Trang

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Nguyễn Bích Lan, phép màu sống trong chờ đợi


Hơn hai mươi năm chờ đợi, nhưng không có sự kỳ diệu nào của y học giúp cho Lan vượt qua được bệnh tật để sống một cuộc sống bình thường. Sự sa sút và đớn đau thân thể lúc nào cũng dồn cô về phía cái chết. Nhưng nghị lực, trí thông minh và nhất là tình yêu cuộc sống và sự say mê học hỏi, sáng tác và làm việc là phép màu đã vực Lan dậy và chắp cho Lan đôi cánh để Lan làm được những điều kỳ diệu mà rất nhiều người khỏe mạnh bình thường cũng không làm được.



NGUYỄN LONG

Cô bé Lan bắt đầu sống trong chờ đợi từ cái tuổi còn vô tư  cắp sách tới trường. Hồi học cấp I trường làng, Lan là cô bé xinh xắn, khoẻ mạnh và học giỏi toàn diện, bao giờ cũng đứng nhất lớp. Lên cấp II cô được chọn vào lớp chuyên Văn trường huyện ở thị trấn Hưng Hà. Lan vừa bước sang tuổi 13 thì một căn bệnh như từ trên trời đổ xuống đầu. Một buổi sáng từ nhà đến trường, Lan bất ngờ cảm thấy hai đầu gối tê điếng và người ngã gục. Cú ngã cũng nhẹ nhàng, nhưng đầu gối cô cứ co gập lại và đôi chân cứng đơ không tự đứng dậy được. Những ngày sau đó cô lại vấp ngã nhiều hơn và người Lan cứ gầy dộc đi. Bố mẹ Lan đưa cô đi điều trị  mấy tháng khắp các bệnh viện ở Thái Bình mà bác sỹ vẫn bó tay, bệnh tình Lan vẫn không thuyên giảm. Sau đưa Lan lên Hà Nội, phải chuyển qua chuyển lại 14 bệnh viện. Cô không thể nhớ nổi mình đã bị rút bao nhiêu ống máu, chịu đau đớn mấy lần rút tuỷ, cắt thịt để làm những thí nghiệm đặc biệt. Một thạc sỹ ở bệnh viện Bạch Mai chuẩn đoán Lan bị chứng bệnh hiểm Loạn dưỡng cơ tiến triển. Trẻ em bị bệnh này có thể chết sớm do sẽ biến chứng qua tim. Điều đáng buồn là hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc và phương pháp đặc trị. Và ông an ủi mẹ con Lan: phải chờ đợi.

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Nguyễn Trọng Tạo – Viết gì cho hôm nay?
Trích…
Về nhà mở máy ra chả biết viết gì. Cái gì cũng đầy trên mạng. Chuyện chính trị ngồi đâu cũng dính vào, nhưng mở trang chủ của làng blog Việt thấy treo câu cấm đoán: CẤM BÀN CHUYỆN CHÍNH TRỊ. Thực ra chuyện chính trị thì bàn mãi không hết, chính trị ngày hôm trước đẻ ra chính trị ngày hôm sau. Càng bàn càng rối, càng thối đến nỗi trong bữa ăn có người còn kêu lên: đừng bàn chuyện đó nữa ăn mất ngon. Ngừng một lát, chuyển chủ đề một lát lại quay về chính chị chính em lúc nào không biết.

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

Dân thường Nguyễn Long: “Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân” (14/04/2010)

Trong cuộc thi thơ lục bát năm 2003 có bốn vạn bài thơ dự thi. Một  dân thường tên là Nguyễn Long ở  tỉnh Thái Bình dự thi bài Thường dân và được trao giải nhất.  Ngày ấy, người ta chuyền tay nhau bản phôtô để đọc. Tác giả của Thường dân trở thành nhân vật của “Hỏi chuyện một người dân”, nhưng không hề nói về thơ mà lại nói về Thường dân nguyên nghĩa.

+ Khi bài thơ “Thường dân” của ông  được trao giải nhất báo Văn nghệ trẻ, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, thành viên ban giám khảo cuộc thi có lời bình: “Bài thơ nói những điều ai cũng thấy, cũng biết mà không biết nói thế nào cho thành thơ và... không sai chính trị”. Theo ông, thường dân làm thế nào để nói về nỗi khổ của mình mà không sai chính trị?

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

RƯỢU MÁU

 Nguyễn Long

Truyện ngắn 

          Sau cuộc gia biến năm Đinh Dậu, Trần Liễu đã được gia phong là An Sinh Vương và cắt cho vùng Đông Triều, Yên Hưng làm thực ấp. Triều đình lại cấp cho nhiều tiền bạc xây dựng Yên Sinh trang uy nghi lộng lẫy chẳng kém gì thái ấp của vua để tĩnh dưỡng tinh thần. Ngày ngày quây quần với vợ đẹp con khôn, gấm vóc vàng bạc đầy nhà, sơn hào hải vị, rượu ngon đủ thứ mà ông sống vẫn không yên. Có ngày ông thẫn thờ ra nhớ vào quên như nguời mất trí. Có hôm tự dưng ông nổi đóa lên như một kẻ điên. Rồi chạy ra vó trường một mình múa kiếm, phóng đao huỳnh huỵch như đang đánh nhau với ai. Đánh chán lại gầm lên, rồi trợn mắt, nghiến răng lấy hết sức chém vào cây, đập vào đá cho tới khi kiếm chùn gậy gẫy, da tay rách nát bật máu, người khụy xuống ông mới chịu dừng. Những lúc như thế đám gia nhân sợ xanh mắt trốn biệt không ai dám ló mặt ra. Bọn đàn bà con gái thì ôm chặt lấy mấy đứa nhỏ đang kinh hãi khóc thét lên và rấm rứt khóc theo chúng. Chỉ có hai anh em Quốc Tung, Quốc Tuấn mới hơn mười tuổi là dám ở bên cha. Hai đứa chạy theo ông ra võ trường đứng nhìn ông giận dữ chém đập một mình. Hai đôi mắt ngây thơ hết nhìn cha rồi lại nhìn nhau ánh lên vẻ vừa sợ sệt vừa ngỡ ngàng. Khi ông gục xuống như cái xác không hồn, hai tay bê bết máu thì hai đứa cùng chạy lại vừa khóc vừa gọi cha ơi và mỗi đứa một bên nâng ông dạy. Lúc đó đám gia nhân mới ùa ra dìu ông về phòng. Phu nhân cùng mấy thị nữ vừa lau rửa, xoa bóp cho ông vừa sụt sùi trong tiếng nấc: “Mọi việc đã qua lâu rồi mà tướng công còn tự hành hạ thân xác mình mãi cho khổ”. Ông nằm như người chết, lặng im không trả lời. Cái chuyện ấy nhiều lúc ông cũng cố quên đi cho vợ con, nhà cửa được yên hàn. Nhưng càng muốn quên ông lại càng hay nghĩ tới nó. Lúc ấy người ông tự dưng nóng bừng lên, xương tủy như có kim châm, kiến đốt. Đúng là mọi việc đã qua hơn hai năm rồi mà nhiều khi ông tưởng như mới hôm qua…

Thư Tổng thống Mỹ gửi thày giáo Hiệu trưởng

Thư Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln
Viết gửi cho thầy hiệu trưởng ngôi trường, nơi con trai ông theo học. Bức thư này được in vào trang đầu cuốn giáo án của các thầy cô dạy lớp đầu cấp – kể cả tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học – làm bài giảng nhập môn. Bức thư ấy như sau:
Kính thưa thầy…
Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này. Rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết: cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó, sẽ có một con người chính trực; bên cạnh một chính trị gia ích kỷ, sẽ xuất hiện một nhà lãnh đạo tận tâm.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với năm đôla nhặt được trên hè phố…
Xin hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất…
Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống; đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh.
Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Xin hãy tạo cho cháu có ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là không đúng…
Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chạy theo thời thế.
Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp mà thôi.
Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã… Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.
Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn của mình.
Xin hãy dạy cho cháu biết ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét… và đứng thẳng người bảo vệ lẽ phải.
Xin hãy đối xử với cháu dịu dàng nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu, bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên những thanh sắt cứng rắn. Hãy giúp cháu có can đảm biểu lộ sự thiếu kiên nhẫn và có đủ kiên nhẫn để biểu lộ sự can đảm.
Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.
Ðây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình… con trai tôi là một cậu bé tuyệt vời.