Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ LỤC BÁT



         
Lục bát là thể thơ cổ truyền đặc trưng Việt Nam. Vốn sinh ra từ nơi mái rạ, bờ tre, giếng nước, sân đình, lục bát gần gũi với lối sống, nếp nghĩ thật thà chất phác của người nông dân nên là loại thơ nôm na dễ hiểu, dễ nhớ. Nó bám rễ, ăn sâu vào đời sống tinh thần của người Việt tự thuở xa xưa, giống như chèo cổ, quan họ, rối nước, đàn bầu… những văn hóa dân gian có tự ngàn đời, không một loại văn hóa cung đình hay văn hóa ngoại lai nào đồng hóa được.
          Người Việt Nam vốn vị tình nên lục bát cũng là một thể thơ vị tình. Những điệu dân ca Bắc bộ, Quan Họ, những làn hát chèo như giao duyên, cò lả, mời trầu.. đã tựa hẳn lòng vào cái nền thơ sáu tám. Ông cha ta tự ngàn xưa đã hát Xẩm, hát rong bằng lục bát để khóc cười thái thế nhân tình.

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

BÀI VIẾT CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU THÁI DOÃN HIỂU

          
Khoảng đầu năm 2005 nhà biên tập Thái Doãn Hiểu từ thành phố Hồ chí Minh ra Bắc, ông có về qua Thái Bình gặp và lấy tư liệu để viết về thơ Đỗ Trọng Khơi và thơ Nguyễn Long. Ông bảo đang làm tập Thi nhân Việt Nam hiện đại. Ông dự kiến chọn được gần 200 cây bút thơ từ thời chống Pháp đến nay của cả nước để đưa vào tập. Ở Thái Bình có hàng trăm cây bút thơ nhưng ông chỉ chọn giới thiệu hai người. Cuối năm 2007 ông điện ra nói đã viết xong bài về thơ mình và sắp xuất bản tập Thi nhân VN và gửi cho mình bài viết này. Sau đó nghe nói tập sách của ông đã được xuất bản nhưng mình chưa được nhìn thấy lần nào. Nay mới có thời gian tập hợp và đưa bài viết của ông lên blog.
          Mình làm thơ tay trái, thơ phú lại phọt phẹt mà được một nhà nghiên cứu biên tập có uy tín như ông biết đến lại đưa lên sách nữa thì lấy làm may mắn và biết ơn tác giả nhiều nhiều lắm. (NGUYỄN LONG)


THÁI DOÃN HIỂU

THƯỜNG DÂN LO NỖI KIẾP LÀNG

         
Nhà biên tập THÁI DOÃN HIỂU
Bước sang thế kỷ XXI, từ quê lúa Thái Bình, Nguyễn Long đã rất ấn tượng khi trình chính giữa làng thơ bằng tất cả vẻ độc đáo không lẫn vào ai của mình. Anh chơi khá hay, độc một điệu lục bát, độc một đề tài làng quê và người quê. Nguyễn Long giống như một cây đàn độc huyền sành điệu.
          Nguyễn Long, Long là rồng. Một con rồng thơ lạ đang vút lên sau lũy tre làng.

          * * *
         
          Nguyễn Long tâm sự với chúng tôi: Anh sinh ra và lớn lên ở làng quê. Tuổi thơ nửa ngày đi học, nửa ngày chăn trâu cắt cỏ, bốc bùn. Học xong cấp 3 (PTTH) trường huyện là vào thẳng ngay quân ngũ. Chiến đấu ở chiến trường Bắc Quảng Trị, Tây Nguyên bốn năm, mặc áo lính đeo quân hàm thiếu úy, sau chuyển ngành về công tác ở bộ Giao thông vận tải 8 năm. Đang học dở đại học Giao thông năm thứ tư thì bỏ sang Đức học nghề và kiếm tiền 10 năm. Năm 1988 về nước làm báo ở tạp chí Văn nghệ Thái Bình cho tới khi nghỉ hưu.
          Về cuộc sống gia đình anh có hai con một trai, một gái. Bố là nhà báo Nguyễn Văn ở Thái Bình đã nghỉ hưu (mất đầu năm 2013). Mẹ là nông dân nhưng mê đọc truyện Kiều và truyện Tầu. Các anh chị em trong gia đình đều là công nhân viên chức nhà nước nhưng say mê văn chương, nhà có năm người là hội viên Hội VHNT Thái Bình. Bản thân Nguyễn Long cũng mê văn chương từ nhỏ, nhưng ngoài 40 tuổi mới chuyên chú tới thơ. Lý do cũng đơn giản: Trước đó chỉ viết báo tay trái bởi nghĩ văn chương là thứ cao siêu không dám động vào. Sau đọc văn chương cả nước, thấy quá nhiều văn thơ dở, tự nhủ mình làm được hơn thế và mới cầm lấy bút.

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

TƯ DUY CỦA NGƯỜI VIỆT

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Nguyễn Công Hoan trong hồi ký Đời viết văn của tôi(1971) có nhiều đoạn tự thú về sự làm bừa làm bậy đã xẩy ra trong đời mình. Đại khái ông kể là lúc ra học tiểu học ở Hà Nội cần giấy khai sinh, nhưng ngại về làng bên Bắc Ninh làm tận gốc, liền nhờ ông chủ nhà trọ làm hộ. Ông này bảo hai người bạn làm chứng, rồi kiếm cành cau với vài hào bạc đưa lý trưởng Hàng Trống. Vài ngày sau, ông Kép Tư Bền trong văn chương tương lai có ngay tấm giấy khai sinh và nghiễm nhiên thành người sinh ở Hà Nội.

Câu chuyện được kể chỉ cốt để phô ra một tình trạng gian dối phổ biến trong sinh hoạt đương thời. Như một thứ thỏa thuận ngầm, mọi người chia sẻ một cách sốngthực giả tùy tiện . Không ai buồn quan tâm tới sự chính xác của các con số, không muốn và không có nhu cầu hiểu biết thực thụ về chính mình cũng như hoàn cảnh quanh mình. Một thứ khinh bạc bất cần đời bao trùm cả xã hội.