhưng phải khẳng định rằng: công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tất cả những điều đó đã được chúng ta cùng nhau thực hiện và là bằng chứng về khát khao vươn lên của chúng ta. Đất nước chưa có bao giờ đẹp như hôm nay. Nhiều vùng của đất nước còn chậm phát triển, nhưng cũng đã có rất nhiều nơi công trình mới mọc lên to lớn, tráng lệ; còn đó những bộ phận dân cư đời sống rất khó khăn, cực nhọc, nhưng đại bộ phận đã vượt qua sự đói khổ, bần cùng, rất nhiều gia đình đã trở nên khá giả, giàu có, và chúng ta đang phấn đấu rút ngắn khoảng cách giàu nghèo; đất nước đang ngày càng được thế giới chú ý, trân trọng, đang tiếp tục vươn lên với sức mạnh Phù Đổng...
Viết những trang sử mới
Hôm nay, chúng ta không thể quên rằng chúng ta là những thế hệ đang kế thừa thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Vào thời điểm này, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại và nhà văn hóa kiệt xuất, người đã dẫn dắt chúng ta đi theo con đường cách mạng đúng đắn, làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta. Chúng ta tự hào về dân tộc Việt Nam - một dân tộc anh hùng, thông minh, hòa hiếu, đầy lòng nhân ái, cần cù, sáng tạo, yêu nước nồng nàn, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, luôn đoàn kết nhất trí một lòng đi theo Đảng, xây dựng quốc gia độc lập, tự do, phồn vinh, tiến bộ. Chúng ta đời đời khắc ghi công ơn to lớn của hàng triệu người con ưu tú đã hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, biết ơn các bậc lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các liệt sĩ và những người đã hiến dâng tất cả tuổi xuân, xương máu, tài năng và của cải cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Biết ơn những thế hệ đi trước, chúng ta phải làm mọi điều có thể để đất nước phát triển. Tự hào với những gì đã làm được, nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc. Hổ thẹn không phải để bạc nhược, mất ý chí mà để vươn lên gấp hai, gấp ba, để tiếp tục đi tới với tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang vốn là truyền thống dân tộc, góp phần làm cho đất nước ta phát triển và trường tồn mãi mãi.
Tương lai đang vẫy gọi và thúc giục chúng ta viết nên những trang sử mới!
TRƯƠNG TẤN SANG
(Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét