Trang

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

THÊM MỘT TỜ BÁO GIỚI THIỆU BÀI THƠ THƯỜNG DÂN

Bài thơ: Thường dân - Tg: Nguyễn Long


NDK: Vừa rồi đi dự Hội nghị tổng kết năm học 2011-2012, ngồi ăn cơm cùng các Bác các chú trong ngành giáo dục, được Bác Thịnh - Nguyên trưởng phòng giáo dục Thành phố kể và đọc cho cả bàn nghe về bài thơ: "Thường dân" "của một anh nông dân tên là Nguyễn Long người Thái Bình" không phải ai cũng thích thơ nhưng nghe qua thì ai cũng thấy thú vị về những cầu thơ ý nghĩa trong bài, đặc biệt là những câu mở đầu và kết bài. Xin được sưu tầm và chia sẻ cùng các bạn thưởng thức.

Bài thơ này đã được trao giải A trong cuộc thi thơ lục bát của báo Văn nghệ trẻ. Ngôn từ, hình ảnh giản dị, quen thuộc mà sức khái quát lớn, như một nhà văn đồng hương Thái Bình của tác giả bình bài thơ này đã viết: Thường dân chính là NHÂN DÂN. Vâng, NHÂN DÂN xứng đáng được ngợi ca hơn tất thảy, và chỉ nhân dân mới có thể "hòa vào trời đất mà xanh"...


Thường dân


Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão giông

Khi làm cây mác, cây chông
Khi thành biển cả, khi không là gì
Thấp cao thôi có làm chi
Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi

Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
ồn ào mà vẫn lặng im
mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn

chỉ mong ấm áo no cơm
chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành
hòa vào trời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân


Trong cuộc thi thơ lục bát của báo Văn nghệ & trên Văn nghệ Trẻ năm 2003 có gần 4 vạn bài tham dự và bài thơ “Thường Dân” của Nguyễn Long đã được xếp giải A với số phiếu cao nhất. Nhưng từ khi bài thơ được công bố đã có nhiều thư từ gửi về báo Văn nghệ kiện cáo bài thơ có vấn đề về chính trị nên Hội đồng chung khảo còn lưỡng lự định bỏ lại bài thơ này. Song trong hội đồng chung khảo bấy giờ là các nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Vũ Quần Phương, Ngô Văn Phú, Quang Huy đã đứng ra bảo vệ bài thơ mới giữ được giải.
Lúc nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có lời bình về bài thơ này, ông viết: Bài thơ “Thường Dân” nói những điều ai cũng thấy cũng biết mà không biết nói ra thế nào cho thành thơ và... không sai chính trị. Bằng cách tài thể hiện, Nguyễn Long đã dũng cảm đi vào cái đề tài hóc búa này và anh đã thành công. Bài thơ “Thường Dân”  từ đó tới nay đã đi vào đời sống công chúng trong cả nước vì ai là thường dân đọc bài thơ đều thấy được an ủi, chia xẻ và đồng cảm... (TĐMC sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét