Trang

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

VỀ SỰ THA HOÁ QUYỀN LỰC


VỀ SỰ THA HÓA QUYỀN LỰC 
CỦA BỘ MÁYCHÍNH QUYỀN PHONG KIẾN CẤP Xà(*)
Bùi Xuân Đính


Cho đến nay, trong nghiên cứu về làng xã người Việt thời phong kiến, có một vấn đề chưa được quan tâm đúng mức. Đó là hiện tượng “tha hóa quyền lực” của bộ máy quản lý, thường gọi là “nạn hào cường làng xã”.

Nghiên cứu vấn đề nguồn gốc, bản chất và biểu hiện của nạn cường hào, tức sự thoái hóa biến chất của bộ máy quản lý làng xã cùng những biện pháp hạn chế, ngăn ngừa của Nhà nước phong kiến đối với tệ nạn ấy không chỉ nhằm làm rõ hơn đặc điểm làng xã, cung cách quản lý nông thôn của cha ông ta xưa kia; mà còn rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử cho việc nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ cấp xã, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn hiện nay.
Về mặt khái niệm, từ “cường hào” cũng như nhiều từ khác ở điểm khởi nguyên không mang một ý nghĩa tiêu cực như ngày nay. Nó dùng để chỉ những hào trưởng (hào) mạnh (cường), có thế lực chính trị, kinh tế, quân sự ở một vùng. Lịch sử Việt Nam từng ghi nhận, thế kỷ X có nhiều hào trưởng mạnh, cai quản một vùng rộng lớn, như Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền, Dương Đình Nghệ v. v… Mười hai sứ quân cũng là 12 hào trưởng mạnh cát cứ ở các địa phương. Lê Lợi trước khi phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược Minh cũng là một hào trưởng mạnh. Song, không rõ từ bao giờ, từ “cường hào” đã được hiểu theo một nghĩa khác, chỉ một lớp người có quyền chức nhưng đã “tha hóa quyền lực”, lợi dụng chức quyền để vun vén cá nhân, áp bức những người không có quyền chức hoặc những người đối lập. ở một góc độ hẹp hơn, “cường hào” là những người có quyền chức ở làng xã, nhân danh quyền lực làng xã để áp bức, bóc lột nông dân trong từng lũy tre xanh.
I. NGUYÊN NHÂN XUẤT HIỆN CỦA “CƯỜNG HÀO LÀNG XÔ 

Nhiều người đã biết, làng Việt là nơi sinh sống và làm ăn chính của người nông dân, lấy trồng trọt lúa nước tự cấp tự túc làm đầu. Số làng có nghề thủ công hoặc chuyên buôn bán để phạm vi làm ăn của cư dân vượt ra khỏi làng quê mình không nhiều. Chỉ riêng về mặt kinh tế, làng đã tạo ra thế đóng kín với đa số người nông dân trong khung tụ cư của họ.
Về mặt xã hội, mỗi làng Việt ở Bắc Bộ (1) là một cộng đồng tự hoàn chỉnh, tự đủ tự sinh về hầu hết các mặt của đời sống. Từng làng dù thuộc loại hình kinh tế, môi trường cảnh quan nào cũng đều có một cơ cấu tổ chức riêng theo một khuôn mẫu chung, tức gồm các thiết chế tổ chức theo các nguyên tắc tập hợp người : theo địa vực cư trú (xóm ngõ), theo quan hệ huyết thống (dòng họ), theo lớp tuổi kết hợp với quan hệ huyết thống và địa vực (giáp),theo nghề nghiệp hoặc sở nguyện, chí hướng (các phường, hội, phe...) cùng một hội đồng quản lý làng (kỳ mục)(2). Làng có lệ tục riêng về cưới xin, tang ma, khao vọng. Làng có đình chùa riêng, thờ thành hoàng riêng, với những quy định tổ chức lễ hội riêng. Tất cả những vấn đề đó được cụ thể hoá bằng hương ước hay lệ làng. Hương ước ràng buộc từng tổ chức và cá nhân vào đời sống cộng đồng bằng các quy định về các nghĩa vụ phải gánh vác, những việc được làm hay bị cấm đoán. Xã hội làng Việt xưa được quản lý trước hết và chủ yếu bằng lệ và hương ước. Xã hội làng còn quản lý bằng sự kết hợp với pháp luật, những quan niệm về đạo đức thông qua sức ép dư luậnbằng đời sống tâm linh thông qua những quan niệm về sự che chở, phù hộ hay trách phạt của thành hoàng làng. Đó là kiểu quản lý rất chặt và có hiệu quả (3).
Các đặc điểm trên đây của làng diễn ra và tồn tại suốt trong lịch sử trung đại và cận đại Việt Nam. Trong thời gian dài dặc hơn 9 thế kỷ ấy, dù xã hội Việt Nam có biến thiên như thế nào, dù Nhà nước phong kiến sắp xếp làng vào loại xã nào theo kiểu “nhất xã, nhất thôn” (mỗi xã chỉ gồm một làng) hay “nhất xã nhị thôn, tam thôn” (mỗi xã gồm 2 - 3 làng), thì làng vẫn tồn tại với tính cách là đơn vị cộng cư của những người trồng lúa nước theo kiểu tự cấp tự túc, có địa vực, cơ cấu tổ chức riêng, lệ tục, thậm chí cả “thổ ngữ” (tiếng làng) riêng, tâm lý tính cách riêng. Có lúc làng xóm bị phiêu tán vì chiến tranh, loạn lạc hoặc mất mùa đói kém thì chỉ sau một thời gian lại được tái lập với khung tổ chức, phong tục tập quán như cũ. Khi dân đông phải chia làng thì làng được lập mới cũng theo mô thức của làng cũ. Hiện tượng tái lập làng tiểu nông theo phương thức đa nguyên” và chặt về cơ cấu tổ chức và lệ tục là một hằng số của làng Việt và chế độ phong kiến Việt Nam (1).
Với những đặc điểm trên đây, làng là môi trường sống và hoạt động chủ yếu của người nông dân từ thưở ấu thơ cho tới khi từ giã cõi đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con người phải gắn chặt vào làng và phải hòa tantrong cộng đồng làng, không phát huy được năng lực cá nhân. Từng người không thể dễ dàng bỏ làng đến các nơi khác để sinh sống vì các làng Việt thường có thái độ rất ngặt nghèo với dân “ngụ cư”, buộc họ phải đứng ngoài các sinh hoạt cộng đồng của làng quê mà họ cư ngụ. Khá nhiều trường hợp, người nông dân phải phiêu bạt đi các nơi khác kiếm ăn, trở nên giàu có, thay đổi được thân phận kinh tế, nhưng không hẳn thay đổi được thân phận chính trị - xã hội.
Tóm lại, bằng các thiết chế tổ chức, bằng hương ước, pháp luật và các quan niệm cộng đồng về đạo đức và tín ngưỡng, làng Việt là thiết chế quản lý rất chặt, làm cho mỗi người nông dân hầu như chỉ có thể sống và thi thố trong làng mình, khi đã được coi là thành viên của làng thì phải “ăn chịu đóng góp” với làng, tuân thủ các lệ tục của làng. Làng không bảo vệ con người với tư cách là công dân của một đất nước. Mọi suy nghĩ, hành động hay mọi biểu hiện của cá nhân, cá tính - dù hợp pháp nhưng không đồng nhất với lợi ích của làng, với lệ làng và “thói làng” đều khó được, thậm chí không được chấp nhận, có khi còn bị coi là “chống làng”. Sự quản lý chặt chẽ và sự áp đặt ngặt nghèo đến mức có thể coi là “chuyên chế” đó của làng là cơ sở nảy sinh sự tha hóa quyền lực của bộ máy quản lý làng, tức hội đồng kỳ mục mà đại diện cao nhất là các tiên, thứ chỉ. Sự tha hoá đó đến mức trầm trọng gọi là nạn cường hào. Như vậy, xuất phát điểm, danh từ cường hào chỉ các kỳ mục trong làng.
Làng người Việt còn được Nhà nước phong kiến lắp ghép vào đơn vị hành chính cơ sở (xã) theo kiểu “nhất xã nhất thôn” (xã chỉ gồm một làng) hay “nhất xã nhị thôn” hoặc “nhất xã tam thôn” (xã gồm hai hoặc bs làng)... Căn cứ vào các nguồn sử liệu thì quá trình lệ thuộc vào Nhà nước phong kiến của các đơn vị tụ cư của người nông dân Việt bắt đầu diễn ra mạnh mẽ dưới triều Trần (1225 - 1400). Sang thời Lê sơ (1428 - 1527), các chính sách của Nhà nước trung ương tập quyền đã đẩy nhanh quá trình phong kiến hoá của các làng với hai sự kiện đáng lưu ý:
Một là, với việc đổi chức xã quan thành xã trưởng và định lại tiêu chuẩn của các chức viên trong bộ máy đó, Nhà nước quân chủ đã tạo ra trong mỗi làng Việt, một tầng lớp tập trung nhiều quyền lực về chính trị và pháp luật (bắt phu, bắt lính, đốc thuế, xử lý những vụ kiện nhỏ trong làng...). 
Hai là, với việc tăng cường ảnh hưởng của Nho giáo - hệ tư tưởng chính thống, Nhà nước đã tạo ra trong mỗi làng một tầng lớp nho sĩ (đỗ đạt hoặc không đỗ đạt) ngày càng đông đảo, là “ngọn cờ” hướng các thành viên trong làng sống theo khuôn mẫu của Nho giáo. Cùng với đó, tầng lớp quan lại phong kiến (những nho sĩ đỗ đạt, những người có phẩm hàm, chức tước) trong làng cũng đông dần, được ưu đãi một số quyền lợi như miễn giảm thuế, tạp dịch và đặc biệt dù đi làm quan vẫn có địa vị ưu tiên trong các sinh hoạt của làng. Những người này sau khi về hưu trở thành những nhân vật quan trọng trong hội đồng kỳ mục. Nhìn chung, cho tới giữa thế kỷ XVI, các quan hệ phong kiến ngày càng chi phối mạnh mẽ đời sống làng mạc. Làng về cơ bản đã bị suy giảm nghiêm trọng quyền tự trị của mình, biểu hiện bằng việc Nhà nước ngăn cản về kiểm soát việc soạn thảo hương ước (1)
Song, cấp xã từ khởi đầu thời phong kiến tự chủ cho đến khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra luôn chỉ là công cụ để Nhà nước phong kiến nắm chặt làng, kiểm soát được nông dân nhằm bảo đảm sự bình lặng giữa làng và Nhà nước và bảo đảm được các nguồn thu về sưu thuế, binh dịch. Nhà nước phong kiến không dùng cấp xã và pháp luật để bảo vệ từng con người sống trong những lũy tre xanh đó với tư cách là những công dân của một đất nước mà chỉ coi họ là thần dân của vua. Đây chính là kẽ hở để các chức dịch mà đại diện là lý trưởng, phó lý lạm dụng quyền hành, thao túng các công việc trong làng xã.
Quá trình phong kiến hoá các đơn vị tụ cư của người nông dân còn biểu hiện ở sự phong kiến hóa lệ làng (thể hiện ở hương ước). Điểm “kết tinh” quyền lực của làng, tức là quyền xét xử các vụ vi phạm lệ làng thuộc bộ máy phong kiến cấp xã (chức dịch), chứ không phải thuộc bộ máy quản lý làng (kỳ mục). Đấy cũng là cơ sở và điều kiện để các chức dịch lũng đoạn quyền lực ở làng, dẫn đến nạn hào cường.
Như vậy, những trình bày trên cho thấy, trong mỗi làng Việt cổ truyền, từng thành viên phải chịu sự quản lý của hai thiết chế tổ chức quyền lực: hội đồng kỳ mục và bộ máy chính quyền Nhà nước cấp xã, thông qua “cơ sở pháp lý” là hương ước kết hợp với pháp luật, dư luận, nhằm ràng buộc các thành viên trong những nghĩa vụ và trách nhiệm nặng nề hơn là quyền lợi. Với hai bộ máy trên và với hương ước cùng pháp luật, thiết chế làng xã đã biến từng luỹ tre xanh của người nông dân thành pháo đài tự trị, tự quản tương đối đóng kín; tạo ra một uy quyền tuyệt đối đối của làng với các thành viên, thể hiện ở việc các thành viên không tự tiện “vượt làng” đi kiện cáo lên quan trên mà hương ước của đại đa số các làng đã “chính thức hóa”. Sự mất dân chủ hay chỉ có “dân chủ đẳng cấp”, dân chủ hình thức, hoặc “dân chủ giả vờ”, pháp luật kém hiệu lực ở từng làng đã tạo ra sự ràng buộc ngặt nghèo đối với người nông dân, làm cho họ và các thế hệ cháu con bao đời nay là những “công dân bắt buộc” của một xã hội “tiểu triều đình”.
Một điều đáng lưu ý là phần lớn các xã xưa kia chỉ gồm một làng (1). Cách quản lý nông thôn của Nhà nước phong kiến chỉ dừng lại ở xã - cũng chính là ở làng, chứ không trực tiếp tới hộ nông dân hay tới từng cá nhân. Nói một cách khác, Nhà nước phải thông qua làng xã mới tới dân đinh và gia đình; ngược lại các dân đinh, gia đình phải qua “cầu nối” làng xã mới tới được Nhà nước. Mọi chính sách của Nhà nước phải thông qua làng mới đến được dân và mọi nghĩa vụ của dân đối với Nhà nước được tập hợp và “cố định” lại trong nghĩa vụ chung của làng. Đó là sự “khoán trắng” của Nhà nước cho làng, nói đúng ra là khoán trắng cho những người đứng đầu làng mọi thứ nghĩa vụ mà dân làng phải gánh chịu. Đó là cách quản lý thông qua những người đại diện cho làng và dựa trên luật liên đới chịu trách nhiệm (một người phạm luật thì cả họ, thậm chí cả làng phải liên quan). Cách quản lý đó đã đẩy người đứng đầu làng xã trở thành người có quyền hành rất lớn nhưng lại không phải chịu đầy đủ trách nhiệm cá nhân của mình. Đó là kẽ hở để họ có thể nhân danh Nhà nước, hoặc nhân danh làng xã vì những mục đích và lợi ích cá nhân. Họ vừa dùng luật nước vừa dùng lệ làng để quản lý làng xã (1).
Đến đây, một câu hỏi khác được đặt ra : cường hào xuất hiện khi Nhà nước mạnh hay khi bị suy yếu ? Có nhà nghiên cứu cho rằng, cường hào chỉ xuất hiện khi Nhà nước Trung ương bị suy yếu, không kiểm soát được làng. Tuy nhiên, đọc lại chính sử cho thấy một điều khá thú vị. Đó là, danh từ “cường hào” xuất hiện đầu tiên trong Đại Việt sử ký toàn thư, hai lần vào niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497), thời Vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497) - triều vua được coi là “thái bình, thịnh trị”, thậm chí là “cực thịnh” của chế độ phong kiến Đại Việt.
- Lần thứ nhất, vào tháng Một năm Hồng Đức thứ hai (1471), Lê Thánh Tông đã ra sắc dụ cho các quan thừa tuyên, phủ huyện ở xứ Sơn Nam, trong 100 ngày phải “mau mau đi xem xét những nơi nào nơi nào núi chằm bờ biển trong hạt chỗ nào hình thế có thể khơi đắp ngòi cừ đê đập để làm ruộng, chỗ nào có hùm sói làm hại, cường hào thao túng, phong tục kiêu bạc, dân sinh đau khổ…phải lần lượt tâu trình cẩn thận…” (2)
- Lần thứ hai, 14 năm sau (ngày 14 tháng Một năm Ất Tỵ, niên hiệu Hồng Đức, 1485), Lê Thánh Tông lại “nhắc lại lệnh về hào cường hoành hành  Hễ là hào cường cậy thế mà phạm các tội đánh người bị thương, cướp đoạt ruộng đất, tài vật của người khác, cày phá mồ mả, xâm phạm làm tổn hại đến người khác, từ 3 lần trở lên, rõ là hành vi ngang ngược của bọn cường hào mà dẫu có ân xá cũng không được hưởng, thì bị trừng trị theo tội hào cường hoành hành” (1).
Như vậy, qua hai ví dụ trên cho thấy, nạn cường hào xuất hiện cả khi chính quyền trung ương vững mạnh, nhưng vì quan liêu, thiếu sâu sát, có nhiều kẽ hở trong quản lý nên để những kẻ thoái hoá, biến chất trong bộ máy quản lý (kỳ mục, chức dịch) lợi dụng, lộng hành.
Vậy, thành phần cụ thể của cường hào là gì? Như đã trình bày, cường hào trước hết là những phần tử thoái hoá biến chất trong hội đồng kỳ mục và bộ máy chức dịch, song đa phần thuộc về chức dịch, bởi tính chất phong kiến hoá khá triệt để của làng xã. ở đây cần nói thêm là, về danh nghĩa, các chức dịch phải phụ thuộc vào hội đồng kỳ mục, có một vị trí tương đối thấp trong các sinh hoạt xã hội của làng ở chốn đình trung, thể hiện qua chỗ ngồi của họ. Nhưng trong thực tế, khi bàn và quyết các công việc của làng, tiên thứ chỉ thường giữ thái độ “đảm hòa” để các thành viên khác của hội đồng kỳ mục, thường là những người “có mồm, có mép” đấu khẩu nhau “dây cà ra dây muống”; các cụ thì “xuất lão” nên “vô sự”, có chăng khi được hỏi ý kiến thì cũng chỉ gật đầu hoặc nói dăm câu ba điều cho “qua chuyện”; còn dân “bạch đinh” chỉ biết “dựa cột đình” nghe “các cụ chiếu trên” phán bảo, có nói năng gì cũng phải “thưa gửi” cho “phải phép”. Như vậy, quyền lực tập thể ở đây bị phân tán và giảm sút. 
Trong tình thế đó, nổi lên vai trò của các chức dịch. Họ - như một công trình nghiên cứu của Nguyễn Đức Nghinh đã chỉ rõ, thuộc tầng lớp trung gian trong làng, có sở hữu nhỏ, ở những làng có nhiều ruộng đất công thì họ không có hoặc có rất ít ruộng đất (1), song lại là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước phong kiến bên trên về các nghĩa vụ sưu thuế, binh dịch và an ninh trong làng; đồng thời cũng được làng giao quyền giải quyết một số công việc của đời sống cộng đồng mà hương ước đã thể chế hóa. Để thực thi được nhiệm vụ của mình, trong bối cảnh của xã hội làng mạc tiểu nông chồng chất những mâu thuẫn phe phái, họ phải tạo ra cho mình một uy quyền tuyệt đối, vượt cả khung quyền hạn được phép, mà trước hết là nắm lấy hiệu lực thực tế và cuối cùng của quyền lực làng xã, tức là trực tiếp xét xử các vụ vi phạm hương ước, lệ làng. Từ chỗ là kẻ đại diện cho làng xã, các chức dịch đã “tha hóa quyền lực”, đứng trên làng xã, lấn át và đứng trên cả hội đồng kỳ mục. Sự tha hóa quyền lực đã biến họ thành tầng lớp hào cường thôn xã.
Tuy nhiên, cường hào làng xã không chỉ gồm những người thoái hóa, biến chất trong kỳ mục và chức dịch. Cùng với họ hay đứng đằng sau họ còn là những địa chủ có thế lực kinh tế, thể hiện ở mức độ sử hữu ruộng đất- lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào đặc điểm từng vùng. Không thoả mãn với sự giàu có đã đạt được, những địa chủ này luôn tìm mọi cách để có thêm ruộng đất, bằng cách chiếm ruộng đất công của làng, cướp đoạt, mua rẻ ruộng đất của nông dân. Một trong những đặc điểm nổi bật của xã hội Việt Nam thời phong kiến nói chung và làng xã nói riêng là không có một tầng lớp nào nắm được quyền lực nhờ kinh tế mà muốn có được nó phải thông qua hay dựa vào quyền lực chính trị Vì thế, trong làng xã thời phong kiến luôn diễn ra một hiện tượng : các địa chủ phải nhờ tới và tạo ra một uy thế về chính trị trong làng để củng cố và nâng cao thế lực kinh tế; đồng thời thông qua sức mạnh kinh tế và tập quán để kéo những người đứng đầu làng xã về phía mình. Ngược lại, một số người đứng đầu làng xã phải dựa vào thế lực kinh tế của các “địa chủ” để xác lập và duy trì thế đứng chính trị. Sự câu kết giữa hai nhóm người đó đã tạo ra một “tập đoàn” kinh tế - chính trị có uy quyền gần như tuyệt đối trong đời sống làng xã. Trong nhiều trường hợp, cả hai phía có quan hệ thân tộc. Mối dây liên hệ huyết thống và “tính trội về mặt sinh học - xã hội” đã được họ lợi dụng triệt để, nhằm đạt được những mưu đồ, mục đích của dòng họ. Người giàu có trong họ bỏ tiền (hoặc ruộng bằng cách cho “mượn chân điền” (1) để người cùng họ “nhảy” vào diện trường chính trị và ngược lại, những kẻ có chức quyền nhân danh Nhà nước và làng xã “bảo kê” và nâng đỡ cho anh em, họ hàng để củng cố thế lực kinh tế. Sự liên kết hay câu kết đó tạo ra cho họ đủ điều kiện để lũng đoạn làng xã, biến họ thành tầng lớp hào cường. Cho nên, không có gì khó hiểu khi phần đông cường hào là từ các dòng họ đông, có thế lực nhất trong làng mà ra.
Như vậy, thực chất của tầng lớp cường hào là những phần tử thoái hóa biến chất trong bộ máy quản lý làng xã câu kết với một vài địa chủ đầu sỏ để thành một tầng lớp có uy thế chính trị và kinh tế, lũng loạn toàn bộ đời sống làng xã. Họ, một mặt khai thác triệt để những yếu tố thiếu chặt chẽ, những kẽ hở của luật pháp và chính sách Nhà nước đối với làng xã; mặt khác, lợi dụng sự phức tạp, tính rối rắm của cơ cấu tổ chức và những phiền phức của phong tục tập quán để củng cố quyền lực và chính quyền lực đó đã biến họ thành những kẻ tha hóa.
II. NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CƯỜNG HÀO LÀNG Xà

Rất tiếc, chính sử nước nhà ghi lại quá ít tư liệu về “tệ nạn” này qua các triều đại. Song ít nhất, qua hai đạo dụ ban bố vào năm Hồng Đức thứ hai (1471) và Hồng Đức thứ 16 (1485) thời Lê Thánh Tông nêu trên cũng có thể thấy được những hành vi của tầng lớp cường hào làng xã. Đó là: 
- Lạm dụng quyền hành để cướp đoạt ruộng đất, tài vật của người khác,
- Cậy quyền cậy thế đánh người bị thương, cày phá mồ mả, xâm lấn người khác;
- Những hành động đó lặp đi lặp lại từ ba lần trở lên. 
Qua một số tư liệu khác có thể thấy, cường hào là những kẻ lũng loạn công quỹ và chấp chiếm ruộng đất công. Dựa vào quyền lực, họ lôi kéo anh em họ hàng để xoay sở, dọa dẫm, vu khống, ức hiếp nông dân. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng từ những năm 40 của thế kỷ XVIII, khi Nhà nước phong kiến trung ương phải lo đối phó với phong trào khởi nghĩa nông dân bùng lên mạnh mẽ, để mặc các làng xã “tự quản”, cũng là để mặc cho cường hào hoành hành. Sách Lịch triều tạp kỷ chỉ rõ: “Bọn cường hào giảo quyệt ở trong hương đảng, gian giảo, nhiều mưu mẹo, biến báo dối trá trăm khoanh, cho việc võ đoán là đắc sách, lấy sự thôn tính kẻ khác làm tự hào, lấn lướt đè nén những người nghèo khổ, thế cô đơn, khinh lờn, bắt nạt những người tối tăm, đần độn, hễ có điều gì không như ý thì chúng vu oan giá họa, lôi đến cửa công. Một khi /quan trên/ phân xử tuy đã phải lẽ rồi, nhưng chúng vẫn chống án không chịu. Chống đủ một lần, rồi ba bốn lần, làm cho người nghèo khó thế cô, không đủ sức theo kiện và người có hằng sản thì hao tài tốn của, bấy giờ chúng mới hả lòng... Chúng kéo bè đảng chỉ độ hai, ba người, nhưng mỗi việc thì chúng lại tự xưng là “toàn xã”, rồi nối gót nhau kéo đến cửa công, lao mình vào việc kiện tụng. Hễ cần đến ăn uống hay tiêu dùng thì chúng lại họp bổ dân đóng tiền góp gạo, cầm cố quan điền, bỏ vào túi chúng, việc này qua rồi chúng lại bày ra việc khác. Bề ngoài chúng làm ra lo tính gánh vác /việc công/, nhưng bề trong chúng chỉ ngầm tính đến sự tiêu dùng hàng ngày của mình” (1).
Sang thời Nguyễn, chế độ chuyên chế làm cho nạn cường hào càng trở nên khủng khiếp. Sách Lịch sử Việt Namnhận xét : “Bọn cường hào hầu như nắm quyền sinh sát trong tay” (2). Sử nhà Nguyễn không ít lần nói lên tác hại của nạn cường hào. Riêng Đại Nam thực lục chính biên đã có tới 107 lần chép về tệ nạn này. Trong Sớ gửi lên triều đình vào tháng Chín năm Mậu Tý đời Vua Minh Mạng (1828), Nguyễn Công Trứ đã nhận xét : “Cái nạn cường hào nó làm cho con cái người ta thành mồ côi, vợ người ta thành góa bụa, giết cả tính mạng của người ta, làm kiệt cả gia tài của người ta mà việc không lộ, cho nên cứ công nhiên, không kiêng sợ gì. Chỗ nào chúng cũng cùng nhau anh chị, chuyên lợi làm giàu, dối cợt quan lại, để thỏa lòng riêng. Có công điền công thổ thì thường thường chúng bày việc thuê mướn làm báo mình, những người nghèo cũng không kêu vào đâu được”. Nguyễn Công Trứ còn so sánh, “Cái hại quan lại là một, hai phần mười, cái nạn hào cường đến 8, 9 phần 10” (1). Tình hình này tiếp diễn trong suốt thời Nguyễn và 80 năm thời Pháp thuộc, khi thực dân Pháp chủ trương duy trì bộ máy xã thôn và lệ tục cổ truyền một thời gian dài để cai trị nông thôn. Điều này có thể thấy rõ qua các tác phẩm Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình, Việc làng và Tập án cái đình của Ngô Tất Tố. Chính vì thế, năm 1921, để tuyên truyền và mong được sự ủng hộ cho chủ trương “cải lương hương thôn” của mình, các nhà cai trị Pháp ở Bắc Kỳ thông qua báo chí đã kêu gọi “phải hạn chế nạn cường hào hoành hành ở nông thôn”.
III. BIỆN PHÁP CỦA NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN 

Nạn cường hào nông thôn là con đẻ của chế độ phong kiến, gây nhiều hậu quả, tệ hại không chỉ cho người nông dân mà chính Nhà nước cũng phải gánh chịu. Từ thời Vua Lê Thánh Tông đến thời Nguyễn, Nhà nước phong kiến ít nhiều đã có những biện pháp đối phó với tệ nạn đó.
- Ngày 24 tháng Sáu năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Đức (1483), định lệnh giảm bớt xã trưởng dư số. Có lẽ vì số xã trưởng trong một xã quá nhiều và nhưng hoạt động vân kém hiệu quả nên Lê Thánh Tông chủ trương loại bớt họ để tránh sự kéo bè, lạm dụng quyền lực (2).
- Tháng Một năm Ất Tỵ, niên hiệu Hồng Đức (1485), nhắc lại lệnh về hào cường hoành hành (như đã dẫn ở trên), định tội mà trị. Rất tiếc là chính sử không ghi mức hình phạt cụ thể với tội này, song chắc chắn, qua ghi chép ở đoạn sau, thì có phân biệt với tội đánh nhau, kiện tụng đất đai bình thường. Qua từ “nhắc lại” có thể suy đoán Nhà nước phong kiến đã có biện pháp đối phó từ trước đó.
- Tháng Chín năm Mậu Thân, niên hiệu Hồng Đức (1488), xuống chiếu về việc đặt xã trưởng : hễ là anh em ruột, anh em con chú con bác và bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ có một người được làm xã trưởng, không được cùng làm để trừ mối tệ bè phái hùa nhau (3). Tám năm sau (tháng Tám, năm Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức, 1496), một chiếu chỉ có nội dung tương tự : cấm cả những người là con cô con cậu, con dì con già và những người có quan hệ thông gia cùng làm xã trưởng trong một xã; nếu đã cùng làm rồi thì chọn người nào có thể làm được việc cho lưu lại, còn thì cho về làm dân (1). Biện pháp này nhằm ngăn chặn tệ lợi dụng quan hệ thân tộc, vây bè kéo cánh cả về phía họ ngoại và thông gia trong việc nắm giữa các chức danh trong bộ máy quản lý, thao túng làng xã.
- Tháng Tư năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức (1490), định lệnh tách xã : khi xã nào có trên 500 hộ (2). Về hình thức, việc làm này để “thêm rộng bản đồ”, song trên thực tế, đây là biện pháp hạn chế tình trạng quản lý yếu kém của các chức dịch ở những làng đông dân, dễ nảy sinh sự tha hóa quyền lực.
Như vậy, chúng ta thấy, Lê Thánh Tông là ông vua chống cường hào khá kiên quyết.
Thời Lê - Trịnh, triều đình cũng đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế nạn cường hào.
- Tháng Bảy năm Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1718), Ngự sử đài quy định một số điểm về kiện tụng, theo đó, “trị tội thẳng, không hề dung khoan tha thứ” những kẻ gây ra nạn cường hào mà sách Lịch triều tạp kỷ đã nêu.
- Tháng Chạp năm Ất Tỵ, niên hiệu Bảo Thái (cuối năm 1725, đầu năm 1726), Tham tụng Nguyễn Công Hãng dâng sớ đề nghị cho phép dân các địa phương yết bảng ở lỵ sở viết đầy đủ về điều thiện và điều ác của quan địa phương, hoặc ca tụng hoặc chê bai. Đây là biện pháp lấy ý kiến dân về đức hạnh của quan địa phương trong đó có các xã trưởng. Đề nghị này được Chúa Trịnh Cương chấp nhận (3).
- Tháng Một, năm sau (Bính Ngọ, 1726), chúa Trịnh định phép khảo công các xã trưởng (4). Trước đó, từ năm Quý Mão cùng niên hiệu (1723), bắt đầu “sát hạch” các xã trưởng : người nào siêng năng mẫn cán xứng đáng chức vụ đã qua hai lần sát hạch thì quan trấn mục làm tờ khai tâu cử, đợi đến khi quan trên điều tra đúng sự thật mới trao chức phẩm. Xã trưởng ba năm khảo công một lần bắt đầu từ đây (1).
Tuy nhiên, đến năm Nhâm Tý, niên hiệu Vĩnh Khánh (1732), Trịnh Giang lại bãi bỏ chế độ khảo công các xã trưởng lại bị và việc đặt xã trưởng không được coi trọng nữa. Sự bất lực của Nhà nước phong kiến trong việc giám sát hoạt động của các xã trưởng, phó mặc cho các làng xã tự quyết định lấy việc bầu ra người cai quản mình thực chất là sự “bỏ mặc” cho cường hào hoành hành. Những câu thành ngữ hương đảng tiểu triều đình hay phép vua thua lệ làng”… phổ biến trong thời kỳ này xuất phát từ thực tế đó. Cường hào càng được dịp hoành hành từ những đầu những năm 40 của thế kỷ XVIII trở đi, khi làn sóng khởi nghĩa nông dân dâng thành cao trào, tiếp đó, cuộc nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến lên đến đỉnh điểm, Nhà nước phong kiến gần như “bỏ mặc” làng xã cho các chức dịch.
Lên ngôi vua, lập ra triều Nguyễn sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn, Gia Long mong muốn cải tổ bộ máy quản lý làng xã để hạn chế nạn cường hào, khi làng xã đã trải qua hơn 30 năm nội chiến. Trong tờ Chiếu về “Định điều lệ hương đảng của xã dân Bắc Hà” ban bố vào năm Giáp Tý (1804) cùng một số chỉ dụ khác, Gia Long mong muốn và cố gắng chấn chỉnh guồng máy hoạt động của làng xã (2). Song chính ông cũng bất lực trước “sức ỳ” của thể chế làng xã cũ. 
Minh Mạng - một trong số ít ông vua giỏi việc hành chính nhất của Nhà nước phong kiến Việt Nam nhận thức rõ căn nguyên và tác hại của nạn cường hào. Chính ông, vào năm Mậu Tý (1828) đã thừa nhận : “Bọn cường hào ở Bắc Thành hiếp tróc dân làng khi bầu xã trưởng, đem đồng đảng ra để tiện làm việc gian, hoặc giao cho người hèn nhát để tiện việc sai khiến. Đến lúc gặp các việc quan, thuế khoá, binh đao thì tạ sự mà chia nhau, lại con xúi giục bình dân ẩn giấu kẻ gian… Đến khi sinh kiện tụng, bọn cường hào vẫn khôn ngoan mà thoát lưới pháp luật”. Đây là cơ sở để Minh Mạng đi đến cuộc cải tổ lại bộ máy quản lý làng xã : bỏ chức xã trưởng, thay bằng lý trưởng, mỗi xã chỉ có một người cùng 1- 2 phó lý tùy theo quy mô số đinh: xã có trên 150 đinh thì 2 phó lý, xã có dưới 150 đinh thì cử 1 người. Minh Mạng cũng quy định rõ, lý trưởng, phó lý phải là người “vật lực, cần cán, phải do dân làng đồng tình bầu cử, phủ huyện xem kỹ lại rồi báo lên trên để cấp văn bằng, “mộc triện”, làm việc được 3 năm xét ra giỏi giang thì tâu xin khen thưởng, người nào hèn kém tham ô thì cách đi (1).
Song, quy định trên đây của Minh Mạng vẫn mang tính chung chung, hình thức. Thêm nữa, khác với các thời kỳ trước, đến lúc này, các chức dịch lại bị gạt ra khỏi hàng ngũ quan lại, không được ban hàm thấp nhất (cửu phẩm), cho nên họ không chịu một sự ràng buộc về mặt quyền lợi quan trường nào cả. Thực chất của quy định này vẫn là Nhà nước “khoán trắng” làng xã cho các chức dịch (2). Vì vậy, các chức dịch một mặt vẫn dễ bề nhân danh Nhà nước để ức hiếp dân chúng, mặt khác lợi dụng làng xã để trì hoãn, lẩn tránh hoặc ẩn lậu các nghĩa vụ với Nhà nước. Như vậy, cải cách của Minh Mạng đã không đẩy lùi được nạn cường hào mà còn làm cho tệ nạn đó có điều kiện phát triển hơn (3). Tình hình này được tiếp diễn sang các đời vua sau và suốt thời Pháp thuộc - khi thực dân Pháp chủ trương duy trì, lợi dụng thiết chế làng xã để cai trị, đàn áp bóc lột nhân dân ta.
IV. KẾT LUẬN 

1. Sự tha hoá quyền lực trong làng xã với biểu hiện cao nhất là nạn cường hào là sản phẩm tất yếu của thiết chế tự trị, tự quản làng xã trong khuôn khổ của Nhà nước quân chủ quan liêu, cụ thể là sự “khoán trắng” của làng xã cho các chức dịch.
2. Thực chất của tầng lớp cường hào là các chức dịch tha hoá biến chất câu kết với các địa chủ có thế lực nhất ở nông thôn, lợi dụng sự lỏng lẻo hay những kẽ hở trong chính sách quản lý làng xã của Nhà nước phong kiến để thao túng làng xã.
3. Nạn cường hào không chỉ gây tai hoạ cho người nông dân mà còn cản trở, nhiều khi vô hiệu hoá việc nắm làng xã của Nhà nước phong kiến, làm cho tình hình nông thôn không ổn định, nhiều khi diễn biến phức tạp.
4. Ít ra là từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Nhà nước phong kiến đã có ý thức được hậu quả của tệ nạn cường hào và đưa ra được những giải pháp nhằm hạn chế, khắc phục tệ nạn ấy, song thiếu tính đồng bộ và cụ thể nên hiệu quả chưa cao.
5 .Từ thực tế của nạn cường hào làng xã thời phong kiến cho thấy, việc định ra tiêu chuẩn, bảo đảm quyền lợi, quy định trách nhiệm, quyền hạn của các chức viên trong bộ máy quản lý làng xã cũng như giám sát các hoạt động của họ đi kèm với các biện pháp chế tài cụ thể thông qua các văn bản pháp luật là rất cần thiết. Nói một cách khác là “quản lý bộ máy quản lý làng xã’, tăng cường hiệu lực của pháp luật, mở rộng dân chủ ở nông thôn, giải quyết tốt mối quan hệ giữa luật và tục, giữa hành chính và tự quản… có một vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế sự “tha hóa quyền lực” của các chức viên trong bộ máy quản lý làng xã. Đây là những bài học kinh nghiệm của lịch sử trong việc chống nạn cường hào mà chúng ta cần xem xét đối với việc đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp xã, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, phục vụ việc quản lý xã hội nông thôn hiện nay.
B.X.Đ (Theo tap chi Nha nuoc va phap luat so 11/2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét