Trong 31 năm ở cương vị Thủ tướng Singapore, ông đã biến nước này từ một hòn đảo lạc hậu, thiếu cả nước sinh hoạt thành một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới.
Đã có rất nhiều những lời ca ngợi ông từ các chính khách, các nhà kinh tế v.v và ông cực kỳ xứng đáng với những lời ca ngợi đó. Nhiều lãnh đạo các nước đã đến Đại sứ quán Singapore ở nước mình, nghiêng mình trước ảnh ông và nghiêng mình là phải.
Ngày 24/03, Báo “Lenta.ru” cũng đã có bài viết điểm lại những thời kỳ cơ bản trong tiến trình biến Singapore thành một “ phép màu kinh tế” của cuộc đời ông. Xin giới thiệu với bạn đọc và có bổ sung thêm, phần trong ngoặc đơn là phần bổ sung của người dịch.
Trước thời điểm tuyên bố độc lập năm 1965, Singapore là một đất nước nhỏ và nghèo, phải nhập khẩu thậm chí cả nước ngọt và vật liệu xây dựng. Mối quan hệ với các nước láng giềng lúc ấy cũng rất phức tạp (Malaysia đóng cửa thị trường đối với Singapore, còn Inđônexia thì gần như tuyên bố chiến tranh), nạn tham nhũng làm tê liệt gần như toàn bộ bộ máy quyền lực.
“Năm 1959, khi tôi trở thành Thủ tướng, thu nhập bình quân đầu người dân là 400 đô la (Mỹ). Năm 1990, khi tôi nghỉ hưu, mức thu nhập bình quân đạt mức 12.200 đô la (Mỹ), còn vào năm 1999, con số trên là 22.000 đôla (Mỹ), Lý Quang Diệu đã viết như vậy trong cuốn sách của ông (tạm dich): “Lịch sử Singapore. Từ thế giới thứ ba – đứng trong hàng ngũ các nước thế giới thứ nhất” .
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. |
Lý Quang Diệu và Đảng “Hành động nhân dân” do ông sáng lập đã tập trung sự quan tâm và các nguồn lực của mình để hiện thực hóa các dự án dài hạn được soạn thảo dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài.
Những nhiệm vụ chủ yếu được xác định là phát triển nghành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ học vấn cho công dân, xây dựng nhà ở giá rẻ, biến quốc đảo Singapore tại một đầu mối của Châu Á.
Chính nền sản xuất định hướng xuất khẩu đã là động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế. Tiêu chí chủ yếu là khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mục tiêu là hiện đại hóa công nghiệp và những cải cách xã hội.
Xuất phát từ những định hướng như trên, từ năm 1973, nhà nước bắt đầu tìm mọi cách khuyến khích triển khai các dự án khác nhau trong các ngành kinh tế mới nhất lúc đó như hóa dầu, chế tạo máy, công nghiệp điện tử.
Để duy trì năng lực cạnh tranh cao, căn cứ vào năng lực của các công ty mới thành lập và khả năng cạnh tranh của các xí nghiệp đang hoạt động, nhà nước cắt giảm hoặc thậm chí cắt hẳn khoản đầu tư tài chính cho các công ty và xí nghiệp đó.
Thêm một đặc điểm nữa liên quan đến vấn đề này, tại nước Singapore mới các công ty nhà nước không được nhận được bất kỳ một ưu tiên hoặc ưu đãi nào, họ họ hoạt động và cạnh tranh bình đẳng với các xí nghiệp tư nhân. Điều kiện chủ yếu để các công ty tồn tại là khả năng cạnh tranh, và kèm theo đó, dĩ nhiên,- là lợi nhuận.
Bằng cách đó, Chính phủ Singapore đã loại trừ tận gốc căn bệnh hoạt động không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như loại trừ một trong những nguyên nhân của vấn nạn tham nhũng, - một “ vấn nạn” mà trước khi Đảng “ Hành động nhân dân “ lên nắm quyền đã là một trong những “quốc nạn “ chủ yếu ở Singapore. Để loại trừ tham nhũng, nước này đã áp dụng những biện pháp đặc biệt cứng rắn.
Lý Quang Diệu được coi là tác giả của câu nói nổi tiếng về các biện pháp chống tham nhũng: “ Hãy bắt đầu từ việc tống giam 03 người bạn của anh. Anh biết rất rõ là (tống giam họ) vì cái gì, và họ cũng biết là vì cái gì”.
Bên cạnh hệ thống luật pháp chống tham nhũng cứng rắn, lương của các quan chức lãnh đạo và bộ trưởng cũng được tăng nhằm mục đích loại trừ cái cớ để nhận một khoản hối lộ nào đấy.
Ưu tiên tính hiệu quả, đấu tranh kiên quyết chống tham nhũng, cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thế giới của Singapore đã làm cho nước này gần như hoàn toàn loại trừ các hiện tượng “con ông cháu cha”, cài cắm người thân và con cháu vào bất kỳ một vị trí quyền lực quan trọng nào.
Trên thực tế chính quyền Singapore là chính quyền trọng dụng nhân tài, khi mà một người nào đó chỉ có thể được nhận một vị trí lãnh đạo quan trọng nếu anh thực sự có cống hiến và có tài năng.
Chính phủ Lý Quang Diệu đặc biệt quan tâm đến vấn đề cân đối ngân sách. Từ khi Đảng “Hành động nhân dân" lên nắm quyền, một kỷ luật ngân sách cứng rắn luôn được tuân thủ. Chính phủ làm mọi cách để ngân sách không bị thâm hụt.
Để giải quyết nhiệm vụ này, Chính phủ Singapore kiên quyết từ chối các khoản vay nợ và các cam kết nợ, thay vào đó là ưu tiên cho đầu tư nước ngoài. Singapore là nước đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện chính sách thu hút rộng rãi vốn nước ngoài, nhờ vậy mà đã hiện đại hóa một cách hiệu quả nền công nghiệp của mình.
Các công ty lớn nhất trên thế giới đến Singapore đã xây dựng các nghiệp có hàm lượng vốn và hàm lượng chất xám cao, mang đến nước này các công nghệ cao.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Singapore áp dụng một chính sách thuế rất linh hoạt và chính sách tri ân (vinh danh) thực sự những công ty nước ngoài đã góp phần tích cực vào sự phát triển của Singapore.
Trong thập kỷ đầu tiên đến những năm 1970, các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước hoạt động trong các ngành công nghiệp ưu tiên (các ngành tiên phong của quốc đảo này lúc đó được xác định là công nghiệp chế biến dầu, đóng tàu, công nghiệp dệt) được miễn thuế thu nhập 5 năm, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu và trang thiết bị.
Nhờ những chính sách trên mà chỉ từ năm 1965 đến năm 1970, đầu tư nước ngoài vào công nghiệp Singapore đã lên đến trên 4 tỷ đô la Singapore.
Chính sách thu hút đầu tư như vậy đã cho phép nước này trong một thời gian rất ngắn xây dựng được các ngành kinh tế mũi nhọn, và chính các ngành này sau đó đã tạo động lực mạnh cho tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Cho đến nay, Singapore vẫn là nước hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm 2010, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Singapore đạt con số 38,6 tỷ đô la (Mỹ), bằng 48,8% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước ASEAN.
Đường lối thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp nước ngoài đã đưa tới kết quả là trong nửa sau những năm 80, Singapore, mặc dầu không có dầu, nhưng đã trở thành trung tâm hóa dầu và buôn bán dầu lớn nhất Đông Nam Á.
Singapore đã trở thành một quốc gia hàng đầu trong công nghiệp đóng tàu và sản xuất các sản phẩm điện tử.
Năm 1981, Chính phủ Singapore đã xác định giai đoạn phát triển công nghiệp tiếp theo với yêu cầu xây dựng một cơ sở hạ tầng hiện đại nhất tầm cỡ quốc tế, một tổ hợp giao thông kết nối, hỗ trợ và bổ sung cho nhau và dịch vụ hậu cần - bến bãi (logistic) hiệu quả.
Ai cũng biết chính một dịch vụ hậu cần bến bãi phát triển và hiện đại đã là một nhân tố quan trọng quyết định thành công của một thành phần rất quan trọng trong hoạt động kinh tế đối ngoại của Singapore – thương mại tái xuất khẩu.
Cải cách thành công trong lĩnh vực xã hội – đây là một đặc điểm nữa của tiến trình hiện đại hóa Singapore.
Lãnh đạo đất nước Singapore đã giải quyết thành công các vấn đề xã hội của quốc đảo. Thứ nhất, đó là cơ bản giải quyết xong được nạn thất nghiệp (đây từng là vấn đề nghiêm trọng của Singapore - năm 1960, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 13,5%). Nhờ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và môi trường đầu tư hấp dẫn nên nhiều công ty xuyên quốc gia đã đặt cơ sở sản xuất của mình tại Singapore và kết quả là là tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Singapore.
Cũng nhờ đó mà vấn đề giáo dục cũng được giải quyết thành công: nền sản xuất công nghệ cao đòi hỏi trình độ chuyên môn cao đã tạo động lực khuyến khích người lao động nâng cao trình độ nghề nghiệp và học vấn.
Đã có những dự án lớn tài trợ đào tạo sinh viên ở nước ngoài, chính quyền Singapore đã thành công trong việc làm cho người dân Singapor coi trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp là những phẩm chất danh giá nhất trong xã hội.
Kết quả của những cải cách mà Chính phủ Singapore đã tiến hành là đến cuối thế kỷ XX, Singapore đã từ một cựu thuộc địa nghèo khổ của Đế quốc Anh trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất Châu Á (Các tổ chức xếp hạng có uy tín trên thế giới luôn xếp Singapore trong top 3 nước đứng hàng đầu thế giới về trình độ giáo dục, chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng cuộc sống, mức độ minh bạch (không tham nhũng) và mức độ toàn cầu hóa nền kinh tế).
Những cải cách cứng rắn, một mặt đã biến Singapore thành một quốc gia “cảnh sát hóa” nhất trên thế giới (để có thể bỏ tù một thành viên nào đấy của băng “Tam Hoàng “ chỉ cần 3 người làm chứng được giữ bí mật danh tính. Có thể tạm giam nghi can không xét xử đến 2 năm, áp dụng án tử hình đối với tội danh vận chuyển ma túy, sử dụng hình thức phạt đánh roi và v.v), nhưng mặt khác đã nâng cao mức sống của người dân - mức sống đó cao hơn mức sống trung bình của người dân tất cả các quốc gia Đông Âu, cũng như các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết.
Có lẽ, trong các nhân tố làm nên thành công của Singapore, ngoài các cải cách kinh tế và các ưu đãi cho doanh nghiệp còn có một nhân tố nữa - đó là giá trị cốt lõi của xã hội.
Tại đất nước đã không có những giáo điều, mà chỉ lấy chủ nghĩa thực dụng thông thái làm nguyên tắc hành động.
(Để kết luận, xin trích lời của Cựu Tổng thư lý LHQ K.Annan: “Có lẽ Singapore là nước duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công giấc mơ của các nước đang phát triển – từ thế giới thứ ba đứng vào hàng ngũ những nước thuộc thế giới thứ nhất” - Ông Lý Quang Diệu đã lấy câu nhận xét này đặt tên cho cuốn sách của mình như đã nói ở phần đầu).
- Lê Hùng (dịch và bổ sung)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét